Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ SÁU MƯƠI MỐT

PHÁP HỘI VÔ TẬN Ý BỒ TÁT  

PHẦN BỐN  

Thưa Tôn Giả! Thế nào là nhẫn?

Nếu bị người mắng nín lặng thọ chẳng báo, vì khéo biết âm thanh như tiếng vang vậy. Bị người quở trách nín lặng thọ đó vì khéo biết thân tướng như ảnh tượng vậy.

Bị người giận lòng chẳng hờn vì khéo biết tâm tướng như ảo huyễn vậy. Bị giận tức chẳng báo vì tâm không tức vậy. Nghe được xưng danh tâm không ái trước vì chẳng tự cao vậy.

Nghe chẳng xưng danh tâm cũng không ngại vì công đức đầy đủ vậy. Nếu gặp vinh lợi tâm chẳng vui mừng vì khéo tự điều phục vậy. Nếu gặp suy hao tâm không quái ngại vì tâm tịch diệt vậy.

Được người khen tâm chăng kinh động vì khéo biết phân biệt vậy. Bị người chê tâm không rút mất vì tâm quảng đại vậy. Bị người khi dễ tâm không hạ vì khéo an trụ vậy.

Được tôn trọng tâm không cao vì chẳng khuynh động vậy. Gặp sự vui tâm chẳng hoan dật vì biết pháp hữu vi là tướng vô thường vậy. Nếu gặp sự khổ tâm không chán mỏi vì chúng sanh vậy. Thế Pháp chẳng nhiễm vì chẳng y chỉ vậy. Nhẫn thọ các khổ thấy kẻ bị nguy bức đem thân thay họ.

Nhẫn chịu tay chân bị chặt gãy vì đầy đủ giác chi vậy. Các khổ hại thân đều có thể nhẫn thọ vì đầy đủ tướng thân Phật vậy. Nhẫn tội lỗi của người vì khéo làm nghiệp lực vậy.

Thị hiện đốt nóng tu các khổ hạnh vì hàng phục ngoại đạo vậy. Thị hiện vào ngũ đạo vì vượt quá Thích, Phạm, Tứ Vương và Chư Thiên vậy. Đây gọi là Bồ Tát nhẫn nhục vậy. Lại cứu cánh nhẫn ấy không có tranh tụng.

Tại sao?

Nếu thấy người mắng mà ta hay nhẫn, là thấy có hai tướng, chẳng phải cứu cánh nhẫn. Nếu nói ai mắng ta, nhẫn nhục như vậy là pháp công đức, chẳng phải cứu cánh nhẫn.

Hoặc là mắng nhãn ư, mắng nhĩ ư, mắng tỷ ư, mắng thiệt ư, mắng thân ư, mắng ý ư?

Nhẫn như vậy là quán tướng lục nhập chẳng phải cứu cánh nhẫn. Nếu không người mắng, nhẫn nhục như vậy là quán vô ngã, chẳng phải cứu cánh.

Nếu biết giả danh, nhẫn như vậy là quán tướng mắng chẳng phải cứu cánh nhẫn. Người và ta đều là vô thường, nhẫn như vậy là quán vô thường, chẳng phải cứu cánh nhẫn. Họ điên đảo ta chẳng điên đảo, nhẫn như vậy là quán cao hạ, chẳng phải cứu cánh nhẫn.

Họ chẳng siêng tu ta siêng tu, nhẫn như vậy là quán siêng lười, chẳng phải cứu cánh nhẫn. Họ ở ác đạo ta ở thiện đạo, nhẫn như vậy là quán thiện ác, chẳng phải cứu cánh nhẫn.

Ta nhẫn vô thường chẳng nhẫn có thường, ta hay nhẫn khổ chẳng thọ các lạc, ta nhẫn vô ngã chẳng nhẫn hữu ngã, ta nhẫn bất tịnh chẳng nhẫn có tịnh, nhẫn như vậy là quán có đối đãi, chẳng phải cứu cánh nhẫn.

Ta nhẫn nơi rỗng không chẳng nhẫn các kiến, ta nhẫn vô tướng chẳng nhẫn các giác quán, ta nhẫn vô nguyện chẳng nhẫn nơi nguyện, ta nhẫn vô tác chẳng nhẫn có tác, ta nhẫn kiết sử hết chẳng nhẫn kiết sử còn, ta nhẫn pháp thiện chẳng nhẫn pháp bất thiện, ta nhẫn xuất thế chẳng nhẫn tại thế.

Ta nhẫn vô tranh chẳng nhẫn có tranh, ta nhẫn vô lậu chẳng nhẫn có lậu, ta nhẫn bạch pháp chẳng nhẫn hắc pháp, ta nhẫn tịch diệt chẳng nhẫn sanh tử, nhẫn như vậy là quán tương đối, chẳng phải cứu cánh nhẫn.

Thế nào gọi là cứu cánh nhẫn?

Nếu nhập không tịch chẳng cùng các kiến chấp hoà hiệp, chẳng dựa lấy không, các kiến ấy cũng là rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập vô tướng chẳng cùng các giác hoà hiệp, chẳng dựa lấy vô tướng, các giác ấy đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập vô nguyện, chẳng cùng nguyện hoà hiệp, chẳng dựa lấy vô nguyện, các nguyện ấy đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập vô tác chẳng cùng các tác hoà hiệp, chẳng dựa nơi vô tác, các tác ấy đều không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập tận kiết chẳng cùng các kiết hoà hiệp, chẳng dựa nơi tận kiết, các kiết ấy cũng đều không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập nên thiện chẳng cùng bất thiện hoà hiệp, chẳng dựa nơi thiện, các bất thiện cũng đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập xuất thế chẳng cùng thế hoà hiệp, chẳng dựa xuất thế, các thế ấy cũng đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập vô tranh chẳng cùng tranh hoà hiệp, chẳng dựa vô tranh các tranh ấy cũng đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập vô lậu chẳng cùng lậu hoà hiệp, chẳng dựa vô lậu các lậu ấy cũng đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập bạch pháp chẳng cùng hắc pháp hoà hiệp, chẳng dựa bạch pháp các hắc pháp đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu nhập tịch diệt chẳng cùng sanh tử hoà hiệp, chẳng dựa tịch diệt sanh tử cũng đều rỗng không. Nhẫn như vậy là không có hai tướng, là cứu cánh nhẫn.

Nếu tánh chẳng tự sanh chẳng cùng tha sanh chẳng hoà hiệp sanh, cũng không có xuất, chẳng thể phá hoại, chẳng thể phá hoại ấy là chẳng thể tận, nhẫn như vậy là cứu cánh nhẫn.

Không có tác không có chẳng tác, không chỗ dựa lấy, không có phân biệt, không có trang nghiêm, không có tu trị, không có phát tiến, trọn chẳng tạo sanh, nếu vô sanh ấy là chẳng thể tận, nhẫn như vậy là vô sanh nhẫn, vô sanh nhẫn ấy là vô xuất nhẫn, vô xuất nhẫn ấy là cứu cánh nhẫn. Bồ Tát tu hành cứu cánh nhẫn như vậy được thọ ký nhẫn. Đây gọi là Bồ Tát hành nhẫn vô tận vậy.

Lúc nói pháp ấy, tất cả đại chúng khen Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Lành thay lành thay! Vô Tận Ý nói các nhẫn rất hay!

Đại chúng nói lời khen ngợi xong liền mưa các thứ hoa ít có và hương bột, hương xoa, vô số y phục đẹp, tràng phan, lọng báu để dâng cúng dường Vô Tận Ý Đại Bồ Tát.

Trăm ngàn kỹ nhạc ở trên không tự nhiên phát thanh, nói rằng: Nếu có các chúng sanh muốn được Như Lai thậm thâm nhẫn ấy, nghe lời nói ấy chẳng nên kinh sợ. Lúc bấy giờ các hương hoa, tạp y, phan lọng đầy khắp cả tam Thiên đại thiên Thế Giới.

Đức Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Này Vô Tận Ý! Các vật hoa hương ngươi được cúng dường ấy, người tự tìm khí cụ đựng lấy trừ sạch hết đi.

Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi sẽ dùng thần thông chính thân mình làm đồ đựng. Vô Tận Ý Bồ Tát liền nhập Bồ Tát sắc thân tam muội, nhập tam muội rồi bao nhiêu vật cúng dường đều nhập hết vào trong rún, thân thể như cũ chẳng tăng chẳng giảm.

Trong đại chúng có một Bồ Tát tên là Đại Trang Nghiêm hỏi Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Bạch Đại Sĩ! Tam muội Ngài nhập ấy tên là gì mà Ngài nhập rồi tất cả món vật cúng dường đều nhập vào thân, thân Ngài như cũ không có tăng giảm?

Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Bạch Đại Sĩ! Tam muội ấy tên là nhất thiết sắc thân tam muội.

Đại Trang Nghiêm Bồ Tát hỏi: Bạch Đại Sĩ! Tam muội ấy chừng còn có thế lực khác chăng?

Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Bạch Đại Sĩ! Thế lực tam muội ấy có thể làm cho thân thể thọ nhận hết cả tam thiên đại thiên Thế Giới có bao nhiêu những sắc tướng, thân thể như cũ cũng không có tăng giảm.

Trong đại chúng có hàng nhân Thiên suy nghĩ rằng: Chừng có thể thấy được thế lực của tam muội ấy chăng?

Đức Phật biết tâm niệm của đại chúng bèn bảo Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Này Vô Tận Ý! Ông nên thị hiện thần lực của tam muội ấy. Vô Tận Ý Bồ Tát từ lâu đã thông đạt tam muội ấy, vì vậy nên có thể đem tất cả đại chúng, Chư Bồ Tát từ mười phương đến hội cùng Phật và Thánh Tăng đều nạp vào trong thân mình.

Thân ấy lúc bấy giờ dường như Thế Giới Đại Bảo Trang Nghiêm thọ tất cả các sự trang nghiêm của Đại Bồ Tát. Đại chúng đều tự thấy thân mình ở trong thân của Vô Tận Ý Bồ Tát. Vô Tận Ý Bồ Tát thị hiện đại thần thông như vậy rồi đại chúng đều hoàn lại như cũ.

Đại Trang Nghiêm Bồ Tát hỏi Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Bạch Đại Sĩ! Từ trước tới nay tôi chưa từng được thấy nghe thần thông biến hoá của tam muội ấy.

Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Bạch Đại Sĩ! Giả sử trọn cả Tam Thiên đại thiên Thế Giới nhập cả vào thân tôi còn không có tăng giảm huống là chỉ có nơi đại hội này. Lúc nói vô tận nhẫn nhục và thị hiện thần thông biến hoá ấy, có bảy mươi sáu na do tha Chư Thiên và thế nhân phát tâm Vô Thượng bồ đề, một vạn hai ngàn Đại Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Bạch Đại Sĩ! Lành thay lành thay, Ngài đã nói rất tốt về nhẫn nhục Ba la mật chẳng thể tận rồi, duy nguyện Ngài nói về tinh tiến Ba la mật vô tận của Bồ Tát được.

Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Thưa Tôn Giả! Bồ Tát có đủ tám sự hành tinh tiến chẳng thể tận.

Những gì là tám sự?

Phát đại trang nghiêm không có tận. Tích tập dũng tiến không có tận. Tu hành các thiện pháp không có tận. Giáo hoá chúng sanh không có tận. Trợ đạo công đức không có tận. Trợ vô thượng trí không có tận. Trợ vô thượng huệ không có tận. Họp trợ Phật Pháp mà chẳng thể tận.

Thế nào là Bồ Tát trang nghiêm vô tận?

Bồ Tát nơi các sanh tử tâm không mỏi mệt, chẳng tính kiếp số sẽ thành Phật Đạo, còn bao nhiêu kiếp mà làm trang nghiêm, còn bao nhiêu kiếp chẳng làm trang nghiêm. Bồ Tát trang nghiêm trải qua kiếp số chẳng thể kể tính.

Như từ ngày hôm nay đến sanh tử vốn là một ngày một đêm. Ba mười ngày như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Ở trăm ngàn muôn năm ấy một lần phát đạo tâm, một lần thấy Phật. phát tâm và thấy Phật như vậy số đến bằng số cát Sông Hằng.

Ở bên ngần ấy số Chư Phật như vậy mới biết được tâm hành của một chúng sanh. Như vậy cho đến biết khắp tâm sở hành của tất cả chúng sanh mà vẫn chẳng thối thất trang nghiêm. Đây gọi là trang nghiêm chẳng giải đãi, gọi là vô tận trang nghiêm.

Trải qua số lần thấy Phật phát tâm như vậy, lúc biết tâm sở hành của chúng sanh kia thường tu đầy đủ Đàn Ba la mật, Thi Ba la mật, Sằn Đề Ba la mật, Tý Lê Gia Ba la mật, Thiền Ba la mật và Bát Nhã Ba la mật, cũng tu đầy đủ pháp trợ bồ đề, đầy đủ tu tướng hảo Thập lực, Vô uý, pháp Bất cộng, tu đầy đủ tất cả Phật Pháp. Đây gọi là trang nghiêm chẳng giải đãi, gọi là vô tận trang nghiêm.

Nếu có Bồ Tát nghe lời này mà chẳng Kinh chẳng bố chẳng uý, nên biết Bồ Tát ấy tinh tiến chẳng giải đãi. Đây gọi là Bồ Tát trang nghiêm vô tận.

Thế nào là Bồ Tát dũng tiến vô tận?

Giả sử cả tam thiên đại thiên Thế Giới có lửa mạnh đầy trong ấy, phải đi ngang qua lửa mạnh ấy để thấy Phật, hoặc vì nghe pháp giáo hoá chúng sanh đặt để chúng sanh nơi thiện pháp cũng phải đi ngang qua lửa mạnh ấy, Bồ Tát vẫn làm không thối thất. Đây gọi là Bồ Tát dũng tiến vô tận.

Duyên cớ gì mà gọi là dũng tiến?

Vì thường vì kẻ khác vậy, vì tịnh kẻ khác vậy, vì điều phục kẻ khác vậy, vì diệt tận cho kẻ khác vậy, mà thường chẳng giải đãi chậm trễ vẫn vững chắc chẳng thối thất, tâm luôn ở trong đại bi thường siêng cần tinh tiến mà vì chúng sanh nên gọi là dũng tiến.

Mỗi bước đi Bồ Tát luôn chế ngự tâm mình đều hướng đến bồ đề, thường quán sát chúng sanh để hoá độ, dầu quán sát như vậy mà chẳng hề khởi phiền não. Đây gọi là Bồ Tát dũng tiến vô tận.

Thế nào là Bồ Tát tu tập vô tận?

Như tất cả thiện tâm đã được phát khởi thường nguyện bồ đề, đây gọi là Bồ Tát tu tập vô tận.

Tại sao vậy?

Vì đem các thiện căn hồi hướng vô thượng bồ đề không có cùng tận vậy.

Thưa Tôn Giả! Ví như trời mưa một giọt nước rơi vào trong đại hải, giọt nước mưa ấy dầu nhỏ mà trọn không hề diệt tận. Bồ Tát thiện căn nguyện hướng bồ đề không có diệt tận cũng như vậy.

Tu tập thiện căn ấy, đó là chánh hồi hướng tu tập thiện căn, vì thủ hộ chúng sanh tu tập thiện căn, vì tuỳ theo chỗ cần dùng của chúng sanh mà tu tập thiện căn, vì muốn thành tựu nhất thiết trí mà tu tập thiện căn. Đây gọi là Bồ Tát tu hành tập họp vô tận vậy.

Thế nào là Bồ Tát giáo hoá vô tận?

Tánh của chúng sanh chẳng thể kể đếm, Bồ Tát ở trong đó chẳng nên kể đếm. Nếu có Bồ Tát trong một ngày giáo hoá tất cả chúng sanh đầy trong tam thiên đại thiên Thế Giới, tính số như vậy nhẫn đến vô lượng bất khả tư nghị bất khả xưng số kiếp giáo hoá chúng sanh.

Dầu có giáo hoá chúng sanh bất khả xưng kế bất khả tư nghị như vậy, mà ở nơi phần chúng sanh còn chưa giáo hoá được một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến toán số thí dụ chúng sanh được biết.

Tại sao?

Vì tánh chúng sanh ấy vô lượng vô biên bất khả xưng kế bất khả tư nghì vậy. Nếu Bồ Tát nghe lời ấy mà chẳng kinh, chẳng bố, chẳng uý, nên biết Bồ Tát này siêng tu tinh tiến. Đây gọi là Bồ Tát giáo hoá vô tận.

Thế nào là Bồ Tát trợ đạo vô tận?

Bồ Tát tu hành trợ đạo công đức vô lượng vô biên, ở trong ấy Bồ Tát chẳng nên hạn lượng.

Tại sao?

Vì tất cả chúng sanh có bao nhiêu công đức hoặc từ quá khứ, vị lai hoặc hiện tại, cùng tất cả Thanh Văn. Duyên Giác có bao nhiêu công đức, tập họp tất cả công đức phàm Thánh ấy lại mới là thành tựu công đức của một lỗ lông nơi thân Phật Thế Tôn.

Công đức của mỗi mỗi lỗ lông như vậy nhẫn đến tất cả lỗ lông tập họp lại mới thành công đức của một tuỳ hình hảo của thân Như Lai. Công đức của mỗi mỗi tuỳ hình hảo như vậy nhẫn đến tất cả tuỳ hình hảo tập họp lại mới thành công đức của một tướng Đại Nhân của Như Lai.

Công đức của mỗi mỗi tướng như vậy nhẫn đến ba mươi tướng, tập họp công đức trăm lần ba mươi tướng như vậy mới thành công đức bạch hào giữa chặn hai chân mày của Như Lai. Tập họp công đức của trăm ngàn bạch hào như vậy mới thành công đức vô kiến đảnh tướng của Như Lai. Đây gọi là Bồ Tát trợ đạo công đức vô tận.

Thế nào là Bồ Tát trợ trí vô tận?

Trợ trí được Bồ Tát tu tập vô lượng vô biên, ở trong ấy Bồ Tát chẳng nên hạn số.

Tại sao?

Như trí của tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới bằng trí được thành của một vị tín thành. Trí tín thành như vậy so với trí được thành tựu của một vị pháp hành thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được bậc pháp hành, so với trí được thành tựu của một vị Bát Nhân thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều là bậc bát nhân, so với trí được thành tựu của một vì Tu Đà Hoàn, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí Tu Đà Hoàn, so với trí được thành tựu của một vị Tư Đà Hàm, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí Tư Đà Hàm, so với trí được thành tựu của một vị A Na Hàm thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí A Na Hàm, so với trí được thành tựu của một vị A La Hán thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí A La Hán, so với trí được thành tựu của một vị Duyên Giác thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí Duyên Giác, so với trí được thành tựu của một vị Bồ Tát trăm kiếp, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí của Bồ Tát trăm kiếp, so với trí được thành tựu của một Bồ Tát đắc nhẫn, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí Bồ Tát đắc nhẫn, so với trí được thành tựu của một Bồ Tát bất thối, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí của Bồ Tát bất thối, so với trí được thành tựu của một Bồ Tát bổ xứ, thì chẳng bằng Một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Nếu tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều được trí của một bổ xứ Bồ Tát, so với trí thị xứ phi xứ của một Như Lai, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, nhẫn đến chẳng bằng một phần toán số thí dụ.

Tóm lại, Như Lai thập lực, tứ vô uý, thập bát bất cộng pháp cũng như vậy. Nếu Bồ Tát được nghe lời ấy mà chẳng kinh chẳng bố, chẳng uý, thì nên biết Bồ Tát này siêng tu tinh tiến. Đây gọi là Bồ Tát trợ trí vô tận.

Thế nào là Bồ Tát trợ huệ vô tận?

Tất cả chúng sanh có những tâm hành chẳng thể cùng tận, ở trong ấy Bồ Tát chẳng nên đếm tính. Như quá khứ, vị lai, hiện tại tất cả chúng sanh có những tâm hành, nếu có một người trong một niệm đủ những tâm hành của tam thế chúng sanh như vậy, mỗi mỗi niệm cũng đều có đủ những tâm hành như vậy.

Như một người có đủ tâm hành như vậy, tất cả vô lượng vô biên chúng sanh đều cũng như vậy. Như tất cả tam thế chúng sanh có những tham dục sân khuể ngu si và các phiền não, nếu có một người trong một niệm có đủ những phiền não như vậy của tất cả tam thế chúng sanh, mỗi mỗi niệm đều cũng có đủ phiền não như vậy.

Như một người có đủ phiền não như vậy, tất cả vô lượng vô biên chúng sanh đều cũng như vậy. Như tất cả tam thế chúng sanh có những kiết sử, nếu có một người trong một niệm có đủ những kiết sử như vậy của tất cả tam thế chúng sanh, mỗi mỗi niệm đều cũng có đủ kiết sử như vậy.

Như một người có đủ những kiết sử như vậy, tất cả vô lượng vô biên chúng sanh đều cũng như vậy. 

Bồ Tát ở trong ấy sanh huệ quang minh. Một niệm huệ quang không có các trần lao che mờ đều chiếu rõ quá khứ, vị lai, hiện tại tất cả chúng sanh những phiền não cảnh sở duyên của các tâm hành những sanh trụ dị diệt đều không sót thừa.

Bồ Tát này ở nơi tất cả tam thế chúng sanh phiền não tương ưng không gì chẳng biết rõ hết. Ví như hư không kia không gì chẳng trùm chứa, cũng vậy, Bồ Tát huệ quang không chỗ nào chẳng chiếu rõ.

Nếu Bồ Tát nghe lời này mà chẳng kinh chẳng bố chẳng uý, thì nên biết Bồ Tát này siêng tu tinh tiến. Đây gọi là Bồ Tát trợ huệ vô tận.

Thế nào là Bồ Tát tu tập trợ Phật Pháp vô tận?

Bồ Tát sở hành tu tập trợ Phật Pháp vô lượng vô biên, ở trong đó Bồ Tát chẳng nên hạn lượng. Từ lúc sơ phát tâm đến khi ngồi Đạo Tràng bồ đề, thời gian chặng giữa tu hành đầy đủ sáu Ba la mật, tu hành đầy đủ các pháp trợ đạo.

Tất cả phát tâm tu hành tất cả thiện căn như vậy bất khả xưng kế thảy đều trợ Phật Pháp. Đây gọi là Bồ Tát tu hành trợ Phật Pháp mà không có tận. Đây gọi là Bồ Tát tám sự tu hành tinh tiến vô tận vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần