Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

QUANG TÁN  

TẬP MỘT  

Nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật du hành ở nước La Duyệt Kỳ, ngụ trong núi Kỳ Xà Quật cùng với năm ngàn vị Đại Tỳ Kheo Tăng.

Các vị đều là A La Hán, các lậu đã hết, không còn trần cấu, đã được tự tại, tâm an lạc giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, nhân từ hòa thuận, là những bậc đại khai đạo, việc làm đã xong, sự tu tập đã rốt ráo, vứt bỏ gánh nặng, đạt được lợi mình, trừ hoạn luân hồi, bình đẳng giải thoát, chỉ trừ một vị là bậc hữu học Tu Đà Hoàn, đó là Hiền Giả A Nan.

Lại còn có năm trăm vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều hiện diện tại đây và các Đại Bồ Tát đắc các tổng trì, thành tựu tam muội, tu hành hạnh không, tuân theo vô tướng, chẳng nghĩ các nguyện.

Đạt được đẳng nhẫn, vô số tổng trì, chứng đắc năm thông, nói lời thông minh, mẫn tiệp, không có biếng lười, từ bỏ tâm luyến mộ lợi lộc thế tục, giảng nói Kinh Pháp chẳng cầu cúng dường, đạt pháp mầu sâu xa, đã được giải thoát, không còn sợ hãi, siêu vượt việc ma, thoát tất cả chướng ngại của ấm, cái, giảng thuyết nhân duyên, chỗ hướng đến của tâm chí, từ vô số kiếp tinh tấn hành hạnh nguyện.

Ý hướng của các vị ấy là đối với người khác, thường vui vẻ thăm hỏi trước, xa lìa sự kết oán, vào trong hội chúng đông đảo, oai thế trang nghiêm không hề sợ hãi, nhớ nghĩ sự việc vô lượng ức kiếp, nếu nói Kinh Pháp thì làm sáng tỏ các nghĩa như huyễn hóa, cảnh ảo, trăng dưới nước, mộng, bóng, tiếng vang, hoặc như hình tượng trong gương, đơn độc, dũng mãnh, dùng tuệ vi diệu biết sự mống khởi của tâm chúng sinh.

Vượt qua sự phân biệt, lòng không ôm hại, ân cần, nhẫn nhục, đầy đủ hạnh nguyện, quán xét kỹ người sẽ được độ, nguyện lực vô hạn nhận lãnh Cõi Phật, thường nhập định tam muội, trông thấy vô số Thế Giới Chư Phật, thấu suốt những điều cần thưa hỏi vô lượng Chư Phật Thế Tôn, có khả năng quyết định lui tới những nơi đủ loại kiến chấp, dùng định ý tự vui, giảng giải trăm ngàn hạnh.

Các Đại Bồ Tát mà đức độ đều như thế, có danh hiệu là Bồ Tát Bạt Đa Hòa, Bồ Tát La Lâu Na Kiệt, Bồ Tát Ma Ha Tu Bồ Hòa, Bồ Tát Na La Đạt, Bồ Tát Kiều Nhật Đâu, Bồ Tát Hòa Luân Điều, Bồ Tát Nhân Để, Bồ Tát Hiền Thủ, Bồ Tát Diệu Ý, Bồ Tát Tăng Ý, Bồ Tát Bất Hư Kiến, Bồ Tát Lập Nguyện, Bồ Tát Châu Triền, Bồ Tát Thường Tinh Tấn Ứng.

Bồ Tát Bất Trí Viễn, Bồ Tát Nhật Thạnh, Bồ Tát Vô Ngô Ngã, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Tiệm Thủ, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Thường Cử Thủ, Bồ Tát Thường Hạ Thủ, Bồ Tát Từ Thị. Các chúng Bồ Tát như thế vô lượng, ức trăm ngàn cai chẳng thể kể xiết, tất cả đều là bậc diệu đức đồng chân thanh tịnh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi kiết già ngay thẳng trên tòa Sư tử tự nhiên, đã có chủ định là chế chỉ tâm ý. Có tam muội tên là Định ý vương, khi nhập định này thì tự nhiên được chánh định và nhập vào khắp các định ý khác, sự cứu độ bình đẳng, chế ngự để hướng dẫn. Đức Phật vừa nhập tam muội này thì tâm Ngài an tịnh.

Dùng đạo nhãn quan sát Thế Giới này, thần thái thung dung. Ngài mỉm cười, từ lòng bàn chân phóng ra sáu vạn trăm ngàn ánh sáng, từ mười ngón chân phóng ra mười ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai bên sườn phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai đầu gối phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai chân phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai vai phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai khủy tay phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng.

Từ rốn phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ đầu phóng ra ức trăm ngàn ánh sáng, từ mười ngón tay phóng ra mười ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai cánh tay phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai mi phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ sau cổ phóng ra ức trăm ngàn ánh sáng, từ hai mắt phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng.

Từ hai tai phóng ra hai ức trăm ngàn ánh sáng, từ mũi phóng ra ức trăm ngàn ánh sáng, từ bốn mặt phóng ra bốn trăm ức trăm ngàn ánh sáng, từ bốn mươi cái răng phóng ra bốn mươi ức trăm ngàn ánh sáng, từ tướng giữa chặn mày phóng ra ức trăm ngàn ánh sáng, từ nhục kế trên đảnh phóng ra sáu vạn ức trăm ngàn ánh sáng.

Những luồng ánh sáng này chiếu sáng cả tam thiên đại thiên Thế Giới, không đâu là không sáng, chiếu khắp hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía, trên dưới cũng đều như vậy. Chúng sinh nào nhờ gặp được ánh sáng này thì tâm tĩnh lặng đều phát đạo vô thượng chánh chân.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền vui vẻ mỉm cười, từ dưới các lỗ chân lông phóng ra các luồng ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới này và chiếu khắp mười phương, không đâu không tiếp giáp. Trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật, chúng sinh nào được ánh sáng này chiếu đến đều được tĩnh lặng, chỉ chú tâm đến đạo vô thượng chánh chân.

Bấy giờ, Thế Tôn liền hiển hiện ánh sáng chí tánh chân diệu thanh tịnh, chiếu tam thiên đại thiên Thế Giới, soi sáng khắp hằng hà sa các Cõi Phật mười phương. Nếu chúng sinh nào gặp được ánh sáng này thì rốt ráo đạt đến đạo vô thượng chánh chân.

Khi ấy, Đức Thế Tôn từ cái lưỡi vốn che trùm Cõi Phật của Ngài, phát ra vô số ức trăm ngàn ánh sáng, chiếu sáng tam thiên đại thiên Thế Giới này và chiếu khắp hằng hà sa các Cõi Phật trong mười phương.

Trong ánh sáng ấy, tự nhiên phát sinh những hoa sen báu bằng vàng, trên mỗi hoa sen ấy đều có các Đức Phật ngồi kiết già giảng thuyết Kinh Pháp, diễn bày sáu pháp Ba la mật, tất cả mười phương cũng lại như thế. Nếu có chúng sinh nào nghe pháp được giảng này thì rốt ráo, tất cả đều được an trụ vững chắc ở quả vị giác ngộ cao tột.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngồi trên tòa Sư tử. Có tam muội tên là Sư Tử ngu lạc, Ngài nhập tam muội này tự nhiên chánh định, đúng như trạng thái của nó, biểu hiện oai quang, thị hiện thần túc, cả tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách, cả những nơi biên tế cũng lay động, làm cho từ trong đến ngoài đều thuận hòa yên ả, vì thương xót tất cả các loài chúng sinh nên làm cho họ được an ổn, khoái lạc, không còn lo lắng.

Bấy giờ chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, các việc không an ổn, các việc sợ hãi, nguy khốn tự nhiên chấm dứt. Ba đường ác đã trừ, họ đều được sinh vào cõi người, cõi bốn Thiên vương, Cõi Trời Đao Lợi, Trời Diệm, Trời Đâu Thuật, Trời Ni Ma La, Trời Ba La Ni Mật.

Khi ấy Chư Thiên vừa sinh trong nhân gian, trên Cõi Trời, liền biết đời trước của mình, hoan hỷ mừng vui, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu sát chân, chắp tay kính lễ. Tất cả mười phương cũng giống như vậy, không gì sai trái.

Bấy giờ các loài chúng sinh trong ba ngàn Thế Giới này, người mù được thấy các cảnh vật, người điếc nghe hết các âm thanh, người chí loạn tâm mê thì tỉnh lại, người mê muội sân hận thì tức thời định tỉnh, người không có y phục tự nhiên có y phục, người đói khát thiếu thốn tự nhiên no đủ, người khát khao mong cầu, không mong cầu gì nữa, người tật bệnh được lành, người tàn tật các căn đầy đủ, người cực nhọc tự nhiên được thư thả, người từ lâu cô độc không còn cô độc nữa.

Tất cả chúng sinh đạt được tâm bình đẳng, tuần tự coi nhau như cha như mẹ, như anh như em, như chị như em, mọi người đều đồng tâm, không thiên vị, cùng hành tâm từ. Tất cả chúng sinh đều tu mười điều thiện, phạm hạnh thanh tịnh, không có phiền não. Tất cả mọi người đều được an ổn, sự an ổn đạt được giống như Tỳ Kheo đắc tầng thiền thứ ba. Khi ấy chúng sinh đạt được trí tuệ và thiền định, an vui trọn vẹn, xa lìa sự thấp hèn, đạt được sự hòa nhã.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở tại tòa Sư tử trong tam thiên đại thiên Thế Giới, oai thần lồng lộng vô cùng siêu việt khác thường, hào quang chói sáng, không có sợ sệt, tôn nhan toàn bích ánh sáng tinh khiết rực rỡ, chiếu khắp hằng hà sa các Cõi Phật ở phương Đông và khắp hằng hà sa các Cõi Phật tám phương trên dưới, như núi Tu Di vượt lên trên tất cả các núi, ánh sáng đó chiếu thấu mọi nơi.

Khi ấy Thế Tôn thừa Thánh chỉ tự nhiên của chư Như Lai làm cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều cùng nhìn thấy Như Lai. Lúc đó, ở Thế Giới này, Chư Thiên Thủ Đà Vệ Tịnh Cư, Trời Phạm, Trời Ba La Ni Mật, Trời Ni Ma La, Trời Đâu Thuật, Trời Diệm, Trời Đao Lợi, Trời Tứ Thiên Vương và nhân dân ở tại tam thiên đại thiên Thế Giới, tự nhiên thấy mình gần gũi Đức Như Lai, đều được hoa Trời Tự Nhiên truyền đến mùi hương Cõi Trời như hương, hương tạp, hương bột, các hoa tươi như hoa sen xanh, hoa phù dung.

Các loại hoa Trời đẹp đẽ đầy đủ cành lá. Mọi người đều mang đến chỗ Như Lai, cúi đầu sát chân Phật, rải cúng trên Ngài. Và tại nhân gian, mọi người đều cầm các loại hoa trên đất, dưới nước đi đến chỗ Thế Tôn để cúng dường.

Các loại hoa mà Chư Thiên và loài người đã rải cúng dường bay lên hư không, hóa thành cung điện, lầu gác tự nhiên. Từ cung điện ấy thả xuống các loại hoa trời, lọng lụa, cờ phướn tung bay phất phới, hiện rõ khắp nơi. Các loại hoa hương kia trang nghiêm Cõi Phật trong tam thiên đại thiên Thế Giới tự nhiên rạng rỡ, hình dạng màu sắc như vàng mài tía. Tám hướng, trên dưới thơm phức, rực rỡ cũng giống như thế.

Bấy giờ dân chúng ở cõi Diêm Phù Đề nhìn thấy Đức Như Lai hiện thân uy nghiêm biến hóa không thể kể xiết, ai nấy đều nghĩ là hôm nay Đức Như Lai ngồi trước ta. Khắp các Cõi Phật khác cũng giống như vậy, ai nấy đều nghĩ là hôm nay Đức Như Lai ngồi ở trước ta mà thuyết Kinh Pháp.

Khi ấy Đức Thế Tôn ở trên tòa Sư tử lại vui vẻ mỉm cười. Lại một lần nữa, ánh sáng rực rỡ rộng lớn chiếu cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Ở cõi này, dân chúng đều nhìn thấy Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác và chúng Bồ Tát, Thanh Văn hiện ở trong hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông.

Lại nữa, các chúng sinh trong hằng hà sa các Cõi Phật ở phương Đông cũng đều trông thấy Đức Phật Thích Ca Văn cùng Tỳ Kheo Tăng và các Bồ Tát đang ngồi thuyết Kinh. Tám hướng, trên dưới, cũng lại như thế, đều trông thấy cảnh tượng này không sai khác.

Bấy giờ vượt qua hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở phương Đông, có Thế Giới cuối cùng tên là Bảo Tích, Đức Phật Hiệu là Bảo Sự Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện đang vì các chúng sinh giảng thuyết Kinh Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa.

Lúc đó, ở Thế Giới Phật kia, có Bồ Tát hiệu là Phổ Minh thấy ánh sáng lớn và đại địa chấn động liền đi đến chỗ Đức Như Lai Bảo Sự cúi đầu thưa hỏi: Kính bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì ánh sáng lớn ấy chiếu sáng Cõi Phật này và đại địa chấn động?

Tự nhiên được thấy thân các Đức Như Lai, hẳn có ý gì?

Đức Phật kia bảo Bồ Tát Phổ Minh: Này Tộc Tánh Tử, nên biết, ở rất xa về phương Tây, có Thế Giới nhẫn, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Thích Ca Văn Như Lai, hiện nay đang vì các Bồ Tát thuyết bát nhã Ba la mật đa. Đó là ánh sáng oai thần của Đức Phật đó vậy.

Bồ Tát Phổ Minh thưa với Đức Như Lai Bảo Sự: Bạch Thế Tôn! Con muốn đến cõi ấy yết kiến Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni và đảnh lễ Ngài. Các chúng Đại Bồ Tát đồng chân… là những vị đắc tổng trì, tam muội rốt ráo, định ý tự tại, đã được giải thoát cũng muốn đến chỗ Đức Thích Ca Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Đức Bảo Sự Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác bảo Bồ Tát Phổ Minh: Thiện Nam hãy đi đi! Ông nên biết đã đúng lúc.

Khi ấy Đức Như Lai Bảo Sự ban cho Bồ Tát Phổ Minh hoa sen màu vàng có ngàn cánh và bảo: Thiện Nam Tử hãy cầm lấy hoa sen báu này dùng để rải cúng Đức Như Lai Thích Ca.

Này Thiện Nam! Muốn đến đó phải tu hạnh tịch nhiên. Bồ Tát nào sinh vào Thế Giới nhẫn ấy thì có rất nhiều hoạn nạn, cũng khó gặp gỡ.

Bồ Tát Phổ Minh liền nhận hoa sen màu vàng ấy, cùng với vô số ức trăm ngàn cai các chúng Bồ Tát, nam nữ lớn nhỏ, tại gia Xuất Gia đem đồ cúng dường Chư Phật Thiên Trung Thiên ở phương Đông, cung kính đảnh lễ, dâng lên các thứ hương hoa, hương tạp, hương bột. Rồi họ lần lượt đi đến chỗ Đức Như Lai Thích Ca, cúi đầu sát chân lui đứng một bên.

Bồ Tát Phổ Minh thưa với Thế Tôn: Kính bạch Đại Thánh! Đức Như Lai Bảo Sự ân cần kính lời vấn an Ngài, sự khất thực có dễ dàng và sự giáo hóa có an ổn chăng?

Lại xin dâng lên Ngài hoa sen màu vàng này.

Đức Phật nhận hoa sen, liền tung rải xa đến hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông, tự nhiên có Đức Phật ngồi trên hoa sen màu vàng giảng nói Kinh Pháp, lại cũng diễn nói sáu pháp Ba la mật. Có chúng sinh nào nghe lời thuyết giảng này thông suốt tất cả thì tức thời an trú vững vàng nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nam nữ, lớn nhỏ đều lễ sát chân Phật, đều dùng công đức cúng dường Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Ở phương Nam, cách cõi này hằng hà sa cõi, tận cùng biên tế, có Cõi Phật tên là Ly Nhất Thiết Ưu. Đức Phật ở đó hiệu là Vô Ưu Thủ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Ở đó có Bồ Tát tên là Ly Thích, thưa trình sự việc với Phật. Đức Phật ban cho hoa sen. Bồ Tát ấy cùng vô số Bồ Tát đi qua các Quốc Độ, cúng dường Chư Phật, rồi đến chỗ Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni, đảnh lễ cúng dường, lui ngồi nghe Kinh.

Ở phương Tây, cách cõi này hằng hà sa cõi, có Thế Giới tên là Tịch Nhiên. Đức Phật Hiệu là Bảo Long Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Ở đó có vị Bồ Tát tên là Ý Hành thưa trình sự việc với Phật. Ngài ban cho hoa sen. Bồ Tát ấy cùng vô số Bồ Tát đi qua các Quốc Độ, cúng dường Chư Phật, rồi đến chỗ Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni, đảnh lễ cúng dường, lui ngồi nghe Kinh.

Ở phương Bắc, cách cõi này hằng hà sa cõi, có Thế Giới tên là Trí Thắng. Đức Phật Hiệu là Thắng Chư Căn Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Ở đó có vị Bồ Tát tên là Thí Thắng, thưa trình sự việc với Phật. Ngài ban cho hoa sen. Bồ Tát ấy cùng với vô số Bồ Tát đi qua các cõi nước, cúng dường Chư Phật, rồi đến chỗ Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni, đảnh lễ cúng dường, lui ngồi nghe Kinh.

Ở phương dưới, cách cõi này hằng hà sa cõi, có Thế Giới tên là Nhân Hiền. Đức Phật Hiệu là Hiền Thủ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Ở đó có vị Bồ Tát tên là Liên Hoa Thượng, thưa trình sự việc với Phật. Ngài ban cho hoa sen. Bồ Tát ấy cùng vô số Bồ Tát đi qua các cõi nước, cúng dường Chư Phật, rồi đến chỗ Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni, đảnh lễ cúng dường, lui ngồi nghe Kinh.

Ở phương trên, cách cõi này hằng hà sa cõi, có Thế Giới tên là Hân Lạc. Đức Phật ở đó hiệu là Lạc Thủ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Ở đó có vị Bồ Tát tên là Thí Lạc, thưa trình sự việc với Phật. Ngài ban cho hoa sen. Bồ Tát ấy cùng vô số Bồ Tát đi qua các cõi nước, cúng dường Chư Phật, rồi đến chỗ Như Lai Thích Ca Mâu Ni, đảnh lễ cúng dường, lui ngồi nghe Kinh.

Bốn hướng còn lại, cũng giống như thế, không có gì sai khác.

Bấy giờ, ở cõi tam thiên đại thiên Thế Giới này, tức thời từ trên không các loại hoa, hương báu, cờ phướn, lọng báu rơi xuống, tự nhiên trang hoàng cây hương, cây hoa, giống như Cõi Phật của Đức Phổ Hoa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở Thế Giới Liên Hoa Tích, chỗ cư trú của Bồ Tát Phổ Thủ.

Chư Thiên Tử Thiện Trụ Ý và các đại thần, chúng Bồ Tát oai thế vô cùng tôn nghiêm, là tùy tùng của Thế Tôn, Chư Thiên, dân chúng ở nhân gian đều đến tụ hội. Các ma, Phạm Thiên và chúng Thanh Văn, Kiền Đạp Hòa, thần A Tu Luân … đều đến tụ hội. Các Đại Bồ Tát này là đồng tử nên y phục và đồ ăn uống của họ là phước đức tự nhiên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Hiền Giả Xá Lợi Phất: Ở đây, nếu có các Đại Bồ Tát thì nên học Bát Nhã Ba la mật.

Xá Lợi tử bạch: Kính bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát hiểu biết tất cả các pháp một cách đầy đủ thì tại sao phải học Bát Nhã Ba la mật?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát trụ bát nhã Ba la mật rồi thì tu không chỗ trụ, liền viên mãn thí Ba la mật, khiến chẳng khuyết giảm, của đã đem cho không có tiếc rẻ, liền viên mãn giới Ba la mật.

Do nhân duyên đó, chưa từng trụ ở tội hay không tội, cũng sẽ viên mãn nhẫn Ba la mật, khởi tâm không sân hận, nên học tinh tấn Ba la mật, liền được thọ ký. Từ thân ý ấy, phát khởi tinh tấn, không khởi các lậu, sẽ viên mãn thiền Ba la mật, do đó, chẳng mong cầu gì.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần