Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Chín - Phẩm Giáo Hóa Chúng Sinh - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI CHÍN

PHẨM GIÁO HÓA CHÚNG SINH  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát vượt qua sinh tử thực hành việc khó làm, từ một Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, dạy dỗ chúng sinh trang nghiêm Đạo Tràng. Tuy giáo hóa chúng sinh mà không thấy giáo hóa, cũng không thấy chúng sinh được giáo hóa, lại không có sự giáo hóa của mình.

Vì sao?

Vì quán sát pháp tánh như hư không, vắng lặng không sở hữu.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tối Thắng: Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói! Đại Bồ Tát, duy trì thệ nguyện rộng lớn, tâm không ngằn mé, dạy bảo chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật. Tuy giáo hóa chúng sinh nhưng không thấy giáo hóa và không thấy chúng sinh.

Vì sao?

Vì quán sát tánh của các pháp như hư không, vắng lặng không sở hữu, đều là không vắng lặng, không hình, không tướng, không thể thấy được. Pháp của tất cả các pháp, tự nó là không. Chúng ssinh của chúng sinh tự nó là không. Cõi nước của cõi nước tự nó là không. Bồ Tát của Bồ Tát tự không.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát nên quán sát như vậy, vào sâu trong các pháp sẽ hiểu biết các pháp đồng một tướng.

Trí tuệ hiểu biết các pháp vắng lặng, vô vi không bị nhiễm chấp, Đại Bồ Tát cũng như vậy, điều phục tâm ý, hướng tâm ý đến đạo, tâm khó bị hủy hoại, nhất định chứng đắc đạo Bồ Đề Vô Thượng, ý chí vững như Kim cang cũng không thoái chuyển. Lấy cây đạo Anh lạc làm pháp vô vi, từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi nơi Đạo Tràng nơi cội Bồ Đề, có những chúng sinh đã hàng phục, đang được hàng phục và chưa hàng phục.

Trong thời gian ấy không khởi tâm kiêu mạn, mạn ta thắng họ không bằng, mạn ta bằng họ, mạn họ hơn ta cũng như vậy, tăng thượng mạn, tăng trung mạn, hạ thượng mạn, hạ trung mạn, hạ hạ mạn, cứ như vậy, Đại Bồ Tát cần phải suy nghĩ tư duy về những mạn này, cũng không sinh tâm tật đố, che giấu, cống cao. Bồ Tát luôn nhập thiền định xem xét chúng sinh nào đáng độ hay không đáng độ, dùng phương tiện quyền xảo vào tám nạn xứ của năm đường.

Nếu có chúng sinh nào đáng được nhận sự giáo hóa, thì nên làm bạn lành giáo hóa cho họ, hoặc làm cha mẹ, anh em, bà con, hoặc làm bậc Tôn trưởng rất giàu có, tùy sự thiếu thốn của chúng sinh mà bố thí cho họ, xuất ra nhiều vàng, bạc, trân báu, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách tốt đẹp, ngọc minh nguyệt, ngọc như ý, hoặc dùng thức ăn, giường nằm, đồ dùng thuốc thang đều đem bố thí, không có luyến tiếc.

Lại có người đến chỗ Bồ Tát khẩn khoản cầu xin đầu, mắt, tay, chân, cõi nước, tài vật, vợ con, đủ các bảy báu, Bồ Tát có thể đem bố thí mà cũng không nghĩ đến thí.

Khi ấy, Bồ Tát hội nhập vào tam muội pháp giới tự tại định ý, dùng phương tiện quyền xảo thuyết pháp Hư vô cho chúng sinh đó.

Các ông nên biết! Pháp ấy không tạo tác cũng không có đối tượng tạo tác. Phân biệt sáu căn đều không có đối tượng chủ thể. Nếu mắt thấy sắc, sắc cũng không chướng ngại, chúng sinh do mê muội nên từ trong đó khởi lên thức, phân biệt tư duy mà nhận thức không chủ thể.

Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý phân biệt pháp, Bồ Tát quán sát đều không thật có. Pháp sinh thì tùy đối tượng mà sinh, pháp diệt thì tùy đối tượng mà diệt. Sinh không biết sinh, diệt không biết diệt, mười hai nhân duyên, mười tám giới cũng như vậy. Hoặc khi Bồ Tát nhập vào tam muội Sư Tử phấn tấn, có thể thị hiện rất nhiều thần thông biến hóa.

Ở trong tam muội đó phát ra âm thanh thanh tịnh, hiện ra cõi nước được trang hoàng các thứ báu, hương hoa thơm ngát, năm màu óng ánh, oai nghi thanh nhã, ý chí vững vàng không thể dời đổi. Lại hiện ra vô lượng pháp môn định ý, những pháp mà Như Lai thường ưa thích và tất cả các pháp căn bản của chúng sinh đều được hiện ra.

Khi ấy, Bồ Tát lại dùng thần túc nhập vào định vô lượng mà tự hiện ra một hoa sen, rồi nồi kiết già trên ấy, sắc thân Bồ Tát hiện ra có vô lượng, vô biên A tăng kỳ kiếp công đức các pháp, làm tiêu sạch các dấu vết chấp trước về tưởng đã phát sinh, hướng dẫn Bồ Tát đi đến con đường giải thoát, nương vào nhất thiết trí giảng thuyết pháp cam lồ, trí tuệ sáng suốt, hiện bày tuệ Phật, không bị cấu nhiễm.

Hoặc dựng tháp bằng bảy báu khắp trong thiên hạ, hai thiên hạ, ba thiên hạ, bốn châu thiên hạ, lên đến Phạm Thiên hay cứu cánh thiên, sống lâu rất nhiều kiếp mà không diệt độ. Hoặc khi Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo nhập vào vô vi tịnh định đủ các căn lành, không bỏ nhất thiết trí của Như Lai, dùng sức tam muội giáo hóa chúng sinh.

Hoặc có chúng sinh nghe âm thanh giáo hóa mà được độ thoát. Hoặc có chúng sinh nghe mùi hương giáo hóa mà được giải thoát. Hoặc có chúng sinh biết mùi vị mà được độ thoát. Hoặc có chúng sinh thân được xúc chạm mà được độ thoát. Hoặc có chúng sinh nhờ hiểu được pháp trần mà được giải thoát.

Khi ấy, Bồ Tát lại suy nghĩ: Chúng sinh nào nghe âm thanh, là đều là đều muốn nghe về sự thanh tịnh của ta.

Hôm nay ta sẽ diễn bày tám câu bằng tám thứ âm thanh của Như Lai: Đó là tiếng khổ, tiếng tập, tiếng diệt, tiếng đạo, thấy khổ hướng đến khổ, thấy tập hướng đến tập, thấy diệt hướng đến diệt, thấy đạo hướng đến đạo.

Khi chúng sinh nghe những âm thanh như vậy, mà tâm ý chưa khai ngộ, muốn thấy ánh sáng và thân thể của mình, Bồ Tát liền vào định, dùng thiền quán bình đẳng, liền biến hóa các cõi núi, sông, đá, vách, cây cối, hoa quả, đều làm bằng bảy báu: Xa cừ, mã não, thủy tinh, san hô, lưu ly, hổ phách, đều phát ra ánh sáng, phản chiếu rực rỡ che lấp ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Khi ấy, tâm ý của chúng sinh chưa tỏ ngộ lại muốn thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng, thì Bồ Tát quán sát biết được tâm niệm của họ, liền nhập vào tam muội Vô ngại tâm niệm, rồi phóng ra ngàn ức vô số ánh sáng từ lỗ chân lông, mỗi tia sáng có hoa sen bằng bảy báu, mỗi hoa sen có đài bảy báu, trên mỗi đài có lọng bằng bảy báu, dưới mỗi lọng có tòa bằng bảy báu.

Trên mỗi tòa đều có Đức Như Lai thuyết giảng cho chúng sinh về nguồn gốc khổ. Sinh là khổ, không khổ, chính là không khổ đế. Sinh là tập, không còn tập, chính là không Tập Đế. Sinh là diệt không còn gì để diệt, chính là không diệt đế. Sinh là đạo, không còn gì để tu, chính là không đạo đế.

Những chúng sinh kia nghe âm thanh và thấy ánh sáng, khii nghe âm thanh khổ, tâm sinh nhàm chán, đều dấy tưởng khởi về khổ, không, vô ngã. Không còn tưởng sinh diệt, thì ngay tại chỗ ngồi diệt hết nguồn gốc khổ ứng hợp với âm thanh thanh tịnh.

Khi ấy những chúng sinh trên tòa nghe hương nhưng tâm ý chưa tỏ ngộ, liền phát sinh ý niệm: Tâm ý chúng ta ưa thích hương vi diệu, nhưng hôm nay Bậc Thánh Giả chỉ giảng thuyết về âm thanh.

Bồ Tát biết tâm niệm của chúng sinh ấy liền nhập vào tam muội cực vi chúng hương định ý, liền biến hóa ra cõi nước núi, sông, đá, vách, cây cối, hoa quả đều được xông thơm bằng đá các loại Ngưu đầu, Chiên đàn, Lưỡi gà, Ngải nạp, Bạt hương, mộng Kinh, Mộc mật tô hợp, hoa Phân đà lợi, hoa Tu càn đề, hoa Mãn nguyện càn đề, hoa Thanh liên phương, các loài hoa nhiều đến trăm ngàn thứ như vậy, tỏa khắp bốn phương, không nơi nào không nghe mùi hương.

Bấy giờ, chúng sinh tuy đã nghe hương rồi, nhưng tâm ý vẫn chưa khai ngộ, ý muốn làm cho trong hương ấy phát ra lời dạy của đạo. Khi ấy, Bồ Tát biết tâm niệm của chúng sinh, liền từ trong hương đó thuyết sáu pháp quan trọng, khi nghe hương này tâm họ đều được khai ngộ, tất cả các hoạn nạn ở thế gian không còn sinh nữa, dứt hết các khổ liền thành tựu đạo quả.

Bấy giờ, những chúng sinh trên tòa ưa thích mùi vị nhưng tâm ý chưa tỏ ngộ, liền nghĩ: Tâm ý của chúng ta ưa thích mùi vị vi diệu, nhưng hôm nay Bậc Thánh Giả, chỉ giảng thuyết về mùi hương, thật chẳng phải điều ta ưa thích.

Biết được tâm niệm của chúng sinh ấy, Bồ Tát liền nhập vào tam muội Cực vi tịnh vị định ý, liền biến hóa ra núi sông, đá, vách, cây cối, hoa quả, đều làm bằng cam lồ, tự nhiên ăn uống, mùi hương xông lên vô lượng vị thơm ngon. Khi ấy, chúng sinh tuy được mùi hương này nhưng tâm ý vẫn chưa tỏ ngộ, ý muốn được dâng tặng tự nhiên và thấy hình ảnh ấy mới thoả mãn ý nguyện của mình.

Bồ Tát biết được tâm niệm của chúng sinh ấy, bèn nhập tam muội rất nhanh không ngại, liền biến hóa ra núi sông, đá, vách, cây cối, hoa quả, đều làm chúng sinh, một chúng sinh mang nhiều thứ cam lồ tự nhiên, trong thức ăn cam lồ phát ra những âm thanh, vị ngọt ở bên ngoài do lưỡi nếm biết, hai pháp kết hợp lại mới phát sinh phiền não. Hôm nay ta tự kềm chế, biết đủ, vì muốn làm cho thân thể không sinh bệnh hoạn.

Ví như xe cần bôi dầu mỡ thì mới chở được vật nặng, mắc bệnh lở loét thì phải có thuốc chửa trị mới hết bệnh. Phát giáo hóa này đều xuất ra mùi vị, chúng sinh biết được vị ấy, tâm ý liền khai ngộ, tất cả các hoạn nạn thế gian không còn sinh khởi, dứt trừ hết các khổ liền thành tựu đạo quả.

Khi ấy, những chúng sinh trên tòa ưa thích xúc chạm sự mềm mại nhưng tâm ý chưa tỏ ngộ liền nghĩ: Hôm nay, tâm ý của chúng ta còn tham đắm vào sự tiếp xúc, nhưng Bậc Thánh Giả chỉ giảng thuyết về mùi vị vi diệu, thật chẳng phải sự ưa thích của ta.

Bồ Tát biết được tâm niệm của chúng sinh ấy, liền nhập vào tam muội cực dục vi tế Nhu thuận định ý, liền biến hóa ra cõi nước núi, sông, vách đá, cây cối hoa quả, đều làm chúng sinh, mỗi chúng sinh đều mặc y phục tự nhiên, dùng tơ lụa và năm sắc của Trời để quấn quanh, chúng sinh thấy vậy liền dùng tay rờ vào mà không giữ được, có cảm giác mềm mại, nhưng không thể lấy được, ý niệm về y phục, người có trăm phước mới đạt được.

Tâm của chúng sinh chợt tỉnh ngộ tự trách mình, vì sao lại đắm trước y phục này?

Lẽ nào tự mình lệ thuộc, lại thêm phiền não.

Thân hình là xương khô bao bọc lấy máu thịt, liền nghe trong hư không phát ra những âm thanh: Nam tử nên biết! Năm thứ vui của người đời chẳng thật có, tâm đắm trước vào sự mềm mại, càng tăng thêm trói buộc, nghĩ như vậy tự trách mình và trừ bỏ tham ái này. Khi ấy, chúng sinh nghe tiếng trong hư không mới giác ngộ hết khổ đời này, không còn sinh nữa, dứt hết các khổ liền thành tựu đạo quả.

Bấy giờ, ở trên tòa, có hạng chúng sinh tham muốn về pháp, tâm ý chưa tỏ ngộ, liền suy nghĩ: Tâm ý của chúng ta thích về pháp vi diệu, nhưng hôm nay Bậc Thánh Giả chỉ nói về sự tiếp xúc thật chẳng phải là điều thích thú của ta.

Bồ Tát biết được tâm niệm của những chúng sinh này, liền nhập vào tam muội Vô lượng pháp giới định ý, hóa hiện cõi nước, núi, sông, đá, vách, cây cối hoa quả đều làm chúng sinh, mỗi chúng sinh đều nói sáu pháp độ vô cực không, vô tướng, vô nguyện, thiền định giải thoát, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu. Sinh, diệt, đoạn thường, tất cả đều không thật có.

Hoặc khi Bồ Tát chỗ hướng đến của tâm ý chúng sinh, liền bày ra những phương tiện để hiện tướng sâu sắc thân, ẩn hiện tự do, bay đi tự tại trong hư không làm đủ mười tám sự biến hóa qua lại trong hư không chẳng bị trở ngại. Hoặc thị hiện cõi nước, thành quách để diễn nói pháp Phật khiến cho các loại chúng sinh ấy đạt đến Thiền định chính yếu của Chư Phật không thể nghĩ bàn.

Khi ấy toàn thể nhân dân trông những thành quách mà Bồ Tát biến hóa ra, mọi người đều không oán hận nhau, mà cư xử với nhau cung kính như cha mẹ, anh em, khiêm cung, nhã nhặn, thường bày tỏ niềm kính trọng. Khi ấy Bồ Tát khác nhập vào ánh sáng Không dụ khiến cho các Bồ Tát khác nhập vào ánh sáng này, ngồi kiết già, hoặc ở tòa cao, hoặc ngồi hoa sen, biến khắp tất cả các nơi trong Thế Giới.

Hoặc hiện thân Phật ngồi tòa sen báu, diễn thuyết sáu pháp độ vô cực của Chư Phật không, vô tướng, vô nguyện, thiền định giải thoát, lại dùng mười tám pháp Bất cộng, bôn Vô sở úy của Như Lai để gia hộ cho chúng sinh, nhờ đó mà được cứu độ.

Bấy giờ, Bồ Tát lại dùng sức thần thông phóng ra ánh sáng lớn hiện ra trăm ngàn ức cõi nước Chư Phật. Mỗi ánh sáng đều chiếu thấu trăm ngàn ức chúng sinh, nương theo ánh sáng ấy, chúng sinh đến nghe pháp này đều được độ thoát.

Mỗi lỗ chân lông phát ra mười ức hào quang, mỗi hào quang có mười ức cõi nước. Ở trong cõi nước ấy có ngọc báu Ma ni tự nhiên xuất hiện dùng đủ loại trân báu xen lẫn trong ấy. Ngọc Ma ni này được treo giữa hư không cách mặt đất mười nhận, ánh sáng của ngọc báu chiếu rực rỡ khắp nơi.

Lại có ngọc báu ma ni rất kỳ lạ dùng để trang nghiêm. Trên mỗi ngọc báu có cõi nước Chư Phật nhiều mười hằng sa và mười ức trăm ngàn lâu đài nhà cửa. Mỗi lâu đài có tòa Sư Tử bằng hoa sen báu nhiều mười ức trăm ngàn Cõi Phật. Mỗi tòa Sư Tử có hoa sen thần báu nhiều mười ức trăm ngàn Cõi Phật.

Trên mỗi hoa sen có mười ức trăm ngàn Đức Như Lai ngồi tòa Sư tử. Mỗi Đức Như Lai phóng ra hào quang lớn che khắp mười ức trăm ngàn Cõi Phật. Mỗi Cõi Phật có công đức không sợ sệt như Sư Tử của mười ức trăm ngàn Đức Như Lai.

Mỗi công đức không sợ sệt như Sư Tử có mười ức trăm ngàn chúng sinh cư trú. Mỗi chúng sinh có mười ức trăm ngàn cõi nước Chư Phật hiện ra. Mỗi Cõi Phật có mười ức trăm ngàn câu pháp, ý nghĩa và pháp của Chư Phật. Mỗi mỗi pháp của ý nghĩa, câu pháp có mười ức trăm ngàn Kinh Pháp dược sinh ra đốt cháy phiền não, cho đến các pháp môn thiền định cũng như vậy.

Trong mỗi pháp môn diễn ra vô lượng của các trí tuệ và pháp không thoái chuyển, rất nhiều loại trí có ý nghĩa khác nhau. Trong mỗi lần chuyển pháp luân độ mười ức trăm ngàn chúng sinh làm cho họ được thuần thục. Mỗi cõi nước chúng sinh lại có mười ức trăm ngàn nước Phật. Các Đức Phật đều giáo hóa Thế Giới của mình trở thành cõi thiện, khiến cho chúng sinh ở cõi đó thành tựu Phật Đạo.

Bồ Tát hhội nhập tam muội này, tự hiện ra vô lượng thần thông biến hóa, cảnh giới tam muội này chưa từng hiện hữu, chưa từng thấy được. Sự giáo hóa rất kỳ lạ, tâm không thể đo lường, ý không thể vẽ nên. Trong ngoài, giữa đều không thấy chỗ nào cả, không thấy đến cũng chẳng thấy đi.

Vì sao?

Vì thể tánh của các pháp tự nhiên như vậy. Tu hành suốt trăm kiếp nhằm diệt trừ cấu uế, thực hành thệ nguyện của Như Lai để cứu giúp chúng sinh. Lại ở trong vô lượng, vô số kiếp không chấp, không trú, không bị nhiễm, cũng không kiến lập văn tự, suy tìm nguồn gốc hoàn toàn không nơi chốn.

Nếu có người muốn đặt ra những cách thức nào đó để tìm cho được những hình tướng do định này biến hóa ra thì sự việc này rất sâu xa không thể nghĩ bàn. Đây chính là hành pháp của Chư Phật ứng ra mà thôi, chẳng phải là sự tối thắng do La Hán Bích Chi Phật tu chứng được, hãy nên suy nghĩ về ý nghĩa này.

Bồ Tát chấp nhận khổ, đi vào trong tám nạn để quán sát tâm ý của chúng sinh có ái dục hay không ái dục, có ái dục nhiều hay ít cũng đều biết hết, có giận dữ hay không giận dữ, giận dữ nhiều hay ít cũng đều biết hết, có ngu si hay không ngu si, ngu si nhiều hay ít cũng đều biết hết.

Nếu chúng sinh nào có tâm ái dục, tham đắm về nữ sắc, chọn lựa những tính chất đẹp, mập, trắng tâm say đắm không thể xa lìa, thì khi ấy Bồ Tát phải dùng phương tiện, giả bày những phưong cách rộng lớn để chỉ bày pháp quán sát sự nhơ bẩn và tưởng về bất tịnh, cho nên ở trước chúng sinh hiện thân vô thường, bốn đại tan rã, rơi vãi khắp nơi.

Một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, thân thể sình lớn, rất nhơ bẩn hôi hám. Đến khi thây chết máu thịt tiêu hết, chỉ còn gân xương nối nhau.

Lại hiện ra các hình tướng khác, hoặc bày xương sọ, xương mặt, xương chậu, tất cả đều chất thành đống, lâu ngày biến thành màu trắng giống như màu sắc của chim hạc, qua nhiều năm tháng trở thành đất mùn. Bồ Tát quán sát chúng sinh như vậy liền tỏ ngộ, biết được dục là sai lầm.

Hàng phàm phu đọa vào đường ác, chẳng quay về với đạo chân chánh, tâm tự hối cải, muốn quay lại như xưa mà không kịp nữa, bèn theo Bậc Thánh tu tập phạm hạnh, hội nhập giáo lý uyến thâm thanh tịnh, tẩy sạch cấu bẩn dâm dục, rèn luyện tâm trí, chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, làm thanh tịnh cõi nước Phật của mình và giáo hóa chúng sinh.

Đó là Bồ Tát quán xét thấy tâm ái dục của chúng sinh liền thuyết pháp cho họ thành tựu đạo quả, Bồ Tát nên biết hoặc có chúng sinh không có tâm ái dục, ý dừng ở pháp nhỏ, không mong cầu đạo lớn.

Bồ Tát khuyến khích họ cố gắng thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, dùng pháp không hai của kho tàng trí tuệ hướng dẫn chỉ bày cho họ biết con đường chân chánh, đứng vững nơi pháp Đại Thừa, không nhận lấy đạo nhỏ, từ vô số kiếp tích luỹ nhiều công đức làm việc thiện không mỏi mệt.

Những chúng sinh này do tâm ý còn mê hoặc, không phân biệt được đâu là thật hay giả, ngày nay mới tự hiểu nhưng chưa đạt đến hoàn toàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần