Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN HAI MƯƠI BẢY  

Lúc ấy, có một Bồ Tát tên là Liên Hoa Trang Nghiêm liền bạch Phật: Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Chư Phật Như Lai nhờ có thể hành trì đúng như lời nói nên liền chứng đắc tất cả Pháp Phật tối thượng.

Bạch Thế Tôn! Như chỗ Phật nói mà tu hành, đó tức là hành đúng theo lời nói.

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Ông biết về pháp tu hành chăng?

Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Con biết!

Đức Phật nói: Này thiện nam! Tùy chỗ ưa thích của ông, ông nay nên nói về pháp tu hành.

Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người tu hành y theo lời Phật dạy thì bình đẳng đối với tất cả pháp, đã biết bình đẳng rồi thì ở trong chánh vị dùng trí thiện xảo không thủ chứng Tam ma bát đề, đó chính là chỗ tu hành của Bồ Tát.

Bồ Tát Sơn Vương bạch: Bạch Thế Tôn! Con cũng muốn nói về pháp tu hành.

Phật nói: Này thiện nam! Ông cứ tùy ý mà nói.

Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không chỗ tu, đó là tu hành.

Vì sao?

Vì Bồ Tát quán tất cả pháp đều không chỗ thủ đắc, nếu có chỗ tu mà chẳng phải là tu hành, đó mới là chánh tu hành.

Bồ Tát Công Đức Quang Chiếu Vương bạch Phật: Bach Thế Tôn! Nếu tâm thuận theo dòng chảy thì thức có chỗ chuyển.

Vậy cái gì gọi là tu hành?

Nếu Bồ Tát biết rõ tâm nơi tất cả pháp, là không trụ tức không một pháp nhỏ nào có thể trụ. Nếu không một pháp nhỏ nào có thể trụ đó mới là chánh tu hành.

Bồ Tát Cao Cự Vương bạch: Bạch Thế Tôn! Không chỗ vui, đó là tu hành. Không chỗ chán lìa, đó là tu hành. Bồ Tát ở trong tất cả pháp không cao không thấp, cho nên không có một pháp nhỏ nào có thể là vui hay chán, đó chính là tu hành.

Bồ Tát Nhật Tạng bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu có chỗ nương tựa tức là có chỗ chuyển. Nếu không chỗ nương tựa tức không chỗ chuyển. Vì Bồ Tát dùng sự không nương tựa, không động chuyển nên ở trong tất cả pháp không hề dao động, đó tức là chánh tu hành.

Bồ Tát Dũng Mãnh Tâm bạch: Bạch Thế Tôn! Tâm là chỗ hành của thế gian nên thế gian giong ruổi theo nó. Nếu Bồ Tát ở nơi tất cả tâm mà vô tâm thì không chỗ suy niệm, cũng không phân biệt, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Ái Kiến bạch: Bạch Thế Tôn! Như điều Phật nói, tất cả chỗ nhận thức đều là khổ, nếu Bồ Tát ở nơi tất cả chỗ nhận thức mà được tỉnh ngộ tức là không có chỗ nhận thức, cũng không có chỗ chấp giữ. Cho nên không nhập định Diệt thọ tưởng, không bỏ chúng sinh, không mất đại bi, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Hương Tượng Vương bạch: Bạch Thế Tôn! Hàng phàm phu, ngu tối có các gánh nặng nên khởi kiến chấp sâu nặng về năm uẩn. Nếu Bồ Tát biết rõ về năm uẩn nên được thư thái, đó là buông các gánh nặng. Lại có thể vì các phàm phu mà thuyết giảng pháp buông bỏ gáng nặng của năm uẩn, cho nên không một pháp nhỏ nào có thể khởi tưởng chân thật. Biết rõ các pháp là vô sinh vô diệt, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Trì Thế bạch: Bạch Thế Tôn! Nẻo hành chân chánh là tu hanh, chẳng chẳng phải là chỗ hành tà ác. Bồ Tát cần phải tu chánh phương tiện.

Thế nào là chánh phương tiện?

Nghĩa là biết tánh của tất cả pháp là bình đẳng, vì trí bình đẳng như hư không, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Kiên Cố Ý bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát có trí tuệ phương tiện tức là vô sinh mà sinh, vô khởi mà khởi, ở trong sinh diệt cũng không chỗ trú, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Cát Tường Phong Vương bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát quán tự tánh của tất cả pháp vốn vắng lặng thì không xả bỏ áo giáp đại bi, thấy sức của tinh tấn thì biết kết quả không hư dối, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Vô Ngại Quang bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu có dấu vết của chỗ hành, đó là việc ma. Nếu là việc ma thì chẳng phải là tu hành. Nếu không chỗ hành, cũng không chỗ trú thì các ma ấy không tìm được chỗ sơ hở. Như vậy mới có thể siêu vượt các nẻo ma ác, đó là Bồ Tát tu hành chân thật.

Bồ Tát Cần Tinh Tấn bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu có một pháp nhỏ vui muốn nào thành tựu thì sức tinh cần ấy là hư dối, vì tất cả pháp là không chỗ thành tựu. Nếu ở trong ấy có được trí cùng chỗ nhận biết được chẳng phải là không ý, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Diệt Ác Thú bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu có các chủng loại phân biệt về chỗ hành thì cái gì gọi là tu hành?

Không chủng loại, không phân biệt, đó là tu hành. Không chủng loại, không phân biệt ấy tức là tự tánh của tâm.

Nếu có thể biết rõ tự tánh của tâm, đó là tu hành chân thật.

Bồ Tát Thiện Tư Nhi Tư bạch: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát tùy nhập nơi tất cả tâm của chúng sinh, đã tùy nhập rồi tức biết rõ tâm của tất cả chúng sinh mà vô tâm, vì trong đó chỗ nhập của trí là vô tâm, đó là tu hành chân thật.

Bồ Tát Tịch Ý bạch: Bạch Thế Tôn! Cận tịch là tu hành, chẳng phải cận tịch là tu hành. Bồ Tát ở nơi đại tịch ấy, các tâm nơi đối tượng duyên là biến tịch, cận tịch, hoặc tăng hoặc giảm đều không tạo tác, vì lìa tăng giảm nên biết rõ về bình đẳng, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Đạo Sư bạch: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát phát khởi thiện căn, đó là chánh tu hành, nếu có chỗ thành tựu tức chẳng phát khởi thiện căn.

Vì sao?

Vì Bồ Tát phát khởi phước hạnh tức là phát khởi trí hạnh. Phước bình đẳng nên trí bình đẳng, trí bình đẳng tức phước bình đẳng, phước trí bình đẳng tức bồ đề bình đẳng, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Hy Hý Vương bạch: Bạch Thế Tôn! Không phân biệt tất cả pháp, đó là tu hành. Nếu Bồ Tát biết rõ pháp giới đã thâu tóm khắp tất cả pháp thì không một pháp nhỏ nào hoặc lìa, hoặc hợp, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Thiện Tư Nghĩa bạch: Bạch Thế Tôn! Các pháp dựa vào nghĩa không dựa vào văn. Nếu Bồ Tát biết rõ về nghĩa tức ở nơi bốn vạn tám ngàn pháp uẩn, tuệ có thể đọc tụng, thọ trì, giải nói. Nhưng ở trong nghĩa chân thật không thể nói không hề động chuyển, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Thanh Tịnh Ý bạch: Bạch Thế Tôn! Tâm sâu xa bền chắc, đó là tu hành. Bồ Tát có đầy đủ tâm sâu xa, tức chẳng phải là ngôn ngữ, nghĩ nói về chỗ đạt được tối thượng, chỉ tu chánh đạo chân thật. Quán đạo chân thật ấy cũng không đến không đi, đó là chánh tu hành.

Bồ Tát Tất Cánh Vô Cấu Tư Duy bạch: Bạch Thế Tôn! Như chiếc áo bẩn được giặt giũ sạch sẽ, còn áo không bẩn thì giặt làm gì. Bồ Tát cũng lại như vậy, không đem tâm xưa nay thanh tịnh mà quán sát như thật khiến được thanh tịnh. Bồ Tát không chuyển gốc của tất cả tâm cấu uế phiền não, vì tâm ấy vốn thanh tịnh. Nếu biết rõ về thanh tịnh như vậy, đó là tu hành chân thật.

Bồ Tát Hải Ý bạch: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát được thiện tri thức thâu nhận, tức ít trải qua sức cần khổ mà có thể thành chánh hạnh.

Vì sao?

Nếu sức Bồ Tát không thể vượt qua tất cả các việc ma thì sẽ bị các tri thức ác thâu giữ. Nếu sức của Bồ Tát có thể thắng vượt các việc ma thì nên biết đó là chỗ thâu nhận của thiện tri thức.

Bạch Thế Tôn! Cho nên Bồ Tát nếu muốn siêu vượt các việc ma thì cần phải gần gũi thừa sự các thiện tri thức. Bồ Tát nhờ sự thâu nhận dẫn dắt của thiện tri thức nên ít trải qua sự cần khổ mà có thể thành tựu chánh hạnh.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bồ Tát Hải Ý rằng: Thiện Nam! Ông có biết việc ma không?

Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con biết về việc ma.

Phật bảo Hải Ý: Thiện Nam! Ông cứ tùy ý nói, khiến cho các Bồ Tát nghe rồi liền có thể siêu vượt, hàng phục các ma, ngoại đạo, mau chóng chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như điều Thế Tôn dạy, con sẽ nói về các việc ma. Kính xin Đức Thế Tôn kiến lập oai thần.

Bạch Thế Tôn! Việc ma có mười hai loại.

Những gì là mười hai?

Bồ Tát khi hành Bố thí Ba La Mật Đa, đem vật không ưa thích để bố thí, tâm còn ưa muốn. Nếu đem vật đáng ưa thích để bố thí tâm không còn ưa muốn. Vật người không ưa thích thì cố ý cho. Vật người ưa thích thì không cho. Ở chỗ bố thí dấy khởi vô số tưởng. Ở chỗ cho người cũng dấy khởi vô số tưởng. Đó là việc ma thứ nhất lúc Bồ Tát hành bố thí.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Lúc Bồ Tát hành Trì giới Ba La Mật Đa, nếu gặp các Sa Môn, Bà La Môn, đối với phép tắc luật nghi, giới hạnh, pháp thiện đều có thể tròn đủ, cho đến một tội nhỏ cũng lo sợ, ngăn ngừa, nuôi sống thân mạng một cách trong sạch kiên trì giữ giới thì liền thân cận, tôn trọng. Còn gặp kẻ phá giới thì chê trách, giận dữ, ở trước họ luôn tự thị vào giới đức của mình, hủy báng người khác. Đó là việc ma thứ hai của Bồ Tát lúc trì giới.

Bạch Thế Tôn! Lúc Bồ Tát hành Nhẫn nhục Ba la mật đa, muốn thành tựu nhẫn hạnh, thân tuy có thể nhẫn nhưng lời nói lại không thể nhẫn, tâm sinh sân hận. Gặp kẻ mạnh thì có thể nhẫn với họ, còn gặp người yếu thì không thể nhẫn. Lại nữa, trước kẻ mạnh thì tỏ ra có sức nhẫn, nhưng trước kẻ yếu thì hiện tướng giận dữ. Kẻ như vậy thì nhẫn, kẻ như kia thì không nhẫn.

Những chỗ nào có thể nhẫn?

Những chỗ nào không thể nhẫn?

Nếu chỗ hành nhẫn thì khởi tâm kiêu mạn, còn đối với chỗ không nhẫn thì không mau chóng sám hối. Đó là việc ma thứ ba của Bồ Tát khi hành nhẫn nhục.

Bạch Thế Tôn! Lúc Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật đa tức phát khởi tinh tấn, hóa độ hàng theo thừa Thanh Văn, Duyên Giác, cũng hóa độ cả người trong đại thừa. Chỉ vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác mà thuyết pháp tương tục, trái lại còn dùng pháp đại thừa để hóa độ các kẻ ngu từ đây trở xuống, dựa vào bảy tiếng Phạm để nêu theo thứ lớp của văn nghĩa.

Bồ Tát Hải Ý nói có mười hai loại việc ma lẽ ra ở trên có ba đoạn rưỡi, ở dưới phải có thêm tám đoạn rưỡi nữa. Còn Phật thuyết giảng có mười loại pháp môn phá trừ ma, trong đó chỉ có bốn đoạn sau, còn sáu đoạn trên, bản tiếng Phạm bị mất không thể bổ khuyết được… đó là pháp môn pha trừ ma thứ sáu.

Lại nữa, Hải Ý! Tự tánh của tất cả pháp là vô nhiễm, dùng tướng vô nhiễm mà hóa độ sự cấu nhiễm của chúng sinh. Đó là pháp môn phá trừ ma thứ bảy.

Này Hải Ý! Tự tánh của tất cả pháp là vô sinh, vô khởi, dùng tướng vô sinh, vô khởi vì các chúng sinh giảng nói pháp đoạn trừ sinh lão bệnh tử. Đó là pháp môn phá trừ ma thứ tám.

Này Hải Ý! Tự tánh của các pháp cùng ở trong một vị không sai biệt, dùng tướng đồng một vị không sai biệt mà kiến lập ba thừa, đều vì các chúng sinh mà thuyết giảng pháp, khiến chúng cũng không lìa bỏ ý thích đại thừa, đó là pháp môn phá trừ ma thứ chín.

Lại nữa, này Hải Ý! Nếu tâm ý thức của Bồ Tát tuy không chỗ vướng mắc nhờ dựa nhưng thường không quên mất tâm đại bồ đề, tuy xa lìa các sự sinh khởi nhưng không xa lìa tâm nhằm giải thoát cho tất cả chúng sinh, tuy siêu vượt các hành nhưng cũng thành tựu thắng hạnh của Bồ Tát. Đó là pháp môn phá trừ ma thứ mười.

Này Hải Ý! Mười loại pháp môn phá trừ ma như vậy, nếu các Bồ Tát siêng hành trì tu tập thì sẽ siêu vượt tất cả việc ma.

Lúc Đức Thế Tôn nói pháp môn phá trừ ma, tất cả cung ma đều trở nên tối tăm đại địa hiện đủ sáu cách chấn động, như lúc Phật mới ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề đang còn ở quả vị Bồ Tát, chưa thành Chánh Giác.

Bấy giờ, từ giữa đôi chân mày phóng ra hào quang lớn làm cho các cung ma cũng đều bị chìm lấp trong bóng tối như hôm nay không sai khác. Khi đó, chúng ma ác thấy tướng biến dị lạ thường như thế liền vội vàng chỉnh đốn bốn thứ binh chúng, như lúc xưa từng kéo đến Đạo Tràng Bồ Đề, nay cũng như vậy.

Thống lãnh bốn binh chúng dàn rộng tới ba mươi sáu do tuần đều đầy khắp quân ma rầm rộ đi đến chỗ pháp hội Đại tập Đại bảo trang nghiêm. Của Đức Thế Tôn. Do thần lực của Phật nên tất cả đám quân ma đông đảo ấy đều không thể trở lại cung ma.

Lại cũng do thần lực của Phật nên khi chúng ma đến nơi hoặc thấy các cõi nước khác đều có Phật Thế Tôn, cùng với chúng Bồ Tát Bất thoái chuyển hóa độ chúng sinh và các vị A La Hán đã đoạn các kết sử, hoặc các chúng sinh có đầy đủ chánh kiến.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hải Ý: Này Hải Ý! Nay ông có thấy các chúng ma ác ấy tranh nghiêm như thế đi đến chúng hội không?

Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Phật bảo Bồ Tát Hải Ý: Các chúng ma ấy đến Pháp hội này muốn khởi làm các chướng nạn nơi chánh pháp của ta, ông nay sẽ làm gì?

Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nay sẽ chúng ma ác này đạt nên trong Thế Giới Chư lạc trang nghiêm nơi phương khác.

Lúc ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử hiện có mặt trong chúng hội liền nói với Bồ Tát Hải Ý: Lành thay, Đại Sĩ! Thế Giới Chư lạc trang nghiêm ở nơi phương nào?

Đức Phật giảng thuyết chánh pháp ở cõi đó danh hiệu là gì?

Bồ Tát Hải Ý nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Tử! Về phương Đông cách Cõi Phật này hơn mười hai hằng hà sa số cõi nước, có Thế Giới tên là Chư Lạc Trang Nghiêm Đức Phật ở Thế Giới ấy hiệu là Tồi Ma Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện tại đang giảng nói pháp.

Do nhân duyên gì mà the giới đó được gọi là Chư lạc trang nghiêm?

Thưa Tôn Giả! Nghĩa là ở Thế Giới ấy có các sự hỷ lạc, các thứ công đức, các việc trang nghiêm. Nếu nói rộng về các việc thù thắng vi diệu nơi Thế Giới đó thì dẫu trải qua một kiếp cũng không thể nói hết tận. Do vậy, nên Thế Giới ấy có tên là Chư lạc trang nghiêm.

Lại nữa, Đức Phật nơi cõi ấy có danh hiệu là Tồi Ma Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nghĩa là lúc Đức Thế Tôn mới ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề, đang còn ở quả vị Bồ Tát, chưa chứng Nhất thiết trí, từ nơi thân phóng ra ánh sáng chiếu khắp các cõi ma, thấy rõ trong cõi ma có trăm câu chi chúng ma, mỗi một ma lại có một ngàn câu chi quyến thuộc.

Lúc ấy, các ma cùng kéo đến chỗ Bồ Tát muốn khởi tạo các chứơng nạn nhưng nhờ thần lực của bậc Đại Sĩ ấy nên chúng ma không thể gây tạo các thứ trở ngại. Khi đó, mỗi ma đều khởi tâm cho là điều ít có nên cùng hướng về Bồ Tát quy y, đảnh lễ.

Bồ Tát liền vì họ mà thuyết pháp tương ứng, chúng ma nghe rồi, thân tâm được thanh tịnh, liền phát tâm cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Sau đó, Bồ Tát chứng đạo đắc quả bồ đề vô thượng nên mới gọi danh hiệu là Như Lai Tồi Ma.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần