Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Khen Ngợi Công đức
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI BA
PHẨM KHEN NGỢI CÔNG ĐỨC
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Trời Đế Thích, Phạm Thiên và đại chúng: Lành thay, lành thay! Như lời các ông nói, giả sử công đức đem bảy báu đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới để bố thí, so với công đức của người chỉ một lần được nghe Kinh Pháp này thì công đức sau nhiều hơn công đức kia.
Đức Phật lại dạy: Giả sử công đức dùng châu báu đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc công đức đem bảy báu nhiều như số cát Sông Hằng để bố thí, so với công đức của người được nghe Kinh Pháp này lần thứ hai thì công đức này cũng nhiều hơn.
Này các thiện nam, thiện nữ! Người nào được nghe Kinh này mà mong cầu lợi dưỡng, sắc đẹp, hoặc mong được tài sản, quyến thuộc, làm chủ các pháp, sinh lên Cõi Trời, hoặc mong được giàu có ở thế gian, hoặc để dứt trừ các pháp tà thuật, ngoại đạo, hoặc cầu tiếng khen, học rộng, hiểu nhiều, lại mong được tự tại, được tuệ kiên cố, gặp bạn lành.
Hoặc mong đạt được trí thông đạt tam đạt, muốn có tất cả các pháp lành công đức, hoặc muốn dùng giác ý để dẫn dắt chúng sinh khiến họ không còn hoạn nạn, đau khổ, hoặc cầu pháp vô vi…
Thì thiện nam, thiện nữ ấy nên lãnh hội, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà giảng nói Kinh này. Như Lai chưa bao giờ thấy người chí tâm cung kính tu tập theo Kinh này mà không được lợi ích.
Hôm nay, Như Lai ân cần giao phó lại cho các ông. Người nào được nghe Kinh này từ các Bậc Thầy, hoặc Hòa Thượng mà thọ trì thì Như Lai không thấy có sự cúng dường nào nơi tất cả thế gian có thể báo đáp được ân đức của những vị ấy được.
Vì sao?
Vì pháp đó vượt khỏi thế gian nên không thể dùng sự cúng dường của thế gian mà báo đáp đủ. Pháp ấy vượt trên thế gian nên sự cúng dường của thế gian là không thể so sánh.
Pháp ấy đối với thế gian không bị cấu nhiễm, nhưng pháp thế gian là không thanh tịnh, chẳng phải pháp vi diệu nên không thể dùng pháp thế gian để cúng dường mà báo đáp đủ. Tất cả sự báo đáp mà có chỗ ứng hợp đều nương vào Kinh Điển này, không thể có việc khác.
Sự báo đáp như vậy là thế nào?
Nghĩa là vượt trên mọi sự mong cầu, không có đối tượng để thực hành, đấy gọi là thực hành. Nếu ai cung kính Pháp Sư thì người ấy đã báo ân hoàn toàn thanh tịnh.
Nếu ở những nơi đô thị, xóm làng mà có đầy đủ những vật dụng sinh hoạt, được nhiều phước đức thì nên biết, chư vị ấy đã kính giữ giáo pháp của Như Lai, tu tạp theo lời Phật dạy thì được giải thoát, dựng cờ chánh pháp để phá trừ tối tăm.
Chư vị luôn dũng mãnh chống cự khiến đối phương phải hàng phục, là bậc sư tử vì không hề kinh sợ, gọi là bậc tôn quý ở đời vì tự điều phục tâm, là vị Thần Tiên vì lời nói thành thật, vượt trên tất cả các tà kiến, ngoại đạo là vị thầy thuốc trị lành tất cả các bệnh, vì không sợ hãi hoạn nạn nên giáng nói pháp vi diệu.
Chư vị xả bỏ tất cả phiền não nên giữ giới thanh tịnh, tịch tĩnh, an nhiên, đạt được Niết Bàn vì xa lìa ngã, ngã sỏ, không có kiến chấp về thân, là bậc luôn tinh tấn đạt đến vô vi, trong vô số kiếp không hề chán nản, ưa thích thiền định, hoàn toàn nhất tâm là bậc đại trí tuệ vì có thể hiểu rõ về tất cả các chương, câu.
Vì thông đạt và hiện bày ý nghĩa về các tuệ nên gọi là bậc có oai đức lớn, có vô số trăm ngàn phước đức không thể lường xét, các tướng tốt tự trang nghiêm, trí tuệ không thể cùng tận.
Là bậc có oai đức lớn, che lấp ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, đối với mười diệu lực luôn giữ gìn diệu lực cốt yếu.
Là bậc tạo nên mây lớn, xiển dương tiếng sấm pháp, tuôn xuống mưa pháp lớn để diệt trừ tất cả phiền não cho chúng sinh.
Là bậc đạt được pháp vô vi, diệt độ bậc nhất, xa lìa sinh tử, trừ sạch sự lo sợ, làm bậc có ánh sáng rực rỡ chiếu đến các nơi tối tăm, sợ hãi, vì những người sợ hãi lưới ma mà cứu giúp khiến họ được tự tại.
Là bậc cứu độ cho tất cá chúng sinh trụ nơi Đạo Tràng của Phật, đạt được pháp nhãn, thấy rõ các pháp không có nguồn gốc, thông đạt pháp không, kiến lập lòng bi lớn, an trú nơi lòng từ không giới hạn, gần gũi với tất cả chúng sinh, không theo các pháp nhỏ, hướng đến đại thừa, trừ bỏ hết các điên đảo, đạt được bình đẳng, vượt trên danh tự và tất cả đức hiệu.
Là bậc kiến lập Đạo Tràng, hàng phục quân ma, được tự tại trong cảnh giới của các ma, triệu tập Chư Hiền Thánh để chuyển pháp luân.
Đức Phật dạy: Giả sử trong một kiếp hay hơn một kiếp, nếu có giảng nói, khen ngợi về sự hành hóa của các Bồ Tát ấy cũng không thể rốt ráo cùng tận, vì công đức của chư vị cao vời như vậy, chỉ có Như Lai gồm đủ các thứ biện tài mới có thể khen ngợi công đức của người kính giữ Kinh này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất Chủng Quả
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Không Buông Lung - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Lực - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Hai - Giới độ Vô Cực - Kinh Số Hai Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Một - Phẩm ðược Tâm Phổ Trí