Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chỉ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH CHỈ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu chỉ.
Vậy để đoạn trừ những pháp vô thường nào phải tu chỉ?
Đoạn trừ sắc vô thường nên tu chỉ. Đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu chỉ.
Chi tiết như trên Kinh một trăm bảy mươi năm… cho đến: Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. Như Kinh dạy về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường.
Quá khứ, vị lai là vô thường. Quá khứ, hiện tại là vô thường. Vị lai, hiện tại là vô thường. Quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, tám Kinh cũng dạy như trên vậy.
Như tám Kinh dạy về tu chỉ, tám Kinh dạy về tu quán cũng dạy như trên vậy. Như mười sáu Kinh dạy về nên đoạn trừ, trong mỗi một Kinh của mười sáu Kinh dạy về nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng dạy như trên vậy.
Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.
Tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, phải biết như thật và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Đa văn Thánh Đệ Tử phải chánh quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán.
Khi đã nhàm chán rồi thì sẽ không thích, vì đã không thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Như Kinh dạy về vô thường, cũng vậy đối với dao động, chuyển xoay toàn chuyển, lao hạch, phá hoại, bệnh dật dờ, hủ bại, nguy đốn, không thường, không an, biến đổi, khổ não, tai hoạn, ma tà, ma thế, ma khí, như bọt nước, như bong bóng, như cây chuối, như huyễn.
Yếu kém, tham đắm, đánh giết, đao kiếm, ganh ghét, tàn sát nhau, tổn giảm, hao suy, trói buộc, đánh đập, ghẻ chóc, ung nhọt, gai nhọn, phiền não, trách phạt, che giấu, chỗ tai hại, buồn rầu, ác tri thức.
Khổ, không, chẳng phải ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã, oan gia, xích trôi, chẳng phải nghĩa, chẳng phải an ủi, nhiệt não, không bóng mát, không hòn đảo, không che, không nương tựa, không bảo vệ.
Pháp sanh, pháp già, pháp bệnh, pháp chết, pháp ưu bi, pháp khổ não, pháp không sức, pháp yếu kém, pháp không thể muốn, pháp dụ dẫn, pháp nuôi dưỡng, có pháp khổ, pháp có giết, pháp có não, pháp có nhiệt, pháp có tướng, pháp có thổi, pháp có giữ, pháp thâm hiểm, pháp khó khăn.
Pháp bất chánh, pháp hung bạo, pháp có tham, pháp có nhuế sân, pháp có si, pháp không trụ, pháp đốt cháy, pháp chướng ngại, pháp tai ương, pháp tập hợp, pháp tiêu diệt, pháp đống xương, pháp cục thịt, pháp cầm đuốc, pháp hầm lửa, như rắn độc, như mộng, như đồ vay mượn.
Như trái cây, như kẻ mổ trâu đồ tể, như kẻ giết người, như sương dính, như nước sâu, như dòng chảy siết, như sợi dệt, như bánh xe đạp nước, như gậy sào, như bình độc, như thân độc, như hoa độc, như trái độc, phiền não xung động cũng như vậy.
Cho đến đoạn trừ quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, phải tu chỉ quán.
Vậy muốn đoạn trừ những pháp nào trong quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường cho đến dứt bặt, để phải tu chỉ quán?
Vì muốn đoạn trừ sắc quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, cho đến khi dứt bặt nên tu chỉ quán. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.
Tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau phải biết như thật. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đa văn Thánh đệ tử phải quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán.
Vì đã nhàm chán nên sẽ không thích, vì đã không thích nên sẽ được giải thoát, giải thoát tri kiến: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Sáu - Duyên Theo Chiều Nghịch
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Mười Bốn - đoạn Tận Luân Hồi sự Tụ Tập
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Hai - Bồ Tát đẳng Mục Nói Về Hành định
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười