Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bốn Mươi Hai - Phẩm địa Ngục

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI HAI

PHẨM ĐỊA NGỤC  

Xá Lợi Phất bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát hiểu bát nhã Ba la mật từ đâu đến sinh ở thế gian này mà phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có thời gian bao nhiêu?

Cúng dường bao nhiêu Đức Phật Như Lai?

Tu hành sáu pháp Ba la mật bao nhiêu thời gian?

Vì sao hiểu rõ bát nhã Ba la mật đến chỗ nghĩa lý sâu xa?

Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát đã cúng dường mười phương chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, từ đó đến thế gian này. Đại Bồ Tát này từ khi phát tâm cho đến nay trải qua vô số kiếp không thể đếm được, tu hành sáu pháp Ba la mật cũng không thể đếm được, đến ở thế gian này, từ đó đến nay không thể đếm được, thường cúng dường Chư Phật mà sinh đến thế gian này.

Khi các vị Bồ Tát này thấy bát nhã Ba la mật như thấy Thế Tôn, hoặc khi nghe bát nhã Ba la mật như nghe lời nói của Thế Tôn. Vị Đại Bồ Tát này hiểu rõ bát nhã Ba la mật đến chỗ sâu xa, không dùng tưởng để nhập vào, không dùng hai để nhập vào mà không có ỷ lại.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật có thể thấy nghe được không?

Phật dạy: Không có thể thấy nghe được.

Vì sao vậy?

Này Tu Bồ Đề, bát nhã Ba la mật cũng không phải sự thấy, cũng không phải sự nghe. Bát nhã Ba la mật không có chỗ nghe cũng không có chỗ thấy. Vì các pháp đâu có thể nghe, thấy. Năm ấm cũng không thấy, không nghe. Vì các pháp đâu có thể thấy, nghe.

Nội ngoại không và hữu vô không không có chỗ nghe cũng không có chỗ thấy. Vì các pháp đâu có thể nghe, thấy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực và mười tám pháp bất cộng của Phật không có chỗ thấy cũng không có chỗ nghe. Vì các pháp đâu có thể nghe thấy.

Này Tu Bồ Đề! Đạo và Phật cũng không có chỗ thấy, cũng không có chỗ nghe. Vì các pháp đâu có thể nghe thấy.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Vị Đại Bồ Tát học bát nhã Ba la mật đến bao lâu mới tương ưng với bát nhã Ba la mật?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Việc này phải nên phân biệt.

Này Tu Bồ Đề! Có sự kiện này làm cho Bồ Tát vừa phát tâm liền hiểu rõ vào bát nhã Ba la mật: Dùng phương tiện quyền xảo không thấy các pháp có thịnh và suy, hoàn toàn không phỉ báng các pháp, hoàn toàn không xa lìa sáu pháp Ba la mật, không xa lìa Chư Phật Thế Tôn.

Người muốn trồng các căn lành như cúng dường mười phương Chư Phật Thế Tôn liền được ý nguyện, từ cõi này sang cõi khác, nhưng không bị thọ sinh trong bào thai mẹ, luôn luôn không xa lìa năm thần thông, không gần gũi các trần cấu, cũng không thân cận Thanh Văn, Bích Chi Phật mà giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật. Bồ Tát hành như vậy là đi sâu vào bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Lại có thiện nam, thiện nữ hành đạo Bồ Tát được vô số A tăng kỳ Chư Phật ủng hộ, thực hành sáu pháp Ba la mật mà có ỷ lại nên nghe nói đến sự sâu xa của bát nhã Ba la mật thì liền xả bỏ. Những Bồ Tát ấy lại sinh tâm kiêu ngạo nên xa lìa Chư Phật Thế Tôn thì không được nghe pháp bát nhã Ba la mật sâu xa.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Người không thích nghe bát nhã Ba la mật sâu xa nay cũng đang ngồi trong hội này.

Vì sao?

Vì thiện nam, thiện nữ này khi nghe hành Bồ Tát đạo, từ xưa nghe bát nhã Ba la mật sâu xa mà không thích rồi bỏ đi, nhờ vậy nên hiện nay được nghe sâu xa vào bát nhã Ba la mật, không thích lại muốn bỏ đi. Cùng thân, khẩu, ý không hòa. Tích chứa tội không trí tuệ.

Do tội nặng này làm ngược lại bát nhã Ba la mật sâu xa. Người làm ngược lại bát nhã Ba la mật sâu xa là chống cự lại trí nhất thiết của Chư Phật trong ba đời. Do tội nghịch lại trí nhất thiết nên đoạn trí nhất thiết.

Vì tội đoạn trí nhất thiết nên đọa vào địa ngục nung nấu đến vô số trăm ngàn năm, từ địa ngục này ra đến địa ngục khác. Khi lửa đốt vào thời kiếp tận, lại đọa trong đại ngục lớn ở phương này hết kiếp, sẽ từ trong địa ngục này lại đến địa ngục ở phương khác, hết kiếp, sẽ bị từ trong địa ngục này lại đến ở trong địa ngục khác nữa, đi khắp địa ngục ở các phương như vậy.

Vì tội đoạn pháp này nên sinh đến địa ngục ở đây, chịu tội trong địa ngục rất đau đớn, đến kiếp tận lại đọa trong loài súc sanh ở phương khác, lần lượt đọa trong loài súc sanh khắp mười phương như vậy. Từ trong loài súc sanh ra lại đọa vào nhà lửa, mang thân quỷ đói rất cực hình. Như vậy mãi rất lâu sau đó mới được sinh làm người.

Sinh đến chốn nào luôn luôn sinh trong nhà mù tối, hoặc sinh trong nhà giết người, hoặc sinh nhà bắt cá, sinh nhà làm đồ tể, nhà hạ tiện, nhà ăn xin, hoặc mù, hoặc điếc, hoặc không tay chân, hoặc câm ngọng không nói được, hết chịu tội này rồi lại sinh chỗ biên địa hạ tiện, nơi không có Phật, không có Pháp, không có Tăng. Người đoạn trừ pháp này đều phải chịu tội đầy đủ như trên.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Người đoạn trừ pháp này là thuộc về tội ngũ vô gián?

Phật dạy: Tội đoạn pháp như vậy không nói hết được.

Khi người khác thuyết bát nhã Ba la mật này, lại ngăn bằng lời: Đây chẳng phải luật, chẳng phải giáo lý tôn kính của Thế Tôn dạy. Đây chẳng phải lời của Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác.

Tự mình không tu học lại ngăn cấm làm cho người khác xa lìa. Tự hại ý mình, lại hại ý người khác. Tự mình làm tâm ý bị khổ, lại làm cho tâm ý người khác khổ. Tự mình mất đi, lại làm người khác mất đi. Tự mình không hiểu sâu vào bát nhã Ba la mật mà bỏ đi, lại dạy cho người khác làm cho họ xa lìa.

Này Xá Lợi Phất! Với những người này còn không nghe âm thanh của họ huống chi cùng làm việc, cùng ở chung.

Vì sao?

Nên biết những người này là kẻ rất nguy hiểm ở trong Phật Pháp, nên biết người này đọa ở chốn tối tăm. Nếu ai nghe bọn người này nói mà tin theo, cũng bị tội không lường được.

Này Xá Lợi Phất! Người đoạn trừ bát nhã Ba la mật nên biết là bị bệnh nặng trong Phật Pháp.

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Những người phỉ báng pháp, sinh ở chốn nào mà chịu thân hình ra sao, xin Ngài nói cho biết?

Phật dạy: Hãy để sự việc thọ thân hình của những người hủy báng qua một bên.

Vì sao?

Vì người này vừa nghe việc ấy thì thân họ bị chết ngất. Người ấy ưu sầu, hoặc bệnh, hoặc chết, hoặc bị dày vò dằn vặt mà chịu tội đau đớn đến chết. Nếu giả sử không có tội ấy thì Thế Tôn không bảo Xá Lợi Phất hỏi câu hỏi đó. Có những kẻ phải chịu thân thể đau đớn đến như vậy nên Như Lai không nói cho Xá Lợi Phất biết.

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nên nói người thọ thân hình của người đoạn pháp này.

Bạch Thế Tôn! Lời nói ấy sẽ làm sáng tỏ cho đời sau.

Phật dạy: Ta đã dạy những kẻ phỉ báng và đoạn pháp, có thể chịu tội xoay vần đọa trong địa ngục luân chuyển nhiều kiếp số, chịu loài súc sanh, thân hình chịu loài quỷ đói. Lại có vô số chịu thân người mù, điếc, câm, ngọng, hạ tiện… để làm ngọn đèn sáng tỏ cho đời sau. Vì người đã nghe pháp này rồi thì không dám đoạn pháp, phỉ báng.

Xá Lợi Phất thưa: Những thiện nam, thiện nữ đều suy nghĩ: Con nghe lời nói đó, tâm rất lo sợ, con không dám làm các việc ấy, trọn đời con không dám làm đoạn pháp và phỉ báng như kẻ ấy. Nếu con phỉ báng thì đọa vào chốn ác xứ chịu khổ như vậy.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn, những thiện nam, thiện nữ thường nên hộ trì thân, khẩu, ý thường suy nghĩ: Chúng ta không nên chịu tội phá hoại đó, sẽ bị không được thấy Như Lai, không thấy pháp, không thấy Chúng Tăng, hoặc sinh ở chỗ không có Phật, hoặc đọa vào nhà nghèo khổ, hoặc sinh ở chỗ không được nghe chánh pháp.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Do khẩu nghiệp nên chịu tội phá hoại pháp rất nặng phải không?

Phật dạy: Do miệng nói lỗi nên liền bị tội phá hoại rất nặng.

Này Tu Bồ Đề! Ở đời vị lai, hoặc có người ngu làm Sa Môn, đối với giáo pháp ta dạy lại phỉ báng, xa lìa bát nhã Ba la mật sâu xa. Người phỉ báng xa lìa bát nhã Ba la mật sâu xa là đã phỉ báng đạo của chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Người phỉ báng đạo của Như Lai là phỉ báng xa lìa trí nhất thiết của Chư Phật trong ba đời.

Người đã phỉ báng trí nhất thiết thì xa lìa pháp, thì xa lìa Tăng. Người xa lìa Tăng thì xa lìa chánh kiến. Ở thế gian người đã xa lìa chánh kiến thì xa lìa ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trí nhất thiết. Người đã xa lìa trí nhất thiết thì thân chịu tội đến vô số kiếp không thể đếm được.

Người chịu tội về thân đó, thì phải chịu buồn rầu khổ vô số kiếp không thể đếm được.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Người ngu si xa lìa bát nhã Ba la mật sâu xa thì có bao nhiêu việc?

Phật dạy: Có bốn việc:

1. Bị ma sai khiến.

2. Không tin, không hiểu rõ vào pháp, không thương mến, không ưa thích.

3. Thân cận bạn ác, nên không thuận theo bát nhã Ba la mật mà lại bám vào năm ấm.

Do ba việc ấy nên xa lìa pháp sâu xa.

1. Người ngu si nhiều sân hận, ưa việc cống cao mắng chửi người khác.

Do bốn việc này người ngu si xa lìa bát nhã Ba la mật sâu xa.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bát nhã Ba la mật sâu xa rất khó hiểu.

Vì sao?

Vì hiểu không đúng pháp, không tùy thuận với gốc thiện, gần gũi với bạn ác.

Phật dạy: Đúng vậy! Tu Bồ Đề, đúng như lời ông đã nói.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật sâu xa rất khó hiểu, khó biết?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Năm ấm không trói, không mở.

Vì sao?

Vì sắc, sắc tự có tánh. Thọ, thọ tự có tánh. Tưởng, tưởng tự có tánh. Hành, hành tự có tánh. Thức, thức tự có tánh. Sáu pháp Ba la mật không trói cũng không mở.

Vì sao?

Vì sự có của sáu pháp Ba la mật là không thật có, nội ngoại không và hữu vô không, cũng trói cũng mở.

Vì sao?

Vì nội ngoại không không trói, cũng không mở.

Vì sao?

Vì nội ngoại không cũng không có sự có.

Này Tu Bồ Đề! Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp của Phật cho đến trí nhất thiết không trói, cũng không mở.

Vì sao?

Vì sự có đều không thật có. Năm ấm ở quá khứ không trói, cũng không mở.

Vì sao?

Vì các ấm quá khứ là không, nên quá khứ không buộc không mở.

Này Tu Bồ Đề! Cho đến trí nhất thiết ở quá khứ không trói cũng không mở.

Vì sao?

Vì trí nhất thiết ở quá khứ là không.

Này Tu Bồ Đề! Năm ấm ở vị lai không trói, cũng không mở.

Vì sao?

Vì đời vị lai năm ấm cũng là không. Cho đến trí nhất thiết cũng lại như vậy.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Hiểu không đúng pháp, tùy thuận không hợp với gốc thiện, gần gũi với bạn ác, người biếng nhác không phát sinh trí tuệ thì tâm ý bị nhiễu loạn, những người này không thể được bát nhã Ba la mật sâu xa.

Phật dạy: Như lời ông nói, những người này không thể hiểu và nói bát nhã Ba la mật sâu xa.

Này Tu Bồ Đề! Năm ấm tịnh thì đạo tịnh, vì đạo tịnh nên đắc quả tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Năm ấm tịnh thì bát nhã Ba la mật tịnh, bát nhã Ba la mật tịnh thì năm ấm tịnh. Vì năm ấm tịnh thì trí nhất thiết tịnh, trí nhất thiết tịnh thì năm ấm tịnh. Năm ấm cùng trí nhất thiết là một, không hai, không phá, không hoại.

Này Tu Bồ Đề! Năm ấm không hai tịnh, trí nhất thiết không hai tịnh, một pháp không hai, chúng sinh, tri kiến, tuổi thọ, mạng sống cùng tịnh. Chúng sinh tịnh, trí nhất thiết tịnh. Một tịnh không có hai tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Ngã tịnh, trí nhất thiết tịnh. Tri kiến, tuổi thọ, mạng sống tịnh. Thì năm ấm, trí nhất thiết tịnh. Không có hai, cũng không đoạn, không phá.

Này Tu Bồ Đề! Dâm, nộ, si, năm ấm và trí nhất thiết một tịnh không có hai tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Si tịnh, si đã tịnh thì hành tịnh. Hành đã tịnh thì thức tịnh. Thức đã tịnh thì danh, sắc tịnh. Danh sắc tịnh thì lục nhập tịnh. Lục nhập đã tịnh thì xúc tịnh. Xúc đã tịnh thì giác tịnh. Giác đã tịnh thì ái tịnh. Ái đã tịnh thì thọ tịnh. Thọ đã tịnh thì hữu tịnh. Hữu đã tịnh thì sinh tịnh, sinh đã tịnh thì tử tịnh. Tử đã tịnh thì sáu pháp Ba la mật tịnh.

Sáu pháp Ba la mật đã tịnh thì nội ngoại không và hữu vô không tịnh. Hữu vô không đã tịnh thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo tịnh. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo tịnh thì trí nhất thiết tịnh. Trí nhất thiết tịnh, đó là một tịnh không có hai tịnh, không có phá cũng không có hoại.

Này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật tịnh, năm ấm tịnh, trí nhất thiết tịnh, một tịnh, không có hai tịnh. Năm pháp Ba la mật tịnh, trí nhất thiết tịnh, nội ngoại không và hữu vô không tịnh, trí nhất thiết tịnh. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo tịnh, trí nhất thiết tịnh. Mười tám pháp bất cộng tịnh, trí nhất thiết tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Trí nhất thiết tịnh cho đến bát nhã Ba la mật tịnh không có sai khác.

Này Tu Bồ Đề! Hữu vi tịnh và vô vi tịnh là một tịnh không có hai tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Quá khứ tịnh, hiện tại tịnh, vị lai tịnh. Quá khứ, hiện tại, vị lai tịnh là một tịnh không có hai tịnh, cũng không phá hoại cũng không đoạn diệt. Thế nên là tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần