Phật Thuyết Kinh Tam Tuệ - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH TAM TUỆ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN MỘT
Phật muốn có ba hạng người:
1. Tin.
2. Thưa hỏi.
3. Thực hành.
Hoặc có người chỉ tin mà không thích việc đã làm.
Chỉ tin nhưng không muốn làm ba việc:
1. Bố thí.
2. Giữ giới.
3. Hành thiền.
Phải diệt vọng tưởng mới đắc đạo. Điều cần yếu ở chỗ không nghĩ đến mình, diệt vọng tưởng, sắc cũng diệt, thức cũng diệt. Tâm có chỗ nhớ nghĩ, đó là bốn đối tượng. Tưởng này là sẽ có tưởng hay là không có tưởng.
Chẳng lìa tưởng hay sẽ lìa tưởng.
Chẳng xuất tưởng hay sẽ xuất tưởng.
Lại cho rằng sẽ có tưởng, nghĩa là tưởng đến đạo.
Sẽ không tưởng, nghĩa là tưởng vô sắc.
Chẳng lìa tưởng nghĩa là không xa rời hoạt động của tưởng.
Sẽ lìa tưởng nghĩa là sẽ rời tưởng sinh tử.
Chẳng xuất tưởng nghĩa là tưởng không có đường xuất ly nên không ra khỏi mười hai xứ. Lại cho đó là sinh tử của con người, nên không được giải thoát.
Thân con người ví như đất, ý thiện như lúa, ý ác như cỏ rác. Nếu không dọn sạch cỏ rác thì hạt lúa không có được. Người không trừ bỏ ác ý, cũng không thể đắc đạo. Người có sân giận đó là đất có cỏ gai. Ý tốt như điện lóe lên thì sáng, tắt thì tối. Tà niệm như khi mây che mặt trời thì không thấy gì cả. Cũng vậy, ý ác đã khởi lên thì không thể thấy đạo.
Học nên khổ, không học thì không có khổ.
Học có khổ, ví như người làm ruộng, trước phải dọn sạch cỏ rác, sau mới thâu hoạch được nhiều lúa. Đó là trước khổ.
Không học, không có khổ, ví như đất không tiếp tục cày bừa, tự phát sinh cỏ gai và các vật nhơ. Đó là không học không có khổ.
Hành đạo, thứ nhất là có thể ngăn khổ, thứ hai là có thể ngăn vui, ba là không thể ngăn khổ, bốn là không thể ngăn vui. Muốn vui được vui, cho đó là hành đạo. Muốn khổ bị khổ, cho đó là hành đạo. Có người hành đạo bị khổ liền sợ sinh tử. Hành đạo như vậy thì không được an vui.
Có người được an vui cho đó là hành đạo, ý không bị khổ, như vậy không cho là khổ. Có người được an vui cho đó là hành đạo. Bị khổ cũng cho là hành đạo. Như vậy có thể được vui, không bị khổ.
Có người bị khổ, không thể hành đạo, được vui cũng không thể hành đạo, như vậy sẽ bị khổ, không được vui.
Tất cả có bốn cách cầu:
1. Vì thân nên cầu.
2. Vì nguyện nên cầu.
3. Vì si nên cầu.
4. Vì hành nên cầu.
Người muốn giữ thân được trường thọ, đó là vì thân nên cầu.
Muốn được giàu sang phú quý, vợ con, châu báu, đó là vì nguyện nên cầu.
Cúng tế, trấn yếm, muốn từ nơi việc làm đó mà được phước. Đó là vì si nên cầu.
Việc làm thì phi pháp mà muốn nhà cửa được yên ổn, được đắc đạo. Đó là vì hành nên cầu.
Con người có ba việc không thể bảo đảm:
1. Sự vui vẻ.
2. Tiền tài của báu.
3. Mạng sống.
Thân cũng đáng nhớ nghĩ, cũng không đáng nhớ nghĩ. Nhớ nghĩ sự bất tịnh của thân, đó là đáng nhớ nghĩ. Ý rơi chìm vào năm dục, đó là không đáng nhớ nghĩ. Điều thiện cũng nên đáng nghĩ, cũng không đáng nghĩ, đó là ý đắc đạo, là điều nên nghĩ.
Điều không nên nghĩ, đó là dựa vào sự đắc đạo sẽ tăng dần theo ác. Cũng có điều đáng nhớ, cũng có điều không đáng nhớ là có lỗi tự sám hối là đáng nghĩ. Phát sinh ý rơi vào việc ác là không đáng nhớ nghĩ. Xả bỏ chánh, nhớ tà, đó là hoặc. Không phân biệt thị phi đó là si.
Sẽ có hai việc:
1. Gốc.
2. Ngọn.
Hành động là gốc, hưởng phước là ngọn. Trừ được hai việc đó thì đắc đạo.
Tham hộ nghĩa là đã được rồi lại còn tham. Nghĩ đến sắc là tham thượng vì không phải một ý mà diệt được. Hộ tham là đắc đạo. Tham hộ là đọa sinh tử. Đã được lại còn tham lam bảo hộ cho nên gọi là tham hộ.
Món ăn vui sướng là hoan hỷ, ăn bằng niệm no đủ tức là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ăn bằng thức ăn no đủ gọi là pháp lạc. Đã theo thọ đó là xúc, ý niệm mong cầu theo đó là thức.
Tất cả việc thế tục đều thuộc về thân. Tất cả danh tự đều thuộc về ý. Tất cả không phạm đều thuộc giới. Ngoài ba việc này ra không có gì là đạo.
Có một pháp phá hoại đạo hạnh, đó là không tinh tấn. Có một pháp phá hoại người, đó là xan tham. Ngoài ra, nhân duyên xấu bên ngoài đến không chấp nhận, đó là nhẫn. Tự thân làm ác, gây hại cho mình, không hoài niệm quá khứ, không mong cầu tương lai, phải chấm dứt ngay hiện tại, vì đó không phải là sở hữu của mình, không bị lo buồn, tất cả bị trói buộc đều do ý.
Có ý thiện cũng quên, ý ác cũng quên, lại nhờ ba nhân duyên:
1. Không nghĩ theo thói quen.
2. Không luôn nghĩ đến.
3. Không vướng vào ý điên đảo.
Phải luôn luôn nhớ ba điều ấy. Từ hữu có thể đắc vô, hữu không thể đắc hữu. Đó gọi là ý của ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ý sinh tử đưa đến sinh tử vô cùng, thế nên người giác ngộ nuôi dưỡng sự xả ly, có ý muốn ngồi hành đạo mười ngày không thể xong, do mười ngày đời trước phước mỏng.
Người có nhiều phước muốn mười ngày ngồi hành đạo liền được. Thân không muốn làm viện cớ là mệt mỏi. Ý không muốn làm đạo nên không niệm vô thường, khổ, không.
Trí tuệ có bốn tướng:
1. Nghe lời nói đúng không quen.
2. Nghe xong, tâm lãnh thọ.
3. Đã quên, ngay lúc đó suy nghĩ để nhớ lại.
4. Đã suy nghĩ, nhớ, lại hỏi thăm thêm muốn biết rõ ý của người đó.
Ngược lại là người ít trí tuệ.
Có năm trăm người hành đạo đắc định ý, sợ bị mất, nhân đó nhờ người bảo giết giùm.
Người kia nói: Giết người tu làm cho tôi bị tội nạng.
Đạo nhân nói: Như người có oan gia muốn giết kẻ đó. Đây chẳng phải là thân mà là oan gia của ta. Ngươi hãy vì ta mà giết giùm.
Phật nói: Nên giết cái ý của ngươi chớ chẳng nên giết cái thân.
Có đạo nhân đắc định ý, bấy giờ, lửa cháy thiêu rụi cả vùng rộng ấy, nhưng y của đạo nhân không cháy. Mọi người thấy vậy cho là quỷ, liền chém đạo nhân, nhưng chém không được. Do dụng tâm một chỗ nên y không cháy, do mềm mại nên chém không được.
Có đạo nhân đắc định ý, đệ tử mời dùng cơm, bất giác giơ cánh tay, cánh tay duỗi ra dài hơn một trượng. Đệ tử rất sợ, nhân đó cột gút cánh tay, ý muốn chặt gãy nhưng không được. Vị thầy trong thiền định biết cánh tay đau, hỏi, đệ tử bạch đã làm như vậy.
Thầy dạy: Ngươi không biết nên lầm bẻ gãy cánh tay của ta. Người đắc định ý mềm mại như tơ. Khi ở trong thai mẹ cũng mềm như vậy.
Có ba nhân duyên biết người không hiểu biết:
1. Được hỏi, không thể trả lời.
2. Không thể đặt câu hỏi.
3. Không thể nói thành câu.
Rút một ý chính yếu trong Kinh Thí Dụ: Người vào biển chỉ lấy châu báu rồi đi. Dụ cho người ở thế gian nên lấy ý thiện mà đi.
Không có chỗ ghi nhớ thì không thể đắc đạo.
Vì sao?
Vì do không nhớ nghĩ đến đạo. Do có nghĩ đến đạo mới có thể đắc đạo. Đó là sáu pháp Ba la mật, niệm hơi thở ra vào, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là nhân duyên của đạo.
Có năm nhân duyên có thể tin:
1. Tin Phật.
2. Tin Pháp.
3. Tin Giới.
4. Tin Kinh.
5. Tin thiện tri thức.
Tin năm việc đó là đắc đạo.
Lời nói có bốn cách:
1. Lời nói thẳng.
2. Lời nói phân biệt.
3. Lời hỏi.
4. Lời nói chấm dứt.
Lời nói thẳng là người có trí tuệ, duyên theo chánh đạo nên duyên theo lời nói thẳng.
Lời nói phân biệt là vì người lãnh thọ không hiểu rõ nên phải lập lại lời nói để phân biệt gốc, ngọn.
Lời hỏi là tự ý người cho là đúng, tùy theo lời hỏi của họ mà hỏi lại thì họ liền tự biết.
Lời nói ngừng lại là những điều Phật không thuyết giảng mình cũng không nói.
Có bốn cách thưa hỏi:
1. Hỏi tất cả.
2. Hỏi riêng biệt.
3. Hỏi lại câu hỏi.
4. Hỏi để chấm dứt.
Tất cả thế gian là vô thường, khổ, không, hành đạo được an ổn rồi nói, là nên nói. Đó là hỏi tất cả.
Nếu người đến hỏi về việc của mắt thì chớ nên đem việc của tai mà trả lời họ. Đó là phân biệt hỏi.
Nếu người đem vật trắng đến nói đây là vật đen, nhân đấy đem vật đến hỏi người đó: Ông thấy vật này như thế nào?
Đó là hỏi lại người hỏi.
Nếu người đến hỏi đạo thuộc loại gì?
Nhân đó bảo với họ: Rét thuộc loại gì?
Nếu người hỏi ý thuộc loại gì?
Nhân đó bảo với họ: Gió thuộc loại gì?
Nếu có người hỏi vô vi thuộc loại gì?
Nhân đó bảo với họ: Hư không thuộc loại gì?
Đó là lời hỏi để chấm dứt.
Có bốn điên đảo, đó là:
1. Đối với vô thường lại cho là thường.
2. Khổ, con người lại cho là vui.
3. Vạn vật đều không, cho là thật có.
4. Chẳng phải thân, tham cho là có thân.
Con người rơi vào điên đảo như vậy. Chẳng phải thường cho là thường. Lấy khổ làm vui. Lấy không làm thật. Chẳng phải thân làm thân. Người có ý như vậy liền đắc đạo. Ý của con người rơi vào bốn điên đảo nên cho đó là thân của ta. Suy xét kỹ, trong thân chẳng có gì là sở hữu. Đã không sở hữu liền rơi vào không. Rơi vào không thì không có thân. Không có thân thì rơi vào vô vi.
Con người có bốn điều si, thường chấp vướng vào bốn điên đảo:
1. Vạn vật vô thường, tự cho là thường.
2. Thiên hạ đều khổ, con người dựa vào đó cho là vui.
3. Thiên hạ đều không, con người cho là có.
4. Thân này chẳng phải là thân, không thể bảo đảm, con người cho là thân.
5. Khi trăng non mới mọc nên lễ lạy.
6. Ngày mười lăm trăng tròn đầy, trong sáng, trở lại ngồi xổm mà nhìn.
7. Con gái lúc còn nhỏ phải nhờ người chăm sóc, bảo vệ.
8. Con gái lúc lớn thì mọi người không thể được gặp.
Có bốn điều cao quý, cũng có bốn điều hạ tiện:
1. Đạo là cao quý, người là hạ tiện.
2. Châu báu là quý, người là hạ tiện.
3. Quan vị là quý, người là hạ tiện.
4. Thông minh là quý, người si mê là hạ tiện.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba