Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BA

PHẨM HÀNH KHÔNG  

TẬP MỘT  

Đức Phật lại bảo Xá Lợi Phất: Khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên quán thế này: Danh hiệu Bồ Tát, danh hiệu Phật cũng là giả hiệu thôi. Cái gọi là sắc, thọ, tưởng, cũng là giả hiệu, tất cả đều do cái ngã.

Cái gọi là ngã thì không thật có, không ngã, không nhân, không mạng, không thọ và các loại máy động có máu không tâm, không ý cũng không. Nếu đã tạo tác các việc thì tự nhiên tập quen, thay đổi, hiểu biết. Các loại như thế đều chẳng thể nắm bắt được, rỗng không, không chỗ dính mắc, đều là giả hiệu, chỉ có hư ngôn.

Đại Bồ Tát như thế là hành bát nhã Ba la mật, không thấy chúng sinh. Giả sử không có cái thấy, cũng không có thấy, thì cũng không có ngôn thuyết. Đại Bồ Tát đã hành như thế là theo lời dạy hành bát nhã Ba la mật của Đức Như Lai. Trừ Đức Như Lai ra, trí tuệ của Bồ Tát vượt qua các Thanh Văn, Bích Chi Phật, phát khởi việc hành không, không còn mê hoặc.

Vì sao?

Vì việc tu hành của vị ấy không thấy có danh tự, chỗ nương tựa. Đại Bồ Tát tu hành như thế là hành bát nhã Ba la mật.

Đức Phật dạy: Giả sử các Tỳ Kheo như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên… đầy cả Diêm Phù Đề giống như tre, lau, lúa, mè, rừng cây đầy đủ trí tuệ thì cũng không bao giờ có thể bì kịp với việc hành bát nhã Ba la mật của Bồ Tát. Dù gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp vạn lần, gấp ức lần ở trước cũng không bì kịp.

Vì sao?

Vì mục đích của trí tuệ Bồ Tát là muốn độ tất cả các loài chúng sinh.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chỉ một ngày, thì trí tuệ cũng đã vượt qua số Thanh Văn, Bích Chi Phật đã nêu ở trên. Trí tuệ các Tỳ Kheo như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên… đầy cả Diêm Phù Đề ra, giả sử các Tỳ Kheo có trí tuệ như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên … thì cùng khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới thì cũng không bằng sự tu hành của Đại Bồ Tát.

Trí tuệ của các Tỳ Kheo như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên đầy cả Thế Giới Đại Thiên, giả sử trí tuệ của các Tỳ Kheo như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên cùng khắp cả hằng hà sa cõi nước của Chư Phật ở phương Đông và khắp cả mười phương thì cũng không bằng trí tuệ của Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật trong một ngày.

Trí tuệ ấy đã vượt qua trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật dù gấp trăm, gấp ngàn vạn ức lần cũng không sánh kịp.

Khi ấy Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Trí tuệ của Thanh Văn, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật và trí tuệ của Bồ Tát, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, so sánh tất cả những trí tuệ này không có phá hoại, không có tranh tụng, không có sinh khởi, tự nhiên, rỗng không.

Thưa Đấng Thiên Trung Thiên, cái không phá hoại, không tranh tụng, không sinh khởi, tự nhiên, rỗng không đó thì đâu có thể đưa đến nhiều sự sai khác được.

Vậy tại sao trí tuệ tu hành một ngày của Bồ Tát lại vượt qua trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Theo ý ông thì sao, việc tu hành bát nhã Ba la mật của Bồ Tát thế nào?

Trong một ngày, sự tu tập trí tuệ, sự kiến lập hành nguyện, sự tu tập phương tiện để hành từ bi của Bồ Tát đều vì tất cả loài chúng sinh, biết rõ các pháp dùng để hóa độ quần manh, muốn làm cho họ diệt độ.

Các Thanh Văn, Bích Chi Phật có thể khởi lập duyên trí tuệ như thế chăng?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không!

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Theo ý ông thì sao, các Thanh Văn, Bích Chi Phật có nghĩ là: Chúng ta sẽ đạt Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, giáo hóa chúng sinh đạt đến cảnh giới Niết Bàn, khiến họ diệt độ chăng?

Đáp: Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không!

Đức Phật dạy: Do vậy nên biết trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật này, dù gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn ức lần, không bao giờ sánh kịp trí tuệ của Bồ Tát.

Theo ý ông thì sao?

Thanh Văn, Bích Chi Phật có nghĩ: Chúng ta sẽ hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh làm nghiêm tịnh Cõi Phật, đầy đủ mười lực của Như Lai, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng, đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, độ thoát các loài chúng sinh vô lượng, vô hạn không thể kể xiết chăng?

Đáp: Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không!

Đức Phật dạy: Đại Bồ Tát phát tâm niệm rằng: Ta sẽ phụng hành sáu pháp Ba la mật, đầy đủ tất cả pháp, thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, độ thoát các loài chúng sinh không thể kể xiết.

Đức Phật dạy: Thí như mặt trời phát ra ánh sáng, đồng thời chiếu khắp cõi Diêm Phù Đề, không đâu là không sáng.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, đắc thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, khai hóa, độ thoát các loài chúng sinh vô lượng vô hạn không thể kể xiết.

Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Đại Bồ Tát vượt qua địa Thanh Văn, Bích Chi Phật để đạt đến địa vị không thoái chuyển, tịnh tu Phật đạo như thế nào?

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm hành sáu pháp Ba la mật, qua khởi pháp không, vô tướng, vô nguyện là đã siêu vượt địa Thanh Văn, Bích Chi Phật, trụ địa không thoái chuyển.

Hiền Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Tại sao Đại Bồ Tát đối với tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật là bậc tôn quý nhất?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm hành sáu pháp Ba la mật, đến khi ngồi ở cội Bồ Đề luôn đối với Thanh Văn, Bích Chi Phật là bậc tôn quý nhất.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát nếu hiện đến thì tự nhiên làm hưng khởi pháp chân diệu, đầy đủ mười điều thiện, lại thành tựu năm giới, lập tám đẳng sự và tám quan trai, bốn thiền, bốn đẳng tâm, bốn định vô sắc, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh đạo. Bồ Tát hiện ở thế gian mới có mười lực Như Lai, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp Phật bất cộng của Phật.

Các pháp như thế và các đức lành xuất hiện ở đời thì mới phân biệt dòng dõi Quân Tử, Phạm Chí, Trưởng Giả, dòng họ thế lực và sinh Cõi Trời Đao Lợi, Cõi Trời Tam Thập Tam, Trời Tưởng Vô Tưởng, quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Nhờ pháp này mà phân biệt biết có những sự việc ấy.

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Tại sao Đại Bồ Tát phước đức rốt ráo thanh tịnh?

Đức Thế Tôn dạy: Đại Bồ Tát đối với phước đức không rốt ráo thanh tịnh.

Vì sao?

Vì rốt ráo không thì Đại Bồ Tát mới thành tựu phước đức.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát là người bố thí thì bố thí cái gì?

Bồ Tát dùng thiện pháp để khai hóa chúng sinh.

Những gì là thiện pháp?

Đó là mười điều thiện, năm giới, sáu pháp Ba la mật, mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Bất cộng của Phật. Bồ Tát là người bố thí và khai hóa Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Ngài Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát tu theo hạnh nào là hành bát nhã Ba la mật?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu khi Bồ Tát hành sắc không tức là hành bát nhã Ba la mật. Nếu hành thọ, tưởng, hành, thức không là hành bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát biết nhãn là không, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không, là hành bát nhã Ba la mật. Hiểu rõ pháp sắc là không, pháp thanh, hương, vị, xúc, pháp là không thì đó là hành bát nhã Ba la mật. Hiểu rõ nhãn giới là không, thì đó là hành bát nhã Ba la mật. Hiểu rõ Sắc Giới, nhãn thức giới, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới là không thì đó là hành bát nhã Ba la mật.

Hiểu rõ nhĩ và sự nhận thức của nhĩ về âm thanh, tỷ và sự nhận thức của tỷ về mùi thơm, thiệt và sự nhận thức của thiệt về vị, thân và sự nhận thức của thân về sự mịn màng, trơn láng, ý và sự nhận thức về mong muốn của ý là không, thì đó là hành bát nhã Ba la mật. Hiểu rõ khổ là không, tập cũng là không, tận diệt cũng là không, tám chánh đạo cũng là không thì đó là hành bát nhã Ba la mật.

Hiểu rõ vô minh hiệt là không, hành cũng là không, thức cũng là không, danh sắc cũng là không, lục nhập cũng là không, xúc sở cánh cũng là không, thọ thống dương cũng là không, ái cũng là không, thủ sở thọ cũng là không, hữu cũng là không, sinh lão tử cũng là không, thì đó là hành bát nhã Ba la mật.

Hiểu rõ tất cả pháp là không thì đó là hành bát nhã Ba la mật. Có khả năng hiểu rõ các pháp tự nhiên, hữu vi, vô vi đều là không thì đó là hành bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, hiểu rõ bản tịnh là không, chí tánh cũng vậy thì đó là hành bát nhã Ba la mật.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật hiểu rõ bảy không thì đó là hành. Dùng bảy không này mà hành bát nhã Ba la mật, chẳng khởi quán sắc tương ưng hoặc chẳng tương ưng, hành hoặc chẳng hành, chẳng quán thọ, tưởng, hành, thức tương ưng hoặc chẳng tương ưng.

Hành hoặc chẳng hành, chẳng quán pháp sắc có chỗ khởi, có chỗ diệt, chẳng quán pháp thọ, tưởng, hành, thức có chỗ khởi, có chỗ diệt, chẳng quán pháp sắc có pháp nương tựa, có chỗ tranh tụng, chẳng quán pháp, thọ, tưởng, hành, thức có pháp nương tựa, có chỗ tranh tụng.

Chẳng thấy cùng với sắc hòa hợp, chẳng thấy cùng với thọ, tưởng, hành, thức hòa hợp, chẳng thấy cùng với sinh tử hòa hợp, cũng chẳng thấy không cùng với sinh tử hòa hợp.

Vì sao?

Vì vĩnh viễn không có pháp tương ưng, duyên khởi thì có sự việc, nhưng bản tính là không.

Này Xá Lợi Phất! Sắc tức là không thì không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức tức là không thì không có thọ, tưởng, hành, thức.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Cái gọi là không thì không có khởi, không có diệt. Giả sử sắc là không thì không có sắc. Giả sử thọ, tưởng, hành, thức là không thì không có thọ, tưởng, hành, thức.

Giả sử sắc là không thì không có thấy. Giả sử thọ là không thì không có họa hoạn. Giả sử tư tưởng là không thì không nhớ nghĩ. Giả sử hành là không thì không tạo tác. Giả sử thức là không thì không phân biệt.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất, sắc thì không khác cũng không đồng với không, không thì không khác sắc, không phân biệt. Sắc tự nhiên không, sắc tức là không. Thọ, tưởng, hành, thức không khác, không cũng không khác. Nếu không không khác thì thức cũng không khác. Thức tự nhiên không, thức tức là không.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Cái gọi là không thì không khởi, không diệt, không có nương tựa, không có tranh tụng, không có tăng, không có giảm, không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Nó cũng không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức cùng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, cũng không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sở dục.

Nó không vô minh, không diệt vô minh, không hành, không thức, không danh sắc, không lục nhập, không xúc, không thọ, không ái, không thủ, không hữu, không sinh, không lão, không bệnh, không chết, cũng không diệt trừ sinh, già, bệnh, chết. Nó cũng không khổ, không tập, cũng không sở tận diệt, cũng không sở do đạo. Nó cũng không đắc, cũng không có thời.

Nó không có quả Tu Đà Hoàn, không có quả Tư Đà Hàm, không có quả A Na Hàm, không có quả A La Hán, không có Bích Chi Phật, cũng không đắc đạo, cũng không Phật đạo. Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật như thế là Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật. Bồ Tát không thấy bát nhã Ba la mật tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành.

Không thấy thí, không thấy giới, không thấy nhẫn, không thấy tấn, không thấy thiền, không thấy trí, không thấy đó là sáu pháp Ba la mật. Không thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành. Không thấy nhãn tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành.

Không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành. Không thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành. Không thấy bốn ý chỉ tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành. Không thấy bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành.

Không thấy mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp bất cộng của Phật tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành. Không thấy Như Lai, trí nhất thiết tương ưng hay không tương ưng, hành hay không hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần