Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bảy - Pháp Hội Bảo Kế Bồ Tát - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI BẢY

PHÁP HỘI BẢO KẾ BỒ TÁT  

PHẦN BA  

Lại nữa, này Bảo Kế!

Nếu Bồ Tát tin tất cả Phật Pháp thuận tùng Phật đạo đó là tín căn vậy.

Bồ Tát phụng trì pháp của Chư Phật chưa hề lười mỏi đó lả tinh tiến căn vậy.

Bồ Tát nhớ tất cả pháp của Chư Phật lòng ghi Thánh nghĩa chưa hề quên sót đó là niệm căn vậy.

Bồ Tát tu Phật định không hề lười bỏ đó là định căn vậy.

Bồ Tát hay giải trừ nghi kiết cho tất cả chúng sanh mà không mong cầu đó là huệ căn vậy.

Lại nữa, Bồ Tát hâm mộ Phật đạo chẳng do dự đó là tín căn vậy. Bồ Tát chí tánh điều nhu thuận tu tinh tiến không hề lùi sụt đó là tinh tiến căn vậy.

Bồ Tát khuyến trợ cội công đức làm cho tăng trưởng không tổn giảm là niệm căn vậy.

Bồ Tát bình đẳng phóng quang minh soi khắp chúng sanh cứu thoát rối loạn đó là định căn vậy.

Bồ Tát phân biệt căn tánh của tất cả mọi người để vì họ mà thuyết pháp đó là huệ căn vậy.

Lại nữa, Bồ Tát tin pháp siêng tu bỏ các giải đãi, ý không mong cầu không quên mất gìn giữ định ý khiến chẳng mê lầm phụng hành trí huệ khai hóa ngu si đó là Bồ Tát ngũ căn vậy.

Lại nữa, Bồ Tát hành tín căn thì trừ bỏ pháp tà, hành tinh tiến thì buông bỏ ngô ngã, tâm ý chuyên nhất trừ hết tham thân, hay hành chánh định phá vỡ lưới sáu mươi hai kiến chấp, trí huệ phá trừ tất cả chấp trước ái ân, đó là Bồ Tát tu ngũ căn hạnh thanh tịnh.

Ðức Phật bảo Bảo Kế Bồ Tát: Thế nào là Bồ Tát hành Ngũ Lực hạnh thanh tịnh?

Nếu Bồ Tát ở nơi Ngũ Căn đây phụng hành chẳng bỏ, hàng phục tứ ma, chẳng theo Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, chỉ theo Ðại Thừa chưa hề thối lui, tiêu trừ các cấu uế ái dục trần lao, trí nguyện kiên cố, tâm được tự tại dũng mãnh, thân thể khương ninh mạnh mẽ có oai thế, các căn đạm bạc, lòng tin chẳng hư, đây gọi là tín lực.

Ðiều chẳng nên làm thì chẳng làm, chế ngự tâm mình khiến luôn quân điều, đây là tinh tiến lực.

Ðiều nên tu tập thì đều thật hành ý niệm có thế lực mạnh, đây là ý lực.

Ðạo nghiệp được kiến tạo chưa hề quên mất để độ tất cả chúng sanh, đây là định lực.

Chẳng bị năm trần sắc thanh hương vị xúc chi phối, vượt khỏi tất cả kiết phược chướng ngại, ý chí an trụ chẳng dao động, đây là huệ lực.

Lại nữa, tín lực là chẳng theo lời người khác mà có chỗ thọ nhận tinh tiến lực là chỗ nên nắm giữ thì chẳng mất đạo ý, định lực là thuyết pháp bình đẳng chẳng thiên lệch chẳng theo phe, huệ lực là giải quyết các sự hồ nghi giải tán lưới kiết phược của chúng sanh.

Lại nữa, tín lực là đầy đủ thế mạnh thành tín, tinh tiến lực là vững mạnh giải thoát độ người chưa được độ, ý lực là đầy đủ giải huệ tri kiến, định lực là đầy đủ sức chí nguyện cứu cánh, huệ lực là đầy đủ nguyên bổn tất cả công hạnh.

Lại nữa, tín lực là hay chế ngự nạn xan tham cấu uế, tinh tiến lực là hay buông bỏ tất cả sở hữu, ý lực là hiển bày cội công đức khuyến trợ đạo tâm, định lực là tâm bình đẳng tuân hành xả bỏ mong cầu, huệ lực là chỗ đáng tu hành chưa hề mong quả báo.

Lại nữa, tín lực là giải trừ tất cả khối hủy giới, tinh tiến lực là ân cần tu cấm giới chưa hề sai trái, ý lực là đầy đủ đạo tâm chẳng để thiếu sót, định lực là liền được đến bực nhân hòa, huệ lực là chỗ tu hành đều dứt sanh tử.

Lại nữa, tín lực là rời lìa gốc tránh tụng sân giận, tinh tiến lực là chánh niệm tu hành tuân tu nhẫn nhục, ý lực là đầy đủ đạo hạnh chẳng hề hủy hoại chánh pháp, định lực là trước tiên chế phục tâm ý chẳng để phóng dật ủng hộ tất cả mọi loài chúng sanh, huệ lực là chẳng chấp ngô ngã cũng không nhân tưởng.

Lại nữa, tín lực là trừ bỏ giải đãi uế ác trần cấu, tinh tiến lực là siêu độ được tất cả nhân duyên chẳng bị ác sự làm mê lầm, ý lực là tu hành đạo hạnh làm cho đầy đủ, định lực là thân thể khinh an hay hàng phục các ma, huệ lực là ở nơi chỗ làm không có làm không chẳng làm.

Lại nữa, tín lực là tiêu hóa các hạnh tà cấu, tinh tiến lực là hiệp hội chúng sanh để khai hóa họ ý lục là thường nhất ý chí để khuyến trợ chúng sanh, định lực là thường hành tịch tĩnh chưa hề rối loạn, huệ lực là hiểu rõ các pháp hành của mọi người.

Lại nữa, tín lực là bỏ các kiến chấp hiểu biết các cấu uế, tinh tìến lực là thường siêng tu hành cầu hiểu biết rộng, ý lực là nghiêm tịnh suy tư ý niệm chỗ làm đều đúng, định lực là tâm không chỗ sanh khởi để đến cứu cánh, huệ lực là chuyên học chuyên hành để được thành tựu.

Lại nữa, tín lực là thường được chí thành đủ thất Thánh tài, tinh tiến lực là phân biệt hiểu rõ thành thất giác chi, ý lực là tâm thường chỉnh tề chưa hề rối loạn, định lực là vượt qua chỗ ở của bảy thức, huệ lực là qua khỏi bát tà không có chấp trước.

Lại nữa, tín lực là tâm thường thanh tịnh không ai phá hoại được, tinh tiến lực là phụng hành thanh tịnh không lui sụt, không tịnh không chẳng tịnh, không đúng không chẳng đúng, ý lực là ý thanh tịnh hội họp các pháp đạo phẩm không có ý không có niệm, định lực là tâm tinh tiến tu tịch tĩnh thường chánh thọ, huệ lực là hay thanh tịnh không bị các kiến chấp làm mê hoặc phụng hành các công đức.

Ðây là Bồ Tát Ngũ Lực hạnh thanh tịnh vậy.

Ðức Phật bảo Bảo Kế Bồ Tát: Thế nào là Bồ Tát thất giác phẩm thanh tịnh?

Bồ Tát niệm giác phẩm là được tự tại chẳng mất đạo huệ, trạch pháp giác phẩm là quan sát đạo hạnh đúng thời không có chấp trước, tinh tiến giác phẩm là siêng tu hành không chướng ngại, hỉ giác phẩm là thân ý hưu tức được đến cứu cánh, khinh an giác phẩm là rời tâm không có sở trụ, định giác phẩm là rời lìa Thiền vị mà được thấu đáo, xả giác phẩm là công nghiệp gây tạo đều được thành tựu.

Lại nữa, niệm giác phẩm là tâm cầu đạo không sở đắc không sở thất, trạch pháp giác phẩm là hộ pháp ngày thêm mới, tinh tiến giác phẩm là khai hóa chúng sanh không hề mỏi chán, hỉ giác phẩm là vui pháp lạc siêng cần suy luận, khinh an giác phẩm là hóa độ nhân dân dứt trứ trần lao kiến lập Thánh đạo, định giác phẩm an trụ đẳng trì tâm chẳng tạp loạn, xả giác phẩm là hay xét làm hạnh Thánh Hiền gầy dựng mọi người.

Lại nữa, không lo chẳng nghĩ như Sư Tử hơn hẳn Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa là niệm giác phẩm, tất cả các pháp đều thanh tịnh hiểu rõ nơi đây là trạch pháp giác phẩm, hạnh nghiệp thanh tịnh gìn thân khầu ý không hề sai phạm là tinh tiến giác phẩm, thanh tịnh vô trước rời lìa nguy hại là hỉ giác phẩm, nghiêm trì công hạnh việc làm đều xong là khinh an giác phẩm, chưa hề thuận theo thế tục đối cảnh bình đẳng là định giác phẩm, chưa hề an trụ nơi nhị pháp rời lìa đoạn thường hai kiến chấp cứu tế gìn giúp chúng sanh là xả giác phẩm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần