Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai - Phẩm Xá Lợi Tử - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM HAI

PHẨM XÁ LỢI TỬ  

PHẦN BỐN  

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa có thể phát sanh sáu phép thần thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát có thần cảnh trí chứng thông, có thể làm ra các loại thần biến lớn. Nghĩa là làm chấn động tất cả vật trong hằng hà sa đại địa ở mười phương, biến một thành ra nhiều, biến nhiều thành một, hoặc hiện hoặc ẩn, nhanh chóng không bị chướng ngại.

Vượt thẳng qua bờ núi tường vách giống như đi trong hư không. Qua lại trên không trên đất bằng giống như chim bay. Ra vào dưới đất giống như ra vào trong nước. Đi trên nước như đi trên đất. Thân phát ra khói lửa như lửa cháy trên cao nguyên.

Trong thân chảy ra những dòng nước như băng tuyết tan chảy. Oai thế của thần Mặt Trời, Mặt Trăng khó sánh bằng. Dùng tay che khuất ánh sáng Mặt Trời, cho đến chuyển thân tự tại cao đến Trời Tịnh Cư… số lượng những biến hóa như vậy nhiều vô lượng, vô biên.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này tuy đầy đủ công dụng của thần cảnh trí như vậy nhưng đối với sự việc ấy không tự cao. Không chấp tánh của thần cảnh trí chứng thông. Không chấp vào việc thần cảnh trí chứng thông. Không chấp người có thể đắc thần cảnh trí chứng thông. Đối với chấp hay không chấp cả hai đều không có gì để chấp.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh không, vì tự tánh lìa, vì tự tánh xưa nay bất khả đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không vì ham vui mà phát sanh thần cảnh trí chứng thông như vậy, chỉ trừ vì đắc trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Ðó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, phát sanh thần cảnh trí chứng thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát với thiên nhĩ trí chứng thông là thiên nhĩ thanh tịnh, tối thắng siêu nhân, có thể như thật nghe mọi thứ tiếng của loài hữu tình, vô tình trong hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương.

Nghĩa là nghe tiếng khắp cả địa ngục, tiếng của bàng sanh, tiếng của ngạ quỷ, tiếng người, tiếng Trời, tiếng Thanh Văn, tiếng Ðộc Giác, tiếng Bồ Tát, tiếng Như Lai và tất cả tiếng của loài hữu tình vô tình khác, dù tiếng lớn hay nhỏ đều nghe không bị chướng ngại.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này tuy có đầy đủ công dụng của thiên nhĩ trí như vậy nhưng không tự cao, không chấp tánh thiên nhĩ trí chứng thông. Không chấp vào việc thiên nhĩ trí chứng thông. Không chấp người có thiên nhĩ trí chứng thông. Đối với chấp hay không chấp cả hai đều không có gì để chấp.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh không, vì tự tánh lìa, vì tự tánh xưa nay bất khả đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không vì ham vui mà phát sanh thiên nhĩ trí chứng thông Ba la mật đa, chỉ trừ vì đắc trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Ðó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, mà phát sanh thiên nhĩ trí chứng thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát với tha tâm trí chứng thông có thể như thật biết tâm và tâm sở của các loài hữu tình trong hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương.

Nghĩa là biết các loài hữu tình có tâm tham hay tâm lìa bỏ tham, có tâm sân hay tâm lìa bỏ sân, có tâm si hay tâm lìa bỏ si, có tâm ái hay tâm lìa bỏ ái, có tâm thủ hay tâm lìa bỏ thủ, có tâm tập trung hay tâm tán loạn, có tâm lớn hay tâm nhỏ, có tâm cao thượng hay tâm thấp hèn.

Có tâm tịch tịnh hay tâm không tịch tịnh, tâm trạo cử hay tâm không trạo cử, tâm định hay tâm không định, tâm giải thoát hay tâm không giải thoát, tâm hữu lậu hay tâm vô lậu, có tâm hẹp hay có tâm rộng, có tâm cao tột hay không có tâm cao tột… với các tâm này, Đại Bồ Tát ấy đều biết như thật.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này tuy đầy đủ công dụng của tha tâm trí thông nhưng trong đó không tự cống cao. Không chấp tánh của tha tâm trí chứng thông. Không chấp vào việc tha tâm trí chứng thông. Không chấp vào người có thể đắc tha tâm trí chứng thông. Ðối với chấp hay không chấp cả hai đều không có gì để chấp.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh không, vì tự tánh lìa, vì tự tánh xưa nay bất khả đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không vì ham vui mà phát sanh tha tâm trí chứng thông như vậy, chỉ trừ vì đắc trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Ðó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh tha tâm trí chứng thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát với túc trụ tùy niệm trí chứng thông, có thể nhớ như thật tất cả việc đời trước của hữu tình trong hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương. Nghĩa là nhớ các việc trong quá khứ của một tâm cho đến một trăm tâm của mình và người. Hoặc nhớ lại những việc đã qua trong một tháng cho đến trăm tháng ở quá khứ của mình và người.

Hoặc nhớ các việc đời trước trong một năm cho đến trăm năm của mình và người. Hoặc nhớ lại những việc đời trước trong một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, hơn trăm ngàn kiếp, cho đến vô lượng trăm ngàn câu chi, na do tha kiếp.

Hoặc nhớ lại tất cả việc đời trước ở đời trước. Nghĩa là thời gian như vậy, nơi chốn như vậy, tên như vậy, họ như vậy, loài như vậy, ăn uống như vậy, tồn tại lâu như vậy, tuổi thọ như vậy, khổ vui như vậy.

Từ nơi này, qua đời sanh vào chỗ kia, từ chỗ kia qua đời sanh vào chỗ này, dung mạo như vậy, nói năng như vậy, hẹp hòi hay phóng khoáng… các việc đã qua như vậy đều có thể nhớ cả.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này đầy đủ các công dụng của túc trụ tùy niệm trí như vậy, nhưng trong đó không tự cống cao, không chấp tánh túc trụ tùy niệm trí chứng thông, không chấp vào việc túc trụ tùy niệm trí chứng thông, không chấp người có thể đắc túc trụ tùy niệm trí chứng thông. Với chấp hay không chấp cả hai đều không có gì để chấp.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh không, vì tự tánh lìa, vì tự tánh xưa nay bất khả đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không vì ham vui mà phát sanh túc trụ tùy niệm trí chứng thông, chỉ trừ vì đắc trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Ðó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh túc trụ tùy niệm trí chứng thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát với thiên nhãn trí chứng thông thanh tịnh hơn thiên nhãn của người, có thể như thật thấy các màu sắc, hình tượng của loài có tình thức, chẳng phải có tình thức trong hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương. Thấy các hữu tình khi chết, lúc sống, thể sắc đẹp hay xấu, cõi lành hay cõi ác, hoặc thua hoặc hơn, tùy theo lực dụng của nghiệp mà thọ sanh khác biệt.

Như vậy, hữu tình nào thành tựu ba diệu hạnh thuộc thân, ngữ, ý, khen ngợi Hiền Thánh, chánh kiến về nhân duyên, thì sau khi qua đời sẽ sanh vào cõi lành, hoặc sanh lên Trời, hoặc sanh vào cõi người hưởng các khoái lạc.

Còn hữu tình nào tạo ba ác hạnh thuộc thân, ngữ, ý, chê bai Hiền Thánh, tà kiến về nhân duyên, thì sau khi qua đời sẽ đọa vào đường ác, hoặc sanh vào địa ngục, hoặc làm bàng sanh, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc sanh nơi biên địa hạ tiện xấu ác. Hữu tình tập trung đó chịu các khổ não.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này tuy đầy đủ thiên nhãn thanh tịnh như vậy, có thể thấy hữu tình trong các cõi ở mười phương chết đây sanh kia, nhân quả sai khác, nhưng trong đó không tự cống cao, không chấp tánh của thiên nhãn trí chứng thông, không chấp vào việc thiên nhãn trí chứng thông, không chấp người có thể đắc thiên nhãn trí chứng thông như vậy. Đối với chấp hay không chấp cả hai đều không có gì để chấp.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh không, vì tự tánh lìa, vì tự tánh xưa nay bất khả đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không vì ham vui mà phát sanh thiên nhãn trí chứng thông như thế, chỉ trừ vì đắc trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Ðó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh thiên nhãn trí chứng thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát với lậu tận trí chứng thông, có thể biết như thật tất cả hữu tình trong hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương lậu đã tận hay chưa tận. Bồ Tát đắc lậu tận thông này không rơi vào địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, chỉ hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không còn mong muốn nghĩa lợi nào nữa.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này tuy đầy đủ công dụng của lậu tận trí như vậy, nhưng trong đó không cống cao, không chấp tánh của lậu tận trí chứng thông, không chấp vào sự lậu tận trí chứng thông, không chấp người có thể đắc lậu tận trí chứng thông. Với chấp hay không chấp cả hai đều không có gì để chấp.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh không, vì tự tánh lìa, vì tự tánh xưa nay bất khả đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không vì ham vui mà phát sanh lậu tận trí chứng thông như vậy, chỉ trừ vì trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Ðó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa phát sanh lậu tận trí chứng thông Ba la mật đa.

Như vậy, Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa mau viên mãn lục thông thanh tịnh. Nhờ lục thông viên mãn thanh tịnh này nên mau chứng đắc trí nhất thiết trí.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!

Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào bố thí Ba la mật đa làm nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không keo kiệt.

Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa làm nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không hủy phạm.

Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào nhẫn Ba la mật đa làm nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không sân giận.

Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa làm nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không biếng nhác.

Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa làm nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không tán loạn.

Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào bát nhã Ba la mật đa làm nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không ác tuệ.

Như vậy, này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, an trụ vào sáu Ba la mật đa hoặc riêng hoặc chung, nghiêm tịnh đạo trí nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn không, nên không qua lại, không lấy bỏ. Tuy làm các việc bố thí xan tham, tịnh giới ác giới, an nhẫn sân giận, tinh tấn biếng nhác, tịnh lự tán loạn, trí tuệ, ác tuệ, nhưng trong đó không chấp chặt bất cứ thứ gì.

Này Xá Lợi Tử! Lúc bấy giờ Đại Bồ Tát, không chấp bố thí, không chấp xan tham, không chấp tịnh giới, không chấp phạm giới, không chấp an nhẫn, không chấp sân giận, không chấp tinh tấn, không chấp biếng nhác, không chấp tịnh lự, không chấp tán loạn, không chấp trí tuệ, không chấp ác tuệ.

Này Xá Lợi Tử! Ngay lúc ấy, Đại Bồ Tát này không chấp hủy nhục, không chấp khen ngợi, không chấp khinh mạn, không chấp cung kính.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì trong pháp vô sanh, huỷ nhục, khen ngợi, khinh mạn, cung kính đều không có.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa vĩnh viễn chấm dứt tất cả các chấp trước.

Này Xá Lợi Tử! Công đức tối thắng tối diệu của Đại Bồ Tát ấy do tu hành bát nhã Ba la mật đa đạt được thì đối với tất cả Thanh Văn và Ðộc Giác đều không có.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy công đức viên mãn, làm thành tựu các hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, mau chứng đắc trí nhất thiết trí.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, đều có tâm bình đẳng với các hữu tình. Có tâm bình đẳng với các hữu tình rồi thì Đại Bồ Tát ấy chứng đắc tánh bình đẳng của tất cả hữu tình, và đắc tánh bình đẳng của tất cả pháp.

Sau khi chứng đắc tánh bình đẳng của tất cả hữu tình, và chứng đắc tánh bình đẳng của tất cả pháp, Đại Bồ Tát ấy an lập tất cả hữu tình vào trong tánh bình đẳng của tất cả pháp. Ở trong hiện pháp Đại Bồ Tát ấy được hết thảy Đức Phật hộ niệm, được tất cả Đại Bồ Tát thương yêu tôn trọng, được tất cả Thanh Văn, Ðộc Giác cung kính.

Đại Bồ Tát ấy dù sanh ra ở đâu mắt không bao giờ thấy sắc không đáng ưa, tai không bao giờ nghe tiếng không đáng nghe, mũi thường không ngửi mùi hương không đáng ưa, lưỡi thường không nếm vị không đáng ưa, thân thường không cảm giác những tiếp xúc không đáng ưa, ý thường không chấp lấy những pháp không đáng ưa.

Này Xá Lợi Tử! Đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, Đại Bồ Tát ấy vĩnh viễn không thối chuyển.

Khi Đức Phật đang nói công đức thù thắng của các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa này, hơn một trăm Bí Sô rời khỏi chỗ và đem thượng y dâng Thế Tôn. Dâng lên Thế Tôn xong, các vị ấy đều phát tâm hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Khi ấy, Thế Tôn liền mỉm cười, từ trong miệng phóng ra ánh sáng đủ loại màu sắc.

Bấy giờ, A Nan Đà rời khỏi tòa, trịch áo bày vai phải, quì gối sát đất, chấp tay cung kính thưa: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười như vậy, Chư Phật mỉm cười ắt có nhân duyên?

Đức Phật dạy A Nan Đà: Hơn một trăm Bí Sô rời khỏi tòa này, từ đây trở về sau sáu mươi mốt kiếp, trong kiếp Tinh Dụ sẽ thành Phật đều đồng một hiệu là Ðại Tràng Tướng Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Ðiều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Các Bí Sô này sau khi xả thân sẽ sanh vào Cõi Phật Bất Ðộng ở phương Ðông, ở Cõi Phật đó, tu Bồ Tát hạnh.

Khi ấy, lại có sáu vạn Thiên Tử được nghe Phật nói pháp tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên rất hoan hỷ tin tưởng thọ nhận. Thế Tôn thọ ký cho họ sẽ ở trong pháp của Từ Thị Thế Tôn xuất gia với lòng tin trong sạch, siêng năng tu phạm hạnh đoạn trừ các phiền não, chứng Vô Dư Niết Bàn.

Bấy giờ, tất cả đại chúng trong hội, nhờ thần lực của Phật nên đều thấy ngàn Đức Phật và các Đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cùng chúng hội của các Ngài. Oai đức trang nghiêm của Chư Phật đó rất khả ái. Ngay khi ấy, tướng trang nghiêm thanh tịnh Cõi Thế Giới Kham Nhẫn này không thể sánh kịp.

Mười ngàn chúng sanh trong chúng hội này đều phát nguyện: Phước mà tôi tu được, nguyện xin Vãng Sanh về những Cõi Phật kia.

Biết ước nguyện của những người này, Đức Thế Tôn lại mỉm cười, trong miệng lại phóng ra ánh sáng đủ màu sắc.

Bấy giờ, A Nan Đà lại rời khỏi tòa, cung kính hỏi Phật lý do Ngài mỉm cười.

Phật dạy: Ông có thấy mười ngàn người này không?

A Nan Đà thưa: Bạch Thế Tôn! Con có thấy.

Phật dạy: Mười ngàn chúng sanh này do nguyện lực của họ mà sau khi qua đời được vãng sanh về Cõi Phật. Từ đó về sau không bao giờ xa lìa Phật, luôn cung kính, cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, tu hành sáu pháp Ba la mật đa.

Sau khi được viên mãn, sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đều cùng một hiệu là Trang Nghiêm Vương Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Ðiều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Khi ấy, ở trong chúng, cụ thọ Xá Lợi Tử, cụ thọ Ðại Mục Liên, cụ thọ Ðại Ẩm Quang, cụ thọ Thiện Hiện v.v… các Đại Bí Sô, Bí Sô Ni, Đại Bồ Tát, Ổ Ba Sách Ca thiện nam, Ổ Ba Tư Ca tín nữ đều rời khỏi tòa chấp tay cung kính thưa: Bạch Thế Tôn!

Các Đại Bồ Tát được chứng đắc bát nhã Ba la mật đa là Ðại Ba la mật đa, là Quảng Ba la mật đa, là Ðệ nhất Ba la mật đa, là Tôn Ba la mật đa, là Thắng Ba la mật đa, là Diệu Ba la mật đa, là Vi diệu Ba la mật đa, là Cao Ba la mật đa, là Lực Ba la mật đa, là Thượng Ba la mật đa, là Vô thượng Ba la mật đa.

Là Vô thượng thượng Ba la mật đa, là Ðẳng Ba la mật đa, và Vô đẳng Ba la mật đa, là Vô đẳng đẳng Ba la mật đa, là Như Hư Không Ba la mật đa, là Vô đối đãi Ba la mật đa, là Tự tướng không Ba la mật đa, là Cộng tướng không Ba la mật đa, là Thành tựu nhất thiết công đức Ba la mật đa, là Bất khả khuất phục Ba la mật đa, là Có thể điều phục tất cả Ba la mật đa.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa rất tôn quí, rất thù thắng, tối cao, tối diệu, đầy đủ thế lực lớn, có thể thực hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa không gì sánh bằng. Có thể viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa không gì sánh bằng.

Có thể đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa không gì sánh bằng. Có thể đắc tự thể không gì sánh bằng, đó là thân được trang nghiêm vô biên tướng tốt đẹp vi diệu, có thể chứng pháp không gì sánh bằng. Đó là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Bạch Thế Tôn! Cũng nhờ tu hành bát nhã Ba la mật đa hoàn toàn viên mãn mà có được sắc không gì sánh bằng, có được thọ, tưởng, hành, thức không gì sánh bằng, chứng Bồ Đề không gì sánh bằng, chuyển pháp luân không gì sánh bằng, làm lợi ích an lạc cho các loài hữu tình. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng nhờ tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa mà đã, sẽ và đang chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Cho nên, Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát muốn đạt đến sự cứu cánh của tất cả pháp để đến bờ bên kia thì nên học bát nhã Ba la mật đa.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa làm cho tất cả Trời, Người, A Tố Lạc, Kiền Đạt Phược v.v… trong thế gian đều cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy Bồ Tát Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa làm cho tất cả Trời, Người, A Tố Lạc, Kiền Đạt Phược v.v… trong thế gian đều cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.

Vì sao?

Vì nhờ Đại Bồ Tát ấy mà thế gian có Trời, Người xuất hiện. Đó là đại tộc Sát Đế Lợi, đại tộc Bà La Môn, đại tộc Trưởng Giả, đại tộc Cư Sĩ, Chuyển Luân Thánh Vương và Vua nhỏ phú quí có quyền lực, Trời Tứ Đại Thiên Vương chúng cho đến Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ xuất hiện ở thế gian.

Nhờ Đại Bồ Tát này mà thế gian xuất hiện Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Ðộc Giác, Bồ Tát và Chư Phật. Nhờ Đại Bồ Tát này mà thế gian xuất hiện Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo.

Nhờ Đại Bồ Tát này mà thế gian xuất hiện những thứ đồ ưa thích để sanh sống. Đó là thức ăn, uống, y phục, giường chiếu, thuốc thang trị bệnh, của cải, gạo thóc, trân bảo, đèn đuốc v.v… nói tóm lại, tất cả thú vui của Trời người, A Tố Lạc v.v… và Niết Bàn đều phát sanh từ Đại Bồ Tát ấy.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát ấy tự mình hành sáu pháp Ba la mật đa, và khuyến khích người khác tu hành. Cho nên, nhờ các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa mà tất cả hữu tình đều đạt được lợi ích an vui thù thắng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện tướng lưỡi che khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới. Từ nơi tướng lưỡi này lại phát ra vô lượng tia sáng đủ màu sắc, chiếu khắp hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật ở mười phương.

Khi ấy, mỗi Cõi Phật trong hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương đều có vô lượng, vô số các Đại Bồ Tát thấy ánh sáng lớn này đều nghi ngờ, các vị đến chỗ Phật của Cõi mình cúi đầu cung kính thưa: Bạch Thế Tôn!

Đây là thần lực của ai, lại do nhân duyên gì mà có ánh sáng lớn chiếu các Cõi Phật như vậy?

Khi ấy, mỗi Đức Phật trả lời cho các Đại Bồ Tát: Ở phương kia có Thế Giới Phật tên Kham Nhẫn, Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Ðiều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang giảng nói bát nhã Ba la mật đa cho chúng Đại Bồ Tát, hiện tướng lưỡi che khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Từ tướng lưỡi lại phát ra vô lượng ánh sáng đủ màu sắc, chiếu đến hằng hà sa số Thế Giới các Cõi Phật ở mười phương. Ánh sáng này là do tướng lưỡi của Phật ấy hiện ra.

Khi ấy, vô lượng, vô biên các Đại Bồ Tát ở mỗi cõi nghe xong hoan hỷ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn đến Thế Giới Kham Nhẫn để chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni và các Bồ Tát, đồng thời nghe bát nhã Ba la mật đa. Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót cho phép chúng con được đi.

Mỗi Đức Phật đều dạy: Nay đã đúng lúc, các ông hãy đi tự nhiên.

Bấy giờ, được Phật đồng ý, các Đại Bồ Tát lễ lạy dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải rồi từ giã ra đi. Các Đại Bồ Tát sửa soạn đủ thứ vật quí báu nào tràng phan, lọng, y phục, anh lạc, vòng hoa thơm, trân bảo, vàng bạc, các loại hoa v.v… tấu lên đủ loại âm nhạc vi diệu. Trong chốc lát đã đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen Phật và Bồ Tát, đi nhiễu trăm ngàn vòng rồi lễ Phật và lui qua một bên.

Khi ấy, Trời Tứ Đại Thiên Vương chúng cho đến Trời Sắc Cứu Cánh đều đem vô lượng vòng hoa thơm và vô lượng hoa Trời thượng diệu đến chỗ Đức Phật cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Phật, Bồ Tát, đi nhiễu trăm ngàn vòng, đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui qua một bên.

Cũng lúc ấy, các Đại Bồ Tát trong mười phương và vô lượng Trời ở Cõi Dục Giới và Sắc Giới, dâng cúng đủ loại vật báu như tràng phan, lọng, y phục, anh lạc, hương hoa, châu báu và các âm nhạc v.v… nhờ thần lực của Phật tất cả vật cúng dường ấy vọt lên không trung hợp lại thành một cái lọng, lớn bằng Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, bốn góc trên đỉnh lọng đều có cờ báu được trang nghiêm đủ kiểu rất đáng ưa thích.

Sau khi biết các Đại Bồ Tát và các đại Thiên Chúng đến từ mười phương Thế Giới có ý muốn thanh tịnh, đối với các pháp đã đắc vô sanh pháp nhẫn, thấu rõ tất cả pháp là vô tác, vô vi, vô sinh, vô diệt, Đức Thế Tôn liền mỉm cười từ miệng lại phóng ra ánh sáng đủ màu sắc.

A Nan Đà liền đứng dậy cung kính chấp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười, Ðại Thánh mỉm cười ắt có nhân duyên?

Phật dạy: Này A Nan Đà, hôm nay trăm ngàn câu chi, na do tha chúng trong hội này đối với các pháp đã đắc vô sanh pháp nhẫn, thấu rõ tất cả pháp là vô tác, vô vi, bất sanh, bất diệt, và ý muốn thanh tịnh. Do nhờ dâng cúng những thứ hoa v.v… các vật cúng dường ấy vọt lên không trung kết lại thành một cái lọng. Bốn góc trên đỉnh lọng có cờ trang nghiêm đủ kiểu rất đáng ưa thích.

Bấy giờ, trăm ngàn câu chi, na do tha chúng trong hội đứng dậy chấp tay cung kính bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Chúng con xin nguyện đời vị lai sẽ thành Phật, có oai đức tướng tốt giống như Thế Tôn, Quốc Độ trang nghiêm, chuyển pháp luân độ Thanh Văn, Bồ Tát, Trời, Người đều thành Phật.

Đức Thế Tôn dạy cụ thọ A Nan Đà: Trăm ngàn câu chi, na do tha chúng đứng dậy này vào đời vị lai, trải qua sáu mươi tám câu chi đại kiếp tu hạnh Bồ Tát, trong kiếp Hoa Tích sẽ thành Phật, đồng một hiệu là Giác Phần Hoa Như Lai, Ứng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Ðiều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần