Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trường Trảo
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TRƯỜNG TRẢO
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà tại thành Vương Xá.
Bấy giờ có Tu Sĩ ngoại đạo là Trường Trảo đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn chào hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Thưa Cù Đàm, tôi không chấp nhận mọi sở kiến.
Phật bảo: Này Hỏa chủng, ông nói không chấp nhận mọi sở kiến, vậy sở kiến này cũng chẳng chấp nhận luôn chăng?
Trường Trảo ngoại đạo nói: Đã nói không chấp nhận mọi sở kiến thì cái sở kiến này cũng không chấp nhận.
Phật bảo Hỏa chủng: Biết như vậy, thấy như vậy thì sở kiến này đã đoạn, đã xả, đã lìa, các sở kiến khác không còn tương tục, không khởi, không sanh.
Này Hỏa chủng, nhiều người có cùng sở kiến như ông. Nhiều người cũng thấy như vậy, nói như vậy, ông cùng với họ giống nhau.
Này Hỏa chủng, nếu Sa Môn, Bà La Môn nào xả bỏ các kiến chấp kia, các kiến chấp khác không khởi, thì hàng Sa Môn, Bà La Môn này rất ít có ở thế gian.
Này Hỏa chủng, y cứ vào ba loại kiến.
Những gì là ba?
Có người thấy như vậy, nói như vậy: Tôi chấp nhận tất cả.
Lại có người thấy như vậy, nói như vậy: Tôi không chấp nhận tất cả.
Lại có người thấy như vậy, nói như vậy: Tôi chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần.
Này Hỏa chủng, nếu chủ trương chấp nhận tất cả, kiến chấp này cùng sanh với tham, chẳng phải không tham. Cùng sanh với nhuế, chẳng phải không nhuế. Cùng sanh với si, chẳng phải không si. Ràng buộc, chẳng lìa ràng buộc. Phiền não, chẳng thanh tịnh. Ái lạc, chấp thủ, nhiễm trước sanh.
Hay nếu có kiến chấp như vậy: Ta không chấp nhận tất cả, kiến chấp này chẳng cùng sanh với tham, chẳng cùng sanh với nhuế, chẳng cùng sanh với si. Thanh tịnh, không phiền não. Lìa ràng buộc, chẳng ràng buộc. Không ái lạc, không chấp thủ, không nhiễm trước sanh.
Này Hỏa chủng, hay nếu có kiến chấp như vậy: Ta chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần. Vậy nếu chấp nhận thì câu hữu với tham, cho đến sanh nhiễm trước. Còn nếu không chấp nhận thì ly tham cho đến không sanh nhiễm trước.
Đa văn Thánh đệ tử kia nên học: Nếu ta thấy như vậy.
Nói như vậy: Ta chấp nhận tất cả, sẽ bị hai hạng người chê trách và cật vấn.
Những gì là hai?
Người không chấp nhận tất cả và người một phần chấp nhận, một phần không chấp nhận. Họ sẽ bị hai hạng người này chê trách. Vì bị chê trách nên bị cật vấn. Vì bị cật vấn nên bị hại.
Kiến chấp kia vì bị chê trách, bị cất vấn, bị phá hại nên họ xả bỏ kiến chấp đó, còn những kiến chấp khác thì không còn sanh trở lại. Cũng vậy đoạn kiến, xả kiến, ly kiến, các kiến khác, không còn tương tục, không khởi, không sanh.
Đa văn Thánh đệ tử kia nên học như vậy: Nếu ta thấy như vậy.
Nói như vậy: Tất cả không chấp nhận sẽ bị hai hạng người chê trách và hai hạng người cật vấn.
Những gì là hai?
Người chấp nhận tất cả và người một phần chấp nhận, một phần không chấp nhận. Hai hạng người chê trách và cật vấn như vậy, cho đến không tương tục, không khởi, không sanh.
Đa văn Thánh đệ tử kia nên học như vậy: Nếu ta thấy như vậy.
Nói như vậy: Ta một phần chấp nhận, một phần không chấp nhận, sẽ bị hai hạng người chê trách, hai hạng người cật vấn.
Những gì là hai?
Là người thấy như vậy, nói như vậy: Ta chấp nhận tất cả và không chấp nhận tất cả. Hai trường hợp bị trách như vậy, cho đến không tương tục, không khởi, không sanh.
Lại nữa, hỏa chủng, thân có sắc gồm bốn đại thô kệch như vậy, Thánh đệ tử nên quán vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả.
Nếu Thánh đệ tử sống mà luôn quán vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả, thì sống đối thân kia sự tham dục thuộc về thân, sự nhớ tưởng về thân, cảm thọ về thân, sự nhiễm về thân, sự đắm trước về thân vĩnh viễn diệt trừ không còn. Này hỏa chủng, có ba thứ cảm thọ. Đó là khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ.
Ba thứ cảm thọ này cần có nhân gì, tập gì, sanh gì, chuyển gì?
Ba cảm thọ này cần có xúc là nhân, do xúc tập, xúc sanh, xúc chuyển. Mỗi mỗi xúc tập khởi, thọ tập khởi. Mỗi mỗi xúc diệt tận, thọ diệt tận. Vắng lặng, trong mát, vĩnh viễn hết sạch. Người kia đối với ba thọ này, biết rõ khổ, biết rõ lạc, biết rõ không khổ không lạc.
Biết như thật mỗi mỗi thọ hoặc tập khởi, hoặc diệt tận, hoặc vị ngọt, hoặc tai hại, hoặc xuất ly. Khi đã biết như thật rồi, đối những thọ ấy liền quán sát vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả bỏ.
Người ấy ngay nơi toàn thân mình biết như thật các cảm thọ, nơi toàn phần sanh mạng mình biết như thật các cảm thọ. Nếu người ấy sau khi thân hoại, mạng chung, ngay lúc ấy các thọ hoàn toàn chấm dứt, không còn gì nữa.
Bấy giờ, người ấy nghĩ rằng: Lúc biết rõ cảm thọ lạc thì thân mình cũng hoại, lúc biết rõ cảm thọ khổ, thì thân mình cũng hoại, ngay lúc biết rõ cảm thọ chẳng lạc chẳng khổ, thì thân mình cũng hoại, thảy đều thoát khổ.
Đối với cái cảm thọ lạc kia lìa ràng buộc, chẳng ràng buộc. Đối với cái cảm thọ khổ kia lìa ràng buộc, chẳng ràng buộc. Đối với cái cảm thọ chẳng lạc chẳng khổ kia, lìa ràng buộc, chẳng bị ràng buộc.
Lìa ràng buộc gì?
Lìa tham dục, sân nhuế, ngu si. Lìa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Ta nói những điều này gọi là lìa khổ. Vào lúc bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất vừa mới thọ giới cụ túc nửa tháng, Tôn Giả đang cầm quạt đứng sau hầu Phật.
Lúc ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất tự nghĩ: Thế Tôn đã khen ngợi nói ở nơi pháp này, pháp kia mà đoạn dục, ly dục, diệt tận dục, xả dục.
Tôn Giả Xá Lợi Phất đối với từng pháp này quán sát vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả bỏ, không khởi các lậu, tâm được giải thoát. Bấy giờ, xuất gia ngoại đạo Trường Trảo xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh.
Ông thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp, thâm nhập pháp, thoát khỏi các nghi hoặc, không do người khác độ, vào trong chánh pháp luật, được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật và chắp tay bạch Phật: Con xin được xuất gia thọ giới Cụ Túc ở trong chánh pháp luật, ở trong Phật Pháp tu các phạm hạnh.
Phật bảo xuất gia ngoại đạo Trường Trảo: Ông được xuất gia thọ Cụ Túc trở thành Tỳ Kheo, ở trong chánh pháp luật. Được xuất gia trở thành thiện lai Tỳ Kheo. Ông suy nghĩ lý do người Thiện Nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo Cà Sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà cho đến tâm thiện giải thoát đắc A La Hán.
Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Trường Trảo nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Luyện Nhã
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hiệt Tuệ
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Hỏi Về Trí Tuệ Siêu Việt Của Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Mười Bốn - Phật Thuyết Kinh Vua Tát Hòa đàn