Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Sáu - Quán Bốn Oai Nghi - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn  

PHẨM SÁU

QUÁN BỐN OAI NGHI  

TẬP BỐN  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thu nhiếp thần túc lại, từ hang đá hiện ra, cùng các vị Tỳ Kheo đi hành hóa. Đức Phật đời trước khi làm Bồ Tát, có chỗ bố thí hai đứa trẻ, chỗ thì gieo thân cho cọp đói, chỗ thì dùng đầu bố thí, chỗ thì khoét thân làm một ngàn ngọn đèn, chỗ thì móc mắt bố thí, chỗ thì cắt thịt thay cho chim câu… những chỗ như vậy, Rồng đều đi theo.

Lúc đó, Long Vương nghe Đức Phật trở lại đất nước, kêu khóc, nước mắt như mưa mà bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Con thỉnh Đức Phật thường trụ, tại sao Đức Phật bỏ con?

Con mà chẳng thấy Đức Phật thì sẽ làm việc ác, bị đọa vào đường ác!

Lúc ấy, Đức Thế Tôn an ủi Vua Rồng rằng: Ta nhận lời thỉnh của ngươi, ngồi trong hang động của ngươi trải qua một ngàn năm trăm năm.

Các con Rồng nhỏ chắp tay, vòng tay cầu thỉnh Đức Thế Tôn vào lại trong hang. Các Rồng thấy Đức Phật đã ngồi trong hang rồi, trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, biến hiện mười tám cách. Rồng nhỏ thấy rồi lại càng tăng tiến đạo tâm kiên cố. Đức Thích Ca Văn Phật vọt thân vào đá giống như gương sáng thấy bóng dáng mặt người. Các Rồng đều thấy Đức Phật ở bên trong đá ánh hiện ra bên ngoài.

Bấy giờ, các Rồng chắp tay vui mừng, chẳng cần ra khỏi ao Rồng mà vẫn luôn thấy Mặt Trời Phật.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn ngồi kiết già bên trong vách đá. Khi chúng sinh nhìn từ xa thì thấy, đến gần thì biến mất. Hàng trăm ngàn Chư Thiên cúng dường ảnh Phật. Ảnh Phật cũng nói pháp.

Vua Trời Phạm chắp tay cung kính, dùng kệ khen rằng:

Như Lai vào hang đá

Ở trong đá hiện thân

Như mặt trời không ngại

Đủ tướng sáng vàng ròng

Con cúi đầu kính lễ

Đấng Mâu Ni Thế Tôn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hóa ra năm trăm xe báu. Đức Phật ngồi trong xe, phân thân thành năm trăm. Khi ấy, xe báu trụ trong hư không, xoay trở tự tại. Ở vùng trục vành xe có trăm ngàn ánh sáng. Mỗi ánh sáng có vô số hóa Phật, chẳng chuyển chẳng động, đi đến thành Ca Tỳ La.

Đức Phật ngồi trên tòa Sư Tử như đang nhập vào tam muội. Trong mỗi lỗ chân lông có một Đức Phật xuất hiện. Trong mỗi lỗ chân lông lại có một Đức Phật nhập vào. Ra, vào như vậy đầy trong hư không, vô lượng vô biên vị Hóa Phật ngồi kiết già. Đó gọi là cảnh giới khi Đức Như Lai ngồi.

Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của Phật nếu muốn biết Phật đi thì như trên đã nói, còn nếu muốn biết Phật ngồi thì phải quán tưởng ảnh Phật. Quán tưởng ảnh Phật thì trước tiên phải quán Tượng Phật, khởi tưởng về thân một trượng sáu, ngồi kiết già, trải cỏ làm tòa, thỉnh Tượng Phật đặt ngồi.

Hành giả thấy Phật ngồi rõ ràng, lại phải khởi ý tưởng, làm một hang đá cao một trượng tám, sâu hai mươi bốn bộ, bằng đá trắng trong suốt. Quán tưởng như vậy thành rồi thì thấy Tượng Phật ngồi trong hư không, dưới chân có mưa hoa, lại thấy ý tưởng vào trong hang đá. Vào rồi, lại khiến cho hang đó trở thành tưởng về núi bảy báu.

Tưởng núi bảy báu này thành rồi, lại thấy Tượng Phật vọt vào vách đá, vách đá không chướng ngại giống như tấm gương sáng. Tưởng này thành rồi thì như trước, trở lại quán tưởng ba mươi hai tướng tốt. Từng tướng, từng tướng quán tưởng cùng cực làm cho tỏ rõ.

Tưởng này thành rồi thì thấy các vị Hóa Phật ngồi kiết già trên hoa báu lớn, phóng ra ánh sáng nơi thân chiếu soi khắp tất cả. Trong mỗi lỗ chân lông của Đức Phật ngồi, mưa xuống vô số các lá cờ bằng bảy báu. Đầu mỗi lá cờ báu có trăm ngàn phướn báu. Lá phướn nhỏ nhất, dọc ngang bằng nhau, cũng bằng cả núi Tu Di.

Trong phướn báu này lại vô số trăm ngàn vị Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật đều vọt thân vào trong hang đá này và hiện bày ảnh Phật. Khi tưởng này xuất hiện thì như đã nói ở phần tim Đức Phật. Người quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán.

Sau khi Phật diệt độ, người theo đúng lời ta nói mà quán tưởng ảnh Phật thì đó gọi là quán tưởng chân chánh về sự ngồi của Như Lai. Người quán tưởng sự ngồi của Như Lai thì như người thấy được thân Phật không có gì khác, tiêu trừ được trăm ngàn kiếp tội sinh tử. Nếu quán chẳng thấy được thì phải vào tháp, quán tất cả tượng.

Thấy Tượng Phật ngồi rồi, sám hối tội chướng. Nhờ công đức nhân duyên quán tượng nên khi Đức Di Lặc ra đời, người này thấy Đức Phật Di Lặc đầu tiên ngồi kiết già ở dưới gốc cây Long hoa. Thấy rồi, người ấy rất hoan hỷ, đối với ba loại Bồ Đề đều theo nguyện hiểu biết rõ.

Sao gọi là quán tưởng Đức Như Lai, khi đi đến thành Câu Thi Na hàng phục các lực sĩ?

Đức Phật nói với Vua cha: Như Lai chẳng bao lâu nữa sẽ ở nước đó vào Bát Niết Bàn.

Lúc ấy, năm trăm lực sĩ đang dẹp tảng đá chẹn đường đi. Họ dùng hết sức lực sĩ cũng chẳng thể dời được. Khi ấy, Đức Thế Tôn hóa làm vị Sa Môn, dùng tay gạt tảng đá, tảng đá liền bay lên ở giữa Hư Không. Đám lực sĩ kinh sợ, giả sử tảng đá này mà rơi xuống thì không biết chạy trốn vào đâu.

Họ ngước lên xem thì tảng đá trên đã hóa thành vị Hóa Phật, giống như núi vàng có các Đức Phật vây quanh. Lực sĩ thấy rồi, lòng rất hoan hỷ. Vị hóa Sa Môn nằm dựa dưới gốc cây như người ngủ ngày, có ánh sáng Mặt Trời từ hông trái phát ra như có trăm ức Mặt Trời vào trong hông phải.

Trong mỗi Mặt Trời có hai cây báu, có giường báu lớn, bên trên có các Đức Phật nằm. Ánh sáng như vậy soi khắp vô lượng Thế Giới ở mười phương. Mỗi Thế Giới có vô lượng các Đức Phật ngồi tựa dưới gốc cây và đều có ánh sáng từ hông phải vào theo hông trái mà ra. Ánh sáng như vậy biến thành đài báu.

Hành giả thấy tất cả mỗi Thế Giới mười phương đều có một đài báu. Trên đài báu này có một vị Phật lớn thân bằng mười phương, nằm tựa bên đài. Lúc ấy, Đức Phật đó, hông bên trái tuôn ra nước như ngọc lưu ly, mỗi viên ngọc báu lớn như núi Tu Di. Bên trong mỗi núi có trăm ngàn Đức Phật nằm. Mỗi vị Phật nằm phóng ra ánh sáng lớn… cũng như trên đã nói.

Hông bên phải Đức Phật đó lại phát ra vạn ức dòng sữa chảy rót xuống, từng giọt từng giọt hóa thành trăm ngàn hóa hoa. Mỗi hoa có hóa Phật nằm ở trên hoa sen, đều dùng tay phải rót cam lồ xuống như mưa khiến cho tất cả mọi người đều được uống, chúng sinh ngạ quỷ khi thấy tướng này thì tự nhiên no đủ.

Bấy giờ, trong hư không có âm thanh vi diệu khen ngợi bốn tâm vô lượng, sau đó, phân biệt cảnh giới rỗng không, cảnh giới tịch diệt không có tâm và tâm tưởng. Người quán tưởng như vậy gọi là quán tưởng sự nằm của Như Lai. Quán sự nằm của Như Lai, trước tiên phải quán Tượng Phật nằm.

Hành giả thấy tượng nằm rồi thì phải nghĩ rằng: Khi Đức Phật còn ở đời, thân thể các Đức Phật Như Lai không hề mệt mỏi, sở dĩ Phật hiện thân nằm chỉ vì điều phục các lực sĩ cương cường và những chúng sinh tà kiến bất thiện. Hoặc vì thương xót các vị Tỳ Kheo nên hiện thân nằm nghiêng về hông phải. Như Lai nằm chính là nằm đại Bi. Muốn quán Phật nằm phải tu hành tâm từ.

Người tu hành tâm Từ, khi duyên đến tất cả chúng sinh thấy họ chịu khổ thì chẳng tiếc thân mạng, làm cho chúng sinh chịu khổ được thành tựu đầy đủ và an lạc, khiến cho họ không bị hoạn nạn.

Người có tâm đại bi, khi thấy chúng sinh chịu khổ não thì như thấy chính cha mẹ, Sư Trưởng, bạn lành của mình bị khổ sở, nên sinh lòng thương cảm, nước mắt rơi như mưa. Lòng bình đẳng như vậy gọi là đại bi.

Thấy người khác được an vui mà sinh lòng vui mừng như vị Tỳ Kheo được thiền thứ ba thì đó gọi là hỷ.

Xả là tất cả không có tướng chúng sinh. Khi khởi sự quán tưởng đó, trước hết hành giả quán tưởng thân mình.

Địa đại là chúng sinh sao?

Thủy đại, hỏa đại, phong đại là chúng sinh sao?

Sắc là chúng sinh sao?

Thọ, tưởng, hành, thức là chúng sinh sao?

Không là chúng sinh sao?

Chẳng phải không là chúng sinh sao?

Như là chúng sinh sao?

Chẳng phải như là chúng sinh sao?

Thật tế là chúng sinh sao?

Chẳng phải thật tế là chúng sinh sao?

Hữu vi không là chúng sinh sao?

Vô vi không là chúng sinh sao?

Khi lý giải phân biệt như vậy mà chẳng thấy chúng sinh, chẳng được chúng sinh, không có tưởng về chúng sinh, lòng không hề tham đắm, cũng không mong cầu. Hiểu rõ được pháp thanh tịnh như vậy… thì gọi là tu hành xả.

Đức Phật bảo A Nan rằng: Nếu có chúng sinh ưa quán tưởng sự nằm của Phật thì đó là quán tưởng chân chánh về định từ thanh tịnh.

Nếu có chúng sinh nghe pháp Phật nằm và các Tỳ Kheo thuận theo lời dạy của Đức Phật, chẳng phá bỏ oai nghi, nằm nghiêng về hông phải, nên biết những người đó mặc áo tàm quý, uống thuốc nhẫn nhục. Như Tỳ Kheo này ở đời hiện tại ngồi thiền thì thấy Chư Phật mười phương vì mình nói pháp lớn. Nếu họ chẳng ngồi thiền mà chẳng phạm giới nên ở đời vị lai được thấy Chư Phật mười phương. Các Đức Phật mười phương sẽ vì họ giảng nói pháp lớn.

Họ nghe pháp được dễ dàng giác ngộ, giống như khoảnh khắc người tráng sĩ co duỗi cánh tay, ngay tức thời được đạo A La Hán, đầy đủ ba minh, sáu thông và tám giải thoát. Sự nằm của Như Lai đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh. Do đem lại lợi ích nhiều nên gọi là từ, bi, hỷ, xả. Bốn pháp này sinh ra các Đức Phật, là mẹ của các vị Bồ Tát.

Khi nói lời đó rồi, ở giữa đại chúng, toàn thân Đức Phật phóng ra ánh sáng. Phía trước tám muôn bốn ngàn, bên phải tám muôn bốn ngàn, bên trái tám muôn bốn ngàn, phía sau tám muôn bốn ngàn, trên cổ tám muôn bốn ngàn là những lỗ chân lông.

Mỗi lỗ chân lông mọc ra một sợi lông xoắn. Đầu mỗi sợi lông có trăm vạn ức hoa sen nhiều như bụi trần. Trên mỗi hoa sen có vô lượng vô số hóa Phật nhiều như bụi trần. Thân các vị Hóa Phật cao lớn trang nghiêm như ngàn vạn ức núi Tu Di. Trong rốn của mỗi vị Phật có năm trăm vạn ức con Sư Tử.

Mỗi con Sư Tử phun ra năm trăm vạn ức phẩm vật cúng dường. Mỗi phẩm vật cúng dường có năm trăm vạn ức đám mây hoa bảy báu. Mỗi đám mây hoa báu có năm trăm vạn ức âm thanh những lời kệ tụng. Từng tiếng từng tiếng tiếp theo nhau giống như những giọt mưa rơi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại hiển hiện rõ tám mươi vẻ đẹp. Ánh sáng màu vàng từ tướng Bạch hào phát ra. Mỗi ánh sáng soi khắp mười phương, hóa thành những vị Phật. Những vị Thế Tôn đó, vô số vị đi, vô số vị đứng, vô số vị ngồi, vô số vị nằm.

Các vị Hóa Phật đó nói về đại từ bi, nói về ba mươi bảy phẩm trợ Bồ Đề, nói về sáu pháp Ba La Mật, nói về mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng của Phật Như Lai. Khi tướng này hiện, có một ức người dòng họ Thích, lòng không còn chấp thủ, ngộ pháp Nhẫn vô sinh.

Đức Phật vì họ thọ ký: Vào đời vị lai, qua vô số kiếp, sẽ được thành Phật, hiệu là tam muội Thắng Tràng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri… đầy đủ mười hiệu, theo thứ lớp thành Phật có đến một ức vị.

Khi những Đức Phật đó xuất hiện thì Thế Giới Ta Bà thanh tịnh trang nghiêm giống như cõi của Đức Phật Quang Minh ở Thế Giới Thánh phục tràng không khác. Các vị Bồ Tát đó khi được Phật Đạo thì cõi nước không có những tên gọi như phá hủy giới cấm, tán loạn tâm ý, bất thiện, toàn là Bồ Tát, tuy có Thanh Văn nhưng chẳng hủy báng Đại Thừa.

Các Thích Tử nghe Đức Phật thọ ký, lòng rất vui mừng, đều cởi chuỗi ngọc tung lên trên Đức Phật. Những chuỗi ngọc đó đang trụ bên trên Đức Phật hóa thành cây hoa. Mỗi cây hoa đều có hoa nhiều như cát Sông Hằng. Trên mỗi hoa có các lầu báu nhiều như cát Sông Hằng. Trong mỗi lầu có các vị Hóa Phật nhiều như cát Sông Hằng. Mỗi vị Hóa Phật diễn nói tám muôn bốn ngàn pháp Ba la mật.

Lại có vị Hóa Phật dạy các Thanh Văn phép Sổ tức An ban, tuôn ánh sáng vào xương trắng, xương trắng tỏa ra ánh sáng, tưởng về tâm tịnh, tưởng về tâm bất tịnh, khởi tưởng về kết sử, diệt tưởng kết sử, đoạn tưởng về chi phần kết sử, diệt tưởng về gốc rễ kết sử… chín mươi ức bụi trần những tưởng như vậy. Như nói Sổ tức An ban thì đó gọi là pháp Thanh Văn. Còn pháp Bồ Tát thì chỉ có bốn pháp.

Những gì là bốn?

1. Ngày đêm sáu thời nói lên tội lỗi để sám hối.

2. Thường tu Niệm Phật chẳng lừa dối chúng sinh.

3. Tu sáu pháp hòa kính, lòng chẳng sân nhuế kiêu mạn.

4. Tu hành sáu niệm như cứu lửa cháy trên đầu.

Đức Phật nói với Vua cha rằng: Như vậy… gọi là tam muội quán Phật đời vị lai, cũng gọi là phân biệt thân Phật, cũng gọi là biến sắc tướng của Phật, cũng gọi là tam muội Niệm Phật, cũng gọi là ánh sáng Chư Phật che chở chúng sinh.

Khi Phật nói lời đó, Trời, Rồng, Dạ Xoa, tám bộ quỷ thần, mười hai ức chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và phát thệ nguyền rằng: Nguyện đời sau thường nhập vào tam muội, thấy sắc thân Đức Phật như hôm nay không khác.

Phạm Thiên vương, Thích Đề Hoàn Nhân, vô số Thiên Tử đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay, bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con hôm nay được thấy hình sắc tối thượng trong mọi hình sắc của Đức Như Lai! Nguyện xin cho chúng sinh đời trược ác vị lai giữ chánh niệm, tư duy thấy sắc thân của Đức Phật! Nếu nguyện này chẳng hư dối, lời nói của con và sự nhìn thấy của con hôm nay chân thật chẳng hư dối thì nguyện xin cho con và các thiên chúng giống như thân Phật.

Khi chư vị nói lời đó, họ tự thấy trong lòng có trăm vạn ánh sáng phát ra. Mỗi ánh sáng hóa thành vô lượng trăm ngàn vị Hóa Phật. Họ tự thấy thân mình là thân màu vàng ròng giống như Nan Đà… không khác.

Các Phạm Thiên bạch Đức Phật rằng: Đấng Thế Hùng Như Lai xuất hiện ở đời, nhất định sẽ đem lợi ích cho tất cả chúng sinh. Lời thề nguyền rộng lớn xưa, hôm nay đã được viên mãn, chẳng bỏ chúng sinh. Lời nói này chẳng hư dối nên con tự thấy tâm tưởng cảnh giới chúng sinh đời vị lai cũng sẽ như vậy mà quán tưởng thân chân thật của Đức Phật.

Đức Phật bảo Phạm Thiên rằng:  Đúng như lời nói của ông, chân thật chẳng hư dối! Chúng sinh đời vị lai chỉ khởi ý niệm đó thì đã được phước không lường, thân tướng đầy đủ, huống gì là nhớ tưởng.

Khi Đức Phật nói lời đó, Vua Tịnh Phạn và các Thích Tử, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Di đồng thời đều đứng dậy đảnh lễ Đức Phật mà lui ra.

Bấy giờ, Phụ Vương trở về hoàng cung giảng nói cho các thể nữ về tướng tốt của Đức Phật. Một ngàn hai trăm năm mươi thể nữ nghe về tướng Bạch hào của Đức Phật, lòng vô cùng vui mừng, tiêu trừ được trăm vạn ức vô số tội sinh tử.

Trong Hư Không, có tiếng bảo các thể nữ rằng: Các ngươi nghe tướng của Đức Phật tiêu trừ được các tội lỗi!

Hãy phát tâm Vô thượng Bồ Đề!

Nghe lời nói đó rồi, họ liền thấy trong hư không có vô lượng các Đức Phật. Thấy các Đức Phật rồi, họ đều đồng thời được định Niệm Phật. Các Tỳ Kheo Ni liền đứng dậy, kính lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Đức Phật bảy vòng, lui về đứng một bên.

Bấy giờ, A Nan sửa lại áo vai phải, chắp tay quỳ gối bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Đức Phật nói ba mươi hai tướng, mà còn một tướng vì sao Đức Như Lai chẳng nói rõ?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo Ngồi xuống lại. Lúc ấy, Đức Thế Tôn tự hóa ra năm trăm ức núi báu ở bên trái, bên phải của Phật. Mỗi núi báu có bốn Đức Phật ngồi. Bốn Đức Phật Thế Tôn khen ngợi Niệm Phật.

Đức Phật liền mỉm cười, miệng có năm sắc ánh sáng, lưỡi có mười bốn ánh sáng. Các ánh sáng này đều hóa thành một Đức Phật. Trong rốn Đức Phật ấy tuôn ra năm dòng nước có màu sắc khác nhau. Trong mỗi màu có chín ức vị Bồ Tát.

Trên đỉnh đầu mỗi vị Bồ Tát đều có ánh sáng ngọc ma ni Cõi Trời Phạm, trong ánh sáng có các Hóa Phật nhiều như cát sông Hằng. Trong rốn mỗi vị Hóa Phật cũng phát ra nước như vậy. Những dòng nước như vậy chảy vào rốn của Đức Phật. Các vị Hóa Phật và hóa Bồ Tát đó đều nhập vào rốn của Đức Phật.

Lúc đó, thân Đức Phật hiển hiện thanh tịnh hơn cả ngọc lưu ly thanh tịnh thù thắng vi diệu. Ở trong thân Đức Phật có tòa Sư Tử. Mỗi tòa Sư Tử lớn như núi Tu Di. Trên mỗi tòa có một Đức Như Lai, có chín mươi ức Bồ Tát làm thị giả. Trên đỉnh đầu các vị Bồ Tát đó có các Đức Phật lớn như núi Tu Di. Như vậy vô lượng các Đức Phật mười phương mà trong rốn tuôn ra nước đều cùng với nước vào hết trong rốn của Đức Phật Thích Ca Văn.

Các Đức Phật chẳng lớn, Đức Thích Ca cũng chẳng nhỏ. Đức Thích Ca chẳng lớn, các Đức Phật cũng chẳng nhỏ. Trong tim bên trong thân của Đức Phật Thích Ca Văn có vô lượng Đức Phật, các Đức Phật đều chẳng ngăn che nhau, lỗ chân lông của toàn thân giảng nói pháp niệm Phật.

Các vị Hóa Phật đều duỗi tay phải xoa đỉnh đầu Tôn Giả A Nan nói rằng: Ngươi nay khéo giữ gìn tam muội quán Phật, chớ để quên mất! Ngươi phải một lòng nhớ nghĩ, vì chúng sinh đời vị lai mở mắt ánh sáng!

Khi nói lời đó, hình tượng bảy Đức Phật đời quá khứ đứng ở trong hư không đều duỗi tay phải xoa đầu Tôn Giả A Nan mà chúc lụy việc đó. Lúc đó, trong hư không, có vô số ánh sáng. Trong mỗi ánh sáng có vô số Hóa Phật đồng thanh chúc lụy pháp ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần