Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Năm Mươi Tám - Phẩm Thậm Thâm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM MƯƠI TÁM
PHẨM THẬM THÂM
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát không thoái chuyển, có công đức đầy đủ không thể nói hết.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng vậy, Bồ Tát không thoái chuyển có công đức lớn không thể nói hết. Vì Bồ Tát có trí tuệ vô ngại, vô hạn, các A La Hán, Bích Chi Phật không thể sánh bằng. Bồ Tát không thoái chuyển trụ trong tuệ này liền được thần thông. Chư Thiên, nhân loại không thể sánh kịp.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phải trải qua hằng sa kiếp khen ngợi công đức, hành động tướng mạo đầy đủ của Bồ Tát không thoái chuyển.
Bồ Tát thể nhập an trụ vào trí tuệ thâm sâu, thực hành sáu pháp Ba la mật, đầy đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo và trí nhất thiết, có thể nhờ đó làm cho mọi người biết được công đức của Đại Bồ Tát không thoái chuyển không?
Phật dạy: Lành thay, lành thay! Ông khéo hỏi chỗ thâm áo của Bồ Tát không thoái chuyển. Chỗ thâm áo đây là không, vô tướng, vô nguyện, vô sở hữu, vô sinh diệt, từ các nhiễm mà nói lên Niết Bàn thanh tịnh, nói về Như, về tịch diệt, về pháp tánh, chân tế. Các pháp thâm áo này đều là biểu tượng của Niết Bàn.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nói như vậy chỉ có Niết Bàn là thâm áo, còn các giáo pháp khác không phải là thâm áo sao?
Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Thâm áo cũng là các giáo pháp vậy.
Này Tu Bồ Đề! Năm ấm là thâm áo, sáu trần là thâm áo, cho đến đạo cũng là thâm áo.
Này Tu Bồ Đề! Tại sao năm ấm là thâm áo?
Năm ấm như như, do đó thâm áo, cũng là đạo như. Vì vậy năm ấm là thâm áo, đạo cũng là thâm áo.
Thế nào là như như?
Như không phải là năm ấm, cũng không xa lìa năm ấm. Như chẳng phải là đạo, cũng không xa lìa đạo.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát không thoái chuyển thật là kỳ diệu, thâm áo vi diệu như vậy. Diệt trừ năm ấm là Niết Bàn, các pháp thuộc đạo hay thế tục, thuộc sở tác hay vô tác. Hữu lậu hay vô lậu đều phải diệt trừ hết thì mới là Niết Bàn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đối với pháp bát nhã Ba la mật sâu xa vi diệu, Đại Bồ Tát nên ghi nhớ hoặc thọ trì, an trụ tâm niệm vào giáo pháp bát nhã Ba la mật, sự học cũng theo giáo pháp bát nhã Ba la mật.
Như vậy, Bồ Tát đầy đủ như giáo pháp bát nhã Ba la mật. Bồ Tát thọ trì, nhớ nghĩ đầy đủ như vậy sẽ được vô lượng công đức căn lành, diệt trừ được khổ trong vô lượng kiếp sinh tử, huống chi là hết lòng hộ trì, thực hành bát nhã Ba la mật là pháp tương ứng vơi đạo.
Ví như người tánh tình ham muốn phóng túng, hẹn với cô gái xinh đẹp, nhưng cô gái ấy có việc không đến chỗ hẹn đúng lúc.
Ý ông nhưng ghĩ thế nào?
Trong thời gian cô gái chưa đến thì người nam kia có bao nhiêu ý tưởng phát sinh?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát phụng hành bát nhã Ba la mật đúng như pháp ấy, nhất tâm trong một ngày không thoái chuyển thì dứt trừ được khổ trong nhiều kiếp. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật trong một ngày được công đức thiện căn còn nhiều hơn Bồ Tát chỉ thực hành bố thí trong hằng hà sa kiếp.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Bồ Tát cúng dường Tam Bảo trong hằng hà sa kiếp được phước đức nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều, không thể đếm được.
Phật dạy: Vẫn không bằng phước đức của Bồ Tát nghĩ và thực hành bát nhã Ba la mật chỉ trong một ngày đúng như lời bát nhã Ba la mật dạy. Công đức này không thể đếm được.
Vì sao?
Vì Bồ Tát nhờ đó mà mau thành tựu Chánh Đẳng Giác.
Này Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật trải qua hằng hà sa kiếp tạo công đức cúng dường các bậc Tu Đà Hoàn, A La Hán, Bích Chi Phật cho đến Chánh Đẳng Giác, ý ông thế nào?
Người đó được công đức nhiều không?
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Phật dạy: Vẫn không bằng phước đức của Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đúng như pháp ấy, công đức đó không thể đếm được. Vì Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật thì hơn hẳn A La Hán, Bích Chi Phật, từ địa vị Bồ Tát thành tựu được Chánh Đẳng Giác.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát trải qua hằng sa kiếp thực hành sáu pháp Ba la mật, phước đức ấy nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Phật dạy: Vẫn không bằng phước đức của Bồ Tát theo lời dạy của bát nhã Ba la mật, chỉ trong một ngày thực hành sáu pháp Ba la mật, công đức đó không thể tính đếm được.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật là mẹ của các Đại Bồ Tát, an trụ trong bát nhã Ba la mật thì đầy đủ tất cả Phật Pháp.
Này Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, trải qua hằng sa kiếp thực hành pháp thí, theo ông, công đức của Bồ Tát đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Phật dạy: Vẫn không bằng công đức pháp thí của Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật chỉ trong một ngày đúng như pháp ấy dạy, công đức đó không thể đếm được. Vì Bồ Tát không xa lìa bát nhã Ba la mật thì không xa lìa trí nhất thiết. Bồ Tát muốn được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì không nên xa lìa bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có phải năm ấm không thể lường, không thể đếm, không thể giới hạn không?
Phật dạy: Đúng vậy!
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Do đâu mà năm ấm không thể lường, không thể đếm, không thể giới hạn?
Phật dạy: Năm ấm là không thể đếm, không thể lường được.
Tu Bồ Đề thưa: Chỉ có năm ấm là không còn các pháp khác không phải là không hay sao?
Phật dạy: Trước đây ta chẳng nói các pháp là không hay sao?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn cũng nói các pháp là không. Không cũng là không cùng tận, không thể đếm, không thể lường, không thể đo được tướng. Bạch Thế Tôn, nghĩa pháp này không thể đếm được.
Phật dạy: Đúng như lới ông nói. Vì các pháp không thể đắc được. Phật nói bao nhiêu cũng không thể đắc được. Pháp này là không, vô tướng, vô nguyện, vô sở hữu, vô sở sinh. Đó là tịch diệt Niết Bàn, là Như Lai vô tận cho đến Niết Bàn.
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu chưa từng có. Con đã từng nghe pháp không sự chứng đắc của Thế Tôn dạy, các pháp như lời Thế Tôn nói cũng không thể chứng đắc.
Do các pháp không thể chứng đắc, không cũng không thể chứng đắc, nghĩa không thể chứng đắc có tăng giảm không?
Phật dạy: Không có tăng giảm.
Tu Bồ Đề thưa: Sáu pháp Ba la mật cũng không có tăng, giảm. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng không có tăng, giảm. Tám giải thoát, bốn vô ngại tuệ, bốn tâm vô lượng, mười tám pháp bất cộng, mười lực, bốn vô sở úy của Phật cũng không tăng, không giảm.
Tu Bồ Đề thưa tiếp: Bạch Thế Tôn! Nếu pháp này từ sáu pháp Ba la mật cho đến bốn vô sở úy. Nếu có tăng, có giảm thì không thành tựu vô thượng bồ đề.
Phật dạy: Đúng vậy! Pháp không thể được, cũng không tăng, không giảm.
Nếu thực hành bát nhã Ba la mật hoặc nghĩ đến bát nhã Ba la mật, hoặc tu tập phương tiện quyền xảo của bát nhã Ba la mật, cũng không nghĩ rằng tôi được tăng sáu pháp Ba la mật hay bị giảm sáu pháp Ba la mật, mà nên nghĩ thế này: Chỉ có danh tự nên có sáu pháp Ba la mật mà thôi, đem tâm niệm, ý nghĩ, thiện căn này, hồi hướng quả vô thượng bồ đề, đúng như các pháp.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô thượng bồ đề, là như của các pháp?
Bạch Thế Tôn, những gì là tướng như của các pháp, gọi là vô thượng bồ đề?
Phật dạy: Tướng như của năm ấm, của Niết Bàn là vô thượng bồ đề. Tướng như ấy cũng không tăng, không giảm, vì Bồ Tát không xa lìa bát nhã Ba la mật lại càng tinh tấn thực hành bát nhã Ba la mật, cũng không thấy các pháp có tăng, có giảm. Vì vậy, pháp không thể chứng đắc, cũng không tăng không giảm.
Này Tu Bồ Đề! Sáu pháp Ba la mật cũng không tăng không giảm, cho đến bốn Vô ngại trí cũng không tăng, không giảm. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật nên nghĩ rằng không tăng, không giảm.
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thành tựu vô thượng bồ đề là dùng tâm đầu tiên hay dùng tâm sau cùng mà thành.
Tâm đầu tiên và tâm cuối cùng đều chẳng phải là một, thì làm sao thiện căn hợp nhau được mà thành tựu vô thượng bồ đề?
Bạch Thế Tôn! Tâm chẳng phải là một thì làm sao thành tựu công đức, mà không thành tựu công đức thì không thành tựu Bồ Đề?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta sẽ vì ông mà nói ví dụ, những người có trí nhờ ví dụ mà hiểu rõ vấn đề.
Ý ông thế nào?
Ví như tim đèn mới đốt là nhờ ngọn lửa ban đầu hay là ngọn lửa lúc sau mà nó cháy được.
Khi tim đèn cháy sáng là do ngọn lửa ban đầu hay do ngọn lửa lúc sau?
Tu Bồ Đề thưa: Không phải dùng ngọn lửa ban đầu, cũng không phải rời ngọn lửa ban đầu để cháy. Không phải dùng ngọn lửa lúc sau, cũng không phải rời ngọn lửa lúc sau mà nó cháy sáng.
Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát không dùng tâm ban đầu cũng không rời tâm ban đầu mà thành Chánh Đẳng Giác. Bồ Tát không dùng tâm sau cũng không rời tâm sau mà thành Chánh Đẳng Giác.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật là thực hành từ khi mới phát tâm cho đến khi lên địa vị Thập trụ, thành tựu Chánh Đẳng Giác.
Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là từ Thập trụ đến thành tựu Chánh Đẳng Giác?
Phật dạy: Trước tiên nhờ Trí địa, quán địa mới thành tựu Chánh Đẳng Giác. Từ bát bối quán địa, bạt địa, ly dục địa, dĩ biện địa, Bích Chi Phật địa, Chánh Đẳng Giác địa, Phật địa. Hoàn thành Phật địa rồi thì thành Chánh Đẳng Giác.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Sự phát sinh mười hai nhân duyên là thâm áo, không do phát tâm ban đầu cũng không rời nhân duyên phát tâm ban đầu mà thành Chánh Đẳng Giác. Không do phát tâm lúc sau cũng không rời phát tâm lúc sau mà chứng đắc Chánh Đẳng Giác.
Phật bảo: Tu Bồ Đề, ý ông thế nào?
Ý đã diệt rồi có thể làm cho sinh lại được không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ý đã diệt rồi thì không sinh lại được nữa.
Phật bảo: Tu Bồ Đề! Ý đã sinh là vì pháp diệt phải không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thật là pháp diệt.
Phật dạy: Pháp đã diệt là diệt phải không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Như vậy là trụ vào đâu?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Trụ vào như như.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu như trụ vào chân tế sẽ trụ vào như như phải không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông thế nào?
Như là thâm áo phải không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng là thâm áo.
Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Như là ý phải không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Như không phải là ý.
Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Ý là rời Như chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Như thấy được như chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! như không thấy được như. Như cùng như không thấy nhau.
Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành như vậy có phải là thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thực hành như vậy là thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa.
Tu Bồ Đề thưa tiếp: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thực hành như vậy là thực hành pháp nào?
Phật dạy: Thực hành như vậy là thực hành mà không chỗ thực hành.
Vì sao?
Vì thực hành bát nhã Ba la mật là không có điều gì để thực hành.
Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Như là không có gì cũng không làm gì?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật là thực hành điều gì?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Đó là thực hành chỗ cứu cánh không có hai.
Phật hỏi: Thực hành chỗ cứu cánh là có bao nhiêu hành động và có tướng hành không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không có.
Phật hỏi: Vô tướng là niệm hữu tướng phải không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không.
Phật hỏi: Thế nào là niệm hữu tướng?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật cũng không niệm hữu tướng và vô tướng. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không có đủ mười Lực và mười tám pháp Bất cộng của Phật thì không thành tựu Chánh Đẳng Giác.
Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo đối với các pháp không nhớ nghĩ cũng không không nhớ nghĩ.
Vì sao?
Vì Bồ Tát biết tướng tất cả các pháp đều là không. Bồ Tát trụ ở pháp không vì chúng sinh mà thực hành ba tam muội, dùng ba tam muội để giáo hóa chúng sinh.
Bạch Thế Tôn, thế nào là ba tam muội của Bồ Tát?
Phật dạy: An trụ ở ba tam muội này là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện. Tất cả chúng sinh đều vướng mắc vào không, vô tướng, vô nguyện. Đại Bồ Tát làm an ổn giáo hóa chúng sinh bằng pháp không, vô tướng, vô nguyện, thực hành bát nhã Ba la mật. Bồ Tát dùng ba tam muội này để giáo hóa chúng sinh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Một - Kinh Tiểu Tụng - Chương Bốn - Nam Tử Hỏi ðạo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chánh Kiến
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ấm
Phật Thuyết Kinh Bất Không Quyến Sách Thần Biến Chân Ngôn - Phẩm Bảy Mươi Mốt - Phẩm Pháp Cầu Mưa
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kim Tỳ La
Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Năm - Phẩm Việc Của Như Lai
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Bốn