Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tăng Thượng - Phần Năm

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TĂNG THƯỢNG  

PHẦN NĂM  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Quá khứ lâu xa, Trời Ba Mươi Ba là Thích Đề Hoàn Nhân cùng các ngọc nữ đến vườn Nan Đà Bàn Na dạo chơi.

Có một Thiên Nhân làm kệ:

Không thấy vườn Nan Đàn,

Thì chẳng biết có vui,

Các chỗ Chư Thiên ở,

Không đâu hơn nơi này.

Bấy giờ, có vị Trời bảo Thiên Nhân ấy rằng: Nay ông không trí, không biết phân biệt chánh lý. Vật khổ lo mà ngược lại cho là vui, vật không bền chắc mà nói là bền. Vật vô thường nói ngược là thường, vật không khẩn yếu lại nói khẩn yếu.

Vì sao thế?

Ông không nghe Như Lai nói kệ sao?

Tất cả hành vô thường,

Sanh ra tất có chết,

Chẳng sanh thì không chết,

Diệt này là vui nhất.

Ðã có nghĩa này, lại có kệ này.

Sao ông lại nói cõi này vui nhất?

Nay ông nên biết!

Như Lai cũng nói Pháp Tứ Lưu. Nếu chúng sanh chìm trong những dòng này, trọn chẳng đắc đạo.

Những gì là bốn?

Nghĩa là dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu.

Thế nào gọi là dục lưu?

Dục lưu gồm năm dục.

Thế nào là năm?

Nghĩa là mắt thấy sắc khởi nhãn thức tưởng, tai nghe tiếng khởi thức tưởng, mũi ngửi mùi khởi thức tưởng, lưỡi nếm vị khởi thức tưởng, thân biết xúc chạm khởi thức tưởng. Ðó gọi là dục lưu.

Thế nào là hữu lưu?

Hữu tức là ba cõi.

Thế nào là ba?

Nghĩa là Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc. Ðó là hữu lưu.

Thế nào gọi là kiến lưu?

Kiến lưu nghĩa là chấp đời là thường, vô thường, đời là hữu biên, vô biên, có thân, có mạng, chẳng phải thân, chẳng phải mạng, Như Lai có chết.

Như Lai không chết, hoặc Như Lai chết Như Lai không chết, không Như Lai chết cũng không Như Lai không chết. Ðó gọi là kiến lưu.

Thế nào là vô minh lưu?

Vô minh là không biết, không tin, không thấy.

Tâm ý tham dục, hằng mong cầu và có ngũ cái: Tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, diệu hý cái, nghi cái.

Lại chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo. Ðó gọi là vô minh lưu.

Thiên Tử nên biết! Như Lai nó bốn dòng này. Nếu có ai chìm vào đây thì chẳng thể đắc đạo. Bấy giờ vị Trời kia nghe lời này xong, như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Trời Ba Mươi Ba biến mất đi đến chỗ ta cúi lạy rồi đứng một bên.

Trời ấy bạch với Ta: Lành thay, Thế Tôn!

Khéo nói nghĩa này: Như Lai đã nói bốn dòng. Nếu phàm phu chẳng nghe bốn dòng này thì chẳng được bốn điều vui.

Thế nào là bốn?

Nghĩa là vui điều phục hơi thở, vui chánh giác, vui Sa Môn, vui Niết Bàn. Nếu phàm phu chẳng biết bốn dòng này thì chẳng được bốn vui này.

Nói vậy xong, ta lại bảo: Ðúng vậy Thiên Tử!

Như lời ông nói. Nếu không biết được bốn dòng này thì không biết được bốn vui này. Rồi ta cùng Thiên Nhân kia lần lượt cùng luận. Luận nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là hoạn lớn, xuất yếu là vui.

Bấy giờ thiên nhân đã phát tâm hoan hỷ, ta liền diễn nói rộng về pháp bốn dòng và nói về bốn vui. Khi ấy, vị Trời kia chuyên tâm một lòng suy nghĩ pháp này xong, sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Nay ta cũng nói bốn pháp, bốn vui này sẽ được pháp Tứ Đế. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên tu tưởng vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Ðã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái Dục Giới, ái Sắc Giới, ái Vô Sắc Giới, đoạn hết vô minh, đoạn kết kiêu mạn.

Ví như đốt cháy cây cỏ, dẹp trừ sạch hết. Ðây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường thì đoạn trừ hết tất cả kiết sử.

Vì sao thế?

Ngày xưa rất lâu xa, có một Thiên Tử đem năm trăm ngọc nữ, theo nhau kẻ trước người sau, đến dạo chơi trong vườn Nan Đàn Bàn Na, chơi đùa dần đến dưới cây Ca Ni, tự vui ngũ dục. Rồi Thiên Tử kia leo lên cây chơi, hái hoa, tâm ý rối loạn, rơi xuống cây mà chết.

Ông sanh trong nhà Trưởng Giả lớn trong thành Xá Vệ này. Bấy giờ, năm trăm ngọc nữ đấm ngực kêu gào không ngớt.

Ta dùng Thiên nhãn trông thấy Thiên Tử chết sanh trong nhà đại Trưởng Giả, trong thành Xá Vệ. Qua tám chín tháng sanh một bé trai đoan chánh vô song, như màu hoa đào. Con Trưởng Giả dần dần khôn lớn. Cha mẹ liền tìm vợ cho anh ta.

Cưới vợ chưa bao lâu, anh lại chết, sanh trong biển lớn làm thân rồng.

Bấy giờ trong nhà Trưởng Lão kia, cả nhà đều kêu khóc đau đớn rất thương tâm. Rồng ấy lại bị chim cánh vàng ăn thịt, chết sanh trong địa ngục.

Bấy giờ, các Long Nữ lại thiết tha thương nhớ vô tả.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Trời kia lúc hái hoa,

Tâm lý loạn không an,

Như nước trôi thôn xóm,

Tất chìm không cứu được.

Bấy giờ chúng ngọc nữ,

Vây quanh mà khóc lóc,

Mặt mày rất đoan chánh,

Yêu hoa mà mạng chung.

Loài ngườì cũng than khóc,

Mất khúc ruột của ta,

Vừa bụng lại mạng chung,

Bị vô thường tan hoại.

Long nữ theo sau tìm,

Các rồng đều tụ tập,

Bẩy đầu thật dũng mãnh,

Bị chim cánh vàng hại.

Chư Thiên cũng lo buồn,

Loài người cũng như thế,

Long nữ cũng sầu lo,

Ðịa ngục chịu đau khổ.

Diệu pháp Tứ Đế này,

Như thật mà chẳng biết,

Có sanh thì có chết,

Chẳng thoát biển sông dài.

Thế nên hãy khởi tưởng,

Tu các pháp thanh tịnh,

Tất sẽ lìa khổ não,

Lại chẳng bị tái sanh.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy nên tu hành tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường, sẽ đoạn dục ái, sắc ái, vô sắc ái, cũng đoạn kiêu mạn, dứt hẳn vô minh không sót.

Như thế, các Tỳ Kheo! Hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ đệ tử Tôn Giả Mục Liên và đệ tử Tôn Giả A Nan, hai người nói chuyện: Hai chúng ta đồng thanh tụng Kinh xem ai hay hơn!

Lúc ấy, nhiều Tỳ Kheo nghe hai người thảo luận, nghe rồi đến chỗ Thế Tôn cúi lạy, ngồi một bên.

Các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Nay có hai người bàn luận hai chúng ta cùng tụng Kinh xem ai hay!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ Kheo: Thầy đi gọi hai Tỳ Kheo ấy đến đây!

Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy, đến hai người kia bảo họ: Thế Tôn gọi hai thầy.

Hai người nghe Tỳ Kheo nói xong, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo hai người: Các Thầy ngu si!

Các Thầy thực có nói: Chúng ta cùng tụng Kinh xem ai hay hơn không?

Hai người đáp: Ðúng vậy, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn bảo: Các Thầy có nghe ta nói pháp này hãy cùng cạnh tranh với nhau chăng?

Pháp như thế đâu khác Phạm Chí?

Các Tỳ Kheo đáp: Con chẳng nghe Như Lai nói pháp này.

Thế Tôn bảo: Ta không thuyết pháp cho Tỳ Kheo tranh hơn thua mà ta thuyết pháp là muốn có chỗ hàng phục, có giáo hóa.

Nếu có Tỳ Kheo lúc thọ pháp, hãy nhớ suy nghĩ pháp bốn duyên, xem ý có tương ưng với Khế Kinh, A Tỳ Đàm, Luật không?

Nếu tương ưng, hãy nhớ vâng làm.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Tụng nhiều việc vô ích,

Pháp này chẳng phải hay,

Như đi đếm số bò,

Chẳng thiết yếu Sa Môn.

Nếu tụng tập chút ít,

Ðối với pháp thi hành,

Pháp này là trên hết,

Ðáng gọi pháp Sa Môn.

Tuy tụng đến ngàn chương,

Không nghĩa, đâu ích gì?

Chẳng bằng tụng một câu,

Nghe xong đắc đạo được.

Tuy tụng đến ngàn lời,

Không nghĩa, đâu ích gì?

Chẳng bằng tụng một nghĩa,

Nghe xong đắc đạo được.

Dầu tại bãi chiến trường,

Thắng ngàn ngàn quân địch

Tự thắng mình tốt hơn

Chiến thắng thật tối thượng.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Từ nay về sau chớ nên tranh tụng, có tâm hơn thua.

Vì sao thế?

Hãy nghĩ hàng phục tất cả mọi người.

Nếu lại, này Tỳ Kheo!Người có tâm hơn thua, tâm tranh tụng nhau mà cùng cạnh tranh thì phải lấy pháp luật trị họ ngay.

Tỳ Kheo! Vì thế hãy tự tu hành.

Hai Tỳ Kheo nghe Phật nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên cúi lạy Thế Tôn xin sám hối:

Thế Tôn bảo: Trong đại pháp, các thầy đã chịu sửa lỗi. Các thầy tự biết có tâm cạnh tranh, ta chấp thuận cho các thầy hối lỗi.

Các Tỳ Kheo! Chớ nên thế nữa! Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tăng thượng, tọa, hành tích,

Vô thường, vườn quán, hồ,

Vô lậu, vô tức, thiền,

Bốn vui, không tranh tụng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường