Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BA
HÀNH KHÔNG
TẬP BA
Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật ấy từ chỗ nào qua đời mà sinh đến đây?
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật ấy từ Cõi Phật ở phương khác qua đời sinh đến đây, hoặc trên Cõi Trời Đâu Thuật sinh trở lại nhân gian này, hoặc trong loài người sinh trở lại, nhanh chóng hành bát nhã Ba la mật ấy.
Người hành bát nhã Ba la mật mà ngay đời này được thành tựu thì người ấy mau tiếp cận pháp môn thâm diệu, rồi sau đó đạt rốt ráo bát nhã Ba la mật thường gặp chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ở tại Quốc Độ của Chư Phật, không rời các Ngài. Hoặc có Đại Bồ Tát nhất sinh bổ xứ từ Cõi Trời Đâu Thuật hóa thân vào đây. Không mất sáu pháp Ba la mật, sinh ra ở đâu đều đầy đủ tất cả môn tổng trì, mau chóng tiếp cận môn Tam Muội.
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Hoặc có Bồ Tát từ trong cõi người mạng chúng sinh trở lại nhân gian. Vị Bồ Tát này là Bồ Tát không thoái chuyển. Người nào thấy vị Bồ Tát này thì các căn định tĩnh nhưng không thể mau đạt định hành bát nhã Ba la mật, cũng không được tiếp cận với các môn tổng trì, không có môn tam muội.
Xá Lợi Phất lại hỏi: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật ấy khi mạng sống kết thúc thì sinh vào nơi nào?
Đức Phật dạy: Vị ấy mạng chung ở đây, thì sẽ du hành từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, có mặt ở chỗ Chư Phật Thế Tôn, chưa từng rời các Đấng Thiên Trung Thiên.
Hoặc có Đại Bồ Tát không có phương tiện thiện xảo, tu thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, hành sáu pháp Ba la mật. Do pháp thiền này, nên sinh lên Cõi Trời Trường thọ. Giả sử, sau khi từ đó mạng chung được làm thân người, được chư gặp Phật Thế Tôn, các căn định tĩnh, nhưng không thông minh.
Phật bảo Xá Lợi Phất: Hoặc có Đại Bồ Tát hành thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, hành bát nhã Ba la mật nhưng không có phương tiện thiện xảo, nên sau đó xả thiện sinh vào Cõi Dục. Đại Bồ Tát ấy tuy các căn định tĩnh nhưng không thông minh.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Hoặc có Bồ Tát hành thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, không rời bát nhã Ba la mật, quán không tuệ không vô biên xứ mà nhập định, quán thức ý tuệ thức vô biên xứ mà nhập định, quán vô dụng tuệ vô sở hữu xứ mà nhập định, cho đến quán hữu tưởng vô tưởng Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà nhập định.
Vượt quá bốn Trời đó, tu bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, hành đại từ bi, có phương tiện thiện xảo, sinh ra ở chỗ nào cũng không theo thiền giáo, không theo từ, bi, hỷ, hộ xả, không thuận thiền Sắc Giới, tự tại đối với chỗ sinh ra, thường gặp Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại, không lìa bát nhã Ba la mật, trong kiếp bạt địa hiền kiếp sẽ đắc thành quả Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Hoặc có Đại Bồ Tát hành thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, hành bốn đẳng tâm, vượt qua bốn Trời ấy, tu bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, hành đại từ bi, có phương tiện thiện xảo, nhưng không thiền định ở chỗ sinh ra, không được tự tại. Vị ấy sẽ sinh lại trong Cõi Dục này ở dòng Quân Tử, Quý Nhân, Phạm Chí, Trưởng Giả để giáo hóa chúng sinh có được lợi ích.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Hoặc có Đại Bồ Tát hành thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, hành bốn đẳng tâm, quán không tuệ, thức tuệ, vô dụng tuệ, hữu tưởng vô tưởng, vượt khỏi bốn Cõi Trời ấy, tu ba mươi bảy phẩm, hành đại Từ bi, phương tiện thiện xảo.
Không theo thiền giáo, nếu có thác sinh thì vị ấy liền sinh lên Cõi Trời bốn Đại Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Diệm, Trời Đâu Thuật, Trời Ni Ma La, Trời Ba La Ni Mật, sinh vào các cõi ấy để giáo hóa chúng sinh, làm nghiêm tịnh Cõi Phật, gặp Chư Phật Thế Tôn, không rời Đạo Giáo.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Hoặc có Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, có phương tiện thiện xảo, tu thiền thứ nhất, hành bốn Đẳng tâm, đến lúc mạng chung, sinh lên Cõi Trời Phạm Thân, Cõi Trời Phạm cụ, Cõi Trời Phạm độ trước, Cõi Trời Đại Phạm, ở Cõi Trời Phạm và Đại Phạm kia, đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, ở cõi của Chư Phật thành Phật Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chuyển pháp luân. Vị Đại Bồ Tát ấy khuyến trợ Chư Phật chuyển pháp luân.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Hoặc có bậc đại khai sĩ nhất sinh bổ xứ, hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện thiện xảo hiện hành thiền thứ nhất đến thiền thứ tư, Tam Muội từ, bi, hỷ, xả, cho đến không tuệ, thức tuệ, vô dụng tuệ, hữu tưởng vô tưởng, vượt qua bốn Cõi Trời ấy, tu ba mươi bảy phẩm, hành đại hỷ, hành Tam Muội Không, Tam Muội vô tướng, tam muội vô nguyện.
Vị đại khai sĩ ấy du hành tự tại, diện kiến Chư Phật Thế Tôn tại nơi mình sinh ra. Ở chỗ Chư Phật đó, tịnh tu phạm hạnh, sinh lên Cõi Trời Đâu Thuật, ở nơi đây làm thầy mở đường dẫn lối làm việc độ thoát như con thuyền, các căn không tỳ vết, thường an vui tịch định, được vô số ức trăm ngàn cai Chư Thiên quyến thuộc vây quanh, đều xuống nơi đây, đắc thành đạo chánh chân vô thượng, thành bậc Chánh Giác tối thượng.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ đắc sáu thần thông, không sinh vào Cõi Trời Dục, Trời Sắc, Trời Vô sắc, từ Cõi Phật này du hành đến Cõi Phật khác kính lễ chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ đắc sáu thần thông tự lấy làm an vui, từ Cõi Phật này du hành đến Cõi Phật khác. Ở Cõi Phật sở tại, vị ấy không nghe tiếng Thanh Văn, Duyên Giác, cũng không nghe tên.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ đắc sáu thần thông tự lấy làm an vui, du hành khắp mười phương, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác. Ở Cõi Phật mà vị ấy đã đến, thọ mạng cực kỳ dài lâu, không thể kể hết hạn lượng số kiếp.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ đắc sáu thần thông tự lấy làm an vui, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác. Ở Cõi Phật đã đến, nếu không có Phật Pháp và Thánh Chúng thì vị ấy vì chúng sinh ở đó ca tụng, phân biệt, giảng giải các việc công đức của Phật Pháp và Thánh Chúng. Chúng sinh ngay khi nghe âm thanh Phật Pháp và Thánh Chúng, tâm ý vui mừng, sau khi mạng chung, đều sinh vào Quốc Độ hiện đang có Đức Phật Thế Tôn.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ từ khi mới phát tâm, không đắc thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, bốn đẳng phạm hạnh, bốn định vô sắc, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Phật, chưa bao giờ sinh vào Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, chỗ vị ấy sinh ra là nơi chúng sinh cầu danh dự.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu độ vô cực, từ khi mới phát ý, đạt đến tịch diệt, được không thoái chuyển, trụ địa Bất động chuyển, sẽ đạt đến đạo vô thượng chánh chân, thành Chánh Giác tối thượng.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ từ khi mới phát ý, đắc đạo vô thượng chánh chân, thành Chánh Giác tối thượng, liền chuyển pháp luân, vì vô số loại chúng sinh không thể kể xiết, mở đường chỉ lối làm tăng thêm lợi ích, sau đó, đạt đến cảnh giới Vô dư Nê Hoàn, rồi nhập Nê Hoàn. Sau khi nhập Nê Hoàn, pháp của vị ấy trụ một kiếp, hoặc hơn một kiếp.
Lại nữa, Xá Lợi Phất! đại khai sĩ từ khi mới phát ý hành bát nhã Ba la mật vô cực, cùng với vô số ức trăm ngàn cai các khai sĩ, từ Cõi Phật này du hành đến Cõi Phật khác, nơi Cõi Phật mà vị ấy sinh ra cảnh giới nghiêm tịnh.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực đạt đến bốn Thiền và bốn đẳng tâm, định vô sắc, tự lấy làm an vui. Vị ấy đắc thiền thứ nhất, từ thiền thứ nhất xuất, nhập định tịch nhiên, rồi từ định tịch nhiên xuất, cho đến thiền thứ tư. Từ thiền thứ tư xuất, nhập định tịch diệt.
Từ định tịch diệt xuất,… cho đến thiền không vô lượng. Từ thiền không vô lượng xuất, nhập thiền định diệt. Từ thiền định diệt xuất cho đến nhập thiền định hữu tưởng vô tưởng. Từ thiền định hữu tưởng vô tưởng xuất, nhập thiền định tịch diệt.
Này Xá Lợi Phất! Đó là đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực, dùng phương tiện thiện xảo mà hiện việc hành định Tam Muội.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ đắc bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Phật, nhưng không đắc quả Lưu bố, quả Vãng lai, quả Bất Hoàn, quả Vô trước, quả Duyên Giác.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Trí tuệ của quả Thanh Văn, Duyên Giác đó so với bậc khai sĩ đạt được pháp nhẫn thì biết khai sĩ là không thoái chuyển hành bát nhã Ba la mật vô cực.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu pháp Ba la mật vô cực, trụ sáu pháp Ba la mật vô cực, ở tại Trời Đâu Thuật đầy đủ các không rốt ráo, vị khai sĩ ấy đều biết hết. Trong hiền kiếp, vị ấy ở trong số Đại Sĩ sẽ thành Phật.
Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ đã đắc bốn Thiền và bốn đẳng tâm, bốn định vô sắc, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý cho đến tám Thánh Đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Phật. Có người hành Phật đạo nhưng không chứng đắc bốn đế, thì vị đại khai sĩ ấy vì họ mà ứng tại Nhất sinh bổ xứ.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu pháp Ba la mật vô cực, từ Cõi Phật này qua Cõi Phật kia, du hành khắp các cõi, đến nơi nào cũng giáo hóa chúng sinh, khiến trụ Phật đạo. Vị đại khai sĩ ấy trải qua vô số kiếp chẳng thể kể xiết, đạt đến đạo chánh chân vô thượng, thành bậc Chánh Giác tối thượng.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ trụ sáu pháp Ba la mật vô cực, thường vì chúng sinh tuân tu tinh tấn, chưa từng phát ý, miệng nói việc vô ích.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu pháp Ba la mật vô cực, thường tinh tấn muốn cứu chúng sinh, từ Cõi Phật này du hành đến Cõi Phật khác, khai hóa quần manh, khiến vượt khổ não, dứt sự tra khảo trong đường ác.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ trụ sáu pháp Ba la mật vô cực, hành bố thí Ba la mật vô cực, quyến thuộc vây quanh, dẫn dắt điều phục chúng sinh, khiến hướng đến an vui vĩnh viễn. Vị ấy đối với người đói thì cho ăn, người khát thì cho uống, không có y phục cho y phục, không có hương cho hương tạp, hương bột, cho giường nằm, nô tỳ, xe cộ, vàng bạc, bảy báu, hễ cầu xin thứ gì phục vụ cho sự sống không bao giờ trái ý người, mà theo nhu cầu của họ.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực, tự hóa thân mình giống như Như Lai nhập vào địa ngục, vì người trong ngục giảng nói Kinh Pháp. Và đối với hàng súc sanh, ngạ quỷ cũng phân biệt giảng nói ý nghĩa.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu pháp Ba la mật vô cực tự hóa thân tâm giống như hình Phật, qua hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông, vì các chúng sinh giảng nói Kinh Pháp, kính lễ Như Lai làm tịnh Cõi Phật.
Người nghe Kinh đều phát ý đạo, khắp cả mười phương Thế Giới Chư Phật cũng giống như thế, Bồ Tát quán sát cõi nước Chư Phật, chọn lấy cõi vừa ý rồi tự làm thanh tịnh, khiến cho nơi đó có năm sự vi diệu hơn Cõi Phật kia. Đại khai sĩ thành tựu đầy đủ Nhất sinh bổ xứ.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu độ vô cực, tức thời đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân, các căn vô cùng đẹp đẽ và đều thông đạt, do các căn đẹp đẽ này mà mọi người nhìn thấy đều ái kính, khiến cho vô số loài chúng sinh khởi tâm vui mừng, dần dần làm cho người ở trong tam độ được diệt độ.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực sẽ làm thanh tịnh thân, khẩu, ý.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu pháp Ba la mật vô cực, các căn vô cùng đẹp đẽ, hình sắc đoan chánh, chẳng tự khen ngợi mình và không nói lỗi người khác, thường xét lỗi mình, chẳng nói khuyết điểm của kẻ khác.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ từ khi mới phát ý, hành bố thí Ba la mật vô cực, trì giới Ba la mật vô cực, đã được an trụ hai độ vô cực này, đã nắm giữ địa vị cực tôn quý là Chuyển Luân Thánh Vương nhiều không thể kể xiết. Chuyển Luân Thánh Vương ở chỗ nào cũng gặp vô số trăm ngàn Chư Phật, cung kính đảnh lễ, phụng sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại khai sĩ trụ sáu Độ vô cực, vì chúng sinh diễn bày sáu pháp để họ soi chiếu, rồi dùng ánh sáng chưa từng diệt mất này cho đến khi đạt đạo vô thượng chánh chân, thành bậc Chánh Giác tối thượng.
Này Xá Lợi Phất! Như thế, đại khai sĩ đã soi chiếu nhiều giáo pháp của Chư Phật.
Vì vậy, này Xá Lợi Phất! đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực thường nên tinh cần tu tập giữ gìn thân, khẩu, ý, khiến thân, khẩu, ý không có gì sai phạm.
Hiền Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Dựa vào đâu đại khai sĩ tinh tấn tu các hạnh, giữ gìn thân, khẩu, ý không có điều gì sai phạm?
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ tâm tự nghĩ: Đó là việc làm của thân, sự khởi tạo của thân có sự lập nên, đó là lời nói, đó là sáu tâm. Hễ tâm móng khởi là có sự thành lập. Đó là đại khai sĩ giữ gìn thân, khẩu, ý.
Đại khai sĩ hành Trí tuệ vô cực, không thủ đắc thân, không thủ đắc lời nói, cũng không thủ đắc tâm. Giả sử đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực mà thủ đắc thân, khẩu, ý, bám chặt vào thân, khẩu, ý thì có tâm tham lam ganh ghét, lại cũng khởi tâm phạm giới, tâm sân hận, tâm lười biếng, tâm tán loạn, tâm tà trí.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Như thế, hành giả đó không xứng đáng được gọi là khai sĩ. Đại khai sĩ hành sáu pháp Ba la mật vô cực làm thanh tịnh sự cấu uế của thân, làm thanh tịnh sự cấu uế của miệng, làm thanh tịnh sự cấu uế của tâm, khiến không khuyết giảm mới gọi là khai sĩ.
Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế nào là đại khai sĩ làm thanh tịnh sự cấu uế của thân, miệng, ý?
Đức Thế Tôn đáp: Này Xá Lợi Phất! Giả sử đại khai sĩ không tự đắc thủ thân, lại cũng không thủ đắc lời nói, ý nghĩ thì như thế đại khai sĩ ấy đã làm thanh tịnh sự cấu uế của thân, khẩu, ý. Giả sử thân, khẩu, ý xấu ác thì đó là vì lợi dưỡng. Nếu làm cho đại khai sĩ từ khi mới phát tâm, hướng về sự phụng hành mười điều thiện báo ứng, không phát ý Thanh Văn, Duyên Giác thì đại khai sĩ như thế trừ sạch sự cấu uế của thân, khẩu, ý.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành bát nhã Ba la mật vô cực mà muốn cầu Phật đạo, thì hành bố thí Ba la mật vô cực, trì giới Ba la mật vô cực, nhẫn độ vô cực, tinh tấn Ba la mật vô cực, Nhất tâm độ vô cực.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế nào là đại khai sĩ muốn cầu Phật đạo?
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Giả sử đại khai sĩ không thủ đắc việc làm của thân, lời nói của miệng và ý nghĩ của tâm, không thủ đắc bố thí Ba la mật vô cực, trì giới Ba la mật vô cực, nhẫn độ vô cực, tinh tấn Ba la mật vô cực, nhất tâm độ vô cực, bát nhã Ba la mật vô cực, không thủ đắc Thanh Văn, Duyên Giác, không thủ đắc khai sĩ, không thủ đắc Phật đạo, thì đó là đại khai sĩ cầu Phật đạo, vì đối tất cả pháp không có sở đắc.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ hành sáu Độ vô cực rồi, có chỗ đạt đến, không chỗ đạt đến cũng không thể được tiện lợi.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Tại sao đại khai sĩ hành sáu Độ vô cực rồi, có chỗ đạt đến, không chỗ đạt đến, cũng không thể được tiện lợi?
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: đại khai sĩ khi hành sáu Độ vô cực, không nghĩ sắc, không nghĩ thọ, tưởng, hành, thức. Không nghĩ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Không nghĩ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không nghĩ nhãn, không nghĩ sắc, không nghĩ nhãn sắc thức.
Không nghĩ nhĩ, không nghĩ thanh, không nghĩ nhĩ thanh thức. Không nghĩ tỷ, không nghĩ hương, không nghĩ tỷ hương thức. Không nghĩ thiệt, không nghĩ vị, không nghĩ thiệt vị thức. Không nghĩ thân, không nghĩ tế hoạt, không nghĩ thân tế hoạt thức.
Không nghĩ ý, không nghĩ pháp, không nghĩ ý pháp thức. Không nghĩ bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo. Không nghĩ bố thí Ba la mật vô cực, giới, nhẫn, tinh tấn, nhất tâm, bát nhã Ba la mật vô cực.
Không nghĩ mười Lực Như Lai, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật. Không nghĩ lưu bố, vãng lai, bất hoàn, vô trước, Duyên Giác, đạo chánh chân vô thượng thành bậc Chánh Giác tối thượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - phẩm Tám - Phẩm Hiện Tướng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Nậu La
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì - Phần Năm - Lời Giảng Thứ Hai
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Bị Biện Trì Tụng Chi Phần
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Vô Biên Môn đà La Ni - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Căn Bản
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Ba - Phẩm Xá Lê Tử Tương ưng - Kinh Thành Tựu Giới
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Thiện Hiện - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Mười Chín - Phẩm Quảng độ