Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Bồ Tát Dũng Lực đi Trước

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT

CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM BỒ TÁT DŨNG LỰC ĐI TRƯỚC  

Lúc đó Thế Tôn cùng các Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng trở về núi Thứu Phong, sau một thời gian rời khỏi nơi này vì các đại chúng tùy nghi nói pháp.

Hôm đó, Vua A Xà Thế biết Phật Thế Tôn đã trở về núi rồi, cùng với cung tần quyến thuộc và sáu vạn người trong Thành Vương Xá đều cầm các món cúng dường như hương hoa, hương xoa, hương bột vi diệu… ra khỏi Thành Vương Xá đến núi Thứu Phong gặp Phật, đến rồi đảnh lễ sát chân Phật rồi đều đứng qua một bên.

Vua A Xà Thế đến trước Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Sau khi con thiết triều xong trở về an nghỉ, con của con đến thưa: Thưa phụ Vương, Đức Thế Tôn Đại Sư phó thỉnh ở cung Bồ Tát Kim Cang Thủ đã xong, nay đã trở về núi Thứu Phong.

Nghe con của con nói thế, con liền suy nghĩ: Đức Thế Tôn thật là hy hữu! Đức Phật đối với tất cả chúng sinh tùy chuyển đại bi. Đối với tất cả chúng sinh, không có một chúng sinh nào mà Đức Thế Tôn buông bỏ. Ở trong cung Kim Cang Thủ thành lớn Khoáng Dã, phó thỉnh xong trở về đây, rộng vì chúng sinh thành thục lợi ích.

Thưa Thế Tôn! Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ rất là hy hữu, đầy đủ oai lực có khả năng tuyên nói pháp luật của Như Lai, sinh đại hoan hỷ.

Như vậy, xưa kia Kim Cang Thủ đã từng gieo trồng công đức căn bản ở chỗ Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác nào, mà nay có khả năng thành tựu biện tài như vậy?

Phật bảo Vua A xà thế: Đại Vương nên biết! Nếu chúng sinh không trồng căn lành, thì đối với việc như vậy thật khó tin hiểu, còn nếu quyết trồng căn lành, thì đối với việc này mới tin hiểu nổi!

Này Đại Vương! Giả sử mười phương hằng hà sa số Thế Giới, còn có thể tính đếm hết được ngằn mé của nó. Còn Đại Bí Mật Chủ Kim Cang Thủ ở chỗ Đức Phật thân gần cúng dường, tu các phạm hạnh, thành tựu biện tài, giả sử như Phật Thế Tôn cũng không thể tính đếm được ngằn mé công đức ấy.

Vì duyên đó, Đại Vương nên biết nhân duyên xưa. Ta nhớ thời quá khứ A tăng kỳ kiếp, lại còn quá hơn đại vô lượng kiếp chẳng thể nghĩ bàn nữa.

Lúc đó có Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian hiệu là Đa Văn, là Đấng Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế Giới ấy tên Cực Nghiêm, kiếp tên Vô Hủy. Đức Thế Tôn ấy vì đại chúng Bồ Tát thanh tịnh tuyên nói chánh pháp.

Đức Phật ấy dạy: Này các Thiện Nam! Các vị nên biết!

Nếu có Bồ Tát nào phát đại tinh tấn, đối với thân mạng thảy đều xả bỏ.

Đức Phật ấy vừa dứt lời, trong hội có một Bồ Tát tên là Dũng Lực, đến trước Phật thưa: Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đúng vậy, bạch Thiện Thệ! Như Phật đã nói, nếu có Bồ Tát phát đại tinh tấn đối với thân mạng thảy đều xả bỏ. Như con nay hiểu được nghĩa Phật đã nói. Bồ Tát nếu sinh biếng nhác, thì làm sao chóng thành quả vị giác ngộ.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát hay phát tinh tấn ở trong sinh tử không khởi lên ý mệt mỏi nhàm chán. Bồ Tát ấy ở trong sinh tử thường được khen ngợi, không thích Niết Bàn, mà chỉ vì muốn thành thục chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát siêng năng tu hành là vì lợi ích chúng sinh, đầy đủ tinh tấn, tín giải, tự có niềm vui ngay trong sinh tử, không ham cái vui Niết Bàn.

Vì sao?

Vì Bồ Tát làm lợi ích cho chúng sinh, tùy theo sự thích ứng mà thi tác, cũng tùy theo sự thích ứng đó mà được niềm vui. Nếu đã trụ vào Niết Bàn rồi thì làm sao thi tác. Vì thế cho nên các Bồ Tát được niềm vui ngay trong cảnh giới sinh tử. Vì siêng năng làm lợi ích chúng sinh, cho nên thường được thấy vô lượng Chư Phật, thường nghe vô lượng chánh pháp thanh tịnh, thường hay thành thục vô lượng chúng sinh.

Vì Bồ Tát trụ trong cảnh giới sinh tử, cho nên hay tùy nhập vào cảnh giới của chúng sinh. Nhưng đối với cảnh giới Niết Bàn lại không chấp trước hạnh xả. Bồ Tát trụ trong cảnh giới sinh tử là vì sợ đọa vào không phải cảnh giới.

Vì sao?

Vì trong không phải cảnh giới đó không thể làm lợi ích chúng sinh, không thể an trụ cảnh giới Như Lai, do không thể trụ cảnh giới Như Lai, cho nên không thể trưởng dưỡng tất cả chúng sinh.

Sao gọi là không phải cảnh giới?

Không phải cảnh giới là địa vị của Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu trụ vào đó tức là xả bỏ chúng sinh, không thể thành thục.

Vì sao?

Vì cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác không phải là cảnh giới của Bồ Tát, vì Thanh Văn, Duyên Giác rất sợ sinh tử. Nếu hay nhiếp thọ vô lượng chúng sinh, thì chỉ có Đại Bồ Tát thanh tịnh vậy. Do đó cho nên Bồ Tát hay trụ cảnh giới sinh tử.

Đại Vương nên biết!

Lúc đó Đức Đa Văn Như Lai khen Bồ Tát Dũng Lực rằng: Hay thay Tráng Sĩ! Bồ Tát khéo nói lời này, lại còn tôn trọng những việc làm trong cảnh giới Bồ Tát, không đọa vào không phải cảnh giới.

Bồ Tát Dũng Lực thưa hỏi Đức Phật Đa Văn: Thế nào là tự cảnh giới của Bồ Tát?

Đức Phật Đa văn đáp: Này thiện nam! Tự cảnh giới của Bồ Tát là nhiếp thọ vô lượng cảnh giới sinh tử mà không sinh kinh sợ, luôn khen ngợi hạnh thù thắng của Bồ Tát mà không thích trụ vào địa vị Thanh Văn, Duyên Giác.

Dùng trí không ngăn ngại mà hòa hợp ba cõi, hoặc bớt hoặc thêm vẫn luôn tăng trưởng tất cả căn lành. Dùng trí tăng ích mà thành thục các đức căn bản. Lại hay dùng tận trí để thành tựu vô lượng phước hạnh. Tuy là quán vô sinh, nhưng hay thành tựu pháp hữu sinh. Tuy biết là không chúng sinh, nhưng hay thành thục tất cả chúng sinh.

Tuy biết các pháp là lìa tánh nhưng hay nhiếp thọ chánh pháp. Tuy biết tự tánh của quốc độ Chư Phật như không nhưng lại dùng Diệu trí trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật. Tuy quán các pháp thân của Chư Phật là không tướng, nhưng luôn khéo cần cầu tướng hảo thù thắng vi diệu của Như Lai. Tuy quán các pháp vốn không tạo tác, nhưng lại dùng diệu trí tinh tấn tạo tác các đức căn bản.

Tuy quán pháp hữu vi là không thật, nhưng đối với các sự nghiệp ít tìm cầu ít tạo tác, lại hay vì tất cả chúng sinh mà tùy nghi thi thiết. Tuy quán thân tâm lìa sự đắm trước, nhưng lại dùng diệu trí nói pháp không biết chán. Tuy lìa sự ồn ào, nhưng từ thiền định phát sinh không đắm trước thiền vị.

Tuy đã hiểu rõ pháp thậm thâm, nhưng dùng diệu trí tùy các chúng sinh mà mỗi mỗi hành chuyển khéo nói pháp yếu. Tuy biết là vô sinh, nhưng dùng thiện trí khéo suy nghĩ rộng nhiếp Ba Cõi. Tuy dùng trí quán các pháp đều không, nhưng lại khéo bảo hộ quả sở đắc.

Tuy quán cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, nhưng lại cầu pháp khinh an giải thoát của Như Lai. Tuy không nhàm chán các hạnh Bồ Tát, nhưng thường quán cảnh giới của Chư Phật.

Này Thiện Nam! Đó tức là tự cảnh giới của các Bồ Tát.

Lại nữa, này Đại Vương! Lúc đó Bồ Tát Dũng Lực ở chỗ Đức Đa Văn Như Lai nghe pháp cảnh giới thanh tịnh như vậy rồi, sinh tâm hy hữu bạch với Đức Phật ấy: Hy hữu thay! Đức Thế Tôn đã khéo nói tự cảnh giới môn chánh pháp thanh tịnh của các Đại Bồ Tát. Theo như con đã hiểu nghĩa Phật đã nói, tức là Bồ Tát phải đầy đủ phương tiện thiện xảo, nhập vào tất cả pháp tự cảnh giới môn.

Ví như hư không đều chiếu khắp tất cả hình sắc vạn tượng cảnh giới, nhưng lại không chấp trước, tất cả hình sắc vạn tượng cũng không chướng ngại, cảnh giới hư không cũng không chướng ngại. Bồ Tát đầy đủ phương tiện thiện xảo cũng lại như vậy, hiện tiền hiểu rõ tất cả pháp tự cảnh giới.

Lại như hư không chiếu khắp tất cả hình sắc vạn tượng cảnh giới mà không chướng ngại, tất cả cây thuốc, cây độc, gai gốc, quả trái hương hoa, tất cả những cây ấy đều lớn lên trong hư không. Nhưng hư không lại không nhiễm, không tịnh, không trái, không thuận. Bồ Tát đầy đủ phương tiện thiện xảo cũng lại như vậy, từ tuệ phát sinh tất cả pháp tự cảnh giới môn, là dị sinh pháp, hữu học pháp, vô học pháp, Duyên Giác pháp, Bồ Tát pháp, Như Lai pháp…

Vì sao?

Vì hiện chứng tất cả pháp. Lại như cỏ cây, rừng rú ở thế gian, lửa không thể bảo hộ.

Vì sao?

Vì lửa bốc lên thiêu đốt tất cả. Bồ Tát cũng lại như vậy, đối với tất cả pháp tự cảnh giới, tuệ quang phát lên thật rực sáng. Lại như thân Kim Cang vững chắc lửa không thể đốt, dao không thể cắt, độc không thể trúng, tha lực không thể nhiếp phục.

Bồ Tát cũng lại như vậy, không phải tập nhiễm của Thanh Văn, không phải tập nhiễm của Duyên Giác, không phải tập nhiễm phiền não của tất cả chúng sinh có thể làm nhiễm. Bồ Tát tùy theo các tập nhiễm đó, mà tinh cần tu tập, tăng trưởng tuệ lực, cho nên hiểu hết tất cả.

Lại như Thủy thanh ma ni bảo châu, có thể làm nước bẩn trở nên trong sạch. Bồ Tát cũng lại như vậy, dùng bảo tuệ thù thắng, làm thanh tịnh tất cả cấu phiền não của chúng sinh. Lại có một loại thuốc tên là lìa độc, nó không thể cùng chung với tất cả ác độc, nhưng có thể dứt trừ tất cả độc.

Bồ Tát cũng như vậy, đầy đủ tuệ lực phương tiện, không cùng chung với tất cả phiền não của chúng sinh và phiền não của chính mình, nhưng lại có thể chấm dứt các độc phiền não của tất cả chúng sinh. Những việc như vậy đều là tất cả pháp tự cảnh giới môn.

Đại Vương nên biết! Lúc Bồ Tát Dũng Lực nói pháp này, có tám ngàn người phát tâm hướng đến quả vị giác ngộ, hai trăm Bồ Tát được vô sinh pháp nhẫn.

Đại Vương nên biết! Bồ Tát Dũng Lực ở trong pháp của Đức Đa Văn Như Lai thuở đó đâu phải người nào lạ, nay chính là Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ. Lúc đó vị Bồ Tát này mặc giáp tinh tấn kiên cố, đã từng ở chỗ nhiều Đức Phật, thân gần cung kính trồng nhiều căn lành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần