Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm đẳng Kiến - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI BỐN

PHẨM ĐẲNG KIẾN  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Tôn Giả Xá Lợi Phất ở thành Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người. Bấy giờ Tỳ Kheo đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi một bên.

Lúc ấy, nhiều Tỳ Kheo bạch Tôn Giả rằng: Tỳ Kheo giới thành tựu nên suy nghĩ những pháp gì?

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Tỳ Kheo giới thành tựu nên tư duy năm thạnh ấm, vô thường là khổ não, là nhiều đau đớn, lo sợ, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã.

Thế nào là năm?

Nghĩa là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. Bấy giờ, Tỳ Kheo giới thành tựu suy nghĩ năm thạnh ấm này liền thành đạo Tu Đà Hoàn.

Tỳ Kheo bạch Tôn Giả: Tỳ Kheo Tu Đà Hoàn nên tư duy những pháp gì?

Tôn Giả đáp: Tỳ Kheo Tu Đà Hoàn cũng nên tư duy năm thạnh ấm này là khổ, là não, là nhiều đau đớn, lo sợ, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Chư Hiền nên biết, Tỳ Kheo Tu Đà Hoàn nếu tư duy năm thạnh ấm này sẽ liền thành tựu quả Tư Đà Hàm.

Các Tỳ Kheo hỏi: Tỳ Kheo Tư Đà Hàm nên tư duy những pháp gì?

Tôn Giả đáp: Tỳ Kheo Tư Đà Hàm cũng nên tư duy năm thạnh ấm này là khổ, là não, là nhiều đau đớn, lo sợ. Cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Lúc ấy Tỳ Kheo Tư Đà Hàm ngay lúc tư duy năm thạnh ấm liền thành tựu quả A Na Hàm.

Các Tỳ Kheo hỏi: Tỳ Kheo A Na Hàm nên tư duy những pháp gì?

Tôn Giả đáp: Tỳ Kheo A Na Hàm cũng nên tư duy năm thạnh ấm này là khổ, là não, là đau đớn, lo sợ. Cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Tỳ Kheo A Na Hàm lúc tư duy năm thạnh ấm liền thành A La Hán.

Các Tỳ Kheo hỏi: Tỳ Kheo A La Hán nên suy nghĩ những pháp gì?

Tôn Giả đáp: Các thầy có gì hỏi hơn nữa không?

Tỳ Kheo A La Hán việc làm đã xong, không còn tạo hạnh, tâm hữu lậu được giải thoát, chẳng còn hướng trong biển sanh tử năm đường.

Không còn thọ hậu hữu, còn tạo tác gì nữa?

Thế nên, Chư Hiền!

Tỳ Kheo trì giới, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm nên tư duy năm thạnh ấm. Như thế các Tỳ Kheo nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất nói xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở trong vườn Lộc Uyển Chư Tiên đọa xứ nước Ba La Nạt. Bấy giờ Như Lai thành đạo chưa được bao lâu, người đời gọi Ngài là Ðại Sa Môn. Khi đó Vua Ba Tư Nặc mới nối ngôi Vua.

Vua Ba Tư Nặc liền nghĩ rằng: Nay ta mới nối ngôi Vua, trước hết nên cưới con gái dòng họ Thích. Nếu được cho cưới, thật vừa lòng ta. Nếu không bằng lòng, ta sẽ dùng áp lực đến bức bách.

Lúc ấy Vua Ba Tư Nặc bảo một vị quan:

Hãy đi đến nhà dòng họ Thích ở Ca Tỳ La Vệ đem tên tuổi ta báo cho họ Thích rằng: Vua Ba Tư Nặc vấn an sức khỏe chí ý vô lượng. Rồi hãy bảo họ Thích đó rằng ta muốn cưới con gái họ Thích. Nếu gả cho ta, ta sẽ ghi mãi ơn đức. Nếu không thuận ta sẽ đem lực lượng đến áp bức. Ðại Thần vâng lệnh Vua, đến nước Ca Tỳ La Vệ.

Bấy giờ dòng họ Thích ở Ca Tỳ La Vệ có năm trăm người nhóm chung một chỗ. Ðại Thần liền đến chỗ năm trăm vị họ Thích.

Đem tên tuổi Vua Ba Tư Nặc bảo họ Thích kia rằng: Vua Ba Tư Nặc ân cần hỏi thăm sức khỏe mong được chí ý vô lượng. Vua muốn cưới con gái họ Thích, nếu gả cho thật là đại hạnh, nếu không gả, Vua sẽ dùng sức ép bức.

Các vị họ Thích nghe lời này xong, hết sức sân hận: Chúng ta là dòng dõi lớn, duyên cớ gì lại cùng tên hèn mọn kết thân. Trong chúng hoặc có người nói nên cho, hoặc có người nói không nên cho.

Bấy giờ trong nhóm họ Thích có người tên Ma Ha Nam bảo mọi người rằng: Chư Hiền chớ sân giận.

Vì sao thế?

Vua Ba Tư Nặc là người bạo ác. Nếu đương cự thì Vua Ba Tư Nặc đến sẽ đánh bại nước ta. Nay ta sẽ đến cùng Ba Tư Nặc tương kiến, bàn về sự tình này.

Trong nhà Ma Ha Nam có một tỳ nữ, sanh được một con gái diện mạo đoan chánh, hiếm có trên đời.

Ma Ha Nam sai tắm rửa cô gái này, cho mặc áo đẹp, ngồi trên xe Vũ Bảo, đưa đến cho Vua Ba Tư Nặc, lại tâu với Vua rằng: Ðây là con gái của tôi, có thể cùng ngài thành thân. Vua Ba Tư Nặc được cô gái này hết sức vui mừng, liền lập cô làm đệ nhất phu nhân.

Chưa được vài ngày, cô mang thai, lại trải qua tám, chín tháng sanh ra một cậu bé đoan chánh vô song, thế gian hiếm có. Vua Ba Tư Nặc liền tụ tập các thầy tướng để đặt tên tự cho Thái Tử này.

Các thầy tướng nghe Vua nói xong, liền tâu Vua rằng: Ðại Vương nên biết, lúc cầu phu nhân, các người họ Thích tranh luận với nhau, có người nói nên cho, người nói không nên cho, khiến đây đó lưu ly. Nay nên đặt tên gọi là Lưu Ly Tỳ Lưu Lặc.

Thầy tướng đặt hiệu xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Vua Ba Tư Nặc yêu thương Thái Tử Lưu Ly này, chưa từng rời mắt.

Khi Thái Tử Lưu Ly vừa tám tuổi, Vua bảo Thái Tử rằng: Nay con đã lớn, nên đến Ca Tỳ La Vệ học bắn cung.

Khi đó, Vua Ba Tư Nặc cấp cho Thái Tử những người hầu, khiến cỡi voi lớn đến nhà Ma Ha Nam dòng họ Thích, bảo Ma Ha Nam rằng: Vua Ba Tư Nặc sai con đến đây học các xạ thuật. Cúi mong ông bà, dạy dỗ mọi sự.

Ma Ha Nam bảo: Muốn học thuật thì khéo nên tập tành. Thích Ma Ha Nam tụ họp năm trăm trẻ con khiến cùng học xạ thuật. Thái Tử Lưu Ly cùng học xạ thuật với năm trăm trẻ.

Bấy giờ trong thành Ca Tỳ La Vệ mới dựng một giảng đường. Trời và nhân dân, ma và Thiên Ma trụ trong giảng đường này.

Những người họ Thích nói với nhau: Nay giảng đường hoàn thành chưa lâu, vẽ vời chưa xong, không khác Thiên Cung. Chúng ta trước hết nên thỉnh Như Lai và Tỳ Kheo Tăng vào đây để cúng dường, khiến chúng ta được phước vô cùng.

Khi ấy, họ Thích ở trên giảng đường trải các thứ tọa cụ, treo Tràng Phan Bảo Cái, dầu thơm rưới trên đất, đốt các danh hương, lại chứa nước tốt, đốt sáng các đèn.

Bấy giờ Thái Tử Lưu Ly dẫn năm trăm đứa trẻ đến giảng đường, rồi leo ngay lên Tòa Sư Tử.

Những người họ Thích trông thấy hết sức giận dữ, bèn xông tới lôi cánh tay Thái Tử, kéo ra ngoài cửa, xúm nhau mắng nhiếc: Ðây là đứa con nô tỳ, Chư Thiên và mọi người chưa có ai dám vào đây, mà đứa con nô tỳ này dám vào đây ngồi. Rồi họ lại xô Thái Tử Lưu Ly ngã xuống đất. Thái Tử Lưu Ly chỗi dậy, than một tiếng dài rồi ngó lại phía sau. Lúc ấy có người con của Phạm Chí tên là Hiếu Khổ.

Thái Tử Lưu Ly bảo Hiếu Khổ rằng: Họ Thích hủy nhục ta đến thế này. Sau này nếu ta nối ngôi Vua, ông nên nhắc ta chuyện này.

Hiếu Khổ, người con Phạm Chí đáp: Xin vâng lời dạy của Thái Tử.

Từ đó, mỗi ngày người con Phạm Chí kia tâu Thái Tử ba lần: Hãy nhớ mối nhục họ Thích.

Rồi nói kệ:

Tất cả đều sẽ tận,

Quả chín cũng sẽ rụng,

Hội họp ắt sẽ tan,

Có sanh thì có chết.

Ðến khi Vua Ba Tư Nặc theo tuổi thọ qua đời, Thái Tử Lưu Ly được lập làm Vua.

Phạm Chí Hiếu Khổ Đến chỗ Vua nói rằng: Vua hãy nhớ xưa bị họ Thích hủy nhục.

Vua Lưu Ly đáp: Lành thay! Lành thay! Khéo nhớ việc cũ.

Khi ấy Vua Lưu Ly liền nổi cơn giận dữ bảo quần thần: Nay chúa tể của nhân dân là ai?

Quần thầu tâu: Ngày nay do Ðại Vương thống lãnh.

Vua Lưu Ly bảo: Các ông mau sửa soạn xe, tụ tập bốn bộ binh. Ta muốn chinh phục họ Thích.

Chư thần đáp: Xin vâng, Ðại Vương! Quần thần nhận lệnh Vua liền chiêu tập bốn binh chủng. Vua Lưu Ly dẫn bốn bộ binh đến nước Ca Tỳ La Vệ. Bấy giờ rất đông Tỳ Kheo nghe Vua Lưu Ly chinh phạt họ Thích, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, đem nhân duyên này kể lại đầy đủ cho Thế Tôn.

Thế Tôn nghe xong liền đến cản Vua Lưu Ly. Ngài đến một cây khô không có cành lá ngồi kiết già. Vua Lưu Ly từ xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ Vua Lưu Ly bạch Thế Tôn rằng: Có những cây tốt, cành lá sum sê như loại Ni Câu Lưu v.v…

Sao Ngài lại ngồi dưới cây khô này?

Thế Tôn đáp: Bóng mát của thân tộc hơn hẳn người ngoài.

Vua Lưu Ly liền nghĩ: Hôm nay Thế Tôn cố vì thân tộc. Vậy hôm nay ta nên trở về nước, chẳng nên chinh phạt Ca Tỳ La Vệ.

Vua Lưu Ly liền cáo từ lui về.

Khi ấy Phạm Chí Hiếu Khổ lại tâu Vua: Hãy nhớ xưa bị họ Thích làm nhục. Vua Lưu Ly nghe lời này xong lại nổi sân giận. Các ngươi mau sửa soạn xe cộ, tập hợp bốn bộ binh. Ta muốn chinh phạt Ca Tỳ La Vệ. Quần thần lập tức chiêu tập bốn bộ binh ra khỏi thành Xá Vệ đến Ca Tỳ La Vệ chinh phạt họ Thích. Khi ấy rất đông Tỳ Kheo nghe được đến bạch Thế Tôn. Nay Lưu Ly hưng binh đi tấn công họ Thích.

Bấy giờ Thế Tôn nghe lời này xong liền dùng thần túc đến bên đường ngồi dưới một gốc cây. Vua Lưu Ly xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ Vua Lưu Ly bạch Thế Tôn: Lại có những cây tốt sao Ngài không đến ngồi mà hôm nay Thế Tôn cớ gì lại ngồi dưới cây khô này?

Thế Tôn đáp: Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ:

Bóng mát của thân tộc

Từ họ Thích có Phật

Ðều là cành lá ta

Nên ngồi dưới cây ấy.

Vua Lưu Ly lại nghĩ: Ngày nay Thế Tôn phát xuất từ dòng họ Thích. Ta không nên chinh phạt, nên cùng quay về nước.

Vua Lưu Ly liền trở về thành Xá Vệ, Phạm Chí Hiếu Khổ lại bảo Vua rằng: Vua nên nhớ cái nhục họ Thích ngày xưa. Vua Lưu Ly nghe xong, lại chiêu tập bốn bộ binh kéo ra khỏi thành Xá Vệ đến Ca Tỳ La Vệ. Khi ấy. Ðại Mục Kiền Liên nghe Vua Lưu Ly chinh phạt họ Thích, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ Ðại Mục Kiền Liên bạch Thế Tôn: Hôm nay Vua Lưu Ly triệu tập bốn bộ binh đi công phạt dòng họ Thích. Nay con đủ sức khiến cho Vua Lưu Ly và bốn bộ binh, ném họ sang Thế Giới phương khác.

Thế Tôn bảo: Thầy há có thể đem túc duyên của họ Thích ném sang phương khác sao?

Tôn Giả Mục Liên bạch Phật: Thật không thể đem túc duyên đặt vào Thế Giới phương khác.

Thế Tôn bảo Mục Liền: Thầy về chỗ ngồi đi.

Mục Liên lại bạch Phật: Nay con có thể dời thành Ca Tỳ La Vệ này để lên hư không.

Thế Tôn bảo: Nay thầy có thể dời túc duyên của họ Thích để trong hư không chăng?

Mục Liên đáp: Thưa không, Thế Tôn!

Phật bảo Mục Liên: Nay thầy hãy về chỗ mình.

Bấy giờ Tôn Giả Mục Liên lại bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn cho phép con lấy lồng sắt thưa, chụp lên thành Ca Tỳ La Vệ.

Thế Tôn bảo: Thế nào Mục Liên?

Có thể lấy lồng sắt thưa chụp lên túc duyên chăng?

Mục Liên đáp: Thưa không, Thế Tôn.

Phật bảo Mục Liên: Nay thầy trở về chỗ đi. Hôm nay họ Thích túc duyên đã chín, nay sẽ thọ báo.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Muốn hư không làm đất,

Lại khiến đất thành không,

Chỗ duyên xưa trói buộc,

Duyên này không hư bại.

Lúc ấy Vua Lưu Ly đến Ca Tỳ La Vệ.

Các người họ Thích nghe: Vua Lưu Ly đem bốn bộ binh đến công phạt chúng ta. Họ tụ tập bốn bộ chúng trong một do tuần đến ngăn Vua Lưu Ly.

Khi ấy, các người họ Thích trong một do tuần từ xa bắn Vua Lưu Ly.

Hoặc bắn vào tai mà không thương tổn đến tai.

Hoặc bắn vào búi tóc, không làm tổn thương đầu.

Hoặc bắn cung gãy, hoặc bắn dây cung không hại đến người.

Hoặc bắn áo giáp không thương tổn người.

Hoặc bắn sàng tòa không hại người.

Hoặc bắn bánh xe hư, không thương tổn người.

Hoặc làm hư cờ xí không hại người.

Khi ấy Vua Lưu Ly thấy việc này rồi sợ hãi bảo quần thần: Các ngươi xem tên này từ đâu tới?

Quần thần đáp: Các người họ Thích này cách đây một do tuần bắn tên đến.

Vua Lưu Ly bảo: Họ dù phát tâm muốn hại ta, phải cho họ chết hết mới nên trở về Xá Vệ.

Bấy giờ Phạm Chí Hiếu Khổ đến trước tâu Vua rằng: Ðại Vương chớ sợ!

Những người họ Thích này đều trì giới, côn trùng còn chẳng hại huống là hại người. Nay ta nên tiến đến trước ắt có thể phá được họ Thích. Vua Lưu Ly dần dần tiến lên hướng đến họ Thích. Những người họ Thích lại vào trong thành.

Vua Lưu Ly ở ngoài thành bảo họ rằng: Các ông mau mở cửa thành!

Nếu không, ta sẽ giết hết các ông. Bấy giờ thành Ca Tỳ La Vệ có đứa trẻ họ Thích, tuổi mới mười lăm tên là Xà Ma. Nghe Vua Lưu Ly nay ở ngoài cửa liền mặc giáp cầm gậy, đến trên thành một mình đánh nhau với Vua Lưu Ly.

Khi ấy đứa bé Xà Ma giết hại nhiều binh lính, họ chạy tán loạn, nói: Ðây là người nào? Là Trời hay là quỷ thần?

Xa trông giống như đứa bé!

Lúc ấy Vua Lưu Ly liền sợ hãi, vào tránh trong một hố đất. Họ Thích nghe binh lính Vua Lưu Ly bị hại.

Khi ấy, họ Thích liền gọi đứa bé Xà Ma mà bảo rằng: Người tuổi nhỏ cớ sao làm nhục môn hộ của chúng ta?

Há chẳng biết họ Thích tu hành pháp lành sao?

Chúng ta còn chẳng thể hại côn trùng huống là mạng người sao?

Chúng ta có thể phá tan quân lính này, một người chống muôn người, nhưng chúng ta lại nghĩ rằng: Như thế giết hại chúng sanh không thể tính kể.

Thế Tôn cũng nói: Phàm người giết mạng người, chết sẽ vào địa ngục. Nếu sanh trong loài người thọ mạng rất ngắn. Ngươi mau đi đi, không được ở đây nữa. Khi ấy, đứa bé Xà Ma liền đi ra khỏi nước, không vào Ca Tỳ La Vệ nữa.

Vua Lưu Ly lại đến giữa cửa bảo người ấy rằng: Mau mở cửa thành chẳng nên chần chờ.

Khi ấy, những người họ Thích bảo nhau rằng: Nên mở hay không mở?

Bấy giờ Tệ Ma Ba Tuần ở trong họ Thích, biến thành một người họ Thích bảo họ Thích: Các ông nên mở cửa thành, chớ cũng chịu khốn hôm nay. Họ Thích liền cho mở cửa thành.

Khi ấy Vua Lưu Ly liền bảo quần thần: Nay nhân dân họ Thích rất nhiều, chẳng phải đao kiếm có thể hại hết được. Nên đem chôn chân trong đất, rồi sau cho voi dữ đạp chết. Bấy giờ quần thần vâng lệnh Vua. Liền dùng voi đạp chết những người ấy.

Vua Lưu Ly ra lệnh quần thần: Các ông mau chọn năm trăm đàn bà đẹp đẽ họ Thích. Quần thần vâng lệnh Vua, liền chọn năm trăm cô gái đoan chính đem đến chỗ Vua.

Khi ấy, Thích Ma Ha Nam đến chỗ Vua Lưu Ly rồi bảo rằng: Hãy theo ý nguyện của tôi!

Vua Lưu Ly nói: Muốn nguyện những gì?

Ma Ha Nam bảo: Nay tôi lặn xuống đáy nước, tùy theo sự mau hay chậm của tôi, cho những người họ Thích được chạy trốn. Nếu tôi ra khỏi mặt nước, thì tùy ý giết.

Vua Lưu Ly nói: Việc này rất hay.

Thích Ma Ha Nam liền nhảy xuống nước, lấy tóc cột vào gốc cây mà chết. Khi ấy, những người họ Thích trong thành Ca Tỳ La Vệ, từ cửa Ðông ra lại đi vào cửa Nam. Hoặc từ cửa Nam ra lại vào cửa Bắc. Hoặc từ cửa Tây ra lại vào cửa Bắc.

Bấy giờ Vua Lưu Ly bảo quần thần rằng: Tổ phụ Ma Ha Nam cớ sao ẩn trong nước đến giờ chưa ra?

Các quần thần nghe lệnh Vua, nhảy xuống nước đem Ma Ha Nam đã chết lên.

Vua Lưu Ly thấy Ma Ha Nam đã chết rồi, mới sanh lòng hối hận: Nay ông của ta đã chết vì yêu thân tộc. Ta trước chẳng biết nên để ông chết. Nếu biết thế, trọn chẳng đến chinh phạt họ Thích. Khi ấy Vua Lưu Ly giết chín ngàn chín trăm chín mươi vạn người, máu chảy thành sông quanh thành Ca Tỳ La Vệ, rồi đến vườn Ni Câu Lưu.

Bấy giờ Vua Lưu Ly bảo năm trăm cô gái họ Thích rằng: Các vị cẩn thận chớ có sầu lo. Ta là chồng các vị, các vị là vợ ta, phải nên tiếp đãi nhau. Khi ấy, Vua Lưu Ly bèn vươn tay bắt một cô, muốn đùa cợt.

Cô gái hỏi: Ðại Vương muốn làm gì?

Vua đáp: Muốn cùng cô giao tình.

Cô gái đáp Vua: Nay ta cớ sao phải cùng con của đầy tớ gái thông giao?

Vua Lưu Ly hết sức giận dữ, ra lệnh cho quần thần: Mau đem cô gái này chặt tay chân rồi đẩy xuống hầm sâu. Quần thần tuân lệnh Vua chặt tay chân cô gái, ném cô xuống hầm.

Năm trăm cô gái đều mắng nhiếc Vua: Ai mà đem thân này cùng con của đầy tớ gái thông giao?

Vua giận dữ đem hết năm trăm cô chặt tay chân và xô xuống hầm sâu. Lúc ấy Vua Lưu Ly đã tàn hại hết Ca Tỳ La Vệ rồi, liền trở về thành Xá Vệ. Bấy giờ Thái Tử Kỳ Đà ở trong thâm cung cùng các kỹ nữ vui chơi.

Vua Lưu Ly nghe tiếng đàn hát liền hỏi: Ðây là âm thanh gì mà vang đến đây?

Quần Thần đáp Vua rằng: Ðây là Vương Tử Kỳ Đà ở trong thâm cung, xướng kỹ nhạc để vui chơi.

Vua Lưu Ly liền sai người hầu: Ông quay voi này lại chỗ Vương Tử Kỳ Đà.

Người giữ cửa từ xa trông thấy Vua đến liền tâu rằng: Vua hãy thong thả, Vương Tử Kỳ Đà đang ở trong cung, vui ngũ dục, xin chớ quấy nhiễu. Vua Lưu Ly liền rút kiếm giết người giữ cửa. Vương Tử Kỳ Đà nghe Vua Lưu Ly đứng ở ngoài cửa, chẳng từ giã kỹ nữ, đi ra ngoài cùng Vua tương kiến.

Kính chào Ðại Vương! Nên vào nghỉ một chút!

Vua Lưu Ly bảo: Há ông không biết ta cùng họ Thích đánh nhau sao?

Kỳ Đà đáp: Có nghe.

Vua Lưu Ly nói: Sao nay ông cùng kỹ nữ đùa giỡn không chịu giúp ta?

Vương Tử Kỳ Đà đáp: Ta chẳng kham giết hại mạng chúng sanh. Vua Lưu Ly hết sức giận dữ, rút gươm chém chết Vương Tử Kỳ Đà. Vương Tử Kỳ Đà chết rồi sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba vui chơi cùng năm trăm Thiên Nữ.

Bấy giờ Thế Tôn dùng Thiên nhãn xem Vương Tử Kỳ Đà đã chết sanh Cõi Trời Ba Mươi Ba, liền nói kệ:

Hưởng phúc trong Trời, người,

Ðức Vương Tử Kỳ Đà,

Làm lành sau hưởng báo,

Ðều do báo hiện tại.

Ðây lo kia cũng lo,

Lưu Ly hai chỗ lo,

Làm ác sau hưởng ác,

Ðều do báo hiện tại.

Nên nương công phước đức,

Trước làm sau cũng vậy,

Hoặc riêng một mình làm,

Hoặc lại người chẳng biết,

Làm ác có biết ác,

Trước làm sau cũng vậy,

Hoặc riêng một mình làm,

Hoặc lại người chẳng biết,

Hưởng phước trong Trời, người,

Hai nơi đều hưởng phước,

Làm lành sau thọ báo,

Ðều do báo hiện tại.

Ðây lo kia cũng lo,

Làm ác hai chỗ lo,

Làm ác sau thọ báo,

Ðều do báo hiện tại.

Bấy giờ năm trăm cô gái họ Thích, tự quay về kêu xưng tên hiệu Như Lai: Như Lai ra đời cũng từ đây, xuất gia học đạo mà sau thành Phật, thế mà ngày nay Phật trọn chẳng thấy nhớ nghĩ chúng con gặp khổ não này, chịu đau đớn độc hại này.

Thế Tôn cớ sao không thấy nhớ?

Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn thông suốt nghe các cô họ Thích kêu oán với Phật.

Thế Tôn liền bảo các Tỳ Kheo: Các thầy lại hết đây, cùng xem Ca Tỳ La Vệ và cùng xem những người thân mạng chung.

Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng! Thế Tôn!

Bấy giờ Thế Tôn dẫn các Tỳ Kheo ra khỏi thành Xá Vệ đến Ca Tỳ La Vệ. Năm trăm cô gái họ Thích từ xa thấy Thế Tôn cùng các Tỳ Kheo đến, thấy rồi đều hổ thẹn. Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân và Tỳ Sa Môn Thiên Vương đứng quạt sau Thế Tôn.

Thế Tôn quay lại bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Những cô gái họ Thích này đều hổ thẹn.

Thích Đề Hoàn Nhân đáp: Ðúng vậy, Thế Tôn! Thích Đề Hoàn Nhân liền lấy y Trời trùm lên thân thể năm trăm cô gái này.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tỳ Sa Môn Thiên Vương: Các cô gái này đói khát lâu ngày, nên làm cách gì ban bố!

Tỳ Sa Môn Thiên Vương bạch Phật: Xin vâng, Thế Tôn! Rồi Tỳ Sa Môn Thiên Vương liền bày biện các thức ăn tự nhiên của Trời cho các cô gái họ Thích đều được no đủ. Bấy giờ Thế Tôn dần dần Thuyết Pháp vi diệu cho các cô.

Nghĩa là: Các pháp rồi sẽ ly tán, hội ngộ rồi sẽ biệt ly. Các cô nên biết, năm thạnh ấm này đều sẽ chịu các đau khổ, phiền não này, đọa trong năm đường. Phàm thọ thân năm thạnh ấm này, ắt sẽ chịu hành báo này. Đã có hành báo liền có thọ thai, đã có thọ thai lại sẽ chịu quả báo khổ vui.

Nếu không có năm thạnh ấm thì liền chẳng thọ thân nữa. Nếu không thọ thân thì không có sanh. Vì không sanh thì không già, vì không già thì không có bệnh, đã không có bệnh thì không có chết, đã không có chết thì không có khổ não vì hội họp biệt ly.

Thế nên các cô nên nhớ sự biến đổi thành bại của năm ấm này. Sở dĩ như thế, vì biết năm ấm thì biết năm dục, đã biết năm dục thì biết pháp ái, đã biết pháp ái thì biết pháp nhiễm trước. Biết các việc này rồi thì không tái sanh nữa, đã không tái sanh thì không sanh, lão, bệnh, tử.

Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp này cho các cô gái họ Thích. Luận là thí luận, giới luận, luận sanh Thiên. Dục là tưởng bất tịnh, xuất yếu là vui.

Bấy giờ Thế Tôn quán xét các cô gái này tâm ý đã khai mở, những pháp như Thế Tôn thường thuyết: Khổ, tập, diệt, đạo, Thế Tôn đều thuyết hết cho họ. Bấy giờ các cô gái, những trần cấu đã sạch, được pháp nhãn thanh tịnh, mỗi người ở chỗ mình mà mạng chung, đều sanh lên Trời.

Khi ấy Thế Tôn đến cửa Ðông, thấy khói lửa dậy Trời liền nói kệ:

Tất cả hành vô thường,

Có sanh ắt có tử,

Chẳng sanh thì chẳng tử,

Diệt này là vui nhất.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tất cả các thầy hãy đến vườn Ni Câu Lưu mà ngồi.

Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ðây là vườn Ni Câu Lưu.

Ngày xưa Ta ở đây rộng thuyết giáo pháp cho các Tỳ Kheo mà ngày nay trống rỗng chẳng có nhân dân!

Ngày xưa mấy ngàn vạn chúng ở đây đắc đạo, được pháp nhãn thanh tịnh.

Từ đây về sau, Như Lai chẳng còn đến đây nữa!

Thế Tôn Thuyết Pháp cho các Tỳ Kheo rồi, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi đến Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay Vua Lưu Ly và quân lính này chẳng còn ở đời bao lâu nữa. Sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt.

Bấy giờ Vua Lưu Ly nghe Thế Tôn thọ ký rằng Vua Lưu Ly và quân lính sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt thì hoảng sợ bảo quần thần rằng: Nay Như Lai đã huyền ký rằng Vua Lưu Ly chẳng còn ở đời lâu, sau bảy ngày sẽ cùng quân lính chết hết.

Các ông xem bên ngoài không có trộm giặc, nước, lửa, tai biến đến xâm phạm đất nước chăng?

Vì cớ sao?

Chư Phật Như Lai không có hai lời, lời nói trọn không đổi khác.

Bấy giờ Phạm Chí Hiếu Khổ tâu Vua: Vua chớ sợ hãi. Nay bên ngoài không có giặc cướp đáng sợ, cũng không nước, lửa tai biến. Hôm nay Ðại Vương hãy mau vui chơi.

Vua Lưu Ly nói: Phạm Chí nên biết, Chư Phật Thế Tôn nói không có khác. Vua Lưu Ly sai người đếm ngày, đến đầu ngày thứ bảy, Ðại Vương mừng rỡ không thể tự kiềm, đem các quân binh cùng các thể nữ đến bên bờ sông A Chi La vui chơi rồi nghỉ ở đó. Nửa đêm, có mây bất ngờ kéo đến, gió to mưa lớn rất mau.

Vua Lưu Ly và quân lính bị nước cuốn hết, tất cả đều tự tiêu diệt, thân hoại mạng chung sanh vào trong địa ngục A tỳ. Lại có lửa trời đốt Cung Điện trong thành.

Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy Vua Lưu Ly và bốn bộ chúng bị nước cuốn, đều mệnh chung vào trong địa ngục.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Tạo ác thật quá sức,

Ðều do thân miệng làm,

Thân này chịu khổ não,

Thọ mạng cũng ngắn ngủi.

Nếu lúc ở tại nhà,

Thì bị lửa thiêu đốt,

Nếu lúc mạng đã hết,

Ắt sanh trong địa ngục.

Bấy giờ nhiều Tỳ Kheo trong chúng bạch Thế Tôn: Nay Vua Lưu Ly và bốn bộ binh đã chết rồi sanh về đâu?

Thế Tôn bảo: Nay Vua Lưu Ly vào trong Địa Ngục A Tỳ.

Các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Những họ Thích này ngày xưa tạo nhân duyên gì mà nay bị Vua Lưu Ly hại?

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ngày xưa trong thành La Duyệt này, có một làng đánh cá. Khi ấy đời hết sức đói nghèo, người phải ăn rễ cây, một đấu vàng đổi một đấu gạo. Trong làng đó có một ao tắm lớn lại rất nhiều cá. Nhân dân trong thành La Duyệt đều đến ao bắt cá ăn.

Ngay lúc đó, dưới nước có hai thứ cá: Một tên Câu Tỏa. Hai tên Lưỡng Thiệt hai lưỡi.

Khi đó, hai cá bảo nhau: Chúng ta đối với những người này, trước tiên không có lỗi lầm. Ta là vật thuộc thủy tánh, không ở đất bằng. Nhân dân này đều đến ăn nuốt chúng ta. Ðời trước nếu có chút ít phước đức gì sẽ dùng báo oán.

Bấy giờ trong làng có một đứa bé vừa tám tuổi, không đánh cá cũng không hại mạng chúng. Nhưng lúc những con cá kia chết ở trên bờ, đứa bé ấy thấy xong hết sức hoan hỷ.

Tỳ Kheo nên biết!

Các thầy chớ xem rằng nhân dân trong thành La Duyệt bấy giờ là người nào khác, nay họ chính là những người họ Thích vậy. Con cá Câu Tỏa bấy giờ, nay là Vua Lưu Ly.

Con cá lưỡng thiệt bấy giờ, nay là Phạm Chí Hiếu Khổ. Ðứa bé thấy cá trên bờ mà cười lúc đó, nay chính là ta. Dòng họ Thích lúc ấy ngồi ăn cá.

Do nhân duyên này trong vô số kiếp vào trong địa ngục, nay chịu sự trả thù này. Ta lúc ấy ngồi thấy mà cười, nay bị đau đầu như đá đè, ví như lấy đầu đội núi Tu Di.

Vì sao như thế?

Vì Như Lai không thọ thân nữa, đã xả bỏ các hành, qua hết các nguy nan.

Ðó là, này các Tỳ Kheo!

Do nhân duyên này, nay chịu quả báo này. Các Tỳ Kheo nên giữ gìn hành động của thân, miệng, ý. Nên nhớ cung kính thừa sự người phạm hạnh.

Như thế, các Tỳ Kheo! Nên học điều này.

 Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường