Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Tổng Trì
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT
GIẢNG KINH TỔNG TRÌ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, lúc Đức Phật mới Thành Đạo, Ngài du hóa ở nước Ma Kiệt, trụ chốn pháp nhàn, nơi gốc cây Bồ Đề, cùng với hàng vạn vị Bồ Tát, tất cả đều đã đạt được mọi thành tựu.
Như Bồ Tát Phổ Hiền, hành nơi vô nguyện, giải thoát rốt ráo và các vị Bồ Tát như: Bồ Tát Không Vô, Bồ Tát Liên Hoa Tạng, Bồ Tát Bảo Tạng, Bồ Tát Hành Tạng, Bồ Tát Diệu Diệu, Bồ Tát Kim Cang Tạng, Bồ Tát Lực Sĩ Tạng, Bồ Tát Vô Câu Tạng, Bồ Tát Điều Định Tạng.
Đại thể có tới một vạn vị Bồ Tát như thế, cùng với số lượng chúng Bồ Tát vô kể nơi một thế giới của Chư Phật trong cõi tam thiên đại thiên, mỗi vị từ Cõi Phật khác cùng đến họp mặt nơi chúng hội này. Tới nơi, chư vị đều hóa ra Tòa ngồi Sư Tử, cung kính đảnh lễ Phật xong, thì an tọa nơi Tòa Sư Tử phía trước Đức Phật.
Bấy giờ, các vị Đại Sĩ Bồ Tát ấy, không còn phân biệt tôi ta, thảy đều thanh tịnh không chút cáu bẩn, đều suy nghĩ: Do nhân duyên chẳng thể nghĩ bàn gì mà Chư Phật, Thế Tôn có được cảnh giới không thể nêu bày lượng tính hết được?
Do từ cái sở nguyện gốc của Chư Phật, Thế Tôn mà có được những sự thù thắng đặc biệt như thế chăng?
Do nhân duyên gì mà Chư Phật Như Lai đạt được sự cảm ứng như vậy?
Sao gọi đó là việc làm không thể nghĩ bàn, hành động không hề bị ngăn ngại?
Làm sao mà Đức Thế Tôn đã dứt sạch mọi niệm, tưởng, đạt được những sự việc đặc thù ấy?
Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết các vị Bồ Tát trong lòng đang có những suy nghĩ: Các vị Bồ Tát đang an tọa, Chư Phật không có nơi chốn mà luôn thường trụ, các vị ấy muốn hỏi Đức Như Lai về tất cả sự sáng suốt của uy thần của Chư Phật và về đức của uy thần ấy luôn tinh tấn không gì vượt hơn được.
Nhờ đó mà tất cả đã thành tựu, đã hội nhập vào được các pháp tổng trì của Chư Phật, là nẻo giác ngộ rộng lớn của Bậc Thánh, tất cả chốn hội nhập ấy là đặc biệt thù thắng như vậy, không chỗ nào bị ngăn ngại, nẻo hội nhập của thân cũng đều như thế.
Những người thân cận với Chư Phật, từ bỏ các lỗi lầm, theo đúng giáo pháp Chư Phật mà không chấp vào những gì đã đạt được thì thường được yên ổn.
Khi ấy, Bồ Tát Liên Hoa Tạng chứng nhập vào các pháp mà tâm hướng tới không còn những thứ ngăn ngại, chỗ nghĩ về các pháp môn không còn chút ngăn che, hạnh của các vị Bồ Tát là hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, đó là sự tập hợp đầy đủ các hạnh nguyện.
Nếu an trụ một cách thích hợp nơi đó thì chứng nhập được giáo pháp của Chư Phật, thấy được Phật trong mười phương, phát khởi tâm đại bi, cứu độ chúng sinh đến cùng, dắt dẫn họ dứt bỏ hết các đường ác.
Tất cả các vị Bồ Tát nhờ pháp định, tam muội, mà thấy rõ cõi gốc của mình, nhờ vào trí tuệ của Chư Phật mà phát hạnh nguyện đến vô cùng, chúng sinh không ai là không quy phục.
Đích cuối cùng của con đường trí tuệ giác ngộ đều nhằm soi tỏ các pháp tổng trì để phân biệt các nẻo giải thoát trong kho tàng hoa sen vi diệu.
Các vị Bồ Tát ấy đã vâng theo Thánh chỉ của Đức Phật, mỗi người tự nêu bày: Chư Phật đã nghe thấu hết, hạnh nguyện của Chư Phật Thế Tôn thật là không thể lường hết, biến hóa thật vĩ đại, tùy theo bản tướng của các Ngài, thông tỏ các pháp, biết hết tất cả, Chư Phật thật là siêu việt, kỳ lạ, không gì có thể che khuất được.
Chư Phật Thế Tôn trùm khắp pháp giới, hội nhập trong pháp giới của các Cõi Phật, có hay không có xứ sở, không một chỗ nào bị ngăn ngại.
Những gì là mười?
Chẳng hạn như Đức Thích Ca tại Cung Trời Đâu Thuật, thị hiện thọ mạng sau cùng của mình, bỗng nhiên biến mất khỏi cảnh giới ấy, không gì ngăn cản hay chế ngự được, cũng không biết ở nơi chốn nào, đã vào thai mẹ, đủ mười tháng sinh ra.
Rồi bỏ gia đình mà vui vẻ ra đi tìm đạo, lòng an vui tự tại, đến ngồi bên gốc cây Bồ Đề, tu thành Phật và tích lũy tất cả giáo pháp của Chư Phật, chỉ trong khoảnh khắc.
Ngài đã thị hiện khắp các Cõi Phật, tạo ra sự cám ứng thể hiện qua các điềm lành, thường chuyển pháp luân, vun trồng và phát huy gốc của công đức, phân biệt theo căn cơ mà giảng giải cho chúng sinh, nên gặp được lúc có Phật thì đủ điều kiện để thành Bồ Tát, chính là do đạo pháp mà thành tựu.
Chư Phật Thế Tôn luôn an trụ trong diệu lý vô sở trụ, thường ở nơi trí tuệ mà kiến lập nên. Đã là Phật Tử, thì không vướng mắc vào xứ sở, nơi chốn, phải thấu đạt diệu lý vô sở trụ. Lại nữa, với Phật Tử, các Đức Phật, Thế Tôn có mười điều nêu dạy.
Mười điều đó là: Giáo hóa tất cả chúng sinh, nhằm đưa họ đến bờ giải thoát. Giải trừ hết tất cả những pháp không có trí tuệ.
Hằng tu tập theo hạnh đại bi. Có được mười thứ diệu lực. Chuyển bánh xe pháp khắp nơi chốn để giáo hóa mọi người.
Điều phục, dẫn đắt chúng sinh để đạt được giác ngộ bình đẳng. Khai mở, chỉ dẫn cho muôn loài khiến đạt được diệu lý không chốn trụ. Ở đó, tự quay về nương tựa theo nẻo vô hành đốì với tướng pháp.
Đạt được cảnh giới tịch tĩnh, an nhiên. Đạt được đạo quả rồi thì quyết giáo hóa cho mọi người khác cũng đạt đến giác ngộ, giải thoát. Đó là mười điều.
Lại nữa, Đức Phật còn có mười việc mau gặp Đức Như Lai.
Mười việc đó là: Vừa gặp Chư Phật thì những chúng sinh ấy liền: Bỏ hết tất cả các nơi chốn hướng về trước đây của mình, chỉ giữ lấy lời dạy trọng yếu của Chư Phật. Mau chóng có được phước đức cùng quyến thuộc. Chóng thọ lãnh được cái gốc của mọi đức hạnh. Liền được thanh tịnh, không còn những thua kém, thiếu thốn, dứt hết các hồ nghi.
Vừa gặp được Chư Phật thì tất cả những chúng sinh ấy: Được chỉ dẫn con đường đi đến đại thừa. Khiến dứt hết mọi nẻo sợ hãi. Liền được thành tựu pháp bất thoái chuyển. Phân biệt, nhận rõ căn nguyên của chúng sinh để khai thị, độ thoát cho.
Giáo hóa khắp thế gian, làm thanh tịnh các căn của chúng sinh. Vừa gặp được Chư Phật Thế Tôn thì mọi chúng sinh liền dứt hết bao thứ che phủ, ngăn ngại.
Đức Phật thuyết giảng như thế, các vị Bồ Tát nghe Kinh thảy đều vui mừng lãnh hội.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Hai - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Chín - Hương
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Tám - Bản Hạnh
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Ba - Kinh Con Trâu đá
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu- Phẩm Bảy Mươi Sáu - Phẩm Pháp Tánh Vô động