Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Xá Lợi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BA MƯƠI TÁM
PHẨM XÁ LỢI
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Trong cõi Diêm Phù Đề, một phần cúng dường kim thân Xá Lợi Phật, một phần ghi chép giữ gìn bát nhã Ba la mật.
Hai phần ấy ông muốn lấy phần nào?
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chọn lấy bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì đối với Xá Lợi con chẳng có tâm kiêu mạn, chẳng phải chẳng cung kính, chẳng cúng dường, nhưng vì thân Chư Phật đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra, Xá Lợi chư Như Lai đều nhờ bát nhã Ba la mật làm nhân duyên mà được cúng dường.
Xá Lợi Phất hỏi Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Bát nhã Ba la mật là pháp vô tướng đệ nhất, không cần hộ trì, không thể thấy được, không ngăn ngại nhất tướng. Nhất tướng tức Vô tướng.
Tại sao ông muốn giữ gìn?
Giữ gìn bát nhã Ba la mật cũng chẳng trú vào nơi sinh, cũng chẳng trú vào nơi tăng giảm, chẳng trú vào nơi hy vọng, chẳng trú vào nơi không hy vọng, cũng chẳng xả bỏ pháp phàm phu, chẳng giữ gìn pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng chẳng bỏ pháp thế tục, cũng chẳng giữ gìn pháp vô vi, cũng chẳng bỏ pháp hữu vi, chẳng giữ gìn nội ngoại không và hữu vô không, cũng chẳng giữ gìn ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, trí nhất thiết mà có sự giúp đỡ vậy.
Tại sao ông muốn giữ gìn?
Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Đúng như vậy, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Phải biết bát nhã Ba la mật đối với Phật Pháp không có sự giúp đỡ. Ở trong pháp phàm phu cũng không xả bỏ. Người biết như vậy gọi là hành trì bát nhã Ba la mật, gọi là ở trong sáu pháp Ba la mật, như nhau không khác.
Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Thích Đề Hoàn Nhân: Lành thay, lành thay!
Đúng như lời ông nói. Bát nhã Ba la mật đối với sáu pháp Ba la mật không có hai chỗ vào. Vì bát nhã Ba la mật và sáu pháp Ba la mật không phải hai sự việc.
Này Câu Dực! bát nhã Ba la mật và pháp tánh cũng không hai, sáu pháp Ba la mật và cứu cánh cũng không hai, không thể nghĩ bàn.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chư Thiên và loài người nên làm lễ bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì đại Bồ Tát từ trong bát nhã Ba la mật mà thành Phật.
Bạch Thế Tôn! Ví như con dùng các Thiên Tử hội họp an vui ở cung điện chính, các Thiên Tử đến đó đều làm lễ con. Nếu con không ở tại đó thì các Thiên Tử cũng làm lễ tại chỗ ngồi của con, rồi đi quanh một vòng, xong tự ra khỏi chỗ cũ. Vì ở đó là nơi nhận lãnh lời dạy bảo.
Nếu thiện nam, thiện nữ nào biên chép, họ trì bát nhã Ba la mật, giảng giải nghĩa lý cho người nghe thì khắp mười phương Chư Thiên, loài Rồng, Quỷ, Thần, A Tu La, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già đều làm lễ bát nhã Ba la mật, nhiễu quanh rồi từ giã.
Vì sao?
Vì chư Như Lai đều từ đây sinh ra. Trong thế gian loài người được hạnh phúc an lạc đều từ đây sinh ra. Xá Lợi Chư Phật, hạnh nguyện các Bồ Tát đều ở trong trí nhất thiết, nhờ đây được gần gũi nhận lãnh giáo lý.
Vì công dụng như vậy nên trong hai phần con chọn lấy bát nhã Ba la mật để thọ trì, đọc tụng. Con thọ trì bát nhã Ba la mật, nếu khi Phật Pháp muốn đoạn diệt thì con cũng chẳng lo sợ.
Vì sao?
Vì không bao giờ chẳng tưởng niệm, vì bát nhã Ba la mật vô tướng, vô hình, không thể chứng đắc. Sáu pháp Ba la mật cho đến trí nhất thiết đều vô tướng, vô hành, vô hình, không thể thấy. Nên gọi bát nhã Ba la mật là pháp Vô tướng, chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác ở trong vô hành, vô đắc, vô tướng thành Chánh Đẳng Giác.
Bạch Thế Tôn! Vì bát nhã Ba la mật vô tướng nên chúng đệ tử thuyết pháp cũng vô tướng, vô đắc, vô hành, thành Chánh Đẳng Giác. Cho nên Chư Thiên, loài Người, Rồng, Quỷ, Thần đều cung kính phụng hành, dùng các thứ hương hoa, tràng phan, lọng báu cúng dường bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, tu tập bát nhã Ba la mật hoặc là dùng hương hoa để cúng dường, những người ấy quyết chắc không đọa vào ba đường ác, không đi vào A La Hán, Bích Chi Phật Đạo mà chỉ thành Chánh Đẳng Giác, sinh vào các chỗ không gặp tai nạn, thường thấy Phật, không xa lìa Cõi Phật, ở các Cõi Phật, đem hương hoa báu vật cúng dường Chư Phật. Dầu cho xálợi thân Phật đầy khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đi nữa, trong hai vật báu con chọn bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn, vì Xá Lợi từ trong bát nhã Ba la mật sinh ra nên được cúng dường như vậy.
Thiện nam, thiện nữ do việc cúng dường thoát khỏi ba đường ác, được phước sinh vào Cõi Trời, loài người. Đối với ba thừa giáo tùy theo ước nguyện đều được độ thoát.
Bạch Thế Tôn! Người biên chép bát nhã Ba la mật rồi trông thấy Kinh ấy giống như thấy Phật, không có sai khác.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn, vì Như Lai cùng với bát nhã Ba la mật giống nhau không sai khác. Giống như Đức Thế Tôn dùng ba đức giáo hóa bằng mười hai Bộ Kinh so với thiện nam, thiện nữ biên chép thọ trì bát nhã Ba la mật rồi dạy bảo người, giống nhau không sai khác.
Bạch Thế Tôn! Đức Phật dùng ba pháp giáo hóa bằng mười hai Bộ Kinh đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Lại nữa, Thế Tôn và Chư Phật ở mười phương dùng ba pháp giáo hóa bằng mười hai Bộ Kinh, so với thiện nam, thiện nữ dùng bát nhã Ba la mật dạy người khác thì phước đức đó giống nhau không sai khác.
Vì sao?
Vì ba pháp giáo hóa bằng mười hai Bộ Kinh ở Chư Phật đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ cúng dường hằng hà sa Chư Phật ở mười phương các thứ y phục, hương hoa, so với người cúng dường bát nhã Ba la mật thì phước dức hai người giống nhau không sai khác.
Vì sao?
Vì Chư Phật ở mười phương đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào thọ học, đọc tụng, tu tập và hành trì bát nhã Ba la mật thì người ấy nhất định không đọa vào ba đường ác, không đi vào địa vị A La Hán đạo, Bích Chi Phật Đạo, chỉ trụ vào sự không thoái chuyển.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn, vì người thọ học bát nhã Ba la mật sẽ xa lìa tất cả các bệnh tật.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào biên chép, giữ gìn, đọc tụng bát nhã Ba la mật và dùng các thứ hương hoa, tràng phan, lọng báu để cúng dường thì phải biết người ấy được xa lìa mọi sợ hãi.
Bạch Thế Tôn! Giống như người thiếu nợ, thường ôm lòng sợ hãi, nếu được quen biết với Nhà Vua thì không còn sợ hãi, vì nương vào chỗ tôn quý. Như Xá Lợi Đức Thế Tôn đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra mà được cúng dường. Nên biết, bát nhã Ba la mật là Vua, Xá Lợi Như Lai là người thiếu nợ, nhờ nương vào bát nhã Ba la mật mà được an ổn.
Bạch Thế Tôn! Nên biết nhất thiết chủng trí đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra, cho nên trong hai vật báu, con chọn bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì thân Như Lai từ bát nhã Ba la mật sinh ra, ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại Sĩ, mười lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra. Năm Ba la mật kia cũng đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra, đạt được danh tự trí nhất thiết của Như Lai đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Bạch Thế Tôn! Trong tam thiên đại thiên Thế Giới, có người đọc tụng, thọ trì, tu tập, cung kính lễ bái, dùng hương hoa cúng dường bát nhã Ba la mật, nếu có người hoặc phi nhân, nhất định không tìm được chỗ sơ hở của họ. Tất cả chúng sinh đó đều được pháp giải thoát.
Bạch Thế Tôn! bát nhã Ba la mật có oai thần lớn làm cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều làm Phật sự.
Bạch Thế Tôn! Chỗ nào có bát nhã Ba la mật, nên biết, chỗ đó đã có Phật. Giống như trong thế gian chỗ nào có vật báu ma ni vô giá, người và phi nhân không tìm được chỗ để hại. Thiện nam, thiện nữ nào bị bắt, nếu cầm ngọc ma ni.
Người, phi nhân thấy ngọc ma ni, không chịu đựng được oai lực đó liền bỏ đi. Thiện nam, thiện nữ bị bệnh nóng lạnh, cầm ngọc ma ni đến, bệnh liền thuyên giảm. Ở trong chỗ tối, cầm ngọc ma ni thì được sáng rỡ. Lúc nóng cầm ngọc ma ni liền được mát mẻ.
Lúc lạnh cầm ngọc ma ni liền được ấm áp. Ở chỗ nào có ngọc ma ni thì các sự độc hại đều được tiêu trừ. Thiện nam, thiện nữ nào bị độc rắn, tiếp xúc ngọc ma ni, độc liền tan biến, người ấy được lành mạnh. Bạch Thế Tôn, ngọc ma ni có năng lực như vậy.
Thiện nam, thiện nữ nào hoặc mắt bị mù, các căn đau đớn, thân thể sưng phù có mụt nhọt, thấy ngọc ma ni, các bệnh đều được khỏi hẳn.
Bạch Thế Tôn! Ngọc ma ni này có năng lực như vậy. Nếu bỏ vào nước, nước liền trong vắt theo màu ngọc ma ni.
Bạch Thế Tôn! Nếu đem nhiều thứ lụa nhiều màu sắc để vào trong nước, lại đặt ngọc ma ni vào nước vẫn trong sáng như màu ngọc.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan hỏi Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Theo ông đã nói, ngọc ma ni là bảo vật ở Cõi Trời hay cõi thế gian?
Thích Đề Hoàn Nhân đáp: Tôi đã nói về ngọc ma ni là báu vật ở Cõi Trời. Ở thế gian cũng có ngọc ma ni chẳng phải chỉ là báu vật ở Cõi Trời, nhưng năng lực ấy không bằng Cõi Trời, năng lực ấy chẳng thể dùng thí dụ để so sánh. Tôi đã nói báu vật ấy, nếu để vào trong cái hộp hoặc cái hòm thì ánh sáng ấy chiếu xuyên ra bên ngoài. Chính vì vậy mà ánh sáng ngọc ma ni sáng rỡ khắp nơi.
Nếu có người biên chép, thọ trì bát nhã Ba la mật thì chỗ ở của người đó không bị các hoạn nạn. Chỗ người đó ở giống như chỗ có ngọc ma ni, có vô lượng công đức so với công đức của năm pháp Ba la mật, trí nhất thiết, nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, pháp tánh, chân tế, như, trí nhất thiết không thể nghĩ bàn.
Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Xá Lợi được cúng dường, nhất thiết chủng trí đoạn tận các tập khí phiền não, thường phải giữ gìn, bảo hộ chẳng quên các pháp. Trí nhất thiết là khí cụ của các pháp, cho nên Xá Lợi chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác được tôn kính cúng dường. Xá Lợi là báu vật của bát nhã Ba la mật, Ba la mật không đoạn diệt, không đắm trước. Ba la mật không đoạn diệt, không đắm trước.
Ba la mật không sinh, không diệt. Ba la mật cũng chẳng đắm trước, cũng chẳng phải chẳng đắm trước. Ba la mật không sinh không diệt. Ba la mật chẳng thích hợp, cũng chẳng phải chẳng thích hợp. Ba la mật chẳng nâng lên cũng chẳng hạ xuống.
Ba la mật chẳng đến chẳng đi chẳng dừng lại, cho nên Xá Lợi chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác được cúng dường. Xá Lợi là khí cụ của các pháp Ba la mật, nhờ nơi các pháp Ba la mật mà hợp thành, nên Xá Lợi được cúng dường.
Bạch Thế Tôn! Không những Xá Lợi Như Lai có khắp tam thiên đại thiên Thế Giới mà dầu cho đầy cả hằng hà sa Thế Giới đi nữa con cũng chọn bát nhã Ba la mật. Vì Xá Lợi Như Lai đều từ trong đây sinh ra, nên được cúng dường.
Nếu có thiện nam, thiện nữ cung kính cúng dường Xá Lợi thì được sinh vào Cõi Trời, được phước ở loài người, được sinh vào dòng họ cao quý, dòng Sát Lợi, Phạm Chí, Trưởng Giả, được sinh vào tầng Trời thứ nhất, được công đức và phước báu ở tầng Trời thứ sáu.
Được phước đức như vậy nhờ nơi việc làm lành, thoát khỏi các khổ nạn. Nếu lại thọ trì cúng dường bát nhã Ba la mật thì được đầy đủ năm pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, được năng lực vượt qua địa vị A La Hán, Bích Chi Phật, trụ ở địa vị Bồ Tát.
Được thần thông tự tại từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, tùy theo cảm ứng đều được giáo hóa. Hoặc sinh vào dòng họ cao quý, dòng Sát Lợi, Phạm Chí, Trưởng Giả, tùy theo phong tục tập quán mà được giáo hóa.
Bạch Thế Tôn! Con chẳng vì kiêu mạn, chẳng cung kính thừa sự, chẳng phải chẳng muốn giữ gìn Xá Lợi.
Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào cung kính thừa sự bát nhã Ba la mật tức là đã cúng dường Xá Lợi chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác.
Bạch Thế Tôn! Người nào muốn thấy vô số Chư Phật hiện tại ở mười phương cần phải thọ trì đọc tụng, tu tập bát nhã Ba la mật, rồi dạy bảo cho người làm theo như vậy. thiện nam, thiện nữ ấy được thấy vô số Chư Phật hiện tại ở mười phương. Vì thiện nam, thiện nữ cúng dường bát nhã Ba la mật nên được pháp của Chư Phật.
Bạch Thế Tôn! Nếu muốn gặp chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thì thiện nam, thiện nữ cần phải thọ trì bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Lại có hai pháp. Đó là pháp hữu vi và pháp vô vi.
Sao gọi là pháp hữu vi?
Đó là trí hiểu rõ về nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bốn vô ngại tuệ, bốn vô sở úy, mười lực, mười tám pháp bất cộng. Trí hiểu rõ về pháp ác, pháp thiện. Trí hiểu rõ về hữu lậu, vô lậu. Trí hiểu rõ về pháp chân đế, tục đế.
Sao gọi là pháp vô vi?
Đó là pháp chẳng sinh, chẳng diệt, pháp trụ, pháp bất trụ, cũng không sai khác. Chẳng đắm trước, chẳng đoạn diệt, chẳng tăng, chẳng giảm. Đó là các chân pháp.
Sao gọi là chân pháp?
Không thật có là chân pháp, cũng gọi là vô vi pháp.
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Đúng như vậy! Quá khứ chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều nhờ bát nhã Ba la mật mà thành Phật. Chúng đệ tử cũng do đây được thành tựu, quả vị Tu Đà Hoàn cho đến A La Hán, Bích Chi Phật.
Hiện tại và trong tương lai, chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác cũng nhờ nơi bát nhã Ba la mật mà thành Phật. Chúng đệ tử cũng do đây thành tựu quả vị Tu Đà Hoàn cho đến A La Hán, Bích Chi Phật. Vì ba thừa đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Tuy sinh ra ba thừa, cũng không sinh, không tưởng niệm, không đắm trước, không đoạn diệt, cũng không có. Cũng chẳng thích ứng, cũng chẳng phải chẳng thích ứng. Chẳng phải chuyển động cũng chẳng phải chẳng chuyển động. Chẳng giữ lấy cũng chẳng xả bỏ. Chỉ theo tục pháp, không lấy chánh yếu. Vì bát nhã Ba la mật chẳng ở chỗ này, chẳng ở chỗ kia.
Chẳng ở giữa dòng nước, chẳng ở ven bờ sông. Chẳng thành đôi, chẳng đơn chiếc. Chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng. Chẳng phải chân đế, chẳng phải tục đế. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Chẳng phải thiện chẳng phải ác. Chẳng phải quá khứ, hiện tại, đương lai.
Vì sao?
Này Câu Dực! bát nhã Ba la mật chẳng giữ pháp Phật, chẳng giữ pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng chẳng xả bỏ pháp phàm phu.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bát Nhã Ba la mật là pháp cứu độ rộng lớn nhất. Vì đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, biết rõ tất cả tâm ý chúng sinh, cũng không có chúng sinh, cũng không có chỗ thấy biết, cũng chẳng thấy năm ấm, sáu căn. Không có sáu trần, cũng chẳng có duyên khởi.
Cũng chẳng có ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng. Cũng chẳng thấy đạo, cũng chẳng có đạo pháp. Cũng chẳng thấy Phật, cũng chẳng thấy Phật Pháp… vì bát nhã Ba la mật chẳng lệ thuộc chỗ nào cả.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật không hình, không thể thấy, huống nữa là có chỗ lệ thuộc.
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Như ông đã nói, vị đại Bồ Tát ngày đêm hành trì bát nhã Ba la mật còn chẳng thấy đạo huống chi đạt đến sự hành của Bồ Tát.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì vị đại Bồ Tát chỉ hành trì bát nhã Ba la mật chẳng hành trì những gì ngoài Ba la mật.
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Bồ Tát hành trì rốt ráo sáu pháp Ba la mật, cũng chẳng ỷ lại cũng chẳng có vật bố thí, chẳng có người nhận, chẳng có người trao. Chẳng có trì giới, chẳng có phạm giới. Chẳng có nhẫn nhục, chẳng có sân hận, chẳng có tinh tấn, chẳng có biếng nhác.
Chẳng có thiền định, chẳng có tán loạn. Chẳng có trí tuệ, chẳng có ngu si. Bát nhã Ba la mật là hạnh đệ nhất của Bồ Tát. Trong bát nhã Ba la mật có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Vì muốn đầy đủ năm pháp Ba la mật, nên Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, thấy các pháp đều không có chỗ dựa vào. Từ năm ấm cho đến trí nhất thiết đều là các pháp không có chỗ dựa vào.
Thí như cõi Diêm Phù Đề có các giống cây tốt, nhiều màu sắc, nhiều cành lá, nhiều loại hoa quả màu sắc khác nhau nhưng bóng mát của thân cây, đốt cây, cành, lá, hoa quả đều không có sự sai khác.
Này Câu Dực! Năm pháp Ba la mật cho đến trí nhất thiết đều ở trong bát nhã Ba la mật, nhưng chẳng phải không có sự sai biệt, không có sự tùy thuộc phần nào.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đầy đủ các công đức.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đầy đủ vô lượng, vô số các công đức.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đầy đủ tất cả công đức các pháp.
Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì bát nhã Ba la mật, rồi biên chép Kinh quyển, rồi dùng hương hoa, tràng phan, lọng báu cúng dường hoặc có người biên chép bát nhã Ba la mật làm thành quyển Kinh rồi truyền trao cho người khác thì phước đức có nhiều không?
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Nay ta hỏi ông, theo đó tùy ý trả lời!
Nếu có thiện nam, thiện nữ cúng dường toàn thân Xá Lợi, hoặc là đem một phần Xá Lợi nhỏ như hạt cải trao cho người khác bảo họ cúng dường thì phước đức nhiều bao nhiêu?
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Như con đã từng nghe Thế Tôn dạy: Thiện nam, thiện nữ nào cúng dường toàn thân Xá Lợi, hoặc là đem một phần thân Xá Lợi nhỏ như hạt cải trao cho người khác bảo họ cúng dường thì phước đức rất nhiều.
Bạch Thế Tôn! Như con đã nhiều lần thấy rõ sự thật này, Như Lai trụ ở Kim cang tam muội tự hại thân mình thành Xá Lợi nhỏ như hạt cải, nếu ai cúng dường, nhất định người ấy nhận được vô lượng phước đức, chấm dứt hết khổ.
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Người nào cúng dường bát nhã Ba la mật bằng cách biên chép thọ trì Kinh quyển rồi truyền trao cho người thì phước đức rất nhiều.
Này Câu Dực! Nếu thọ trì bát nhã Ba la mật, lại dạy bảo cho người hiểu rõ nghĩa lý phân biệt rõ ràng từng phần một thì thiện nam, thiện nữ ấy được phước đức nhiều hơn so với người làm việc cúng dường như trên đã nói. Nên biết ở trong Hiền Thánh, bát nhã Ba la mật là tôn quý nhất nên xem người ấy như Phật Thế Tôn.
Vì sao?
Vì thấy bát nhã Ba la mật là thấy Đức Thế Tôn. Thế Tôn tức là bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật tức là Thế Tôn. Cho nên, trong ba đời chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra mà đạt thành Phật.
Trí các Bậc Hiền thánh và Bồ Tát không thoái chuyển đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra mà được thành Phật. Các bậc Thanh Văn cũng từ bát nhã Ba la mật sinh ra mà được thành A La Hán, Bích Chi Phật. Các vị phát tâm Bồ Đề cũng từ trong bát nhã Ba la mật mà được phước đức Bồ Tát.
Này Câu Dực! thiện nam, thiện nữ nào muốn thừa sự cúng dường Chư Phật hiện tại, nên cúng dường bát nhã Ba la mật.
Phật dạy: Ta đã phụng trì, thừa sự cúng dường bát nhã Ba la mật và làm các việc như trên cho đến thành Phật, ở địa vị tôn quý nhất.
Ai là tôn quý để có thể thừa sự cúng dường?
Từ trên Cõi Trời cho đến nhân gian, vượt ra ngoài Tam giới, không còn ai có địa vị tôn quý hơn nữa ư?
Ta lại suy nghĩ: Ta vốn từ bát nhã Ba la mật mà đạt đến quả vị Phật. Bát nhã Ba la mật là sự tôn quý của ta, cho nên ta phải cung kính cúng dường bát nhã Ba la mật.
Này Câu Dực! Ta cúng dường bát nhã Ba la mật, không bao giờ xa lìa. Việc làm của ta đều thực hành từ bát nhã Ba la mật. Thiện nam, thiện nữ nào muốn chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Giác nên cúng dường, thọ trì, phụng hành bát nhã Ba la mật. Vì các vị đại Bồ Tát đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Này Câu Dực! Thiện nam, thiện nữ nào hành trì giáo pháp ba thừa đều nên thọ trì, đọc tụng, biên chép bát nhã Ba la mật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Việc độ Người
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Hai Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười Ba - điện Chuyển
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhật Nguyệt - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Ba đường, Ba Thừa - Phần Một