Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Con Trâu Chúa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG
VỀ CHUYỆN CON TRÂU CHÚA
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ, Phật nói với các Tỳ Kheo: Về đời quá khứ xa xưa, ở chốn vắng vẻ, khoáng đãng nọ, lúc ấy có một con trâu chúa sống nơi đấy, hay đi đó đây để ăn cỏ và uống nước suối.
Khi trâu chúa và đám quyến thuộc họp nhau lại một chỗ, trâu chúa thường đứng trước, dáng vẻ đẹp đẽ, uy thần lồng lộng, đức độ khác lạ hơn chúng, lại luôn nhẫn nhục hòa nhã, mọi nẻo đi đứng đều luôn thể hiện sự an lành.
Có một con khỉ cái đứng ở ven đường, nhìn thấy trâu chúa cùng quyến thuộc tụ hội đông đủ, lòng sinh giận dữ, ganh ghét, liền lấy gạch đá, tung cát bụi ném vào đám trâu kia. Bị khinh khi, làm nhục, nhưng trâu vẫn im lặng nhận chịu chứ không chống trả lại.
Lát sau, một bộ phận khác của trâu chúa nối nhau tìm đến, con khỉ cái trông thấy cũng lại la mắng, rồi lấy gạch đá, tung cát bụi quăng ném xối xả về phía đàn trâu.
Bộ phận đi sau này thấy vua trâu đi trước im lặng không hề chống trả, nên cũng bắt chước nhịn nhục, lòng vui vẻ, ôn hòa, an lành, khoan thai bước đi, chấp nhận sự hủy nhục ấy không lấy đó làm giận. Tất cả đám quyến thuộc của trâu chúa đi qua chưa bao lâu thì lại có một chú trâu nghé theo đàn đi tới, đuổi theo bầy.
Lúc đó, con khỉ cái lại mắng chửi, nhục mạ khinh dể nó. Con trâu nghé này lòng giận lắm, chẳng vui, nhưng thấy cả bầy đi trước đã tỏ ra nhẫn nhục, không sân hận, nên cũng học theo cách ấy mà thể hiện sự nhẫn nhục, nhu hòa. Cách con đường đó không xa, nơi rừng cây lớn có vị thần cây sống quanh quẩn trong đó.
Khi trông thây các con trâu bị hủy nhục mà vẫn nhẫn nhịn, không sân hận, bèn hỏi trâu chúa: Vì sao các ngươi thấy con khỉ cái ấy thốt ra lắm lời mắng chửi, ném gạch đá, tung cát bụi mà vẫn nhẫn nhục, im tiếng, không chút phản ứng gì cả, thế là ý nghĩa gì, ý của các ngươi thế nào?
Ông lại làm bài kệ để hỏi:
Các ngươi vì cớ gì
Nhịn khỉ cái phóng dật
Quá độ hung ác thật
Các ngươi xem khổ vui.
Hòa ái cho ngày mai
An lành trong hành động
Nhẫn nhục phải coi trọng.
Trong quá khứ chúng bây.
Mặc gậy đập sừng này
Tạo nên bao đầy ải
Lại bày nghĩa sợ hãi
Mặc nhiên không đáp lại.
Con trâu chúa đáp lại:
Khi dễ, hủy nhục ta
Đối người khác tăng gia
Kia chịu nhiều báo ứng
Bệnh hoạn càng thêm ra.
Đàn trâu đi qua chưa lâu, thì có đông đảo các vị Phạm Chí cùng với một đoàn Tiên Nhân thuận đường cùng tới, con khỉ cái ấy cũng lại buông lời mắng chửi, nhục mạ, khi dễ, rồi lấy đá gạch cát bụi tung ném về phía họ. Các Phạm Chí tức thời đuổi bắt, lấy chân đạp giết con khỉ đó.
Do vậy, Thần cây lại làm bài kệ:
Tội ác chẳng tiêu mất
Gặp họa khi đã mùi
Tội ác đã đầy đủ
Tai ương phải đến thôi.
Đức Phật bảo cho các vị Tỳ Kheo biết, trâu chúa lúc ấy là bản thân Ngài.
Lúc còn là Bồ Tát, có tội nên bị đọa làm trâu, là Vua trong loài trâu, Ngài thường thực hành nhẫn nhục, tu tập bốn tâm vô lượng là: Từ, bi, hỷ, hộ, tự chứng đến quả Phật. Các con trâu khác và đám quyến thuộc của trâu chúa nay chính là các Tỳ Kheo. Còn con trâu nghé là các vị Phạm Chí, Tiên Nhân và các tín đồ tại gia của Đức Phật. Con khỉ cái kia là đại diện của đám dị giáo Ni Kiền Sư.
Đầu đuôi là như thế, đầy đủ rốt ráo, mọi nẻo hành động đều có thu đạt, thiện ác không hề bị tiêu mất mà luôn như bóng theo hình, như vang ứng với tiếng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niệm Xứ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Thiên Nữ đại Biện Tài Ca Ngợi
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Tám