Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Mười Hai - Tâm Giải Thoát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

ÐẠI KINH PHƯƠNG QUẢNG PHẦN MƯỜI HAI

TÂM GIẢI THOÁT  

Này Hiền Giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc?

Này Hiền Giả, có bốn duyên để chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc. Ở đây, này Hiền Giả, vị Tỳ Kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Hiền Giả, do bốn duyên này mà chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc.

Này Hiền Giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải thoát?

Này Hiền Giả, có hai duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải thoát: Không có tác ý nhất thiết tướng và tác ý vô tướng giới. Này Hiền Giả, do hai duyên này mà chứng nhập vô tướng tâm giải thoát.

Này Hiền Giả, có bao nhiêu duyên để an trú vô tướng tâm giải thoát?

Này Hiền Giả, có ba duyên để an trú vô tướng tâm giải thoát: Không tác ý nhất thiết tướng, tác ý vô tướng giới, và một sự sửa soạn trước. Này Hiền Giả, do ba duyên này mà an trú vô tướng tâm giải thoát.

Này Hiền Giả, có bao nhiêu duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải thoát?

Này Hiền Giả, có hai duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải thoát: Tác ý nhất thiết tướng và không tác ý vô tướng giới.

Này Hiền Giả, do hai duyên này mà xuất khởi vô tướng tâm giải thoát.

Này Hiền Giả, vô lượng tâm giải thoát này, vô sở hữu tâm giải thoát này, không tâm giải thoát này và vô tướng tâm giải thoát này, những pháp này nghĩa sai biệt và danh sai biệt, hay nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.

Này Hiền Giả, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát và vô tướng tâm giải thoát này, có một pháp môn, này Hiền Giả, do pháp môn này, các pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt. Và này Hiền Giả, lại có một pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.

Này Hiền Giả, thế nào là có pháp môn, do pháp môn này các pháp ấy có nghĩa sai khác và có danh sai khác?

Ở đây, này Hiền Giả, vị Tỳ Kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.

Như vậy, cùng khắp Thế Giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

Với tâm câu hữu với bi. Với tâm câu hữu với hỷ. An trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.

Như vậy, cùng khắp Thế Giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Hiền Giả, gọi là vô lượng tâm giải thoát.

Và này Hiền Giả, thế nào là vô sở hữu tâm giải thoát?

Ở đây, này Hiền Giả, vị Tỳ Kheo vượt lên mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng: Không có vật gì, chứng và trú vô sở hữu xứ. Như vậy, này Hiền Giả, gọi là vô sở hữu tâm giải thoát.

Và này Hiền Giả, thế nào là không tâm giải thoát?

Ở đây, này Hiền Giả, vị Tỳ Kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống và suy nghĩ như sau: Ðây trống không, không có tự ngã hay không có ngã sở. Như vậy, này Hiền Giả, gọi là không tâm giải thoát.

Và này Hiền Giả, thế nào là vô tướng tâm giải thoát?

Ở đây, này Hiền Giả, vị Tỳ Kheo không tác ý với nhất thiết tướng, đạt và an trú vô tướng tâm định. Như vậy, này Hiền Giả, gọi là vô tướng tâm giải thoát. Như vậy là có pháp môn và do pháp môn này những pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt.

Và này Hiền Giả, thế nào là có pháp môn và do pháp môn này các pháp ấy có nghĩa đồng nhất nhưng danh sai biệt. Tham, này Hiền Giả, là nguyên nhân của hạn lượng. Sân là nguyên nhân của hạn lượng. Si là nguyên nhân của hạn lượng.

Ðối với vị Tỳ Kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc và tham, sân, si này đã được chặt tận gốc như thân cây Ta La được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.

Này Hiền Giả, khi nào các tâm giải thoát là vô lượng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát không có tham, không có sân, không có si. Tham, này Hiền Giả, là một vật gì chướng ngại, sân là một vật gì chướng ngại, si là một vật gì chướng ngại.

Ðối với vị Tỳ Kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này đã được chặt tận gốc, như thân cây Ta La được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.

Này Hiền Giả, khi nào các tâm giải thoát là vô sở hữu, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát ấy không có tham, không có sân, không có si. Tham, này Hiền Giả, là nhân tạo ra tướng, sân là nhân tạo ra tướng, si là nhân tạo ra tướng.

Ðối với vị Tỳ Kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này được chặt tận gốc, như thân cây Ta La được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.

Này Hiền Giả, khi nào các tâm giải thoát là vô tướng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát này không có tham, không có sân, không có si. Như vậy, này Hiền Giả, là pháp môn này, những pháp ấy là đồng nghĩa nhưng danh sai biệt.

Tôn Giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Tôn Giả Maha Kotthita hoan hỷ, tín thọ lời Tôn Giả Sariputta dạy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần