Phật Thuyết Kinh Tam Phẩm đệ Tử

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH TAM PHẨM ĐỆ TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

Nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo đồng nhóm họp nghe Phật giảng Kinh:

Hiền Giả A Nan đứng dậy bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con có điều nghi vấn muốn xin thưa hỏi.

Cúi xin Thiên Trung Thiên chỉ dạy cho con.

Phật bảo: Lành thay! Tùy ý ông thưa hỏi. Như Lai sẽ giảng giải cho ông.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di học đạo có bậc thượng, trung, hạ. Cúi xin Thế Tôn Giải thích điều đó cho con.

Phật bảo: A Nan! Ông chính vì hàng hậu học mà thưa hỏi điều này. Như Lai sẽ giảng giải việc đó cho ông. Hãy lắng nghe, lãnh thọ và ghi nhớ.

Tôn Giả A Nan thưa: Dạ con xin kính vâng theo lời Thế Tôn dạy.

Phật nói: Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bậc thượng thọ trì năm giới không trái phạm mảy may mà còn dạy bảo làm cho người hiểu khiến họ phát tâm Bồ Tát.

Thế nào là tâm Bồ Tát?

Đó là tâm nhớ nghĩ đến tất cả mọi người trong mười phương như con đỏ, độ người vào đạo làm hạnh đại thừa. Chỉ dạy đầy đủ, làm cho họ dứt mọi sự mong cầu không cầu được cúng dường y phục, thức ăn uống, tiền tài, châu báu. Không vì đạo nhỏ mà vì mục đích độ người làm chủ yếu.

Thế nào là đạo nhỏ?

Phật nói: Vì vào pháp lớn nên phát hạnh Đại Thừa. Còn người cầu quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, đó là tiểu thừa, chẳng phải là pháp của Bồ Tát. Pháp của Bồ Tát chỉ dạy cho tất cả chúng sinh, làm cho tất cả nhập vào trí tuệ bát nhã, hiểu rõ phương tiện thiện xảo, đạt được Nhất thiết trí.

Nên biết người như vậy là tu hạnh lâu dài về sau. Người này vào thời Phật quá khứ đã từng cúng dường Sư Trưởng như Phật không khác. Người tu hành như vậy gọi là Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bậc thượng.

Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bậc trung cũng thọ năm giới không trái phạm mảy may.

Cũng là người đã từng học đạo ở thời Đức Phật quá khứ, nhưng không được gặp Minh Sư, không được nghe bát nhã Ba la mật, không hiểu rõ phương tiện thiện xảo, chỉ tu một Ba la mật như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, không có trí tuệ ở trong Kinh Pháp, chỉ nhờ vào công đức đã làm trước đây nên được sinh làm người.

Lại có sự hiểu biết ở đời trước nên được sống trong giáo pháp của Phật, giữ giới đầy đủ, thấy Sư trưởng như thấy Phật không khác. Hoàn toàn không hủy phạm giới cấm. Tu hành như vậy gọi là Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bậc trung.

Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bậc hạ tuy cũng thọ năm giới nhưng lại vi phạm. Nếu gặp Minh Sư hoặc Bậc Hiền Giả hiểu biết pháp liền theo thưa hỏi, lãnh thọ pháp yếu. Ngay khi ấy hoan hỷ hướng đến vị đó cầu xin sám hối những tội lỗi đã gây tạo. Tinh tấn giữ gìn năm giới không trái phạm.

Nhưng sau đó vì tâm ý tham dục nên hủy bỏ giới cấm của Phật, cao ngạo, khinh chê, oán ghét Minh Sư và bạn lành, chê bai chỗ hay dở của họ, cho rằng: Ta đã gặp được Minh Sư có giới, định, tuệ sâu xa, sẽ giúp phương tiện cho ta, nhưng không biết đó là hạng Thầy chỉ biết nhận của cúng dường, lại tin theo lời dạy của họ.

Không tinh chuyên giới, Kinh. Hạng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di này là hạng gánh hạt giống của người chết, không nên cho họ cùng nhóm họp, cùng ngồi, cùng đứng. Đây là hạng phá hoại tâm hạnh tốt của nhiều người, chỉ dạy cho mọi người lãnh thọ giáo pháp mong cầu sự cúng dường, muốn được tiền tài, thóc lúa, lụa là để cung cấp nuôi dưỡng vợ con.

Giả mạo oai thần của Phật, nhưng không nhớ nghĩ đến chúng sinh nơi mười phương trong năm đường để độ thoát họ, ngược lại, bị sự thọ nhận các phẩm vật, nên luôn phát khởi vọng tưởng, không giảng dạy trí tuệ về đại thừa cho họ, đó là người không tinh thông pháp chân chánh của Phật.

Phải giảng nói với người thọ học Kinh: Nên tránh xa người thế tục và những điều kiện có quan hệ về sự uống rượu, vì Đức Phật có thức ăn cả trăm vị. Đối với những người uống rượu, bán rượu không trì giới, người làm thuê, tôi tớ mà bảo họ sát sinh hay tự tay làm, đều không phải là Phật tử, còn tạo chướng ngại nơi công đức của Phật.

Thế nào là tạo chướng ngại nơi công đức của Phật?

Phật nói: Đã làm việc chỉ dạy mọi người mà không khiến cho cả bốn hạng đều được hiểu biết.

Tôn Giả A Nan quỳ thẳng, thưa Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là không muốn cho bốn hạng người hiểu biết?

Phật nói: Đó là Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ngu si không hiểu biết, lại tự cho là thông tuệ, chẳng hiểu rõ về nghĩa lý thâm diệu trong Kinh, không biết hổ thẹn, trở lại làm chướng ngại cho bạn lành mới tu học, không muốn cho họ gặp được bậc Minh Sư hiểu biết đúng đắn.

Vì lẽ gì?

Vì những người này muốn chỉ riêng mình được nhận của cúng dường, trở lại ngăn che đạo lớn. Những Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ấy tuy là độ người nhưng không nhận ra trí tuệ Ba la mật, không hiểu rõ phương tiện quyền xảo. Đây là hạng người tối tăm, chuyên thực hành đạo nhỏ.

Hoặc có người dạy người khác làm phước nhưng không có tâm từ, bi, hỷ, xả cũng không biết bố thí rộng khắp, lại dạy họ làm những việc mà đạo pháp không bảo làm.

Bấy giờ sứ giả của Thái Tử Tứ Thiên Vương và thần hộ trì Phật Đạo, mỗi vị đều ghi chép sự việc đó, dần dần bỏ rơi người ấy, bảo những vị quan ghi hết tội lỗi của họ để trình lên Vua Trời.

Tuổi thọ chưa dứt, liền sai thần dã nhân trong lúc họ phạm giới liền cắt đứt mạng sống còn lại, tự nhiên bị đọa trong địa ngục, sẽ chịu tội khổ nơi mười tám ngục, cho đến khi Trời đất cháy rụi mới được ra khỏi, hoặc bị đọa trong loài cầm thú, hoặc sinh vào loài người. Nếu sinh trong loài người sẽ ở chỗ ngu si, không được sống trong nhà Phật Pháp.

Phật bảo: Này A Nan! Các ông nên thường tụ họp giảng nói pháp. Nếu không ngăn chặn sự ngu si nơi con người thì bị tội đoạn diệt pháp Phật.

Các đệ tử nghe Phật thuyết giảng Kinh này, tất cả đều sợ hãi, đều nhất tâm lãnh thọ lời dạy và đảnh lễ Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần