Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI CHÍN

PHẨM ĐẲNG PHÁP  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Tôn Giả đồng chân Ca Diếp ở vườn Trú Ám, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp đi kinh hành nửa đêm, có vị Trời đến chỗ Tôn Giả, ở trên hư không bảo rằng: Tỳ Kheo nên biết! Nhà này ban đêm có khói, ban ngày bị lửa đốt.

Bà La Môn bảo người trí rằng: Nay ông nên cầm dao đục núi. Khi đục núi, ông sẽ gặp phụ vật, hãy cứu giúp nó. Rồi tiếp tục đục núi. Ông sẽ gặp núi. Ông hãy bỏ núi ấy đi. Và tiếp tục đục núi, ông sẽ thấy ễnh ương, hãy bỏ ễnh ương.

Và tiếp tục đục núi, lúc ấy ông sẽ thấy một đống thịt. Thấy đống thịt rồi, hãy rời bỏ nó.

Ðục núi tiếp, sau đó ông sẽ gặp gông cùm, hãy rời bỏ nó. Và đục núi tiếp, ông sẽ thấy hai con đường, hãy rời bỏ nó.

Và hãy đục núi, ông sẽ thấy cành cây, thấy cành cây rồi, hãy bỏ nó đi. Ðục núi nữa, ông sẽ thấy rồng. Thấy rồng. Ông chớ nói chuyện với rồng, hãy tự quy mạng, kính mộ cho được chỗ.

Tỳ Kheo! Hãy khéo suy nghĩ nghĩa này. Nếu ông không hiểu, hãy đến thành Xá Vệ hỏi Đức Thế Tôn ý nghĩa này. Nếu Như Lai có nói gì, hãy khéo nhớ thực hành.

Vì cớ sao?

Nay tôi chẳng thấy có Sa Môn, Bà La Môn, Ma hay Ma Thiên nào có thể hiểu được nghĩa này, trừ đức Như Lai và đệ tử của Ngài, theo tôi được nghe.

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Việc này rất hay!

Bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp, sáng sớm đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và ngồi một bên, rồi đem nhân duyên bạch với Thế Tôn, và thưa: Nay con xin hỏi nghĩa Như Lai, vị Trời muốn nói gì?

Vì sao mà nói: Nên biết nhà này đêm có khói, ngày sẽ bị lửa đốt?

Vì sao gọị là Bà La Môn?

Sao gọi là người trí?

Lại nói là đục đá, nghĩa này nói về gì?

Lại nói dao, con cũng không hiểu.

Vì sao lại nói ễnh ương?

Sao lại nói đống thịt?

Sao lại nói gông cùm?

Vì cớ gì lại nói hai con đường?

Cành cây, nghĩa này thế nào?

Sao lại gọi là rồng?

Thế Tôn bảo: Nhà tức là thân thể, do tứ đại tạo ra, nhận huyết mạch của cha mẹ, dần dần to lớn, hằng nuôi dưỡng thức ăn, không để thiếu thốn. Ðêm có khói là chỉ tâm niệm chúng sanh. Ban ngày lửa đốt là thân, miệng, ý tạo các hạnh.

Bà La Môn là A La Hán. Trí giả là người học. Ðục núi là tâm tinh tấn. Dao là trí tuệ. Phụ vật là năm kiết sử. Núi là kiêu mạn. Ễnh ương là tâm sân giận. Ðống thịt là tham dục. Gông là ngũ dục.

Hai con đường là nghi. Cành cây là vô minh. Rồng là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Vị Trời ấy nói với nghĩa như thế. Nay thầy nên suy nghĩ kỹ càng, không bao lâu sẽ dứt hết hữu lậu.

Bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp nhận lời dạy của Như Lai như thế, liền đến chỗ vắng vẻ tự tu hành.

Thế rồi, vị vọng tộc cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, muốn tu phạm hạnh, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết. Khi ấy Tôn Giả Ca Diếp liền thành A La Hán. Bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người. Tôn Giả Mãn Từ Tử cũng đem năm trăm Tỳ Kheo đi về quê, nơi sanh trưởng.

Bấy giờ, Thế Tôn ở thành La Duyệt nhập hạ qua chín mươi ngày xong, du hóa trong nhân gian dần dần đến vườn Cấp Cô Ðộc, ở rừng Kỳ Đà, trong thành Xá Vệ.

Khi ấy, nhiều Tỳ Kheo tản mát trong nhân gian cũng đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi, các Tỳ Kheo: Các thầy đã nhập hạ ở đâu?

Các Tỳ Kheo đáp: Chúng con nhập hạ ở quê quán.

Thế Tôn bảo: Các thầy! Nơi sanh của các thầy chính là ở trong chúng Tỳ Kheo, phải năng tự thực hành A Lan Nhã, lại hay khen ngợi A Lan Nhã.

Tự mình hành khất thực và dạy người khác hành khất thực, không mất thời nghi.

Tự mình mặc áo vá, lại dạy người khác mặc áo vá.

Tự mình tu tri túc lại hay khen ngợi hạnh tri túc.

Tự mình hành thiểu dục, lại khen ngợi hạnh thiểu dục.

Tự mình ưa thích nơi vắng vẻ, lại khuyên người khác nên ở chỗ nhàn vắng.

Tự mình giữ hạnh này lại khuyên người giữ hạnh này.

Thân mình giới hạnh thanh tịnh đầy đủ, lại dạy người khác khiến tu giới này.

Tự mình thành tựu tam muội, lại dạy người khác hành tam muội.

Tự mình thành tựu trí tuệ, lại khiến người hành trí tuệ. Thân mình thành tựu giải thoát, lại dạy người khác hành giải thoát.

Tự mình thành tựu giải thoát tri kiến, lại dạy người thành tựu pháp này. Giáo hóa không chán, thuyết pháp không lười mỏi.

Bấy giờ các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Tỳ Kheo Mãn Từ Tử ở trong chúng Tỳ Kheo này, kham nhận giáo hóa, chính mình tu hạnh A Lan Nhã, cũng lại khen ngợi hạnh A Lan Nhã.

Thân mình mặc áo vá, thiểu dục, tri túc, tinh tấn, dũng mãnh, khất thực, ưa chỗ vắng vẻ, thành tựu giới, tam muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát kiến tuệ, lại dạy người khác khiến hành pháp này, và thuyết pháp không biết chán.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho các Tỳ Kheo. Các Tỳ Kheo nghe Phật thuyết pháp rồi, ở lại một chút rồi từ chỗ ngồi đứng lên, nhiễu quanh Phật ba vòng và lui đi.

Lúc ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất ở cách Thế Tôn không xa, ngồi kiết già, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước, rồi nghĩ: Nay Mãn Từ Tử chóng được lợi lành.

Vì cớ sao?

Các Tỳ Kheo phạm hạnh khen ngợi đức của Tôn Giả, và Đức Thế Tôn chấp nhận điều này, không phản đối. Hôm nào ta sẽ gặp gỡ và nói chuyện cùng Tôn Giả ấy.

Bấy giờ Tôn Giả Mãn Từ Tử đang ở quê mình đi khất thực và giáo hóa trong nhân gian dần dần đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và ngồi một bên.

Thế Tôn từ từ thuyết pháp cho Ngài. Tôn Giả Mãn Từ Tử nghe thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng lên cúi lạy và lui đi, vắt tọa cụ lên vai phải đi đến vườn Trú Ám.

Bấy giờ, có một Tỳ Kheo trông thấy Tôn Giả Mãn Từ Tử vắt tọa cụ trên vai phải đi đến vườn kia, liền đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch: Tôn Giả Mãn Từ Tử, người thường được Phật khen ngợi, vừa ở chỗ Thế Tôn nghe pháp, nay đến trong vườn.

Tôn Giả nên biết là đã đến lúc. Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe vị Tỳ Kheo nói thế, liền đứng lên, vắt tọa cụ lên vai phải, đi đến vườn kia.

Lúc ấy, Tôn Giả Mãn Từ Tử ngồi kiết già dưới một gốc cây. Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng đến một gốc cây, ngồi ngay ngắn tư duy.

Rồi Tôn Giả Xá Lợi Phất đứng dậy, đến chỗ Tôn Giả Mãn Từ Tử, chào hỏi và ngồi một bên, và hỏi: Thế nào Tôn Giả Mãn Từ Tử! Có phải do Thế Tôn mà Tôn Giả được tu phạm hạnh và làm đệ tử không?

Tôn Giả Mãn Từ Tử đáp: Ðúng thế, đúng thế! Tôn Giả lại nhân Thế Tôn mà tu giới được thanh tịnh chăng?

Không phải.

Tôn Giả do tâm thanh tịnh đối với Như Lai mà tu phạm hạnh phải không?

Không phải.

Tôn Giả do kiến thanh tịnh đối với Như Lai mà tu phạm hạnh phải không?

Không phải.

Thế nào?

Hay Tôn Giả do không do dự mà tu được phạm hạnh chăng?

Không phải.

Hay Tôn Giả do hành tích thanh tịnh mà được tu phạm hạnh?

Không phải.

Thế nào?

Có phải Tôn Giả đối với đạo được trí thanh tịnh mà tu phạm hạnh chăng?

Không phải.

Thế nào?

Tôn Giả được tri kiến thanh tịnh mà tu phạm hạnh chăng?

Tôn Giả Mãn Từ Tử đáp: Không phải.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: 

Tôi đã hỏi Tôn Giả: Có phải ở chỗ Như Lai mà được tu phạm hạnh không?

Tôn Giả đáp: Ðúng thế!

Tôi lại hỏi: Tôn Giả do trí huệ, tâm thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh mà được tu phạm hạnh chăng?

Tôn Giả lại nói: Không.

Nay Tôn Giả ở chỗ Như Lai được tu phạm hạnh thế nào?

Tôn Giả Mãn Từ Tử đáp: 

Nghĩa của giới thanh tịnh có thể khiến tâm thanh tịnh.

Nghĩa của tâm thanh tịnh có thể khiến kiến thanh tịnh.

Nghĩa kiến thanh tịnh có thể khiến không do dự thanh tịnh.

Nghĩa không do dự thanh tịnh có thể khiến đạo thanh tịnh.

Nghĩa đạo thanh tịnh có thể khiến nhập nghĩa Niết Bàn. Ðó là tôi ở chỗ Như Lai tu được phạm hạnh.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Nay nghĩa Tôn Giả nói nhắm về đâu?

Tôn Giả Mãn Từ Tử nói: Nay tôi sẽ đưa thí dụ để giải thích nghĩa này. Người trí do thí dụ mà hiểu được nghĩa, người trí tự ngộ. Ví như hôm nay, Vua Ba Tư Nặc đi từ thành Xá Vệ đến nước Bạt Kỳ, khoảng giữa hai nước đặt bảy cỗ xe.

Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc ra khỏi thành cỡi xe thứ nhất đến xe thứ hai, lên xe thứ hai bỏ xe thứ nhất, đi thêm một lúc lại bỏ xe thứ hai, lên xe thứ ba, tiến tới lại bỏ xe thứ ba, lên xe thứ tư tiến tới lại bỏ xe thứ tư, lên xe thứ năm, rồi lại tiến tới trước bỏ xe thứ năm, lên xe thứ sáu, rồi lại tiến đến bỏ xe thứ sáu, lên xe thứ bảy và vào nước Bạt Kỳ.

Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc đã vào đến cung.

Nếu có người hỏi: Hôm nay Ðại Vương dùng xe nào đến cung này?

Vua ấy sẽ đáp thế nào?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói:

Nếu có người hỏi, Vua sẽ đáp thế này: Tôi ra khỏi thành Xá Vệ. Trước hết, ngồi xe thứ nhất, đến xe thứ hai, rồi bỏ xe thứ hai đi xe thứ ba, lại bỏ xe thứ ba lên xe thứ tư, bỏ xe thứ tư lên xe thứ năm, lại bỏ xe thứ năm lên xe thứ sáu, lại bỏ xe thứ sáu lên xe thứ bảy, đến nước Bạt Kỳ.

Vì sao thế?

Tất cả đều do từ xe đầu đến xe thứ bảy, đến nước Bạt Kỳ.

Vì sao thế?

Tất cả đều do từ xe đầu đến xe thứ hai, lần lượt nhân nhau mà đến được nước đó.

Nếu có người hỏi, Vua sẽ đáp như thế.

Tôn Giả Mãn Từ Tử đáp: Nghĩa giới thanh tịnh cũng lại như thế. Do tâm thanh tịnh được kiến thanh tịnh, do kiến thanh tịnh đến được chỗ không do dự thanh tịnh, do nghĩa không do dự thanh tịnh đến được hành tích thanh tịnh.

Do hành tích thanh tịnh đến được đạo thanh tịnh, do đạo thanh tịnh đến được tri kiến thanh tịnh, do tri kiến thanh tịnh đến được Niết Bàn.

Tôi ở chỗ Như Lai tu được phạm hạnh.

Vì sao thế?

Nghĩa giới thanh tịnh là hình thức thọ nhập, song Như Lai nói khiến trừ thọ nhập, nghĩa tâm thanh tịnh cũng là lối thọ nhập, nhưng Như Lai nói trừ thọ nhập, cho đến nghĩa của tri kiến cũng là thọ nhập.

Như Lai nói trừ thọ nhập, cho đến Niết Bàn là chỗ sở đắc tu phạm hạnh của Như Lai.

Nếu ngay giới thanh tịnh cho là ở chỗ Như Lai được tu phạm hạnh thì người phàm phu cũng sẽ được diệt độ.

Vì cớ sao?

Phàm phu cũng có Giới Pháp này. Lời Thế Tôn nói, do thứ tự thành đạo đến Niết Bàn, không phải chỉ riêng giới thanh tịnh mà đến được Niết Bàn.

Ví như có người muốn lên trên lầu bảy tầng, cần theo thứ tự mà lên. Giới thanh tịnh cũng vậy, dần dần đến tâm.

Do tâm đến kiến, do kiến đến không do dự, do không do dự đến được hành tích thanh tịnh, do tịnh hành tích mà đến được đạo, do tịnh đạo đến được tri kiến, do tịnh tri kiến đến được Niết Bàn.

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất liền khen: Lành thay, lành thay! Tôn Giả thuyết nghĩa này thật hay! Nay Tôn Giả tên gì?

Các Tỳ Kheo phạm hạnh gọi hiệu Tôn Giả là gì?

Các Tỳ Kheo gọi tôi là Mãn Từ Tử. Mẹ tôi họ Di Đa Da Ni.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Lành thay, lành thay! Ngài Mãn Từ Tử! Trong Pháp Hiền Thánh thật không ai bằng Ngài, Ngài chứa đựng cam lồ ban rải vô cùng. Tôi hỏi nghĩa rất sâu xa mà Ngài đều diễn nói tất cả.

Dầu cho các vị phạm hạnh có đội Ngài trên đầu đi khắp thế gian cũng không thể báo đáp được ân này. Ai được đến thân cận thăm hỏi sẽ chóng được lợi lành.

Nay tôi cũng được lợi lành, vâng nhận lời dạy bảo.

Tôn Giả Mãn Từ Tử nói: Lành thay, lành thay! Như lời Tôn Giả nói.

Tôn Giả tên gì?

Các Tỳ Kheo gọi Tôn Giả là gì?

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Tôi tên Ưu Ba Đề Xá. Mẹ tên Xá Lợi. Các Tỳ Kheo gọi tôi là Xá Lợi Phất.

Tôn Giả Mãn Từ Tử nói: Nay tôi cùng Ðại Nhân bàn luận.

Tôi không được biết trước bậc đại tướng của pháp đến đây! Nếu tôi biết Tôn Giả Xá Lợi Phất đến, tôi đã không đối đáp với Tôn Giả thế này. Chỗ hỏi của Tôn Giả rất sâu xa, tùy lúc mà phát khởi.

Lành thay! Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tôn Giả là bậc thượng thủ trong đệ tử Phật, hằng dùng pháp vị Cam Lồ để tự an lạc. Dù cho các vị phạm hạnh dùng đầu đội Tôn Giả Xá Lợi Phất mà đi trong thế gian, năm này qua năm khác, cũng không báo được ơn này chút nào. Chúng sanh nào đến thăm hỏi, gần gũi Tôn Giả, người ấy chóng được lợi lành. Chúng tôi cũng chóng được lợi lành.

Bấy giờ, hai Hiền Giả ở vườn ấy cùng nhau luận nghị như thế.

Bấy giờ, hai người, mỗi người nghe nói xong, đều vui vẻ vâng làm.

Ðẳng pháp và trú độ,

Nước và dụ thành quách,

Thức, quân đầu, hai luân,

Bà mật và bảy xe.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường