Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phả Cầu Na - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH PHẢ CẦU NA  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ. Bấy giờ Tôn Giả Phả Cầu Na đang ở tại giảng đường Lộc Tử Mẫu trong vườn phía Đông, bị bệnh nguy khốn.

Tôn Giả A Nan đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Phả Cầu Na ở giảng đường Lộc Tử Mẫu trong vườn phía Đông bị bệnh nguy khốn. Bệnh của Tỳ Kheo như vậy có thể chết.

Lành thay, Thế Tôn!

Xin Ngài vì thương xót mà đến giảng đường Lộc Tử Mẫu, vườn phía Đông, chỗ Tôn Giả Phả Cầu Na. Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời.

Chiều hôm đó sau khi từ thiền tịnh dậy, Thế Tôn đến giảng đường Lộc Tử Mẫu, vườn phía Đông, vào phòng Tôn Giả Phả Cầu Na, trải tòa mà ngồi và vì Tôn Giả Phả Cầu Na thuyết pháp, dạy dỗ, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Sau khi Thế Tôn đi rồi, không lâu Tôn Giả Phả Cầu Na mạng chung. Lúc mạng chung, các căn vui tươi, gương mặt thanh tịnh, sắc da tươi sáng.

Tôn Giả A Nan khi cúng dường Xá Lợi Tôn Giả Phả Cầu Na xong, về chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đến thăm, không lâu Tôn Giả Phả Cầu Na mạng chung. Lúc Tôn Giả này sắp qua đời, các căn vui tươi, sắc da thanh tịnh, nhuận ánh sáng tươi.

Bạch Thế Tôn, không biết Tôn Giả ấy sẽ sanh về đâu, thọ sanh thế nào, đời sau ra sao?

Phật bảo A Nan: Nếu có Tỳ Kheo nào trước khi chưa bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết. Khi bệnh phát khởi, thân thể đau đớn, tâm không điều hòa, mạng sống suy mòn, nhưng được nghe Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, nói nhiều pháp. Khi được nghe pháp xong, đoạn năm hạ phần kết.

A Nan, đó là phước lợi được từ sự chỉ dạy, nhắc nhở của Đại Sư. Lại nữa, A Nan, nếu có Tỳ Kheo nào, trước khi chưa bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết.

Sau đó bệnh phát khởi, thân thể đau đớn, mạng sống suy mòn dần, không nhờ được nghe Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, nói pháp, nhưng gặp được các vị Đại Đức đa văn, tu phạm hạnh, chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp. Khi được nghe pháp xong, đoạn năm hạ phần kết. A Nan, đó gọi là được phước lợi từ sự chỉ dạy, nhắc nhở, nghe pháp.

Lại nữa, A Nan, nếu Tỳ Kheo nào trước khi chưa bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết, cho đến mạng sống suy mòn, không được nghe Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp. Lại không nghe các vị Đại Đức đa văn phạm hạnh chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp.

Nhưng trước kia đã lãnh thọ pháp, một mình ở nơi vắng lặng tư duy, quán sát, đoạn được năm hạ phần kết. A Nan, đó gọi là được phước lợi từ sự tư duy, quán sát pháp đã nghe từ trước.

Lại nữa, A Nan, nếu có Tỳ Kheo nào, trước khi chưa bệnh đã đoạn năm hạ phần kết, nhưng chưa được ái tận giải thoát vô thượng, tâm không khéo giải thoát khỏi các lậu.

Sau đó tuy mắc bệnh, thân bị khổ đau, mạng sống suy mòn, nhưng nghe được Phật chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp, được ái tận giải thoát vô thượng, chẳng khởi các lậu, lìa dục giải thoát. A Nan, đó gọi là được phước lợi từ sự thuyết pháp của Đại Sư.

Lại nữa, A Nan, nếu có Tỳ Kheo nào, trước khi chưa bệnh đã đoạn năm hạ phần kết, nhưng chưa được ái tận giải thoát vô thượng, chưa ly dục, giải thoát khỏi các lậu. Sau đó biết thân khởi bệnh, chịu khổ đau vô cùng.

Tuy chẳng được Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp, nhưng lại được các vị Đại Đức đa văn, phạm hạnh khác chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp, được ái tận giải thoát vô thượng, chẳng khởi các lậu, ly dục, giải thoát. A Nan, đó gọi là được phước lớn từ sự chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp.

Lại nữa, A Nan, nếu có Tỳ Kheo nào, trước khi chưa bị bệnh, đã đoạn năm hạ phần kết, nhưng chưa được ái tận giải thoát vô thượng, không ly dục, giải thoát khỏi các lậu. Sau đó thân bệnh khởi, sanh khổ đau vô cùng.

Tuy không được Phật chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp, cũng không được các vị Đại Đức đa văn khác chỉ dạy, nhắc nhở, nói pháp, nhưng ở chỗ vắng lặng tư duy, cân nhắc, quán sát, được ái tận giải thoát vô thượng, không khởi các lậu, ly dục, giải thoát.

A Nan, đó gọi là được phước lợi từ sự tư duy những gì đã được nghe từ giáo pháp.

Duyên gì các căn Tỳ Kheo Phả Cầu Na không được vui tươi, tướng mạo thanh tịnh, da dẻ nhuận tươi, trước khi Tỳ Kheo Phả Cầu Na chưa bị bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết?

Tỳ Kheo này tự mình được nghe từ sự chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp của Đại Sư, đoạn năm hạ phần kết. Rồi Thế Tôn xác nhận Tôn Giả Phả Cầu Na đã đắc quả A Na Hàm.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi lui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường