Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
PHẨM BA
QUÁN TƯỚNG
TẬP BỐN
Bấy giờ, các Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Dạ Xoa, Càn Thát Bà,… đều nhìn thấy ánh sáng ấy vòng quanh Phật một ngàn vòng, chiếu đến các cõi nước khắp mười phương, thấy rõ các cõi nước khắp mười phương, cao thấp lớn nhỏ, tất cả đều thấy rõ ràng giống như soi gương thấy rõ nét mặt của mình.
Các đại chúng ấy, tám vạn ức quyến thuộc của Ma Vương Ba Tuần, các Quỷ Thần, Trời, Rồng, Dạ Xoa… đều thấy lông trắng thẳng dài một trượng rưỡi, hiện rõ ở khắp mười phương, chiếu rọi vào mắt của các đại chúng như vạn ức mặt trời, không thể thấy hết, chỉ ở trong ánh sáng ấy, thấy vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức hóa Phật Thích Ca Văn, có lông trắng giữa hai chân mày dài một trượng rưỡi.
Trong mỗi sợi lông trắng của mỗi hóa Phật đều phóng ra vô lượng ánh sáng. Trong mỗi tia sáng lại có hóa Phật, mỗi hóa Phật này lại có tướng lông trắng giữa hai chân mày như vậy.
Trong mỗi đường vòng ánh sáng nơi tướng lông trắng này lại phóng các ánh sáng lên đến hết vầng trán Phật làm cho trán Phật trở nên rộng lớn bằng phẳng. Mỗi sợi lông trên trán đều lướt lên trên, dưới chân lông có màu ngọc ma ni Cõi Trời Phạm rất thích hợp với tâm chúng sinh.
Mỗi đầu sợi lông phát ra ánh sáng như màu nước vàng ròng nung chảy, tướng ánh sáng ấy hắt lên trên và nhập vào mép tóc, uyển chuyển rũ xuống hai bên vành tai, sau đó mới phân tán trở lên nhập vào giữa tóc, vòng quanh nhục kế trăm ngàn vòng, rồi phóng ra sau xương cổ, như cánh hoa sen bằng vàng ròng.
Mặt Trời chiếu soi đến liền nở tung ra, giữa những cánh và tua râu hoa sen như tòa đài của Đế Thích, hiện ra những màu sắc ấy lại có vô lượng hóa Phật, mỗi Đức Phật có bảy vị Bồ Tát và Chư Thiên theo hầu, tay cầm hoa báu trắng ngần, hoa tỏa ra năm ánh sáng có năm màu khác nhau. Các vị đứng hầu các hóa Phật luôn luôn không rời chỗ.
Đó là ánh sáng nơi tướng lông trắng lúc mới thành Phật của Như Lai. Nhờ ánh sáng nơi tướng lông trắng này mà khi đản sinh, Thái Tử có vầng ánh sáng sau quanh cổ. Khi đản sinh trong cung Vua, ánh sáng này như Mặt Trời, không thể nhìn thấy rõ được. Vầng ánh sáng rộng lớn một tầm sẽ nói riêng sau.
Khi ấy, tám bộ chúng nhìn thấy ánh sáng nơi tướng lông trắng, mỗi người thấy mỗi khác. Người thì thấy lông trắng giống như Chư Phật, người thì thấy lông trắng như các Bồ Tát, có người thì thấy lông trắng giống như cha mẹ của mình, tất cả thế gian đều rất tôn kính, đều được nhìn thấy rõ ràng tướng lông trắng.
Thấy rồi, ai ai cũng rất hoan hỷ, người thì phát tâm bồ đề vô thượng, người thì phát tâm Thanh Văn, Duyên Giác. Các quỷ thần thấy tướng lông trắng, tự nhiên phát khởi tâm từ không còn ác ý.
Đức Phật nói tiếp.
Thưa Phụ Vương! Lông trắng của Như Lai, từ khi mới đản sinh cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, những điều nhỏ nhiệm vi tế, Như Lai đều nhìn thấy.
Đến khi thành Phật rồi, các tướng ánh sáng nơi lông trắng đều đầy đủ như trong các Kinh, Phật đã giảng nói rõ ràng, ánh sáng nơi tướng lông trắng là cảnh giới hoàn hảo, chỉ có các Bồ Tát ở Địa thứ mười mới thấy được. Vì trước hết giảng nói những việc nhỏ, để ứng hợp với các chúng sinh nên nói việc này là dễ thấy.
Đức Phật nói với Vua cha và A Nan: Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ và giảng nói lại cho tất cả các đệ tử đời sau đều được hiểu rõ: Sau khi ta diệt độ, nếu các Tỳ Kheo có thưa hỏi: Bồ Tát thuở xưa tu hành hạnh gì mà có được tướng lông trắng này?
Các ông nên đáp rằng: Phật có được tướng lông trắng là do từ vô lượng kiếp tu tâm buông bỏ, không bỏn sẻn, không chấp về tướng đã qua, không nghĩ đến tiền tài vật chất, tâm không lệ thuộc, thực hành bố thí, dùng các phép tắc của thân tâm để giữ gìn oai nghi nơi thân, tuân giữ giới cấm như quý hai tròng mắt, tuy vậy, trong tâm luôn luôn rỗng lặng, tịch tĩnh, không hề thấy có sai phạm mà xả bỏ các tùy pháp, tâm an như đất không hề dao động.
Giả sử có một người dùng trăm ngàn mũi dao mỗ xẻ thân hình, lại giả sử có người dùng nhiều mũi nhọn đâm chích vào thân, Bồ Tát vẫn không hề có một mảy may tâm sân giận.
Giả sử lại có người đầu có một ngàn lưỡi, mỗi lưỡi nói ra hàng ngàn lời mắng nhiếc, nhục mạ, nét mặt Bồ Tát vẫn không hề thay đổi, giống như hoa sen thanh tịnh. Tâm không chấp thủ, thân tâm đều không biếng trễ, không mệt mỏi, ý tinh tấn như cứu lửa đang cháy trên đầu, lại như lỗ chân lông nơi thân mọc mụt ung nhọt na lợi, ngày đêm tinh tấn cầu thầy thuốc chữa trị.
Tâm không nhiễm ô như ngọc lưu ly trong ngoài đều tinh sạch, giữ thân hộ ý, nhắm mắt chắp tay, ngồi ngay ngắn lưng nhập vào thiền định, tâm như biển cả, rỗng rang không lay động, như núi kim cương, không thể phá hoại trở ngại. Tuy thực hành tâm ý như vậy nhưng không hề lệ thuộc theo thiền định, xả tâm diệt trí, không có đối tượng nào là khinh là trọng, cũng không thấy phép nào là giác quán hay chẳng phải giác quán.
Tâm trí luôn mạnh mẽ và thông lợi, bao gồm các phương tiện, không hề thấy có pháp nào lớn pháp nào nhỏ hay có tướng vi tế… tất cả các pháp nhiều như vậy đều gọi là Ba la mật. Lại nhờ công đức vi diệu của ba mươi bảy pháp trợ Bồ Đề, nhờ công đức của mười lực, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi và ba niệm xứ… mà có được tướng lông trắng này.
Sau khi ta diệt độ, nếu có đệ tử Phật từ bỏ các điều ác, xa lìa ồn náo, ưa thích pháp ít nói năng, không ôm đồm nhiều việc, ngày đêm sáu thời, mỗi thời phân thành nhiều phần nhỏ, trong mỗi phần nhỏ ấy, chỉ trong khoảng chốc lát, niệm về tướng lông trắng của Phật khiến cho tâm thấy rõ ràng, không hề tán loạn sai lầm.
Luôn luôn rõ ràng đúng đắn, chú tâm không dứt để niệm về tướng lông trắng, có thể thấy được tướng hảo cũng có thể không được thấy… những người như vậy tiêu trừ được các tội lỗi sinh tử trong bụi trần các kiếp nhiều như số cát trong chín mươi sáu ức vô số sông Hằng.
Lại nữa, nếu có người chỉ được nghe về tướng lông trắng mà tâm không kinh sợ nghi ngờ, hoan hỷ kính tin, người này cũng tiêu trừ được các tội lỗi sinh tử trong tám mươi ức kiếp.
Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di phạm bốn tội căn bản, những tội lỗi phi pháp và năm tội đại nghịch, chê bai Đại Thừa Phương Đẳng… những người như vậy, nếu muốn sám hối, phải ngày đêm sáu thời, thân tâm không biếng trễ, như người đi trong đám cây cỏ rậm, bốn phía đều nổi lửa, gió mạnh thổi đến sắp đốt cháy thân.
Người này nghĩ: Nếu lửa đốt cháy ta, thì khi chưa chết mà thân thể tay chân đã lìa tan, ta phải làm thế nào để dập tắt đám lửa này, nếu không có cách nào thì không thể cứu thân được.
Nếu ai, là người có trí có nhiều phương cách để cứu mạng ta, ta được cứu sống, thì đối với người ấy, ta đền đáp không hề tiếc nuối gì! Suy nghĩ như vậy xong, người ấy như núi Thái Sơn sạt lở, năm vóc lạy sát đất, nước mắt như mưa chắp tay hướng về Phật, tán thán vô số các đức hạnh của Như Lai.
Khen ngợi xong, trì tụng pháp sám hối, đặt niệm truớc mặt, niệm về ánh sáng tướng lông trắng giữa hai chân mày của Phật, một ngày cho đến bảy ngày, bốn tội nặng trước đây liền được giảm nhẹ, đến hai mươi mốt ngày, tướng tội dần dần tiêu diệt. Sau bốn mươi chín ngày, sau khi Yết ma, việc tội do đại chúng sửa trị.
Nếu Tỳ Kheo phạm các tội lỗi phi pháp mà quán tưởng về ánh sáng tướng lông trắng thì sẽ tối đen không xuất hiện. Lúc ấy, nên vào tháp, quán tưởng về tướng lông trắng giữa hai chân mày của Tượng Phật, một ngày cho đến ba ngày, chắp tay chí thành tha thiết, nhất quán tâm tưởng.
Sau đó, vào trong Chúng Tăng tự nói tội lỗi trước đây của mình. Nhờ đó được tiêu trừ năm loại tội lỗi đã tạo từ trước, niệm về ánh sáng nơi tướng lông trắng của Phật trải qua tám trăm ngày, sau đó mới có pháp Yết Ma khác.
Đức Phật nói: Thưa Phụ Vương! Như Lai có vô lượng tướng hảo. Trong mỗi tướng ấy lại có tám vạn bốn ngàn tướng hảo nhỏ, các tướng hảo như vậy công đức vẫn không bằng một chút phần công đức của tướng lông trắng.
Cho nên hôm nay, vì các chúng sinh xấu ác đời vị lai mà Như Lai giảng nói về pháp quán tưởng ánh sáng trí tuệ lớn của tướng lông trắng tiêu trừ được các điều ác. Nếu có người tà kiến tạo tội ác cực nặng nghe pháp quán này đã đầy đủ các tướng mạo rồi mà sinh tâm sân hận, điều này không thể có. Giả sử có khởi tâm sân giận thì ánh sáng tướng lông trắng cũng sẽ che chở, giúp đỡ. Chỉ vừa nghe được lời nói này cũng sẽ diệt trừ được tội lỗi trong ba kiếp, đời sau, sinh ra ở đâu cũng được gặp Phật.
Các cảnh giới vi diệu của phép quán tưởng về ánh sáng tướng lông trắng có vô số trăm ngàn ức loại như vậy, không thể nào nói hết. Khi chỉ niệm về tướng lông trắng thì tự nhiên sẽ sinh ra như vậy. Người quán tưởng như vậy gọi là chánh quán, nếu quán tưởng khác đi thì gọi là tà quán.
Thế nào là quán tướng trán rộng lớn bằng phẳng?
Có hai vầng ánh sáng, bên ngoài vầng sáng ấy có hình bánh xe với một ngàn nan hoa tạo thành ngọc ma ni, hình dạng giống như hoa văn ở Trời Tỳ Nữu Tự Tại Thiên. Trong hoa văn ấy lại lại phát ra ánh sáng thượng diệu màu vàng ròng, nhập vào lông trắng, vòng quanh lông trắng bảy vòng, rồi hướng lên trên nhập vào trong các lỗ chân lông nơi trán, rồi đến mép tóc, với tướng nhiều màu sắc, ánh sáng uyển chuyển rủ xuống vành tai, lại phân ra, ánh lên nhập vào tóc, vòng quanh tóc bảy vòng.
Từ xương cổ, ánh sáng tỏa ra, vòng quanh tướng hoa sen đã nói trước bảy vòng tròn, tạo thành bảy đường nét rõ ràng. Mỗi đường nét có bảy màu, mỗi màu có bảy hoa sen, mỗi hoa sen có một Đức Phật ngồi, mỗi Đức Phật có bảy vị Bồ Tát theo hầu cung kính đi nhiễu quanh về bên phải.
Ba tướng: Trán rộng bằng phẳng, tướng mép tóc, tướng các lỗ chân lông nơi đầu là như vậy.
Tướng trong não: Trong não cũng có mười bốn tia sáng, hiện ra trong các mạch máu, trong ngoài đều hiển hiện ánh sáng rất khả ái, lại phóng ra các ánh sáng trắng, hồng, tím xen lẫn nhau. Các ánh sáng ấy rất nhỏ nhiệm phát ra nơi xương cổ, cũng vòng quanh ánh sáng trước ba vòng, giữa mỗi vòng ánh sáng có một Đức Phật ngồi, mỗi Đức Phật có hai vị Bồ Tát theo hầu, ánh sáng hiển hiện thù thắng hơn trước gấp nhiều lần.
Thế nào là quán tướng chân mày của Như Lai?
Hai chân mày phải trái có hình dạng giống như trăng non, các lông mày mọc dày thưa đúng chỗ theo hình Mặt Trăng di chuyển, màu tía tươi sáng, đầu mỗi sợi lông đều có màu xanh biếc, màu sắc của ánh sáng ngọc lưu ly cũng không sánh bằng.
Ánh sáng nơi hai chân mày tỏa lướt lên trên và nhập vào những sợi tóc, nhập vào tóc rồi lại ra đến tận ngọn tóc. Ánh sáng ấy lại tỏa lên nơi nhục kế. Màu sắc của ong chúa, của chim khổng tước nếu đem so sánh với ánh sáng đó, thì cũng giống như một khối màu tối đen so với ánh sáng của ngọc lưu ly. Ánh sáng lại tỏa xuống và phát ra nơi xương cổ, xoay vòng quanh về bên phải bốn vòng.
Trong mỗi đường vòng ánh sáng đều xuất hiện một hóa Phật, mỗi hóa Phật có hai vị Bồ Tát và hai vị Tỳ Kheo đứng hầu hai bên, tất cả bốn vị thị giả này đều đứng trên tua râu của hoa sen, hiện bày ánh sáng khả ái thù thắng hơn trước gấp nhiều lần.
Bên dưới chân mày, ba đường mí mắt và trong vành mắt đều có bốn màu xanh, vàng, đỏ, trắng xoay vần, tỏa ra tuyệt đẹp, hướng lên trên và nhập vào xương chân mày, cũng phóng ra ánh sáng nơi đầu những sợi lông mày như pháp ở trước đã nói.
Từ nơi xương sau cổ phóng ra ánh sáng, vòng quanh bốn vòng, có bốn màu phân rõ ràng. Trong màu vàng thì hóa ra thân Phật màu vàng ròng, màu trắng thì hóa ra thân Phật màu bạc, màu xanh thì hóa ra thân Phật màu kim cương, màu đỏ thì hóa ra thân Phật màu xa cừ. Các ánh sáng như vậy hiển hiện vòng quanh về bên phải thù thắng hơn trước gấp nhiều lần.
Thế nào là quán tướng lông mi của Phật?
Lông mi mắt của Như Lai, trên dưới đều có năm trăm sợi lông, mềm mại khả ái như tua râu hoa Ưu Đàm. Trên đầu mỗi sợi lông mi đều phóng ra một tia sáng có màu sắc như pha lê nhập vào các tướng trước, màu sắc ánh sáng ấy vòng quanh đầu một vòng, ánh sáng phát ra nơi xương cổ rồi vòng quanh nơi ánh sáng trước, sinh ra toàn những hoa sen xanh.
Trên đài hoa sen có dù lọng màu xanh, có vị Phạm Thiên Vương cầm dù lọng ấy, khi tướng này hiện ra, mắt Phật màu xanh và trắng, trắng thì hơn cả bạch ngọc trăm vạn ức lần, xanh thì hơn hẳn hoa sen xanh và lưu ly xanh biếc cũng trăm vạn ức lần, trên dưới đều mềm mại như mắt trâu chúa.
Bên hai đuôi mắt phóng ra hai tia sáng như hoa sen xanh vô cùng nhỏ nhiệm, vòng quanh đầu tóc một vòng rồi phóng ra nơi sau xương cổ, ánh sáng rọi chiếu lên các hoa làm cho hoa nở tung, sáng đẹp rực rỡ. Các tướng thù thắng như vậy có vô lượng công đức. Đó là tướng mắt của Như Lai.
Nếu có người muốn quán tướng mắt của Như Lai, nên quán tưởng như vậy để diệt trừ các điều ác, nhắm mắt chắp tay, ngồi ngay thẳng để quán tưởng về tướng mắt của Phật, một ngày cho đến bảy ngày, vào đời vị lai sẽ luôn được thấy Phật, không hề bị mù tối, cũng không bị sinh ra ở nơi biên địa, tà kiến và không có Phật Pháp. Mắt tuệ luôn luôn được khai mở, không bị ngu si.
Đức Phật nói: Thưa Phụ Vương! Vì thế cho nên, người có trí muốn trừ bỏ mù tối, nên quán tưởng mắt Phật. Phật có năm loại mắt. Trong pháp quán này, trước hết nói về nhục nhãn mắt thịt hiện bày ánh sáng thanh tịnh, quán tưởng về mắt Phật, tâm được thông lợi, cảnh giới súc sanh không thể nào nói đủ.
Quán tưởng kỹ càng về mắt Phật và mắt của hình Tượng Phật dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi thì vào đời vị lai, sinh trong năm đường, mắt luôn được sáng tỏ và thanh tịnh, nhãn căn không bị bệnh, trừ diệt được các tội lỗi sinh tử trong bảy kiếp.
Này A Nan! Hãy bảo các đại chúng, siêng năng quán tưởng về mắt Phật, cẩn thận không nên ngừng bỏ. Người quán tưởng về mắt Phật chắc chắn sẽ đạt được vô lượng công đức vi diệu.
Nếu chỉ chợt nhìn thấy tướng ánh sáng nơi mép tóc, vầng trán rộng, nhục kế, vành mắt, lông mi, lông mày và đường mí mắt của Phật,… trong chốc lát thì tiêu trừ được tội lỗi sinh tử trong sáu mươi kiếp. Vào đời vị lai, sinh ra chắc chắn được gặp Đức Phật Di Lặc, được ánh sáng oai đức của một ngàn Đức Phật ở hiền kiếp gia hộ, tâm như hoa sen không hề đắm nhiễm, không bao giờ bị đọa trong ba đường tám nạn. Nếu ngồi mà không thấy thì nên vào tháp Phật để quán tưởng.
Khi vào tháp quán tưởng về các ánh sáng như vậy, chí tâm chắp tay, quỳ gối quán tưởng, một ngày cho đến ba ngày, tâm không hề tán loạn. Sau khi qua đời, được sinh lên Cõi Trời Đâu Suất, được chiêm ngưỡng thân sắc trang nghiêm của Bồ Tát Di Lặc, thích ứng với sự giáo hóa dẫn dắt. Sau khi được thấy như vậy rồi, thân tâm hoan hỷ vào quả vị chánh pháp.
Đức Phật nói: Thưa Phụ Vương! Quán tưởng như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi, gọi là tà quán.
Đức Phật bảo rằng: Thưa Phụ Vương! Sao gọi là quán tai Phật?
Tai Phật có trái tai thòng xuống xoắn lại, sinh ra bảy vòng lông và các tướng. Khi sinh ở cung Vua, lần đầu xỏ lỗ tai khiến cho trong, ngoài hai lỗ tai sinh ra hoa.
Trong hoa sen này và bảy vòng lông tai phóng ra những ánh sáng có năm trăm tia, mỗi tia có năm trăm màu, mỗi màu hiện ra năm trăm hóa Phật, mỗi hóa Phật có năm Bồ Tát và năm Tỳ Kheo làm thị giả, ánh sáng xoay về bên phải thành năm vòng, trên dưới ngang bằng, ánh soi tai Phật. Tai Phật đẹp như hoa sen báu treo dưới ánh sáng Mặt Trời. Khi Đức Phật tại thế, tất cả đại chúng đều thấy tướng này.
Đó gọi là ánh sáng tướng tai Phật, Đức Phật nói với Vua cha: Nếu bốn bộ chúng xa lìa rối rắm ồn ào, chánh niệm suy nghĩ về tướng tai Phật thì những người này sinh ra được nhĩ căn thanh tịnh, không có những nhơ bẩn, tai luôn được nghe mười hai Bộ Kinh vô thượng nhiệm mầu, nghe rồi tin hiểu, theo đúng lời dạy tu hành, trừ diệt được tội sinh tử trong tám mươi kiếp.
Nếu người chẳng thấy thì vào tháp như trước, quán tưởng kỹ tai của Tượng Phật từ một ngày đến mười bốn ngày rồi cũng được công đức như đã nói. Vậy nên người trí phải siêng tu tập chánh quán tai Phật, chớ nên phế bỏ.
Nếu khi bệnh khổ, tựa nghiêng nằm nghỉ cũng phải quán tưởng tướng tai Phật thanh tịnh. Như vậy quán tưởng tai Tượng Phật như sự quán tưởng trước, lòng chẳng biếng trễ thoái lui thì đời sau sinh ra ở đâu cũng thường được cùng với người thọ trì Đà La Ni làm quyến thuộc, nghe pháp ghi nhớ thọ trì ví như xâu ngọc. Quán như vậy thì gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là quán.
Sao gọi là quán tướng gò má vuông vức đầy đặn của Như Lai?
Trong sáu vạch trên má của Như Lai, trái phải ngang bằng nhau, có màu ánh sáng vi diệu, sáng đẹp hơn người bình thường gấp nhiều lần. Màu ánh sáng của vàng Diêm Phù Đàn soi khắp khiến cho tướng mặt Đức Phật như màu vàng ròng, ví như hòa hợp trăm ngàn mặt trời, mặt trăng.
Đó gọi là tướng gò má vuông vức đầy đặn của Như Lai. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của Phật giữ chánh niệm suy nghĩ, quán tưởng như vậy thì trừ diệt tội sinh tử trong một trăm kiếp, được chiêm ngưỡng các Đức Phật tỏ rõ không nghi ngờ. Người quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba