Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Sáu - Phẩm Các Bà La Môn - Phần Tám - Jànussoni
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG CHI BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
CHƯƠNG BA
BA PHÁP
PHẨM SÁU
PHẨM CÁC BÀ LA MÔN
PHẨM SÁU
PHẨM CÁC BÀ LA MÔN
PHẦN TÁM
JÀNUSSONI
Rồi có Bà La Môn Jànussoni đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Bà La Môn Jànussoni bạch Thế Tôn: Ai làm lễ tế đàn, thưa Tôn Giả Gotama, hay ai làm lễ cúng linh, hay ai có bố thí, cần phải bố thí các vật ấy cho các vị Bà La Môn có ba minh.
Cho đến như thế nào, này Bà La Môn, các vị Bà La Môn diễn tả một Bà La Môn có ba minh?
Ở đây, thưa Tôn Giả Gotama, vị Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị môt dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, nhà phúng tụng, nhà Trì Chú, thông hiểu ba tập.
Vệ đà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, Chú Giải, và các cổ truyện là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế tự nhiên học và tướng của vị Ðại Nhân. Như vậy, thưa Tôn Giả Gotama, các Bà La Môn diễn tả ba minh của các Bà La Môn.
Thật là khác, này Bà La Môn, các Bà La Môn diễn tả ba minh của các Bà La Môn. Thật là khác, ba minh trong Luật của Bậc Thánh.
Như thế nào, thưa Tôn Giả Gotama, là ba minh trong giới luật của Bậc Thánh?
Lành thay, nếu Tôn Giả Gotama thuyết giảng cho chúng tôi về ba minh trong giới Luật của Bậc Thánh. Vậy Bà La Môn hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
Thưa vâng, Tôn Giả! Bà La Môn Jànussoni vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau: Ở đây, này Bà La Môn, Tỳ Kheo ly dục, ly các pháp ác, bất thiện, chứng đạt và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.
Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, vị ấy chứng đạt và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các Bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và an trú thiền thứ ba.
Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh.
Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời. Nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.
Vị ấy nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.
Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.
Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các nét chi tiết. Ðây là minh thứ nhất đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỳ Kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.
Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, ngữ, ý, phỉ báng các Bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, ngữ, ý, không phỉ báng các Bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến.
Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các Cõi Thiện, Cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, thấy sự sống chết của chúng sanh.
Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Ðây là minh thứ hai đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí.
Vị ấy biết như thật: Ðây là khổ.
Biết như thật: Ðây là nguyên nhân của khổ.
Biết như thật: Ðây là khổ diệt.
Biết như thật: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt.
Biết như thật: Ðây là những lậu hoặc.
Biết như thật: Ðây là nguyên nhân các lậu hoặc.
Biết như thật: Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc.
Biết như thật: Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.
Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.
Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát.
Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa. Ðây là minh thứ ba đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Ai đầy đủ giới hạnh
Tinh cần và định tĩnh
Với tầm được chinh phục
Nhứt tâm khéo định tĩnh
Ai biết được đời trước
Thấy Thiên Giới đọa xứ
Vị ấy là đạo sĩ
Ðoạn sanh, đạt thắng trí
Vị Bà La Môn nào,
Chứng được ba minh này,
Ta gọi là ba minh
Không như thường được gọi.
Như vậy, này Bà La Môn, là ba minh trong Luật của Bậc Thánh. Thật thế, thưa Tôn Giả Gotama, là ba minh của các Bà La Môn. Thật khác, là ba minh trong Luật của Bậc Thánh. Và thưa Tôn Giả Gotama, người có được ba minh của các Bà La Môn không sánh bằng một phần mười sáu của vị chứng ba minh trong luật của Bậc Thánh.
Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama!
Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Tôn Giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng.
Con nay xin quy y Tôn Giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận con làm đệ tử Cư Sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Mười Ba - Phẩm Trồng Căn Lành
Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Như Lai Trang Nghiêm Trí Tuệ Quang Minh Nhập Nhất Thiết Phật Cảnh Giới - Phần Sáu