Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Một - Phẩm Chánh Giác - Phần Năm - Những Sức Mạnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG CHI BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
CHƯƠNG CHÍN
CHÍN PHÁP
PHẨM MỘT
PHẨM CHÁNH GIÁC
PHẦN NĂM
NHỮNG SỨC MẠNH
Này các Tỳ Kheo, có bốn sức mạnh này.
Thế nào là bốn?
Tuệ lực, tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là tuệ lực?
Những pháp nào bất thiện được xem là bất thiện.
Những pháp nào thiện được xem là thiện.
Những pháp nào có tội được xem là có tội.
Những pháp nào vô tội được xem là vô tội, những pháp nào đen được xem là đen.
Những pháp nào trắng được xem là trắng.
Những pháp nào không nên thực hiện được xem là không nên thực hiện.
Những pháp nào nên thực hiện được xem là nên thực hiện.
Những pháp nào không xứng đáng Bậc Thánh được xem là không xứng đáng Bậc Thánh.
Những pháp nào xứng đáng Bậc Thánh được xem là xứng đáng Bậc Thánh.
Những pháp ấy cần phải được khéo quán sát, khéo thẩm sát với trí tuệ.
Này các Tỳ Kheo, đây gọi là tuệ lực.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là tấn lực?
Những pháp nào bất thiện được xem là bất thiện.
Những pháp nào có tội được xem là có tội.
Những pháp nào đen được xem là đen.
Những pháp nào không nên thực hiện được xem là không nên thực hiện.
Những pháp nào không xứng đáng Bậc Thánh được xem là không xứng đáng Bậc Thánh.
Ðối với các pháp ấy, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm để đoạn tận.
Những pháp nào thiện được xem là thiện.
Những pháp nào vô tội được xem là vô tội, những pháp nào trắng được xem là trắng.
Những pháp nào nên thực hiện được xem là nên thực hiện.
Những pháp nào xứng đáng Bậc Thánh được xem là xứng đáng Bậc Thánh.
Ðối với các pháp ấy, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm để chứng được.
Này các Tỳ Kheo, đây gọi là tấn lực.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là vô tội lực?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, Thánh đệ tử thành tựu thân nghiệp vô tội, thành tựu khẩu nghiệp vô tội, thành tựu ý nghiệp vô tội.
Này các Tỳ Kheo, đây gọi là vô tội lực.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là năng nhiếp lực?
Này các Tỳ Kheo, có bốn nhiếp pháp này: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Tối thượng trong các loại bố thí, này các Tỳ Kheo, là pháp thí. Tối thượng trong các loại ái ngữ, này các Tỳ Kheo là tiếp tục Thuyết Pháp cho những ai hy cầu và lắng tai nghe.
Tối thượng trong các lợi hành, này các Tỳ Kheo, là đối với người không có lòng tin, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ lòng tin.
Đối với người không giữ giới, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ giới. Đối với người xan tham khích lệ, đặt vào an trú vào bố thí. Đối với người ác tuệ, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ trí tuệ.
Này các Tỳ Kheo, tối thượng trong đồng sự là đồng sự giữa bậc Dự Lưu với bậc Dự Lưu, bậc Nhất Lai với bậc Nhất Lai, bậc Bất Lai với bậc Bất Lai, bậc A La Hán với bậc A La Hán.
Này các Tỳ Kheo, đây là sức mạnh năng nhiếp. Này các Tỳ Kheo, đó là bốn sức mạnh. Thành tựu bốn sức mạnh ấy, này các Tỳ Kheo, Thánh đệ tử vượt qua năm sợ hãi.
Thế nào là năm?
Sợ hãi về sinh sống, sợ hãi về tiếng đồn xấu, sợ hãi về xấu hổ trong hội chúng, sợ hãi về chết, sợ hãi về ác thú.
Này các Tỳ Kheo, Thánh đệ tử ấy thẩm sát như sau: Ta không sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống.
Vì sao?
Ta có bốn lực này:
Tuệ lực, tinh tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực.
Kẻ ác tuệ có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống.
Kẻ biếng nhác có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống.
Kẻ có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có tội có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống.
Kẻ không năng nhiếp có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống.
Ta không có sợ sự sợ hãi về tiếng đồn xấu.
Ta không có sợ sự sợ hãi về xấu hổ trong hội chúng.
Ta không có sợ sự sợ hãi về chết.
Ta không có sợ sự sợ hãi về ác thú.
Vì sao?
Ta có bốn lực này:
Tuệ lực, tinh tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực.
Kẻ ác tuệ lực có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú.
Kẻ biếng nhác có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú.
Kẻ có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú.
Kẻ không năng nhiếp có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú.
Thành tựu bốn lực ấy, này các Tỳ Kheo, Thánh đệ tử vượt qua năm sự sợ hãi này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba