Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai - Phẩm Thuận Không

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI

PHẨM THUẬN KHÔNG  

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật làm hưng khởi đức này thì Tứ Thiên Vương tức thời hoan hỷ nói: Chúng ta sẽ làm bốn chiếc bát. Rồi bốn vị Thiên Vương đến trước dâng lên cúng. Chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở quá khứ cũng được người học đạo pháp dâng cúng.

Khi ấy Trời Đao Lợi, Trời Diệm, Trời Đâu Thuật, Trời Ni Ma La, Trời Ba La Ni Mật cũng vui mừng nói: Chúng ta phải phụng sự cúng dường Thiện Nam Tử này, vì vị này sẽ làm tăng trưởng hàng Chư Thiên và làm tổn giảm hàng A Tu Luân.

Chư Thiên trong Thế Giới Tam Thiên Đại Thiên lên đến Trời A Ca Nị Tra đều vui mừng nói: Chúng ta sẽ khuyến thỉnh Ngài chuyển pháp luân.

Này Xá Lợi Phất! Khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, làm tăng trưởng trọn vẹn sáu pháp Ba la mật thì Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân hoan hỷ vui mừng nói: Chúng ta sẽ làm cha mẹ hiền, vợ con, thân thuộc, bằng hữu, thân cận… của vị này.

Cha mẹ, anh em, vợ con, thân cận, bằng hữu thương kính ưa nhìn vị ấy. Bốn vị Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Diệm, Trời Đâu Thuật, Trời Ni Ma La, Trời Ba La Ni Mật, cho đến Trời A Ca Nị Tra không để cho Bồ Tát tiếp giáp dục trần.

Họ phát tâm đi đến phụng sự lễ bái Bồ Tát và nói với nhau: Chúng ta sẽ làm cho vị này thanh tịnh hạnh Phạm Thiên, lìa hạnh uế truợc, không theo thói dâm dục, được sinh Phạm Thiên, dùng không phóng dật buộc phóng dật. Người có sắc dục thì không thể tiến đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Vì vậy Bồ Tát dùng phạm hạnh thanh tịnh, vứt bỏ gia nghiệp mới đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chứ không dùng uế trược mà đắc Phật đạo.

Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp của Bồ Tát cần phải có cha mẹ, vợ con, thân cận bạn bè chăng?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu có Bồ Tát thì nhất định phải có cha mẹ chứ không nên có vợ con. Hoặc có vị từ khi mới phát ý thanh tịnh tu phạm hạnh là đồng chân cho đến thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hoặc có Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo tập theo năm dục, về sau mới xuất gia đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Thí như nhà huyễn thuật tài giỏi và đệ tử học giỏi huyễn thuật, hóa ra năm dục rồi tự vui với năm dục đó.

Xá Lợi Phất, theo ý ông thì sao, nhà huyễn thuật ấy có tập quen theo năm dục chăng?

Hiền Giả Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không!

Đức Phật dạy: Đại Bồ Tát cũng như thế, dùng phương tiện thiện xảo, tập quen năm dục, để khuyến hóa chúng sinh nhưng Đại Bồ Tát ấy không bị năm dục làm ô nhiễm. Đại Bồ Tát dùng vô số sự việc ta thán ái dục, hoặc chê bai năm dục là đốt cháy, ái dục là tội lỗi nhơ nhớp, dục là oán cừu, dục là thù địch.

Như thế, này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát vì cứu độ chúng sinh mà phân biệt năm dục này.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật như thế nào?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng thấy Bồ Tát, cũng chẳng thấy danh tự Bồ Tát, cũng chẳng thấy danh tự bát nhã Ba la mật, cũng chẳng thấy chẳng hành.

Vì sao?

Vì danh tự Bồ Tát tự nhiên không. Trong không ấy không có sắc, không có thống dương thọ, tư tưởng, sinh tử hành, thức. Lại nữa, không chẳng khác sắc. Cái không chẳng khác thọ, tưởng, hành, thức. Như sắc là không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không. Đã là không thì sắc không, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Vì sao?

Vì cái gọi là Bồ Tát chỉ là giả hiệu, cái gọi là đạo cũng là giả hiệu, cái gọi là không cũng là giả hiệu. Pháp tự nhiên ấy chẳng khởi chẳng diệt, cũng không trần lao, không chỗ nương tựa, không điều tranh tụng. Nếu có Bồ Tát hành như thế thì không thấy chỗ sinh khởi, cũng không thấy chỗ hoại diệt, không thấy chỗ nương tựa, không thấy điều tranh tụng.

Vì sao?

Vì dối trá lập nên danh tự, do vọng tưởng nên chạy theo khách trần, hoặc do tưởng niệm mà tạo nên pháp ấy.

Do đâu mà lập nên danh tự?

Chỉ là mượn hư ngôn mà thôi. Hiểu rõ như vậy, nên Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng thấy có tất cả danh hiệu. Đã không có đối tượng để thấy, cũng chẳng phải không thấy, không chỗ nương tựa là hành bát nhã Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần