Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Tứ ý đoạn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
PHẨM TỨ Ý ĐOẠN
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như núi sông, đá gạch, trăm cỏ, ngũ cốc đều nương nơi đất mà sanh trưởng, mà đất này lại tối tôn, tối thượng. Ðây cũng như thế, các pháp đạo phẩm lành trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp lành thêm lớn. Nếu Tỳ Kheo không phóng dật tu tứ ý đoạn phải tu nhiều về tứ ý đoạn.
Thế nào là bốn?
Ở đây, này Tỳ Kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm không xa lìa, hằng mong khiến diệt. Pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp lành chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh.
Pháp lành đã sanh, tìm phương tiện khiến tăng nhiều thêm, chẳng quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý chẳng quên. Như thế, Tỳ Kheo, là tu tứ ý đoạn. Thế nên các Tỳ Kheo nên tìm phương tiện tu tứ ý đoạn.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có các Túc Tán Quốc Vương và các Ðại Vương đều đến phụ cận Chuyển Luân Thánh Vương. Chuyển Luân Vương đối với họ là tối tôn, tối thượng.
Ðây cũng như thế, trong các pháp thiện, ba mươi bảy đạo phẩm, pháp không phóng dật thật là đệ nhất. Nếu không phóng dật, Tỳ Kheo phải tu tứ ý đoạn.
Ở đây, Tỳ Kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm chẳng xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm chẳng xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh.
Pháp thiện đã sanh, lại khiến tăng thêm nhiều nữa, trọn không quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý chẳng quên. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy tu tứ ý đoạn.
Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Trong ánh sáng của các tinh tú, ánh sáng Mặt Trăng là hơn hết. Ðây cũng như thế, trong các công đức lành của pháp ba mươi bảy đạo phẩm, hạnh không phóng dật là đệ nhất, tối tôn, tối quý. Tỳ Kheo không phóng dật tu tứ ý đoạn.
Thế nào là tứ ý đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh. Nếu pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến diệt. Nếu pháp lành chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh.
Nếu pháp lành đã sanh, tìm phương tiện khiến tăng nhiều thêm nữa, trọn không quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý chẳng quên. Như thế, Tỳ Kheo, tu tứ ý đoạn. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy tìm phương tiện tu tứ ý đoạn.
Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Trong các loại hoa, hoa Chiêm Bặc, hoa Tu Ma Na, trên Trời dưới đất, hoa Bà Sư là bậc nhất. Ðây cũng như thế, các công đức lành của pháp ba mươi bảy đạo phẩm, hạnh không phóng dật là bậc nhất. Nếu không phóng dật, Tỳ Kheo nên tu tứ ý đoạn.
Thế nào là tứ ý đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo, nếu pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh. Pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến diệt. Nếu pháp lành chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh.
Pháp lành đã sanh, tìm phương tiện khiến sanh nhiều thêm, trọn chẳng quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như thế, Tỳ Kheo, tu tứ ý đoạn. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy tìm phương tiện tu tứ ý đoạn.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc ngồi xe vũ bảo, ra khỏi thành Xá Vệ, đến Tinh Xá Kỳ Hoàn, muốn thăm Thế Tôn. Vua cởi năm vật trang sức uy nghiêm là pháp thường của các Vua, đặt qua một bên, đến trước Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Ðại Vương: Ðại Vương nên biết, thế gian có bốn loại người xuất hiện ở đời.
Thế nào là bốn?
Hoặc có người trước tối, sau sáng. Hoặc có người trước sáng, sau tối. Hoặc có người trước tối, sau tối. Hoặc có người trước sáng, sau sáng.
Thế nào là người trước tối, sau sáng?
Ở đây, hoặc có một người sanh nhà ti tiện, hoặc dòng Chiên Đà La, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, hoặc sanh nhà dâm dật, hoặc không mắt, hoặc không tay chân, hoặc bị trần truồng, hoặc các căn rối loạn, nhưng thân, miệng lại hành pháp lành, ý nhớ pháp lành.
Người ấy nếu thấy Sa Môn, Bà La Môn, các bậc tôn trưởng, hằng nhớ lễ bái, chẳng mất thời tiết đến đón, đi đưa, trước cười, sau nói, tùy thời cung cấp.
Nếu lại có lúc thấy người ăn xin, Sa Môn, Bà La Môn, hoặc có người đi đường, hoặc người nghèo khó, nếu có tiền tài thì người ấy liền đem thí cho.
Nếu không có tiền của, người ấy liền đến nhà Trưởng Giả cầu xin để đem cho. Nếu lại thấy người khác bố thí, thì người ấy vui mừng hớn hở không kiềm được. Nếu thân làm pháp lành, miệng tu pháp lành, ý nhớ pháp lành, thân hoại mạng chung sanh cõi lành, trên Trời.
Ví như có người từ đất lên giường, từ giường lên ngựa, từ ngựa cỡi voi, từ voi vào giảng đường.
Do đây mà nay Ta nói: Người này trước tối, sau sáng. Như thế, Ðại Vương, người này gọi là trước tối, sau sáng.
Thế nào là người trước sáng, sau tối?
Ở đây hoặc có một người sanh trong nhà quyền quý đại gia như dòng Sát Lợi, dòng Trưởng Giả, dòng Bà La Môn, nhiều tài sản, báu vật, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, thủy tinh, lưu ly, nô tỳ, tôi tớ không thể tính kể, voi, ngựa, heo, dê đều đầy đủ cả. Người này lại dung mạo đoan chánh như màu hoa đào. Người ấy hằng ôm tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến.
Người kia liền có kiến chấp thế này: Không có thí, không có nhận, không ở trước người bố thí vật gì, không có quả báo thiện ác, không có đời này, đời sau, cũng không có người đắc đạo, đời không có A La Hán đáng thờ kính, ở đời này, đời sau có thể tác chứng.
Người ấy nếu thấy Sa Môn, Bà La Môn liền khởi sân giận, không tâm cung kính. Nếu thấy người bố thí, người ấy tâm không vui vẻ, thân, miệng, ý tạo tác không đồng đều, đã hành hạnh phi pháp, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục. Ví như có người từ giảng đường đến voi, từ voi xuống ngựa, từ ngựa xuống giường, từ giường xuống đất.
Do vậy nên Ta nói: Người này trước sáng, sau tối. Như thế, Ðại Vương, người này gọi là trước sáng, sau tối.
Thế nào là người đi từ tối đến tối?
Nếu lại có người sanh nhà ti tiện, hoặc nhà Chiên Ðà La, nhà đồ tể, hoặc nhà hạ liệt cùng cực. Người này đã sanh trong đây, hoặc lại có lúc các căn không đủ, nhan sắc thô ác, mà người ấy lại hằng ôm tà kiến.
Người ấy liền có kiến chấp này: Không đời này, đời sau, không Sa Môn, Bà La Môn, không người đắc đạo, cũng không A La Hán đáng kính thờ, cũng không đời này, đời sau có thể tác chứng. Người ấy nếu thấy Sa Môn, Bà La Môn liền nổi sân giận, không tâm cung kính.
Nếu thấy người đến bố thí, người ấy tâm không vui vẻ, thân miệng ý tạo hạnh không bình đẳng, phỉ báng Thánh Nhân, hủy nhục Tam Bảo Tam Tôn.
Người ấy tự mình đã chẳng bố thí, lại thấy người khác bố thí rất giận dữ, đã hành sân giận, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục. Ví như có người từ tối đến tối, từ lửa hừng đến lửa hừng, bỏ trí đến ngu.
Do đây mà ta nói: Người này có thể bảo trước tối, sau cũng tối. Ðại Vương nên biết, thế nên gọi người này là từ tối đến tối.
Thế nào gọi là người từ sáng đến sáng?
Hoặc có một người sanh trong nhà hào tộc, hoặc dòng Sát Lợi, hoặc nhà Quốc Vương, hoặc nhà Đại Thần, lắm tiền nhiều của không thể tính kể. Người ấy lại nhan mạo đoan chánh như màu hoa đào. Người ấy hằng có chánh kiến, tâm không nhầm lẫn.
Người ấy có chánh kiến này: Có thí, có phước, có người nhận, có quả báo thiện ác, có đời này, đời sau, có Sa Môn, Bà La Môn. Người ấy nếu thấy Sa Môn, Bà La Môn liền khởi tâm cung kính, nhan sắc vui hòa. Chính mình hằng thích bố thí, cũng lại khuyên người hành bố thí.
Nếu người bố thí, tâm hân hoan không thể kềm được. Người ấy thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, thân hoại mạng chung sanh cõi lành. Ví như có người từ giảng đường đến giảng đường, từ cung điện đến cung điện.
Do đây mà Ta nói: Người này từ sáng đến sáng. Ðó là, này Ðại Vương, thế gian có bốn loại người này.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Vua nên biết người nghèo,
Có tin, ưa bố thí,
Thấy Sa Môn, Bà La Môn,
Và các người đáng thí.
Lại hay khởi rước, đưa,
Mà dạy ở chánh kiến,
Lúc thí hết sức vui,
Sở cầu không trái người.
Người ấy là bạn tốt,
Trọn không làm hạnh ác,
Hằng vui hành chánh kiến,
Thường niệm cầu pháp lành.
Ðại Vương biết người ấy,
Lúc chết được vừa ý,
Ắt sanh Trời Ðâu Suất,
Trước tối mà sau sáng.
Như người hết sức giàu,
Chẳng tin, ưa thích giận,
Tham lẫn, tâm khiếp nhược,
Tà kiến mà không đổi,
Thấy Sa Môn, Phạm Chí,
Và các người cầu xin,
Hằng ưa la mắng, chửi,
Tà kiến nói không có.
Thấy người thí liền giận,
Chẳng cho người bố thí,
Người ấy hành cực tệ,
Tạo các nguồn cội ác.
Người kia như thế đó,
Ðến lúc sắp sửa chết,
Sẽ sanh trong địa ngục,
Trước sáng mà sau tối.
Như có người bần tiện,
Không tin, thích sân giận,
Tạo các hạnh chẳng lành,
Tà kiến không tin chánh.
Nếu thấy bậc Sa Môn,
Và các người đáng thờ,
Mà lại khinh hủy báng,
Xan tham không có tin.
Lúc bố thí không vui,
Thấy người thí cũng vậy,
Các hạnh người ấy tạo,
Thích hợp chỗ không an.
Người ấy như thế đó,
Ắt sẽ chịu mạng chung,
Sẽ sanh trong địa ngục,
Trước tối, sau cũng tối.
Như người rất có của,
Có tin, ưa bố thí,
Chánh kiến không niệm khác,
Hằng vui cầu pháp lành.
Nếu thấy các Ðạo Sĩ,
Và các người đáng cho,
Khởi cung kính tiếp đón,
Mà học ở chánh kiến.
Lúc cho rất vui hòa,
Thường niệm ở bình đẳng,
Bố thí không lẫn tiếc,
Không trái với lòng người.
Người ấy thọ mạng vui,
Không tạo các phi pháp,
Nên biết người thế đó,
Ðến lúc sắp sửa chết,
Ắt sanh chỗ tốt lành,
Trước sáng, sau cũng sáng.
Thế nên, Ðại Vương, nên học trước sáng, sau sáng. Chớ học trước sáng, sau tối.
Như thế, Ðại Vương, nên học điều này!
Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Ba - Phẩm Công đức - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Tám - Tu Hành Của Ba Bậc đệ Tử
Phật Thuyết Kinh Bát đại Linh Tháp Danh Hiệu
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bảy - Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Chi Ly Di Lê
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Sáu - Phẩm Trở Về Bổn Quốc