Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai Mươi - ðại Phẩm - Phần Hai - Các Vị Sàpùga
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG CHI BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
CHƯƠNG BỐN
BỐN PHÁP
PHẨM HAI MƯƠI
ÐẠI PHẨM
PHẦN HAI
CÁC VỊ SÀPÙGA
Một thời, Tôn Giả Ananda trú ở giữa các dân chúng Koliya tại một thị trấn các Koliya tên là Sàpùgà. Rồi rất nhiều Koliya tử ở Sàpùgà đi đến Tôn Giả Ananda. Sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả Ananda rồi ngồi xuống một bên.
Tôn Giả Ananda nói với các Koliya tử ấy ở Sàpùgà: Này các Vyagghapajjà, có bốn thanh tịnh tinh cần chi phần này được Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh nói lên để chúng sanh được thanh tịnh, để vượt qua sầu bi, để chấm dứt khổ ưu, để đạt đến chánh lý, để chứng ngộ Niết Bàn.
Thế nào là bốn?
Giới thanh tịnh tinh cần chi phần, tâm thanh tịnh tinh cần chi phần, kiến thanh tịnh tinh cần chi phần, giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần.
Và này các Vyagghapajjà, thế nào là giới thanh tịnh tinh cần chi phần?
Ở đây, này Vyagghapajjà, Tỳ Kheo có giới, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là giới thanh tịnh.
Với lời nguyền: Nếu giới thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu giới thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ.
Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là giới thanh tịnh tinh cần chi phần.
Và này các Vyagghapajjà, thế nào là tâm thanh tịnh tinh cần chi phần?
Ở đây, này các Vyagghapajjà, vị Tỳ Kheo ly các dục chứng đạt và an trú Thiền thứ tư.
Này các Vyagghapajjà, đây gọi là tâm thanh tịnh, với lời nguyện: Nếu tâm thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu tâm thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là tâm thanh tịnh tinh cần chi phần.
Và này các Vyagghapajjà, thế nào là kiến thanh tịnh tinh cần chi phần?
Ở đây, này các Vyagghapajjà, Tỳ Kheo như thật quán tri: Ðây là khổ.
Như thật quán tri: Ðây là khổ tập.
Như thật quán tri: Ðây là khổ diệt.
Như thật quán tri: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt.
Này các Vyagghapajjà, đây gọi là kiến thanh tịnh.
Với lời nguyện: Nếu kiến thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu kiến thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là kiến thanh tịnh tinh cần chi phần.
Và này các Vyagghapajjà, thế nào là giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần?
Vị Thánh đệ tử nào, này các Vyagghapajjà, thành tựu với giới thanh tịnh tinh cần chi phần này, thành tựu với tâm thanh tịnh tinh cần chi phần này, và thành tựu với kiến thanh tịnh tinh cần chi phần này, tâm được ly tham đối với các pháp hấp dẫn, tâm được giải thoát đối với các pháp cần được giải thoát.
Vị ấy, sau khi tâm được ly tham đối với các pháp hấp dẫn, tâm được giải thoát đối với các pháp cần được giải thoát, cảm xúc chánh giải thoát. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là giải thoát thanh tịnh.
Với lời nguyện: Nếu giải thoát thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu giải thoát thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần.
Bốn thanh tịnh tinh cần chi phần này, này các Vyagghapajjà, đã được Thế Tôn, bậc đã biết đã thấy, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh nói lên để chúng sanh được thanh tịnh, để vượt qua sầu bi, để chấm dứt khổ ưu, để chứng đắc chánh lý, để chứng ngộ Niết Bàn.
VAPPA
Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu khu vườn Nigrodha. Rồi Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha đi đến Tôn Giả Mahàmoggalàna.
Sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả Mahàmoggalàna rồi ngồi xuống một bên, Tôn Giả Mahàmoggallàna nói với Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha đang ngồi một bên: Ở đây, này Vappa, có thể có người với thân chế ngự, với lời chế ngự, với ý chế ngự, vô minh được viễn ly, minh được sanh khởi.
Ông có thấy người ấy, do một nhân duyên nào, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai?
Thưa Tôn Giả, con có thể thấy trường hợp ấy. Ở đây thưa Tôn Giả, do ác nghiệp tạo ra về trước chưa đưa đến quả dị thục, do một nhân duyên ấy, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai. Và câu chuyện này giữa Tôn Giả Mahàmoggallàna và Thích Tử Vappa, đệ tử của Niganthà bị bỏ dở.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy đi đến hội trường. Sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn Giả Mahàmoggallàna: Này Mahàmoggallàna, câu chuyện gì được nói đến, khi các ông ngồi tụ họp ở đây?
Và câu chuyện giữa các ông chưa được nói xong?
Ở đây, bạch Thế Tôn, con nói với Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha: Ở đây, này Vappa, có thể có người với thân chế ngự, với lời chế ngự, với ý chế ngự, vô minh được viễn ly, minh được sanh khởi.
Ông có thấy người ấy, do một nhân duyên nào, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai?
Bạch Thế Tôn, khi được nói như vậy, Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha nói với con như sau: Thưa Tôn Giả, con có thể thấy trường hợp ấy. Ở đây thưa Tôn Giả, do ác nghiệp tạo ra về trước chưa đưa đến quả dị thục, do nhân duyên ấy, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai!
Bạch Thế Tôn, ở đây là câu chuyện giữa Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha và chúng con, câu chuyện bị bỏ dở khi Thế Tôn đến!
Rồi Thế Tôn nói với Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha: Này Vappa, nếu ông có thể chấp nhận điều ông có thể chấp nhận, và có thể bác bỏ điều đáng được bác bỏ, và trong trường hợp ông không có thể biết được ý nghĩa lời nói của ta, nếu ông hỏi ta thêm về vấn đề ấy: Bạch Thế Tôn, lời nói này, ý nghĩa là gì, thời có thể có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
Bạch Thế Tôn, con có thể chấp nhận điều con có thể chấp nhận, và có thể bác bỏ điều đáng được bác bỏ, và trong trường hợp con không có thể biết được ý nghĩa lời nói của Thế Tôn, con sẽ hỏi Thế Tôn thêm về vấn đề ấy: Bạch Thế Tôn, lời nói này, ý nghĩa là gì?
Mong rằng ở đây có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa?
Nếu do nhân duyên thân khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên. Với người chế ngự được thân khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có nơi người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt.
Con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
Thưa không, bạch Thế Tôn!
Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa?
Nếu do nhân duyên lời khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên. Với người chế ngự được lời khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có nơi người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt.
Con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, trong tương lai không?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa?
Nếu do nhân duyên ý khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên. Với người chế ngự được ý khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa.
Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt. Con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa?
Ðối với các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy do duyên vô minh khởi lên, vô minh được ly tham, minh được khởi lên, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt.
Con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy do lý do nào, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Như vậy, này Vappa, với vị Tỳ Kheo có tâm được chơn chánh giải thoát, sáu an trú thường hằng được chứng đắc. Vị ấy, khi mắt thấy sắc, không có ý đẹp, không có Phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, khi lưỡi nếm vị, khi thân cảm xúc, khi ý thức tri pháp, không có ý đẹp, không có Phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy quán tri: Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân.
Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy quán tri: Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng.
Vị ấy quán tri: Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả các cảm thọ không còn hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lạnh. Ví như, này Vappa, duyên một thân cây, bóng cây hiện ra. Rồi có người đến cầm các cuốc và cái giỏ, chặt thân cây ấy ở nơi rễ.
Sau khi chặt ở nơi rễ, người ấy đào cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con và rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc, sau khi chặt tùng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ.
Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro.
Sau khi người ấy vun thành đống tro, người ấy sàng tro giữa gió lớn, hay để tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi.
Như vậy, này Vappa, do duyên thân cây nên có bóng cây. Bóng cây ấy, rễ bị chấm dứt, làm thành như thân cây Ta la, làm cho không thể tái sanh trong tương lai, không thể sống lại được.
Cũng vậy, này Vappa, vị Tỳ Kheo có tâm được chơn chánh giải thoát, sáu an trú thường hằng được chứng đắc. Vị ấy, khi mắt thấy sắc, không có ý đẹp, không có Phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, khi lưỡi nếm vị, khi thân cảm xúc, khi ý thức tri pháp, không có ý đẹp, không có Phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân.
Vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng.
Vị ấy biết: Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả các cảm thọ không còn hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lạnh.
Khi được nói như vậy, Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha bạch Thế Tôn: Ví như, bạch Thế Tôn, một người mong ước được tài sản, lo nuôi dưỡng tài sản của mình, nhưng không được tăng trưởng gì, trái lại chỉ được mệt nhọc và dự phần vào phiền muộn.
Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cầu mong được lợi ích khi con hầu hạ kẻ ngu Nigantha này. Con đã không được lợi ích gì, trái lại con chỉ được mệt nhọc và dự phần vào phiền muộn.
Bắt đầu từ hôm này, bạch Thế Tôn, với lòng tin gì con đã có với kẻ ngu Nigantha, con sẽ sàng lòng tin ấy giữa gió lớn, hay để lòng tin ấy vào dòng nước lạnh cho nước cuốn đi.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
SÀLHA
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli Tỳ Xá Ly tại Ðại Lâm, trong ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Licchavì Sàlha và Licchavì Abhaya đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Licchavì Sàlha bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, có những Sa Môn, Bà La Môn trình bày sự vượt qua dòng nước mạnh với hai pháp môn: nhân giới thanh tịnh và nhân khổ hạnh nhàm chán.
Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có nói gì?
Này Sàlha, Ta nói rằng giới thanh tịnh là một chi phần của Sa Môn hạnh. Các vị Sa Môn, Bà La Môn nào, này Salha, sống chủ trương nhân khổ hạnh nhàm chán, xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, chấp chặt vào khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy không thể nào vượt qua dòng nước mạnh.
Các vị Sa Môn, Bà La Môn nào, này Sàlha, thân hành không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, ý hành không thanh tịnh, sanh sống không thanh tịnh, những vị ấy không có thể đạt được tri kiến vô thượng bồ đề.
Ví như, này Sàlhà, một người muốn vượt qua sông, cầm một cây búa sắc bén đi vào rừng. Tại đấy, nó thấy một cây Sàla lớn, cao, thẳng, còn trẻ, không có lồi lõm. Nó chặt cây ấy tại gốc, sau khi chặt ở gốc, nó đốn ngọn.
Sau khi đốn ngọn, nó tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru.
Sau khi tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru, nó gọt đẽo với cái búa.
Sau khi gọt đẽo với cái búa, nó gọt đẽo với con dao.
Sau khi gọt đẽo với con dao, nó bào sạch với cái bào.
Sau khi bào sạch với cái bào, nó bào sạch với hòn đá mài.
Sau khi bào sạch với hòn đá mài, nó đem cây ấy xuống sông.
Ý ông nghĩ thế nào, này Sàlhà người ấy có thể vượt qua sông được không?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Vì sao?
Bạch Thế Tôn, vì cây Sàla ấy, tuy bề ngoài rất khéo làm, nhưng bề trong không được làm sạch.
Do vậy, sự việc chờ đợi rằng: Cây sàla ấy chìm xuống và người ấy rơi vào ách nạn. Cũng vậy, này Sàlhà, những Sa Môn, Bà La Môn nào chủ trương sống khổ hạnh nhàm chán, xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, chấp chặt lấy khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy không có thể vượt qua dòng nước mạnh.
Này Sàlhà, những vị Sa Môn, Bà La Môn nào, thân hành không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, ý hành không thanh tịnh, sinh sống không thanh tịnh, chúng không có thể chứng được tri kiến vô thượng bồ đề.
Này Sàlhà, những Sa Môn, Bà La Môn nào sống không chủ trương khổ hạnh nhàm chán, không xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, không chấp chặt lấy khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy có thể vượt qua dòng nước mạnh.
Này Sàlhà, những vị Sa Môn, Bà La Môn nào, thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được tri kiến Vô Thượng Bồ Đề.
Ví như, này Sàlhà, một người muốn vượt qua sông, cầm một cây búa sắc bén đi vào rừng. Tại đấy, người ấy thấy một cây Sa La lớn, cao, thẳng, còn trẻ, không có lồi lõm.
Nó chặt cây ấy tại gốc, sau khi chặt ở gốc, người ấy đốn ngọn. Sau khi đốn ngọn, người ấy tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru.
Sau khi tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru, người ấy gọt đẽo với cái búa.
Sau khi gọt đẽo với cái búa, người ấy gọt đẽo với con dao.
Sau khi gọt đẽo với con dao, người ấy lấy cái đục, khéo đục sạch nội phần.
Sau khi khéo đục sạch nội phần, người ấy bào sạch với cái bào.
Sau khi bào sạch với cái bào, người ấy bào sạch với hòn đá mài.
Sau khi bào sạch với hòn đá mài, người ấy làm thành chiếc thuyền, cột với cái chèo và bánh lái, rồi cuối cùng người ấy thả xuống sông.
Ý ông nghĩ thế nào, này Sàlhà người ấy có thể vượt qua sông được không?
Thưa được, bạch Thế Tôn! Vì sao?
Bạch Thế Tôn, vì cây Sàla ấy, bề ngoài rất khéo làm, bề trong được làm sạch, được cột với cái chèo và bánh lái.
Do vậy, sự việc chờ đợi rằng: Chiếc thuyền ấy không chìm, và người ấy sẽ đến bờ bên kia an toàn. Cũng vậy, này Sàlhà, những Sa Môn, Bà La Môn nào không chủ trương khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy có thể vượt qua dòng nước mạnh.
Này Sàlhà, những vị Sa Môn, Bà La Môn nào, thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng bồ đề.
Ví như, này Sàlhà, một chiến sĩ dầu nó biết được nhiều cung thuật, nhưng về ba phương diện nó xứng đáng là của Vua, thuộc sở hữu của Vua, đi đến làm biểu tượng của Vua.
Thế nào là ba?
Bắn xa, bắn nhanh như chớp nhoáng, và bắn thủng được vật lớn. Ví như, này Sàlhà, người chiến sĩ bắn xa, cũng vậy, này Sàlhà, là Thánh đệ tử có chánh định.
Phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, cần phải như thật thấy với trí tuệ rằng: Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.
Phàm có thọ gì phàm có tưởng gì phàm có hành gì phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, cần phải như thật thấy với trí tuệ rằng: Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi. Ví như, này Sàlhà, người chiến sĩ bắn như chớp nhoáng. Cũng vậy, này Sàlhà là vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến.
Vị Thánh đệ tử này Sàlhà, có chánh tri kiến như thật quán tri: Ðây là khổ. Ðây là khổ tập. Ðây là khổ diệt. Ðây là con đường đưa đến khổ diệt. Ví như, này Sàlhà, người chiến sĩ đâm thủng được thân hình lớn. Cũng vậy, này Sàlhà là vị Thánh đệ tử có chánh giải thoát. Vị Thánh đệ tử này Sàlhà, có chánh giải thoát đâm thủng được vô minh uẩn to lớn.
MALLIKA
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi Xá Vệ, tại Jetavana Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapinkida. Rồi Hoàng Hậu Mallikà đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Hoàng Hậu Mallikà bạch Thế Tôn: Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?
Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn?
Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, tuy vậy nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?
Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn?
Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị ít nói, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này không bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Tánh tình keo kiệt.
Thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ.
Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tại đấy, tái sanh hạ liệt, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít.
Ở đây, này Mallikà, có nữ nhân phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị ít nói, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.
Người này bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc.
Tánh tình không keo kiệt. Thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ.
Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tại đấy, tái sanh, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn.
Ở đây, này Mallikà, có nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi nóng, không có nổi giận, không nổi sân, không sừng sộ, không gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn.
Người này không bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc.
Tánh tình keo kiệt, thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ.
Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, nhưng nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít.
Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi nóng, không có nổi giận, không nổi sân, không sừng sộ, không gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn.
Người này bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc.
Tánh tình không keo kiệt. Thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ.
Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn.
Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc xấu ảnh hưởng uy tín ít.
Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc xấu ảnh hưởng uy tín lớn.
Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc đẹp ảnh hưởng uy tín ít.
Ở đây, này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc đẹp ảnh hưởng uy tín lớn.
Khi được nói như vậy, Hoàng Hậu Mallikà bạch Thế Tôn: Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, con phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị nói ít, nhưng nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.
Và bạch Thế Tôn, nay con dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt. Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, con có bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc.
Và bạch Thế Tôn, nay con được giàu sang, có tài sản lớn, có sở hữu lớn. Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, tánh tình không keo kiệt.
Thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Và bạch Thế Tôn, nay con được có ảnh hưởng uy tín lớn.
Bạch Thế Tôn, trong nội cung này, có những thiếu nữ hoàng tộc, có những thiếu nữ Bà La Môn, có những thiếu nữ gia chủ, con có chủ quyền thủ lãnh. Và bạch Thế Tôn, bắt đầu từ nay, con sẽ không phẫn nộ, không có nhiều não hại, dầu cho bị nói nhiều, con sẽ không nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn.
Con sẽ không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Con sẽ bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Con sẽ không keo kiệt.
Thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con sẽ không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử nữ cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Tám - Phẩm Lời Nói
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Thiền định
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chủng Trí
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Hành Tướng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Chú Sư Tháo Dục