Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mã Vương - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BỐN MƯƠI NĂM
PHẨM MÃ VƯƠNG
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Nếu có Tỳ Kheo ở nơi làng xóm, mà pháp lành tiêu diệt, pháp ác tăng trưởng thì Tỳ Kheo ấy nên học thế này: Nay ta ở trong làng này, mà pháp ác tăng trưởng, pháp lành dần dần tiêu diệt, ý niệm không chuyên nhất, không chấm dứt được hữu lậu, không đến chỗ vô vi an ổn. Ta được y phục, mền nệm, thức ăm uống, giường nằm, toạ cụ, thuốc men, cực khổ mới có.
Tỳ Kheo ấy nên học thế này: Nay ta ở trong làng này, pháp ác tăng trưởng mà pháp lành tiêu diệt. Ta cũng không vì y phục, ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men mà làm Sa Môn. Ðiều mong muốn của ta nay không đạt kết qủa. Tỳ Kheo ấy nên rời làng đi.
Nếu lại có Tỳ Kheo ở nơi làng xóm, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt, y phục, thức ăn uống, tọa cụ, thuốc men, do siêng năng mà được thì Tỳ Kheo ấy nên học thế này: Nay ta ở tại làng xóm này, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt, đồ vật được cúng dường do siêng năng khổ nhọc mới có. Ta không vì y phục mà xuất gia học đạo, tu phạm hạnh. Ðiều mong muốn của ta khi học đạo thảy đều thành tựu, nên suốt đời vâng kính cúng dường.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ này:
Áo, mền, ăn uống,
Giường nằm và chỗ ở,
Không nên tưởng tham trước,
Cũng chớ trở lại đời.
Không vì y, áo, mền,
Mà xuất gia học đạo,
Sở dĩ học đạo ấy,
Ðạt kết quả sở nguyện.
Tỳ Kheo thích hợp thời,
Suốt đời ở thôn kia,
Ở đó nhập Niết Bàn,
Chấm dứt gốc mạng căn.
Ở đây, Tỳ Kheo kia nếu ở chỗ vắng trong nhân gian, làng xóm, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tự tiêu diệt thì Tỳ Kheo ấy nên suốt đời ở tại làng kia, không nên đi xa.
Khi ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Chẳng phải Như Lai thường nói thân tứ đại tại ăn uống mà được tồn tại, cũng nhờ pháp tâm niệm tưởng sở, các pháp lành nương vào tâm mà sanh. Lại, Tỳ Kheo ấy nương ở nơi làng xóm, tình thần khổ nhọc mới được y phục, thức ăn.
Người ấy làm thế nào để sanh pháp lành, ở nơi làng kia không đi xa?
Phật bảo A Nan: Những vật dụng như y phục, mền nệm, thức ăn, giường nằm, tọa cụ, thuốc men, có ba loại. Nếu Tỳ Kheo chuyên nhớ nghĩ tứ sự cúng dường, điều mong ước không đạt kết quả, thì vật dụng đó là khổ.
Nếu có tâm biết đủ, không khởi tưởng tham trước thì Chư Thiên, loài hoan hỉ với vị ấy. Lại, Tỳ Kheo nên học như thế. Do đó, ta nói nghĩa này.
Thế nên, này A Nan! Tỳ Kheo nên nhớ nghĩ vế ít muốn, biết đủ. Như thế, A Nan, nên học điều này bây giờ, A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại vườn Bà La. Bấy giờ, Thế Tôn đến thời đắp y mang bát vào trong làng Bà La khất thực.
Lúc đó tệ Ma Ba Tuần liền khởi ý nghĩ: Nay Sa Môn này muốn vào làng khất thực, ta sẽ dùng cách bảo các người nam nữ đừng cúng dường thức ăn. Tệ Ma Ba Tuần bèn bảo khắp các dân chúng trong làng, khiến đừng bố thí thức ăn cho Sa Môn Cù Đàm.
Bấy giờ, Thế Tôn đi vào làng khất thực, tất cả mọi người đều không nói chuyện với Ngài, cũng không ai đến thừa sự cúng dường. Rốt cuộc Như Lai khất thực không được, bèn đi khỏi làng.
Khi ấy tệ Ma Ba Tuần đi đến chỗ của Đức Thế Tôn, hỏi rằng: Sa Môn! Khất thực chẳng được phải chăng?
Thế Tôn bảo: Do ma xúi sử, khiến ta không nhận được thức ăn, chẳng bao lâu ngươi sẽ chịu quả báo ấy.
Nay ngươi hãy nghe ta nói: Trong thời hiền kiếp, có Đức Phật Hiệu là Câu Lưu Tôn Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời.
Lúc đó, Đức Phật kia cũng ở tại làng, cùng với bốn mươi vạn chúng. Bấy giờ, Tệ Ma Ba Tuần bèn khởi ý nghĩ rằng. Nay ta tìm cách đối phó với Sa Môn này, trọn không được kết quả.
Ma lại khởi nghĩ: Nay ta sẽ bảo khắp hết dân chúng trong làng Bà La, khiến họ đừng bố thí thức ăn cho Sa Môn. Khi ấy, Thánh Chúng đắp y mang bát vào làng khất thực, rốt cuộc các Tỳ Kheo không được thức ăn, bèn ra khỏi làng trở về.
Bấy giờ, Đức Phật Câu Lưu Tôn dạy các Tỳ Kheo pháp vi diệu này: Phàm quán thức ăn có chín loại, là bốn loại thức ăn của người xuất thế.
Thế nào là bốn loại thức ăn của người thế gian?
Một là đoàn thực, hai là cánh lạc thực, ba là niệm thực, bốn là thức thực. Ðó là thế gian có bốn loại thức ăn.
Thế nào là năm loại thức ăn tiêu biểu của xuất thế?
Một là thiền thực, hai là nguyện thực, ba là niệm thực, bốn là bát giải thoát thực, năm là hỉ thực. Này các Tỳ Kheo, đó gọi là năm loại thức ăn tiêu biểu của xuất thế gian. Nên cùng chuyên nghĩ, nhớ trừ bỏ bốn loại thức ăn thế gian, tìm cách thành tựu năm loại thức xuất thế. Như thế, Tỳ Kheo nên học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy rồi, liền tự mình khắc phục, thành tựu xong năm loại thức ăn.
Lúc ấy, Ba Tuần kia không phá được, bèn nghĩ rằng: Nay ta không thắng được Sa Môn này, ta sẽ tìm cách qua các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được tiện lợi chăng?
Khi ấy, hàng đệ tử Thanh Văn của Đức Phật đó, đến thời đắp y mang bát vào làng khất thực. Dân chúng trong làng Bà La cung cấp cho các Tỳ Kheo y phục, mền nệm, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men không để thiếu thốn. Họ đều đến trước nắm y Tăng Già Lê, đem vật cưỡng ép thí cho.
Khi ấy, Đức Phật đó vì chúng Thanh Văn nói pháp này: Phàm lợi dưỡng là rơi vào đường ác, khiến cho không thể đến chỗ vô vi. Tỳ Kheo các thầy chớ hướng về tâm niệm đắm trước, với lợi dưỡng nên nghĩ lìa bỏ. Nếu có Tỳ Kheo tham trước lợi dưỡng thì sẽ không thành tựu năm phần Pháp Thân, không đầy đủ giới đức.
Cho nên, này các Tỳ Kheo, tâm lợi dưỡng chưa sanh nên khiến không sanh, tâm lợi dưỡng đã sanh nên mau trừ diệt.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Khi ấy, Ma Ba Tuần liền ẩn hình mà đi. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên thực hành tâm từ, lưu truyền rộng lớn tâm từ. Do thực hành tâm từ, tâm sân nhuế sẽ tự tiêu diệt.
Vì sao?
Tỳ Kheo nên biết!
Xưa có một ác quỷ rất xấu xí hung bạo đến chỗ của Thích Đề Hoàn Nhân, leo lên tòa ngồi.
Khi ấy Chư Thiên Cõi Trời Ba Mươi Ba rất là sân giận: Tại sao ác quỷ này ngồi trên tòa của Thiên Chủ ta?
Khi ấy, Chư Thiên vừa khởi tâm sân, ác quỷ kia liền đổi sắc mặt đoan chánh thù thắng hơn thường. Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân đang ngồi tại giảng đường Phổ Tập, cùng vui chơi với ngọc nữ.
Có vị Trời đến chỗ Thích Đề Hoàn Nhân, thưa Ðế Thích rằng: Cù Dực nên biết!
Hiện nay có một ác quỷ ngồi trên tôn tòa, Chư Thiên Cõi Trời Ba Mươi Ba rất giận dữ. Chư Thiên vừa khởi sân nộ, quỷ kia bèn biến đổi dung mạo đoan chánh đẹp hơn bình thường.
Thích Đề Hoàn Nhân bèn khởi nghĩ rằng: Quỷ này ắt là quỷ thần diệu.
Thích Đề Hoàn Nhân bèn đi đến chỗ quỷ ấy, cách nhau không xa, tự xưng tánh danh: Tôi là Thích Đề Hoàn Nhân, chủ của Chư Thiên. Lúc Thích Đề Hoàn Nhân tự xưng danh tánh, thì ác quỷ kia bèn biến thành hình thù xấu xí, sắc mặt khả ố. Ác quỷ ấy lập tức tiêu diệt.
Này các Tỳ Kheo! Do phương tiện này nên biết, thực hành lòng từ không lìa bỏ, đức kia cũng như thế.
Này các Tỳ Kheo! Xưa kia, khi ta vừa bảy tuổi, thường tu lòng từ, trải qua bảy kiếp thành, bảy kiếp hoại, không qua lại chốn sanh tử. Lúc kiếp sắp hoại, ta liền sanh lên Trời Quang Âm.
Khi kiếp sắp thành, ta liền sanh lên Cõi Trời Vô Tưởng, hoặc làm Phạm Thiên thống lãnh Chư Thiên, cai quản mười ngàn thế giới. ta lại ba mươi bảy lần làm. Thích Đề Hoàn Nhân, lại có vô số lần làm Chuyển Luân Thánh Vương.
Này Tỳ Kheo! Do phương tiện này nên biết, thực hành lòng từ thì đức kia như thế.
Lại nữa, người thực hành lòng từ thì khi thân hoại mạng chung được sanh lên Phạm Thiên, lìa ba đường ác, rời bỏ tám nạn.
Lại nữa, người thực hành lòng từ sanh trong Quốc Độ trung chánh.
Lại nữa, người thực hành lòng từ dung mạo đoan chánh, các căn không thiếu, thân thể toàn vẹn.
Lại nữa, người thực hành lòng từ đích thân được gặp Như Lai, thừa sự Chư Phật, không ưa ở tại gia, muốn xuất gia học đạo, mặc ba pháp y, cạo bỏ râu tóc, tu theo pháp Sa Môn, tu phạm hạnh vô thượng.
Tỳ Kheo nên biết! Cũng như người nuốt Kim Cang, trọn không thể tiêu hóa, phải lọt ra. Người thực hành lòng từ cũng lại như thế. Nếu Như Lai ra đời, cần phải hành đạo, tu phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân lại, biết một cách như thật.
Khi ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Nếu khi Như Lai không xuất hiện ở đời, thiện nam tử kia không ưa ở tại gia, phải thú hướng về đâu?
Phật bảo A Nan: Nếu khi Như Lai không xuất hiện, kẻ Thiện Nam Tử ấy không ưa ở nhà thì tự cạo râu tóc ở chỗ vắng, tự khắc phục mình để tu tập. Vị ấy ngay ở chỗ ấy chấm dứt các hữu lậu, thành tựu hạnh vô lậu.
Khi ấy, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người kia tự tu phạm hạnh, hạnh Tam Thừa thì người ấy thú hướng nơi nào?
Phật bảo A Nan: Như lời thầy nói. Ta thường dạy hạnh Tam Thừa, Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều nói về pháp Tam Thừa.
A Nan nên biết! Hoặc có lúc các loài chúng sanh, dung mạo, thọ mạng dần dần giảm thiểu, hình thể xấu xa yếu ớt, không có oai thần, nhiều sân nộ, tật đố, nghi ngờ, gian ngụy, huyễn hoặc, việc làm không chân chánh.
Hoặc lại có người mạnh mẽ lanh lợi, lần lượt đấu tranh, cùng nhau nghinh chiến. Hoặc dùng tay cầm ngói, gạch, dao, gậy giết hại, làm tổn thương cho nhau. Lúc ấy các loài chúng sanh cầm cọng cỏ liền biến thành dao kiếm giết mạng sống.
Trong đó, có những chúng sanh thực hành lòng từ, không sân nộ, thấy những sự thay đổi quái dị này, đều sợ hãi, tất cả cùng chạy xa khỏi chỗ ác độc này.
Họ vào trong rừng núi, tự nhiên cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, tu phạm hạnh vô thượng, tự mình khắc phục tu hành, chấm dứt tâm hữu lậu, được giải thoát, bèn vào cảnh giác vô lậu.
Mỗi người đều nói với nhau rằng: Chúng ta đã thắng được oan gia.
A Nan nên biết! Người ấy gọi là tối thắng.
Khi ấy, Tôn Giả A Nan lại bạch Phật: Người ấy ở tại bộ nào?
Thanh Văn Bộ, Bích Chi Bộ hay Phật bộ?
Phật bảo A Nan: Người ấy là chính ở tại Bích chi bộ.
Vì sao?
Do người làm các công đức, tạo các gốc lành, tu Tứ Đế thanh tịnh, phân biệt các pháp. Phàm thực hành pháp lành tức là lòng từ vậy.
Vì sao?
Lòng nhân trùm khắp, thực hành lòng từ, đức ấy rộng lớn. Xưa kia ta mặc giáp nhân từ này, hàng phục quyến thuộc quân ma, dưới cội đạo thọ thành đạo vô thượng.
Do phương tiện này nên biết, lòng từ là tối thượng bậc nhất, từ là Pháp tối thắng. A Nan nên biết, cho nên gọi người thực hành, lòng từ tối thắng, đức kia như thế, không thể tính kể, nên tìm phương tiện tu hành lòng từ. Như thế, A Nan, nên học điều này.
Bấy giờ, A Nan nghe Phật dạy xong vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất, sáng sớm từ tịnh thất đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.
Khi ấy, Phật bảo Xá Lợi Phất: Hôm nay, các căn của thầy thanh tịnh, vẻ mặt khác người, nay thầy dạo trong tam muội nào?
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con thường dạo trong Không tam muội.
Phật bảo Xá Lợi Phất: Lành thay, lành thay! Xá Lợi Phất có thể dạo trong Không tam muội.
Vì sao?
Trong các tam muội, Không tam muội là bậc nhất. Tỳ Kheo dạo trong Không tam muội, không chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng cũng không thấy có gốc ngọn các hành. Ðã không thấy thì cũng không tạo các hành, đã không thì không nhận có thân. Ðã không thọ thân thì chẳng thọ quả báo khổ vui.
Xá Lợi Phất nên biết!
Xưa kia ta chưa thành Phật, ngồi dưới cội cây, liền khởi ý nghĩ này: Các chúng sanh do không được pháp gì mà lưu chuyển sanh tử không giải thoát?
Khi ấy ta lại khởi ý nghĩ này: Vì chẳng có không tam muội nên lưu chuyển sanh tử, không được đến chỗ giải thoát rốt táo. Có không tam muội này, nhưng chúng sanh chưa khắc phục được, khiến chúng sanh khởi tưởng đắm trước. Do khởi tưởng thế gian bèn chịu phận sanh tử.
Nếu được Không tam muội này, cũng không sở nguyện, liền được vô nguyện tam muội, đã được Vô nguyện tam muội, không mong cầu chết đây sanh kia, hết thảy đều không tưởng niệm.
Khi ấy, hành giả kia lại được vô tưởng tam muội, có thể tự vui thích. Chúng sanh do không được ba tam muội ấy nên lưu chuyển sanh tử.
Ta quán sát các pháp xong, liền được không tam muội. Ðã được không tam muội liền thành đạo Vô Thượng, Chánh Ðẳng, Chánh Giác.
Bấy giờ, đang khi ta được Không tam muội, suốt bảy ngày bảy đêm ta ngồi quan sát dưới cội đạo thọ, không chớp mắt.
Xá Lợi Phất! Do phương tiện này nên biết, đối với các tam muội, không tam muội là tam muội đệ nhất. Vua trong các tam muội chính là không tam muội vậy.
Xá Lợi Phất! Nên tìm phương tiện thành tựu Không tam muội.
Như thế, Xá Lợi Phất, nên học điều này!
Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng với đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Bấy giờ, trong thành La Duyệt có trưởng giả tên Thi Lợi Quật, giàu có nhiều vàng bạc trân bảo, xa cừ, mã não, không thể tính kể. Ông lại không gần gũi Phật Pháp, chỉ phụng sự ngoại đạo Ni Kiền Tử, Vua quan Đại Thần thảy đều biết rõ.
Khi ấy, những người tại gia, xuất gia trong nhóm ngoại đạo Ni Kiền Tử bàn luận với nhau rằng:
Có ta, chấp có thân ta. Họ nhóm họp với lục sư ngoại đạo, bàn luận thế này: Nay Sa Môn Cù Đàm việc gì cũng biết, có Nhất thiết trí. Song chúng ta không được lợi dưỡng, nay Sa Môn ấy được nhiều lợi dưỡng, chúng ta cần tìm cách khiến cho ông ấy không được lợi dưỡng. Chúng ta nên đến nhà trưởng giả Thi Lợi Quật, bảo trưởng giả tìm phương kế.
Lúc ấy, ngoại đạo Phạm Chí Ni Kiến Tử cũng lục sư, đi đến nhà trưởng giả Thi Lợi Quật, nói với trưởng giả rằng: Trưởng Giả nên biết!
Chúng ta do Phạm Thiên sanh, là con của Phạm Thiên, có nhiều lợi ích. Nay trưởng giả nên đến chỗ Sa Môn Cù Đàm, vì thương chúng tôi, nên thỉnh Sa Môn cùng chúng Tỳ Kheo về nhà cúng dường.
Trưởng Giả lại nên sai làm hầm lửa lớn trong nhà, lửa cháy hừng, tất cả thức ăn đều bỏ thuốc độc, mời họ đến ăn. Nếu Sa Môn Cù Đàm có nhất thiết trí, biết rõ việc ba đời thì không nhận lời mời.
Nếu ông ấy không có Nhất Thiết trí, sẽ nhận lời mời, đem đệ tử đi, thảy đều bị lửa thiêu đốt. Người, Trời được an lạc, không có tai họa.
Khi ấy, trưởng giả Thi Lợi Quật lặng yên theo lời lục sư, liền ra khỏi thành đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đem lòng tạp độc mà bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn và Chư Tỳ Kheo Tăng nhận lời thỉnh của con. Bấy giờ, Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm trưởng giả, im lặng nhận lời. Thi Lợi Quật thấy Như Lai đã im lặng nhận lời mời, liền đứng dậy cúi đầu lễ chân Phật lui ra.
Giữa đường, ông bèn nghĩ: Nay các thầy lục sư của ta nói chắc thật rõ ràng, còn Sa Môn Cù Đàm không biết ý nghĩ trong tâm ta, chắc chắn sẽ bị lửa đốt cháy.
Thi Lợi Quật trở về nhà, sai đào hầm lớn, đốt lửa to rồi sai chuẩn bị các thức ăn, thảy đều tẩm thuốc độc, lại ở ngoài cửa đào hầm lớn, đốt lửa cháy to, trên hầm lửa sắp đặt chỗ ngồi, tẩm thuốc độc vào thức ăn xong, bèn đến bạch Phật, đúng thời. Bấy giờ, Thế Tôn biết đến thời, đắp y mang bát, dắt chúng Tỳ Kheo vây quanh trước sau, đến nhà trưởng giả.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Các thầy không được đi trước ta, cũng không được ngồi trước ta, không được ăn trước Ta. Khi ấy, nhân dân trong thành La Duyệt nghe Thi Lợi Quật làm hầm lửa lớn và làm thức ăn độc, thỉnh Phật cùng chúng Tỳ Kheo.
Bốn bộ chúng đều khóc lóc, cho rằng chẳng lẽ Như Lai và Chúng Tăng bị hại ư?
Hoặc có người đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, bạch rằng: Cúi xin Thế Tôn đừng đi đến nhà trưởng giả ấy. Ông ấy làm hầm lửa lớn và làm thức ăn độc.
Phật bảo: Các người chớ sợ, Như Lai không bị ai làm hại. Giả sử trong Cõi Diêm Phù Đề lửa cháy đến Phạm Thiên, còn không thể thiêu đốt ta được, huống gì chút lửa nhỏ này muốn hại Như Lai, trọn không việc ấy.
Này Ưu Bà Tắc!
Nên biết ta không có tâm hại. Bấy giờ, Thế Tôn cùng chúng Tỳ Kheo vây quanh trước sau, vào thành La Duyệt đến nhà trưởng giả.
Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy chớ vào nhà trưởng giả trước, cũng đừng ăn trước, nên đợi Như Lai ăn rồi sau hãy ăn. Thế Tôn vừa bước lên ngạch cửa, hầm lửa tự nhiên hóa thành ao nước trong mát, đầy các thứ hoa trong ấy, cũng nảy sanh hoa sen lớn như bánh xe, cọng hoa bằng bảy báu, cùng nảy sanh các loại hoa sen khác, ong chúa bay dạo trong ấy.
Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương và Từ Thiên Vương, Càn Thát Bà, A Tu La và các Dạ Xoa, quỷ thần, thấy trong hầm lửa sanh hoa sen này, đều vui mừng khen ngợi, cùng khắp lời đồng tiếng, nói rằng: Như Lai là bậc tối thắng đệ nhất. Trong nhà trưởng giả có các ngoại đạo dị học tụ tập trong ấy. Hàng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thấy sức biến hóa của Như Lai, đều vui mừng hớn hở không thể tự kềm.
Ngoại đạo dị học thấy sức biến hóa của Như Lai rồi, rất buồn lo. Các tôn thần trên hư không rải các thứ danh hoa trên thân Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn đi trên không cách đất bốn tấc đến nhà trưởng giả, nơi Ngài vừa nhấc chân lên, liền nảy sanh hoa sen to như bánh xe.
Ðức Thế Tôn quay sang bên phải, bảo các Tỳ Kheo: Tất cả các thầy đều đi trên hoa sen này. Các Thanh Văn đều bước trên hoa sen đến nhà trưởng giả.
Bấy giờ, Thế Tôn nói một thí dụ cổ tích: Từ quá khứ đến nay, ta đã từng cúng dường hằng sa Chư Phật, thừa sự lễ kính chưa từng trái ý, đem lời thệ nguyện chí thành này khiến các tòa ngồi đều vững chắc.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta cho phép các Tỳ Kheo, trước lấy tay vịn ghế, sau hãy ngồi, đây là lời dạy của Ta. Thế Tôn và Chư Tỳ Kheo Tăng đều đến ghế ngồi, dưới những ghế ấy đều nảy sanh hoa sen thơm ngát.
Khi ấy, Thi Lợi Quật thấy sự biến hóa của Đức Phật như vậy, bèn khởi nghĩ: Ta đã bị ngoại đạo dị học lừa gạt, làm mất con đường trong cõi người của ta, và vĩnh viễn mất con đường Cõi Trời.
Tâm ý ông tức giận như ăn nhằm thuốc độc: Chắc ta sẽ bị rơi trong ba đường ác, Như Lai xuất thế thật là khó gặp.
Biết điều này rồi, ông liền khóc lóc, cúi đều lễ chân Phật, bạch rằng: Cúi xin Như Lai cho con sám hối lỗi lầm, sửa điều đã qua, chỉnh điều sắp đến. Con tự biết có tội xúc phạm đến Như Lai. Cúi xin Thế Tôn nhận sự sám hối của con, không dám tái phạm.
Phật bảo: Này trưởng giả! Cải hối, bỏ ý cũ mới có thể tự biết là xúc phạm Như Lại. Pháp của Thánh Hiền rất rộng lớn, cho phép ông cải hối, theo pháp mà bỏ. Nay ta nhận lời ông sám hối, sau chớ phạm lại.
Nói như vậy ba lần.
Bấy giờ, Vua A Xà Thế nghe trưởng giả Thi Lợi Quật làm hầm lửa lớn và thức ăn độc muốn hại Như Lai.
Nghe xong, Vua nổi giận đùng đùng, bảo các Quần Thần: Phải giết hết những người tên Thi Lợi Quật trên toàn cõi nước.
Nhà Vua lại nhớ đến công đức của Như Lai, buồn khóc rơi lệ, ném bỏ mũ Thiên Triều, bảo Quần Thần: Này ta còn sống làm gì mà để Như Lai bị lửa đốt cháy, cùng với các Tỳ Kheo đều bị thiêu.
Các ông mau đến nhà trưởng giả xem Như Lai thế nào?
Bấy giờ, Vương Tử Kỳ Bà Già tâu Vua A Xà Thế rằng: Ðại Vương! Xin chớ lo buồn, cũng chớ khởi ý ác.
Vì sao?
Như Lai không bị người khác làm hại. Hôm nay trưởng giả Thi Lợi Quật sẽ làm đệ tử Đức Như Lai. Cúi xin Ðại Vương nên đến xem sự biến hóa. Vua A Xà Thế nghe lời Kỳ Bà Già an ủi, bèn cỡi voi lớn Tuyết Sơn lập tức đến nhà trưởng giả Thi Lợi Quật, xuống voi liền vào nhà trưởng giả. Bấy giờ, những người tụ tập ngoài cửa có đến tám vạn bốn ngàn người.
Khi Vua A Xà Thế thấy bông sen lớn như bánh xe, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, nói rằng: Như Lai thường thắng bọn ma.
Vua bảo Vương Tử Kỳ Bà Già: Lành thay, Kỳ Bà Già! Ta mới tin thật Như Lai có việc lạ như thế!
Khi ấy, Vua A Xà Thế đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Vua A Xà Thế thấy từ miệng Phật phát ra ánh sáng, cũng thấy sắc Mặt Thế Tôn thù thắng phi thường, Nhà Vua vui mừng không thể tự kềm.
Bấy giờ, trưởng giả Thi Lợi Quật bạch Phật: Thức ăn của con sắp đặt đều có thuốc độc, cúi xin Thế Tôn chờ giây lát, con sẽ dọn thức ăn khác.
Vì sao?
Con không muốn thân thể Như Lai bị tổn hại.
Phật bảo trưởng giả: Như Lai và đệ tử trọn không bị người hại.
Này trưởng giả! Thức ăn đã sắp đặt xong nên tùy thời cúng dường.
Trưởng Giả tự tay sớt thức ăn.
Thế Tôn bèn nói kệ:
Quy y Phật, Pháp, Tăng,
Ðộc hại không tổn đến,
Chư Phật không có độc,
Quy y Phật, dẹp độc,
Quy y Phật, Pháp, Tăng,
Ðộc hại không tổn đến,
Chư Phật không có độc,
Quy y Pháp, dẹp độc.
Quy y Phật, Pháp, Tăng.
Ðộc hại không tổn đến,
Chư Phật không có độc.
Ðộc tham dục, sân nhuế,
Thế gian trọn không độc,
Quy y Phật, dẹp độc.
Ðộc dục, nộ, sân nhuế,
Ba độc thế gian này,
Như Lai, pháp không độc,
Quy y Pháp, dẹp độc.
Ðộc dục, nộ, sân nhuế,
Thế gian có ba độc,
Như Lai, Tăng không độc,
Quy y Tăng, dẹp độc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ ấy xong, liền dùng thức ăn tạp độc.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy chớ ăn trước, nên đợi Như Lai ăn xong, sau rồi hãy ăn. Trưởng Giả tự tay san sớt các thức ăn uống cúng dường Phật và Tỳ Kheo Tăng. trưởng giả Thi Lợi Quật thấy Phật ăn xong, dọn rửa bát, rồi ngồi trên một ghế thấp trước Đức Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn vì trưởng giả và tám muôn bốn ngàn dân chúng nói pháp vi diệu. Ðó là những pháp bố thí, trì giới, sanh Thiên, dục tưởng bất tịnh, dục là họa lớn, xuất yếu là vui. Như Lai quán sát tâm trưởng giả và tám vạn bốn ngàn chúng, thấy ai nấy tâm khai ý giải, không còn trần cấu.
Những pháp Chư Phật thường nói như khổ, tập, diệt, đạo, Ngài cũng đem dạy hết cho tám vạn bốn ngàn chúng, phân biệt, giảng rộng hạnh kia.
Bấy giờ, hội chúng ngay tại chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn tịnh, cũng như áo mới dễ nhuộm màu sắc. Trưởng Giả kia cũng thế, ngay tại chỗ ngồi đã thấy dấu đạo, đã thấy pháp, đắc pháp, phân biệt các pháp, vượt khỏi sự nghi ngờ, được điều không sợ hãi, không còn theo ngoại đạo, tự quy y Phật, Pháp Tăng, thọ năm giới.
Trưởng Giả Thi Lợi Quật tự biết mình được dấu đạo, bạch Phật rằng: Cúng thí thức ăn độc cho Như Lai lại được quả báo lớn, không như cúng vị cam lồ cho các ngoại đạo dị học lại bị tội.
Vì sao?
Hôm nay con đem thức ăn độc mời Phật và Tỳ Kheo Tăng, ở trong hiện pháp được sự chứng nghiệm này. Con bị các ngoại đạo ấy làm mê lầm lâu dài, nên mới dấy khởi tâm niệm ác đối với Như Lai. Người nào vâng theo ngoại đạo dị học đều rơi vào biên tế.
Phật bảo trưởng giả: Như lời ông nói không khác, đều là bị bọn họ dối gạt.
Bấy giờ, Thi Lợi Quật bạch Phật: Từ đây về sau, con không còn tin theo các ngoại đạo dị học ấy nữa. Con cũng không muốn cho bổn hộ chúng tại gia cúng dường bọn họ.
Phật bảo trưởng giả: Chớ nói như vậy.
Vì sao?
Nay ông thường cúng dường các ngoại đạo ấy. Bố thí cho loài súc sanh, phước đức kia khó lường, huống gì cúng thí cho người. Nếu có ngoại đạo dị học hỏi rằng Thi Lợi Quật là đệ tử của ai.
Ông sẽ đáp thế nào?
Thi Lợi Quật liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chấp tay bạch Phật: Dũng mãnh mà giải thoát, nay được làm thân người, là tiên nhân thứ bảy, là đệ tử của đức Thích Ca Văn.
Thế Tôn bảo: Lành thay, trưởng giả! Có thể nói lời khen vi diệu này.
Ngài nói kệ:
Tế lễ, lửa là trên.
Thi thơ, tụng là trên,
Trong người, Vua trên hết,
Các dòng, biển là nguồn.
Các Sao, Trăng sáng nhất,
Ánh sáng, mặt trời nhất,
Trên dưới và bốn phương,
Tất cả loài hữu hình,
Chư Thiên và thế gian,
Phật là tối đệ nhất,
Muốn tìm cầu phước đức,
Nên cúng dường Chánh Giác.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ xong liền đứng dậy. Trưởng giả Thi Lợi Quật và những người đến dự hội, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Thâm Kinh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh độc Nhất Trụ
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Tám - Tránh Né
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Hai Mươi - Suy Ra Cái Ta Vốn Là Không
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bảy Mươi Hai - Phẩm Bồ Tát hạnh
Phật Thuyết Kinh Người Phụ Nữ Gặp điều Bất Hạnh
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Sáu - đắc Chuyển Sinh Tử Nghiệp Phiền Não
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao - Phẩm Một - ðạo Hạnh