Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA

PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ  

PHẦN MƯỜI  

Bấy giờ Tứ Thiên Vương tiến lên thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Xin thương chỉ dạy chúng tôi phải hộ trì thế gian như thế nào?

Đức Phật phán: Các Ngài đem mười pháp hạnh hộ trì thế gian chúng sanh.

Những gì là gọi mười pháp hạnh?

Một là chẳng sát hại sanh mạng của tất cả loài hữu tình.

Hai là chẳng trộm lấy tài vật của kẻ khác.

Ba là chẳng phạm đến vợ của người khác.

Bốn là chẳng lưỡng thiệt làm tranh cãi cho người.

Năm là chẳng vọng ngôn khi dối người.

Sáu là chẳng ác khẩu dùng lời làm thương tổn người.

Bảy là chẳng ỷ ngữ, tất cả lời nói ra đều không thêu dệt trau chuốt.

Tám là chẳng có lòng ganh ghét đây kia.

Chín là ở nơi những sự lành dữ chẳng nổi giận nóng.

Mười là thường tu học chánh kiến chẳng theo tà kiến nghi ngờ.

Này các Ngài! Các Ngài đem mười điều này hộ trì thế gian mới là đúng giáo pháp.

Lại có tám pháp hộ trì thiên hạ:

Một là hành động đúng với chánh pháp không hề trái.

Hai là thờ kính các bậc tôn trưởng chẳng có lòng khinh mạn.

Ba là nói lời dịu mềm, không nói lời cộc cằn.

Bốn là khiêm nhượng từ tốn cung kính thuận thảo.

Năm là luôn luôn thành thiệt chất phác, chẳng làm sự gian xảo.

Sáu là thường tu nhân hòa mà không nịnh bợ.

Bảy là với tất cả điều ác đều không phạm.

Tám là đem các công đức lành lợi ích cho thế gian.

Lại có sáu việc hộ trì thiên hạ:

Một là thân thường thật hành nhân từ chẳng tổn hại chúng sanh.

Hai là miệng nói lời nhân từ chẳng thốt ra lời hung ác.

Ba là ý niệm nhân từ chẳng hung bạo.

Bốn là khắp cai quản sự nghiệp để được lợi dưỡng.

Năm là khắp hộ trì cấm giới mà không để sai phạm.

Sáu là khắp đem chánh kiến để khai đạo kẻ tà vạy.

Lại có bốn sự việc thường là những sự đứng đầu để hộ trì thế gian:

Một là phàm có lập công hạnh gì không bao giờ tham lam ganh ghét.

Hai là chẳng có lòng giận thù hại người.

Ba là chẳng vì ngu dốt, mà che đậy để thêm chỗ chẳng biết.

Bốn là đi đến chỗ nào chẳng có lòng sợ sệt.

Lại có hai sự dùng để hộ trì thế gian nhân dân: 

Một là tự hổ thẹn từ vô số kiếp chẳng theo đúng đạo pháp.

Hai là xấu hổ với người, tự trách mình chẳng thâm nhập đạo pháp cứu hộ tất cả chúng sanh.

Đức Phật phán với Tứ Thiên Vương: Các Ngài nên thi hành các pháp ấy để hộ trì thế gian thiên hạ. Vì kiến lập được các pháp hạnh như vậy mới hộ trì thế gian được.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tiến lên lễ Phật rồi bạch Đức Phật: Thế nào thật hành pháp không giận nóng đến đạo vô thượng bồ đề?

Đức Phật phán: Này thiện nam tử! Bồ Tát có mười sự thật hành không giận nóng đến đạo vô thượng bồ đề.

Những gì là mười pháp?

Một là thường thi hành lòng nhân từ chẳng phạm tổn hại.

Hai là chẳng chán nhàm các tai nạn, thường tu tập lòng đại bi.

Ba là sự nghiệp được làm đều siêng năng tinh tiến mà có thù đặc.

Bốn là thường phụng hành môn không giải thoát đến được tam muội.

Năm là từ nhân duyên phát khởi nhập vào trí huệ.

Sáu là dùng quyền phương tiện vào khắp tất cả.

Bảy là thông đạt tam thế: Quá khứ, vị lai và hiện tại.

Tám là dùng Chân Đế quán thấy khắp không chỗ chướng ngại.

Chín là tuân phụng đạo pháp nhập vào tất cả pháp.

Mười là tất cả các pháp đều về rỗng không.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát có bao nhiêu pháp để được không khiếp sợ khi nghe pháp bất tư nghị của Đức Phật?

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Bồ Tát có tám pháp, khi nghe pháp bất tư nghị của Đức Phật thì không khiếp sợ.

Một là công đức được tạo ra thường có thể đạt đến rốt ráo.

Hai là nhất tâm thiền quán tư duy thông đạt chẳng tán loạn.

Ba là vì làm thiện hữu mà được thuận tùng.

Bốn là tâm thường dốc lòng tin thích pháp vi diệu.

Năm là vì hiểu các pháp đều như huyễn hóa.

Sáu là hiểu rõ tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn.

Bảy là rõ tất cả pháp bất khả đắc như hư không.

Tám là thông suốt tất cả pháp là tướng hư dối.

Đó là tám pháp vậy.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi rằng Bồ Tát được tự tại nơi pháp Bồ Tát?

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Vì có bốn pháp mà Bồ Tát được tự tại nơi pháp Bồ Tát.

Một là tuân hành như huyễn tam muội thông suốt tất cả pháp nhập vào năm thứ thần thông mà đặc biệt siêu việt.

Hai là vì ba giải thoát môn hơn cả Tứ Thiền.

Ba là dùng trí Ba la mật để tu bốn phạm hạnh.

Bốn là hành quyền phương tiện đủ sáu Ba la mật.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát có bao nhiêu pháp nhập vào pháp môn?

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử!

Có bốn pháp, Bồ Tát nhập vào pháp môn: 

Một là nhập vào môn thiền quán biết rõ đầy đủ căn bổn tất cả chúng sanh.

Hai là nhập vào môn trí huệ biết rằng tất cả chương cú nghĩa lý và vì chúng sanh mà diễn thuyết.

Ba là nhập vào môn tổng trì, tất cả chỗ được thọ trì đều nhớ luôn chẳng quên.

Bốn là nhập vào môn biện tài do đó mà có thể làm vui đẹp lòng tất cả chúng sanh.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Vì có bao nhiêu đạo lực mà Bồ Tát gây dựng nên hạnh Bồ Tát?

Lại những đạo lực ấy không ai đương cự được, do đó mà hàng phục chúng ma.

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Bồ Tát có tám đạo lực hàng phục chúng ma không ai cự được.

Một là sức mạnh đạo tâm tánh hạnh thanh tịnh.

Hai là sức mạnh tinh tiến chẳng thối chuyển.

Ba là sức mạnh nghe rộng phụng hành bát nhã Ba la mật.

Bốn là sức mạnh nhẫn nhục hộ trì các chúng sanh.

Năm là sức mạnh vô sanh chẳng cưu lòng sân hận.

Sáu là sức mạnh chẳng hư vọng đầy đủ giải thoát.

Bảy là sức mạnh tu đạo hạnh đầy đủ trí huệ.

Tám là dùng sức đại bi khai hóa chúng sanh.

Đó là tám đạo lực vậy.

Lúc Đức Phật nói những pháp ấy, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ và năm trăm người con trai được vô sanh pháp nhẫn.

Vì được pháp nhẫn nên đồng tiến lên bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ngưỡng mong Đức Thế Tôn đem tám pháp yếu ấy lưu bố thiên hạ. Vì thương chúng tôi nên làm cho cung điện Mật Tích này tự nhiên rộng rãi. Khi Đức Phật diệt độ rồi, do căn bổn công đức này quang minh chiếu khắp làm cho lưu bá khắp nơi mà chẳng mất.

Đức Phật thấy biết tâm niệm Hộ Pháp của các người con trai của Mật Tích, bèn bảo Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ rằng: Mật Tích kham nhiệm được chương cú pháp yếu này. Lúc ta đến ngồi dưới cội Bồ Đề, Ma Vương đem binh đến, ông cùng Chư Bồ Tát đến dùng oai thế ủng hộ ta nên hàng phục được ma binh.

Nay ông lại phải ủng hộ mạt thế sau này làm cho pháp yếu được lưu bố khắp Diêm Phù Đề đến tận mười phương, làm cho chánh pháp được còn lâu, chế ngự tất cả dị học ngoại đạo.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ được Đức Phật khuyên bảo liền rời chỗ ngồi quỳ lạy chắp tay tuyên Thần Chú rằng: Hê lê, hưu lưu hưu lưu, kỳ cường tiêu tụ, các la nhãn động diêu quy cứu, nhẫn lực lực tận, tịch phạ tác giác chí y lê khư khưu, khư lê, khư lê. Hộ vô trạch.

Trụ thắng sanh vãng hoàn vô khúc dĩ từ thọ chi điều hòa thành thí trì dĩ Chư Thiên Long cáo quỷ thần kiết thát bà yêu mị nhược nhân phi nhân, thường cát an ổn, động ư sơn vương, diệt chấn Đại Địa. Dụng thuyết thử chú cố, nhiếp phục ngoại đạo, pháp quân sở cứu, quảng Diệu Pháp viêm, dốc tín thị cú.

Nghe Thần Chú này rồi, các Thiên Chúng đồng cất tiếng khen rằng:

Chánh Pháp trụ rất lâu

Động Đại Thiên Thế Giới

Tất cả đại chúng đồng

Tự đến trước Pháp Vương

Quy mạng cho hết tội

Ban cho không nạn sợ

Ai trì ngôn giáo này

Khiến chánh pháp còn mãi.

Đức Thế Tôn ở cung điện Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tại nước khoáng Dã Quỷ Vương thọ cúng dường bảy ngày khai thị giáo hóa vô số chúng sanh.

Giữa ngày thứ bảy, Đức Phật bỗng rời cung điện Quỷ Vương Khoáng Dã, cùng Chư Bồ Tát và hàng Thanh Văn bay vọt lên hư không.

Tất cả Chư Thiên ở trên ấy đồng cúng dường Đức Phật và khắp Thánh Chúng. Chư Thiên Nữ đều đồng ca ngợi phóng quang minh lớn.

Trăm thứ Thiên nhạc nhân nhạc tự hòa tấu. Trên hư không mưa các loại hoa thơm đẹp. Khắp Phật Độ chấn động. Như Vua phụng hoàng, Đức Phật trở về núi Linh Thứu. Tại núi Linh Thứu, Đức Phật cùng Chúng Tỳ Kheo và Chư Bồ Tát quyến thuộc vây quanh đều tư duy Đạo Giáo.

Bấy giờ Vua A Xà Thế ra khỏi thành La Duyệt Kỳ cùng với hàng trưởng giả Phạm Chí kính tin Tam Bảo đến núi Linh Thứu. Nhân dân khắp nước nghe Đức Phật hoàn quốc đều vân tập xế trưa xuất thành đến núi Linh Thứu. Mọi người đảnh lễ chân Phật đi quanh bên hữu bảy vòng rồi ở qua một bên.

Vua A Xà Thế tiến lên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Hôm trước tôi từng họp quần thần tham nghị.

Lúc ấy có các Tỳ Kheo đến chỗ Thái Tử tuyên bố rằng: Hôm nay Đức Thế Tôn qua đến nước khoáng Dã Quỷ Vương tại cung điện Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thọ trai.

Bạch Đức Thế Tôn! Nghe được lời tuyên bố ấy, tôi cho là rất lạ lùng chưa từng có. Chư Phật Thế Tôn thiệt chẳng thể nghĩ bàn mới có thể ban đức đại bi thương xót cứu vớt khắp cả chúng sanh dường như hư không, nên mới ngự đến cung điện Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tại nước khoáng Dã Quỷ Vương. Đại nguyện của Đức Phật không thể ví dụ được, không có lời nói hết được.

Nếu có ai được Đức Như Lai giảng dạy, không ai là chẳng được an vui lợi ích.

Bạch Đức Thế Tôn! Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ vun trồng cội công đức thế nào mà được biện tài to lớn ấy?

Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Giả sử mười phương đều như số cát Sông Hằng, mỗi mỗi hột cát còn có số hạn, Chư Phật được Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ gần gũi cúng dường không thể tính đếm được, do đó mà Lực Sĩ ấy được đại biện tài như vậy.

Này Đại Vương! Vô ương số kiếp quá khứ có Đức Phật Hiệu là Tức Ý Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Thế Giới tên là Tuyển Chủ, kiếp hiệu là Bất Di. Đức Phật Tức Ý ấy thuần giáo hóa chúng Bồ Tát đều làm cho tinh tiến cả.

Lúc ấy có Bồ Tát hiệu là Dũng Lực lễ Phật Tức Ý mà bạch rằng: Như chỗ tôi lãnh hội ý nghĩa của Đức Phật đã dạy, nếu có Bồ Tát nào nghĩ rằng tôi sẽ chóng đến đạo Vô Thượng thành tối Chánh Giác. Bồ Tát nào nghĩ như vậy thì gọi là giải đãi.

Tại sao?

Bồ Tát ấy chẳng tinh tiến nhàm sợ sanh tử. Nếu có Bồ Tát thấy sanh tử hoạn nạn thì thấy được kiết sử triền phược, chẳng nhập Niết Bàn chỉ hóa độ chúng sanh, thì mới thành tối Chánh Giác.

Tại sao vậy?

Bạch Đức Thế Tôn! Pháp của Bồ Tát là siêng tu tập đạo hạnh khắp trong sanh tử khai đạo lợi ích vô lượng chúng sanh cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn, mà cũng không chỗ được giáo hóa.

Vì thế nên, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát hạnh phải trọng sanh tử, chẳng kính nhập Niết Bàn. Bồ Tát hạnh trọng sanh tử rồi phụng thờ vô lượng Chư Phật, khai đạo lợi ích vô lượng chúng sanh, nghe học vô số pháp, nhập vào tâm niệm của chúng sanh, chí nguyện sở hành kính hạnh Niết Bàn, trọng các quán hạnh.

Nếu thấy có Bồ Tát sợ sanh tử khổ hoạn thích hạnh Niết Bàn, thì nên quan niệm rằng: Bồ Tát này chắc là đọa lạc, vì bỏ mất hạnh Như Lai, có lỗi với chúng sanh. Sao gọi là Bồ Tát mà chẳng thuận theo hạnh Bồ Tát lại thích Thanh Văn địa, Duyên Giác địa, đây đáng gọi là không có hạnh Bồ Tát, là hạnh Thanh Văn.

Tại sao vậy?

Hạnh của hàng Thanh Văn sợ khổ hoạn sanh tử. Còn Bồ Tát đi trong vô lượng sanh tử mà chẳng bị ràng buộc.

Đức Tức Ý Như Lai khen Dũng Lực Bồ Tát rằng: Lành thay! Lành thay! Lời nói ấy rất hay, ngôn giáo thuần thục. Bồ Tát hành đạo bỏ sự an vui của chính mình mà chẳng bỏ người khác, thường xét lỗi mình mà chẳng tìm lỗi người.

Dũng Lực Bồ Tát lại bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát hạnh?

Đức Phật Tức Ý dạy: Này thiện nam tử! Tự chánh lấy việc làm của mình mà vì chúnh sanh tuyên nói sự thành bại khổ nạn sanh tử. Chịu lấy vô lượng khổ hoạn của sanh tử mà không khiếp sợ. Chẳng thích Bậc Thanh Văn và Bậc Duyên Giác mà chuyên tu tập việc làm của Bồ Tát. Chẳng luyến thiền định, ở trong Tam Giới biết rõ thiền định. Biết rành các ác đạo, tu tập các môn phương tiện.

Biết hết cả công đức thiền định trí huệ giải thoát chẳng cùng tận. Phát trí huệ vô sanh, vì người mà ban tuyên tất cả pháp bổn lai không có, trí cũng vô sở đắc.

Biết các chúng sanh mà không có ngô ngã. Dùng trí huệ khai hóa tất cả chúng sanh cho họ hiểu các pháp tịch diệt. Thọ trì các pháp thông các Phật Độ. Biết tất cả như hư không, Phật Quốc thanh tịnh, trí huệ sáng sạch.

Do trí huệ thấu suốt tất cả pháp không tăng không giảm, mà dùng tướng hảo trang nghiêm trí huệ vô sở đắc. Nhân đó mà tuân thờ tất cả cội công đức chẳng quên bỏ, ít não bớt việc. Với các chúng sanh, thường làm viêc cứu vớt hoạn nạn.

Thân tâm đạm bạc chứa công bồi đức chẳng chán nhàm. Phát khởi thiền quán thấu rõ chánh định nhất tâm. Phương tiện thấu suốt các pháp thâm diệu.

Nếu đem tuyên bố bao nhiêu giáo pháp, phân biệt quán hạnh thành tựu quả đức. Khai hóa luật Thanh Văn, Duyên Giác. Mến thích công hạnh giải thoát của Đức Như Lai, thật hành Bồ Tát hạnh, thị hiện công việc của Đức Như Lai làm. Đó là Bồ Tát hạnh vậy.

Đức Phật phán tiếp: Này Đại Vương! 

Bấy giờ Dũng Lực Bồ Tát nghe đức Tức Ý Như Lai dạy pháp ấy, lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thiệt rất khó chưa từng có, nay Đức Thế Tôn tuyên dạy công hạnh mà Chư Bồ Tát phải thiệt hành.

Bạch Đức Thế Tôn! Cứ theo chỗ tôi hiểu ở nơi lời Đức Phật dạy thì thiện quyền phương tiện là pháp của Bồ Tát thiệt hành.

Bạch Đức Thế Tôn! Như hư không chứa đựng tất cả vạn vật mười phương, vì tất cả hình sắc mà hiển hiện thể của nó chẳng thể tính lường, hiện bao trùm tất cả những loại có hình, với hư không vẫn không chướng ngại.

Bạch Đức Thế Tôn! Cũng vậy, do thiện quyền phương tiện mà Chư Bồ Tát được tự tại ở nơi tất cả pháp. Những pháp đã được học và pháp chưa được học, pháp phàm phu và pháp Phật đều do nơi đó. Lại như luồng lửa lớn đi đến đâu, cỏ cây đều bị cháy.

Cũng vậy, Bồ Tát tự tại đi trong các pháp. Dùng lửa trí huệ đốt cháy ngu si của tam giới tối tăm. Lại như kẻ trượng phu nổi giận hung làm tổn hại người khác chẳng kể khốn nạn.

Cũng vậy, Bồ Tát dùng thiện quyền phương tiện bát nhã Ba la mật tự tại dứt trừ trần lao của tất cả chúng sanh. Lại như thủy thanh châu được để vào nước đục thì nước liền trong suốt.

Cũng vậy, Bồ Tát dùng thiện quyền phương tiện làm tiêu tan tất cả trần lao ba thứ cấu trược. Lại như thuốc giải độc tên là tiêu trừ, nếu đem để vào tất cả chất độc, thì tất cả chất độc đều tiêu tan hẳn. Cũng vậy, Bồ Tát dùng thiện quyền phương tiện dạo đi khắp chỗ họa nạn tam giới, cầm trí quyền xảo dứt trừ trần lao ái dục của chúng sanh.

Bạch Đức Thế Tôn! Vì thế nên biết rằng thiện quyền phương tiện là hạnh tự tại nơi tất cả pháp của Bồ Tát.

Này Đại Vương! Lúc Dũng Lực Bồ Tát nói pháp ấy, có vô số người phát tâm vô thượng bồ đề.

Đại Vương muốn biết Dũng Lực Bồ Tát thuở xưa ấy là ai chăng?

Chánh là Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ ngày nay vậy. Bồ Tát này vững mạnh tinh tiến, mặc áo giáp hoằng thệ vòi vọi như vậy, cúng dường vô số Chư Phật rỡ rỡ dường ấy chẳng gì ví dụ được.

Khi ấy Vua A Xà Thế nghĩ rằng chày Kim Cang của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nặng bao nhiêu?

Ta có sức rất khỏe chẳng biết có cầm được chăng?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ biết tâm niệm của Nhà Vua bèn để chày Kim Cang xuống đất. Vừa lúc Lực Sĩ để chày xuống đất, cả Cõi Đại Thiên chấn động sáu cách.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Vua A Xà Thế: Nhà Vua thử cầm lên xem. Vua A Xà Thế có sức mạnh lực sĩ, liền tận lực dở lên, những vẫn chẳng lay động được chày Kim Cang mảy may.

Nhà Vua lấy làm lạ chưa từng có, tiến lên bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thân tôi có sức khỏe đại lực sĩ lại mặc áo giáp rất quý lạ. Tôi có thể bắt voi lớn nắm vòi ném thân voi đến đâu cũng được. Sao hôm nay dở chày Kim Cang nhỏ này lại chẳng nhúc nhích chừng lông tóc.

Sao lại có sự lạ như vậy?

Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Chày Kim Cang này trọng ở nơi đức, chẳng thể dùng sức mạnh mặc áo giáp và mạnh ném voi lớn mà dở lên được.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Thiên Đế Thích: Thưa Ngài Kiều Thi Ca! Ngài có danh hiệu là Chấp Trì Kim Cang. Ngài thử cầm chày Kim Cang này lên xem sao. Lúc ấy Thiên Đế dùng thần lực vô hạn, hiển tột thần thông muốn cầm chày Kim Cang ấy lên mà vẫn chẳng cầm lên được.

Thiên Đế tiên lên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi cùng Chư Thiên đánh nhau với A Tu La. Tôi dùng một ngón tay ném A Tu La Duy Chất như ném một viên đạn nhỏ, làm cho A Tu La phải bỏ chạy.

Nay chày Kim Cang này nhỏ xíu như vậy sao tôi lại cầm lên không nổi?

Đức Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Chày Kim Cang này trọng nơi đức. Chẳng nên đem so sánh với thân lớn ba trăm ba mươi sáu muôn dặm của A Tu La.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần