Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tân đầu Lô

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH TÂN ĐẦU LÔ

 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Tôn Giả Tân Đầu Lô ở trong vườn Cù Sư La, tại Câu Diệm Di. Bấy giờ, có Quốc Vương Bà Sa tên Ưu Đà Diên Na, đến chỗ Tôn Giả Tân Đầu Lô.

Thăm hỏi nhau xong, ngồi lui qua một bên, Quốc Vương Bà Sa Ưu Đà Diên Na bạch Tôn Giả Tân Đầu Lô: Có điều muốn hỏi, Tôn Giả có rảnh rỗi để đáp cho không?

Tôn Giả Tân Đầu Lô đáp: Này Đại Vương, Đại Vương cứ hỏi, điều gì biết tôi sẽ đáp.

Quốc Vương Bà Sa Ưu Đà Diên Na hỏi Tôn Giả Tân Đầu Lô: Nhân gì, duyên gì, mà các Tỳ Kheo tuổi trẻ mới học, xuất gia chưa lâu ở trong pháp luật này, sống rất an lạc, các căn hòa duyệt, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi tốt, thích tĩnh, ít động, mặc tình người khác mà sống, tâm như dã thú, kham năng suốt đời tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất?

Tôn Giả Tân Đầu Lô đáp: Như những gì Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri Giả, Kiến Giả, đã dạy các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo các ông, nếu gặp người nữ lớn tuổi thì nên coi như mẹ. Gặp người trung niên thì nên coi như chị em. Gặp người non trẻ thì nên coi như con.

Vì nguyên nhân này nên các Tỳ Kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong pháp luật này sống an lạc, an ổn, các căn hòa duyệt, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi mát, thích tĩnh, ít động, mặc tình người khác mà sống, tâm như dã thú, kham năng suốt đời tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất.

Quốc Vương Bà Sa Ưu Đà Diên Na hỏi Tôn Giả Tân Đầu Lô: Hiện tại người thế gian, tâm tham cầu, dù có gặp người lớn tuổi coi như mẹ, trung niên coi như chị, non trẻ coi như con. Nhưng lúc đó tâm họ cũng theo sự thiêu đốt của tham dục, sân nhuế, ngu si mà khởi lên.

Còn có nhân duyên nào đặc biệt hơn không?

Tôn Giả Tân Đầu Lô nói với Quốc Vương Bà Sa Ưu Đà Diên Na: Còn có nhân duyên khác nữa.

Như Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri Giả, Kiến Giả, đã dạy các Tỳ Kheo: Thân này từ chân đến đỉnh đầu, bộ xương được trét bởi thịt, được che đậy bởi một lớp da mỏng, trong đó chứa dẫy đầy những thứ bất tịnh.

Quán sát tất cả: Tóc, lông, móng, răng, bụi dơ, nước dãi, da, thịt, xương trắng, gân, mạch, tim, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, ruột non, ruột già, bào, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước bọt, mỡ, tủy, đàm âm, mủ, máu, dịch não, phẩn, nước tiểu.

Này Đại Vương, vì nhân này, duyên này, nên các Tỳ Kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong pháp luật này, vẫn sống an lạc, an ổn cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.

Quốc Vương Bà Sa Ưu Đà Diên Na hỏi Tôn Giả Tân Đầu Lô: Tâm người hay phiêu nhanh. Nếu quán bất tịnh, có khi sẽ theo tưởng tịnh mà hiện.

Vậy còn có nhân duyên nào khiến cho Tỳ Kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong pháp luật này, sống an lạc, an ổn cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất không?

Tôn Giả Tân Đầu Lô đáp: Còn có nhân duyên khác nữa.

Như Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri Giả, Kiến Giả, đã dạy các Tỳ Kheo: Các ông nên giữ gìn các căn môn, khéo thu nhiếp tâm mình. Nếu mắt thấy sắc, chớ nắm bắt sắc tướng, chớ nắm bắt hình tướng tốt đẹp, mà tăng thêm sự chấp giữ. Nếu đối với mắt mà không an trụ với sự thúc liễm, những pháp ác bất thiện tham ưu thế gian sẽ lọt vào tâm mình.

Cho nên các ông phải giữ gìn luật nghi của mắt. Đối tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy, cho đến giữ gìn luật nghi của ý.

Bấy giờ Quốc Vương Bà Sa, Ưu Đà Diên Na hỏi Tôn Giả Tân Đầu Lô: Lành thay! Khéo nói pháp, cho đến giữ gìn luật nghi các căn.

Bạch Tôn Giả Tân Đầu Lô, tôi cũng như vậy, có khi không giữ gìn thân, không giữ gìn luật nghi các căn, khi vào cung không nhất niệm, thì tâm mình sanh ra tham dục hừng hực, ngu si thiêu đốt. Ngay khi đóng cửa phòng ở một mình, ba độc cũng lại thiêu đốt tâm mình, huống lại là ở trong cung.

Lại có lúc tôi khéo nhiếp hộ được các căn, nhiếp hộ được thân mình, chuyên tâm nhất niệm, thì khi vào trong cung, tham dục, nhuế, si không còn dấy khởi thiêu đốt tâm mình. Khi ở trong cung nội còn không bị thiêu đốt thân tâm, huống chi là khi ở một mình.

Vì vậy cho nên do nhân này, do duyên này hay khiến cho Tỳ Kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong pháp luật này sống an lạc, an ổn, cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất. Sau khi Quốc Vương Bà Sa, Ưu Đà Diên Na nghe những gì Tôn Giả nói, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường