Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Phân Mạn đà Ni Phất

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM PHÂN MẠN ĐÀ NI PHẤT  

Bấy giờ Hiền Giả Phân mạn đà ni phất bạch Phật: Đức Phật bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề nói bát nhã Ba la mật, nhưng mới nói việc làm của đại thừa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con nói đại thừa nhưng vẫn không lỗi.

Đức Phật dạy: Không lỗi! Ông nói đại thừa là theo lời dạy của bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Các pháp thiện hiện có như pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, Pháp Phật Chánh Giác đều từ bát nhã Ba la mật xuất sinh, gốc từ giáo pháp ấy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Tại sao các pháp thiện như pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, pháp của Chư Phật và pháp của Bồ Tát đều từ bát nhã Ba la mật xuất sinh, đều từ giáo pháp ấy?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, không, vô tướng, vô nguyện, các môn giải thoát.

Mười Lực Như Lai, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, đại từ, đại bi, pháp không quên mất, từ, bi, hỷ, xả, pháp hiểu rõ đạo phẩm để thi hành, pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, tất cả các pháp đều từ bát nhã Ba la mật xuất sinh, đều từ giáo pháp ấy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! bát nhã Ba la mật và năm Ba la mật của đại thừa. Sắc thọ, tưởng, hành, thức.

Nhãn sắc thức, nhĩ thanh thức, tỷ hương thức, thiệt vị thức, thân xúc thức, ý pháp thức, nhân duyên tiếp xúc, nhân duyên huân tập, các loại huân tập vừa ý hay không vừa ý, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, không, vô tướng, vô nguyện, các môn giải thoát.

Tất cả pháp thiện, hữu lậu, vô lậu, có sở hữu, không sở hữu, hữu vi, vô vi, khổ, tập, tận, đạo, Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, pháp nội không, pháp ngoại không, pháp không gần, pháp không xa, pháp chân không, pháp sở hữu không, pháp không sở hữu không, tất cả đều bình đẳng và các môn Tam Muội, Đà la ni, pháp Như Lai đã hiểu, tự đạt đến thành tựu.

Pháp giới của Chư Phật, bản tế của Như Lai, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, hoặc hợp, hoặc tan, không hợp, không tan, có sắc, không sắc, có thấy, không thấy, có hình, không hình, có tướng, không tướng, tất cả các pháp đó đều từ đại thừa xuất sinh, đều thuận theo giáo pháp bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề, đại thừa bát nhã Ba la mật bình đẳng không khác, sáu pháp Ba la mật cũng không khác, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật cũng không có khác. Vì vậy, đại thừa, pháp của Chư Phật không có khác, cũng không có hai, cũng không có nhiều.

Này Tu Bồ Đề! Vì vậy nên cái gọi là đại thừa tức là nói bát nhã Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần