Phật Thuyết Kinh Các Pháp Vốn Không Kinh Chư Pháp Bản Vô - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH CÁC PHÁP VỐN KHÔNG

KINH CHƯ PHÁP BẢN VÔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy  

PHẦN NĂM  

Lúc ấy, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn nói mười loại âm thanh nhập trí, để cho các hàng Bồ Tát, vào năm mươi năm sau, nghe được pháp này, tránh khỏi sự sợ hãi, lo âu, đối với việc thực hành các pháp. Nên biết nhập vào hạnh không nghi ngờ, không nhầm lẫn.

Khi nghe nói vậy, Phật mới bảo Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông: Thôi đi, này Thiên Tử! Sao phải hỏi việc như vậy.

Âm thanh nhập môn này, hàng Bồ Tát sơ nghiệp không thể: Biết hiểu, suy nghĩ, cân nhắc, cùng bàn luận.

Thiện Gia Tử! Khi nói pháp này cũng không thể nói trước hàng Bồ Tát sơ nghiệp.

Vì sao?

Vì ý nói khó biết.

Thiên Tử! Đối với âm thanh nhập môn, hàng Bồ Tát trong hằng già hà sa đẳng kiếp, nếu bị những lời không thật mắng chửi mà không có tâm sân ngại.

Lại trải qua hằng già hà sa đẳng kiếp, khi đạt được tâm trong sạch, ý tốt cúng dường, tôn trọng, có các nhân duyên vui thích. Việc y, thực, giường ghế bệnh hoạn có thuốc men… đầy đủ. Hàng Bồ Tát ở trong đó cũng không sinh tâm thuận ái.

Thiện Gia Tử! Như bậc lậu tận A La Hán, ở trong các pháp thuận ái của trụ xứ, hoàn toàn không sinh ái, ở trong các pháp của trụ xứ sân ngại, cũng không sinh oán ghét.

Thiên Gia Tử! Như vậy, âm thanh nhập môn, trải qua hằng già hà sa đẳng kiếp. Hàng Bồ Tát, nếu được cúng dường các nhân duyên vui thích, mà không sinh tâm thuận ái. Trải qua hằng già hà sa đẳng kiếp, nếu bị những lời không thật mắng chửi, mà không có tâm sân ngại.

Thiện Gia Tử! Như vậy, đối với âm thanh nhập môn, hàng Bồ Tát không thọ, không dính mắc đối với những hại lợi, khen chê, ca ngợi quở trách khổ vui, lại trụ nơi vượt xa thế pháp, giống như núi chúa vậy.

Khi Phật nói thế, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông lại thưa: Bạch Thế Tôn! Khi Bồ Tát học, tại sao lại học âm thanh nhập môn?

Phật hỏi: Này Thiên Gia Tử! Nay ông cần gì phải hỏi ta việc như vậy?

Thiên Tử nói: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy nói âm thanh nhập trí, để cho mai sau, nếu có Bồ Tát nào, nhập vào nhẫn này, sẽ khởi lên tưởng tịnh, tưởng tín, tưởng ái. Những Bồ Tát ấy, nghe được âm thanh nhập trí này, sẽ hiểu được lỗi lầm của chính mình, cũng dạy lại cho người khác nữa.

Khi nghe nói vậy, Phật mới bảo Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông: Nếu muốn như vậy, này Thiên Tử! Ông hãy lắng nghe cho khéo, suy nghĩ ghi nhớ cho chính chắn. Ta sẽ vì ông mà diễn nói nghĩa này.

Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông liền nói: Thật vậy, con rất muốn được nghe.

Phật nói: Này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát nào, sinh tư tưởng tội lỗi, đối với âm thanh dục. Sinh tư tưởng ca ngợi, lợi ích, ở trong âm thanh ly dục, tức là không có học Phật Pháp. Nếu sinh tư tưởng tội lỗi, ở trong âm thanh sân. Sinh tư tưởng khen ngợi, lợi ích, ở trong âm thanh lìa sân, tức là không học Phật Pháp.

Nếu sinh tư tưởng tội lỗi đối với âm thanh si, sinh tư tưởng khen ngợi, lợi ích, đối với âm thanh lìa si, tức là không học Phật Pháp. Nếu thuận thích, đối với âm thanh thiểu dục, chống trái oán ghét, đối với âm thanh đa dục, tức không học âm thanh nhập môn.

Nếu thuận thích đối với âm thanh biết đủ, chống trái oán ghét đối với âm thanh không biết đủ, tức không học âm thanh nhập môn. Nếu thuận thích đối với âm thanh đơn giản, chống trái oán ghét đối với âm thanh không đơn giản, tức không học âm thanh nhập môn.

Lượt nói là như vậy, nhưng cũng nên biết: Thuận thích đối với âm thanh ưa một mình, chống ghét đối với âm thanh nhiều người.

Thuận thích đối với âm thanh Phật, chống ghét đối với âm thanh ngoại đạo. Thuận thích đối với âm thanh phạm hạnh, chống ghét đối với âm thanh chẳng phạm hạnh, thuận thích đối với âm thanh Tỳ Na Da, chống ghét đối với âm thanh chẳng phải Tỳ Na Da.

Thuận thích đối với âm thanh thanh bạch, chống ghét đối với âm thanh phiền não. Thuận thích đối với âm thanh ái, chống ghét đối với âm thanh chẳng ái. Tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với âm thanh quả, chống ghét đối với âm thanh phàm phu.

Thuận thích đối với âm thanh vui, chống ghét đối với âm thanh khổ. Thuận thích đối với âm thanh xuất thế, chống ghét đối với âm thanh thế. Tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với âm thanh xuất gia, chống ghét đối với âm thanh tại gia.

Tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với âm thanh cho, chống ghét đối với âm thanh keo kiệt mà sinh tưởng ngại. Tức không học Phật Pháp. Sinh tư tưởng khen ngợi lợi ích đối với âm thanh giữ giới, chống ghét đối với âm thanh phá giới mà sinh tưởng ngại.

Tức không học Phật Pháp. Sinh tư tưởng khen ngợi lợi ích đối với âm thanh nhẫn, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh sân, tức không học Phật Pháp.

Như vậy, lược nói: Sinh tư tưởng khen ngợi lợi ích đối với âm thanh tinh tấn. Sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh lười biếng. Sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh định ý, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh tán loạn. Sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh trí, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh không trí, tức không học Phật Pháp.

Thuận thích đối với âm thanh gần, chống ghét đối với âm thanh xa. Tức không học âm thanh nhập môn. Sinh tư tưởng tội lỗi đối với âm thanh lưu chuyển, sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh Niết Bàn.

Tức không học âm thanh nhập môn. Chống ghét đối với âm thanh thử ngạn trầm luân, thuận thích đối với âm thanh bỉ ngạn giải thoát. Sinh tư tưởng tội lỗi đối với âm thanh xóm làng, sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh A Lan Nô.

Tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với hạnh một mình, chống ghét hạnh chung sống. Tức không học Phật Pháp. Thuận thích đối với hạnh Tỳ Kheo, chống ghét đối với hạnh tại gia.

Thuận thích đối với nghiệp oai nghi, chống ghét đối với nghiệp chẳng oai nghi. Thuận thích đối với hạnh sạch đẹp, chống ghét đối với hạnh chẳng sạch đẹp. Thuận thích đối với hạnh giới, chống ghét đối với hạnh ác giới. Thuận thích đối với hạnh không xen tạp, chống ghét đối với hạng xen tạp.

Thuận thích đối với hạnh lìa tham dục, chống ghét đối với hạnh tham dục. Thuận thích đối với hạnh lìa sân ác, chống ghét đối với hạnh sân ác. Thuận thích đối với hạnh lìa ngu si, chống ghét đối với hạnh ngu si. Thuận thích đối với hạnh không, chống ghét đối với hạnh có thấy.

Thuận thích đối với không tướng, chống ghét đối với tướng. Thuận thích đối với vô nguyện, chống ghét đối với nguyện. Thuận thích đối với hạnh Bồ Tát, chống ghét đối với hạnh Độc Giác, Thanh Văn. Tức là không học Phật Pháp.

Nếu có bao nhiêu lỗi lầm của Bồ Tát làm cách xa Bồ Đề, thì sẽ phải chuốc lấy nghiệp chướng. Nếu có bao nhiêu oai nghi làm xa cách Bồ Đề, thì cũng sẽ chuốc lấy nghiệp chướng cứng nhắc.

Nếu có Bồ Tát nào ở bên cạnh Bồ Tát khác mà sinh tưởng thấp kém, cứ cho ý tưởng mình là hơn, tức là đã tự hại mình rồi, cũng sẽ chuốc lấy nghiệp chướng.

Như vậy, hàng Bồ Tát đối với hàng Bồ Tát khác. Hoặc dạy, hoặc răn, thì trước phải sinh tưởng làm thầy dạy, rồi sau đó mới răn dạy. Bồ Tát, nếu muốn không buông bỏ Bồ Đề, thì chớ sinh tưởng thấp kém khi ở bên cạnh Bồ Tát khác.

Này Thiện Gia Tử! Bồ Tát nào mà như vậy, thì không có nơi nào, có thể khiến cho căn lành bị đoạn dứt. Ví như xem thường hàng Bồ Tát bậc hai. Thế nên, hàng Bồ Tát, nếu muốn hộ các căn lành, muốn làm trong sạch các nghiệp chướng, muốn chóng đạt hạng vô ngại, ở trong các pháp thì nên ngày đêm ba thời, lễ các hàng Bồ Tát Phú Già La.

Khi đó, Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như con giải thích ý nghĩa những điều Phật nói thì âm thanh của dục xứng lượng, ngang bằng, với âm thanh Phật.

Âm thanh sân, ngang bằng với âm thanh Phật.

Âm thanh si, ngang bằng với âm thanh Phật.

Âm thanh ngoại đạo, ngang bằng với âm thanh Phật.

Âm thanh ít ham muốn, ngang bằng với âm thanh ham muốn nhiều.

Âm thanh biết đủ ngang bằng với âm thanh không biết đủ.

Âm thanh giản lược, ngang bằng với âm thanh không giản lược.

Âm thanh ưa một mình, ngang bằng với âm thanh cùng ở chung với người.

Âm thanh bên này bờ, ngang bằng âm thanh bên kia bờ. Âm thanh xa, ngang bằng với âm thanh gần.

Âm thanh lưu chuyển, ngang bằng với âm thanh Niết Bàn, âm thanh thôn xóm, ngang bằng với âm thanh A Lan Nô.

Âm thanh ban phát, ngang bằng với âm thanh keo bẩn.

Âm thanh giữ giới, ngang bằng với âm thanh phá giới.

Âm thanh sân hận, ngang bằng với âm thanh nhẫn nhục.

Âm thanh tinh tấn, ngang bằng với âm thanh lười biếng.

Âm thanh rối loạn, ngang bằng với âm thanh định ý.

Âm thanh không trí, ngang bằng với âm thanh trí.

Lúc ấy, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông, nói với Mạn Thù Thi Lợi đồng chân: Thưa Ngài Mạn Thù Thi Lợi! Vì lý do gì mà xứng lượng ngang bằng nhau?

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Này Thiên Tử! Âm thanh dục như vậy, theo ông gọi là gì?

Thiên Tử đáp: Thưa Ngài Mạn Thù Thi Lợi! Theo ý tôi, gọi âm thanh dục là như tiếng vang.

Mạn Thù Thi Lợi hỏi.

Này Thiên Tử! Như vậy âm thanh Phật, theo ông gọi là gì?

Thiên Tử đáp: Thưa Ngài Mạn Thù Thi Lợi! Theo ý tôi, nó chẳng có sự khác biệt, đối với pháp tiếng vang.

Mạn Thù Thi Lợi nói: Vì lý do này, cho nên xứng lượng ngang bằng nhau.

Khi đó, Phật mới bảo với Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Vào đời trước, khi trụ vào địa vị sơ nghiệp, chưa nhập đạo pháp như vậy, ông tạo ra nghiệp chướng gì?

Nay ông có thể nói, để đời sau, nếu có Bồ Tát giả danh nào, nghe được nghiệp chướng xấu này, sẽ tự giữ mình.

Nghe Phật nói vậy! Mạn Thù Thi Lợi đồng chân, lại thưa: Bạch Thế Tôn! Mặc dù, khi nghe những nghiệp chướng xấu này, sẽ lo âu, sợ hãi, nhưng họ sẽ đạt được sự trong sạch đối với nghiệp chướng, cũng sẽ đạt được sự không chướng ngại của các pháp.

Bạch Thế Tôn! Vào vô số kiếp, ở quá khứ, lại trải qua vô số quãng không thể lường, vô lượng không thể suy nghĩ, có vị Phật ra đời, tên là Sư Tử Cổ Âm Vương Như Lai Đấng Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Minh Hạng Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thọ mạng của vị Như Lai ấy ước lượng cả sáu mười câu trí na do đa trăm ngàn năm.

Ngài Thuyết Pháp, điều phục, hằng già hà sa đẳng chúng sinh, cũng thành thục chúng sinh bằng pháp ba Thừa. Thế Giới của vị Phật ấy, tên Đại Quang. Trong Thế Giới ấy, những cây cối, trụ cột đều do bảy báu làm thành.

Từ nơi cây báu ấy, phát ra những âm thanh như: Âm thanh không, âm thanh không tướng, âm thanh không nguyện, âm thanh không sinh, âm thanh không diệt, âm thanh không chỗ có, âm thanh không dáng vẻ.

Cây báu ấy thường phát ra các loại âm thanh như vậy. Khi âm thanh được phát ra, những chúng sinh nơi ấy đều chứng được pháp kiến.

Vào thời đó, ngay trong lần hội tập đầu tiên của Đức Như Lai ấy, số lượng hàng Thanh Văn có đến chín mươi chín câu chi. Những vị này, đều là những bậc A La Hán, đã rất khéo cởi bỏ tâm bằng trí bình đẳng. Trong lần hội tập thứ hai có chín sáu câu chi Tỳ Kheo.

Hội tập lần ba, có chín ba câu chi Tỳ Kheo. Hội tập lần bốn, có chín mười câu chi Tỳ Kheo. Những vị này, cũng đều là những bậc A La Hán, cũng đều khéo giải thoát tâm bằng trí bình đẳng.

Số lượng hàng Bồ Tát hội tập cũng như vậy. Họ đều là những vị đầy đủ pháp nhẫn vô sinh, có khả năng khéo léo xuất sinh ra đủ các thứ pháp đạo, cúng dường nhiều trăm ngàn câu chi na do Phật, tiếng tăm vang cả trăm ngàn câu chi na do đa Cõi Phật.

Độ thoát nhiều trăm ngàn câu chi na do đa chúng sinh, đạt được vô biên môn Đà La Ni, phát ra trăm ngàn câu chi na do đa Tam Ma Địa. Còn các Đại Bồ Tát phát hạnh sơ thừa, nghiệp ban đầu còn sót lại, cũng nhiều vô lượng vô số.

Cõi Như Lai ấy, đầy đủ công đức trang nghiêm, nếu dùng lời mà nói trọn không thể hết được. Sau khi Đức Như Lai ấy diệt độ, chánh pháp trụ được chín mươi chín trăm ngàn năm và các âm thanh từ cây báu kia, cũng không phát ra nữa.

Bạch Thế Tôn! Khi đó, có một vị Tỳ Kheo Bồ Tát, tên là Hỷ Căn, là người giỏi nói pháp.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Hỷ Căn đấy làm việc ngay thẳng, không phân biệt oai nghi, không bỏ thế gian, không ngại pháp thế gian.

Chúng sinh thời đó, các căn đều lanh lợi, mới mở là liền biết, có lòng tin và sự hiểu biết sâu xa. Vị này, thường vì các chúng sinh, không khen ngợi khi nói thiểu dục, không khen ngợi khi nói về biết đủ, về giản lược, về ưa một mình.

Cũng không khen ngợi khi nói không ở chung cùng chúng sinh, cũng không hiện rõ sự phát khởi siêng năng, chính mình hiện ra sự thực hành hạnh xen tạp, khiến các chúng sinh ấy, tóm thâu các pháp.

Tức tự tánh của dục tóm thâu giữ lấy các pháp, tức tự tánh của sân tóm thâu giữ lấy các pháp, tức tự tánh của si tóm thâu giữ lấy các pháp, mà không có sự chướng ngại nào. Ông ta dùng phương tiện, khiến các chúng sinh tóm thâu giữ lấy các hành là một tướng.

Nếu như được Bồ Tát Hỷ Căn dùng phương tiện khiến được nhiếp thủ rồi thì các chúng sinh ấy, hoặc hạnh, hoặc oai nghi, không có sân ngại, ở bất cứ nơi nào. Do tâm không có sân ngại, nên ông ta liền đắc nhẫn địa, ở trong giáo pháp của Như Lai, thâm tâm nhất định đạt được sự không hoại.

Bạch Thế Tôn! Vào thời đó, cũng lại có một vị Tỳ Kheo Bồ Tát, Tên là Thắng Ý, cũng là người nói pháp.

Bạch Thế Tôn! Thắng Ý là người thuyết pháp, đạt được bốn bậc chính lý, bốn Vô Sắc, nhập thọ hành công đức của mười hai hạnh Đầu Đà.

Bạch Thế Tôn! Người được Bồ Tát Thắng Ý điều phục, là nắm lấy lỗi của người khác, làm cho trí họ lay động.

Bạch Thế Tôn! Lúc đó, Bồ Tát Thắng Ý, đang đi khất thực trong thôn xóm, đến những nhà mà Bồ Tát Hỷ Căn cũng đã đến khất thực.

Do không biết, Bồ Tát Thắng Ý thấy trong số gia đình đó, có một xá chủ tử, liền đến nhà của vị xá chủ tử ấy. Khi đến nơi, bày tòa mà ngồi. Khi đã ngồi, liền nói về ít dục, về biết đủ, nói về giản lược, nói ở chung với nhau là lỗi lầm, khen ngợi việc ưa sống một mình, khen ngợi việc không ở chung với người.

Thế nhưng, Bồ Tát Thắng Ý lại nói xấu Bồ Tát Hỷ Căn, trước vị chủ xá tử, như sau: Tỳ Kheo ấy, làm cho nhiều người chuốc lấy điên đảo. Tỳ Kheo ấy, làm cho nhiều người chuốc lấy tà kiến. Tỳ Kheo ấy là kẻ tạp hạnh, giữ lấy tham dục không ngại, giữ lấy sân không ngại, giữ lấy si không ngại, giữ lấy các pháp không ngại.

Vị xá chủ tử ấy, do căn lợi và đạt được nhẫn, nên mới nói với vị Tỳ Kheo kia: Bạch Đại Đức! Ý Ngài nói, tham dục là như thế nào?

Tỳ Kheo đáp: Theo tôi, tham dục chính là phiền não.

Xá chủ tử hỏi: Bạch Đại đức! Tham dục ở trong hay ở ngoài?

Tỳ Kheo đáp: Tham dục, chẳng phải bên trong, cũng chẳng ở bên ngoài.

Xá chủ tử hỏi: Tham dục từ đâu đến, trở về đâu và trụ nơi nào?

Tỳ Kheo đáp: Tham dục, không đến, không đi, cũng không chỗ trụ.

Xá chủ tử nói: Bạch Đại Đức! Nếu tham dục, chẳng ở trong lẫn ngoài. Chẳng ở hướng Đông, cũng chẳng ở hướng Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới, bốn góc. Không có nơi trụ, cũng chẳng không trụ. Tham dục ấy lẽ nào lại chẳng là vô sinh.

Nếu không có sinh, sao lại có phiền não và sự trong sạch?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần