Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Hỏi Về Trí Tuệ Siêu Việt Của Bồ Tát - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Ca Sấm, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI HỎI VỀ
TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT CỦA BỒ TÁT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Lâu Ca Sấm, Đời Hậu Hán
PHẦN HAI
Tôn Giả Nại Tra Hòa La bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Nay Như Lai vì ai mà thuyết giảng tuệ Như Lai?
Phật nói: Người nào muốn học tuệ ấy, thì sẽ vì họ thuyết giảng vấn đề.
Điều học này học ở chỗ nào?
Phật nói: Vì áp dụng bốn hoằng thệ nguyện cho nên phải nói. Cũng đừng nghĩ, bốn hoằng thệ nguyện đó là trung gian, tất cả không có mong cầu. Đây là tuệ Như Lai. Người nào có khái niệm ta là người đang tu hành thì người đó chẳng phải tuệ siêu việt.
Người như vậy là kiêu mạn, là tự mình xem thường kẻ khác. Người nào bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét thì không thích hợp với tuệ Như Lai. Người nào bản chất dua nịnh, không biết xấu hổ, nói dối, đều không xứng đáng với trí tuệ này.
Ai không có lòng yêu mến số đông, ai muốn độc hữu hoặc thích ác, không vui vẻ với người an ổn, ai cứ nghĩ mình hô lên là có, ai có hai tâm nghĩa là tốt, xấu không khác biệt, lấy đó làm tư tưởng, xa pháp sâu dày, nghĩ suy không nằm trong sự việc. Cầu lợi hại, hoặc xin ngói, bát, bồn, quần áo, giường chiếu, đồ nằm. Lo ốm đau chạy thầy, thuốc thang hoặc ham cầu ăn uống, xa lìa Ba la mật, gần gũi giúp đỡ những thầy xấu.
Đối với chỗ Phật của mình thì không công đức, thường có sự sợ hãi trong quá trình tu hành. Muốn nơi thế sự thay hình đổi dạng, khắc sự hiểu biết lên việc làm chẳng qua là để phô tên, cầu danh. Song không đạt đến ý đồ, thì ái lạc vào năm chỗ dục, có làm điều gì thì mong cầu được nhiều lợi. Người đó là như vậy thì không thể chịu đựng ở nơi núi rừng. Nơi an nhàn, vắng lặng. Nơi mà ý nghĩ có được tâm từ.
Cách xa nơi lòng thương cảm thì thường ở nơi ma sự. Xa rời lòng tin vào giới Phật, thì các việc mình tạo ra đều không theo pháp đã dạy. Thường lấy loạn tâm làm vui, không an ổn tâm, tâm kia cuồng loạn, tâm ấy rắc rối.
Vì vận dụng tâm ấy nên xa lìa với tâm tốt, xa cách đối với tâm cao đẹp, xa cách với sự tận tụy của tâm, chỉ nhớ sắc thân Phật, chỉ nhớ muốn thấy pháp, chỉ muốn thấy Tỳ Kheo Tăng, xa rời năm ấm công đức, lìa bốn đại công đức, xa cách sáu suy công đức, rời bỏ mười hai nhân duyên công đức, lìa bỏ sự nhớ nghĩ công đức của tất cả mọi người.
Ai có tâm đó thì đều không cảm ứng được với tuệ Như Lai. Ai không có dua nịnh, thường thật thà, ngay thẳng nghĩ đến các pháp sâu xa.
Phật bảo Tôn Giả Nại Tra Hòa La: Kẻ nào có được tâm như vậy là đã cảm ứng được với tuệ Như Lai. Kẻ nào có tâm ca tụng, khen ngợi Phật là đã có nhớ nghĩ đến tất cả Phật, là đã muốn học hỏi về sự việc của tuệ Như Lai rồi.
Kẻ ấy, dù có học, hay không học, tuệ Như Lai đều nhận biết, xem xét và nhìn thấy tâm Phật ấy của họ. Dầu có ở nơi thành, gò đống, làng, huyện, ấp, nơi nào mà muốn thấy, thì tuệ Như Lai đều thấy được nơi đó.
Phật bảo Tôn Giả Nại Tra Hòa La: Ông có thể nhận biết tuệ Như Lai không?
Tôn Giả Nại Tra Hòa La thưa: Phải từ Phật con mới hiểu! Phải từ Phật con lắng nghe! Bản thân con làm sao biết được vấn đề đó! Cúi xin Phật giảng nói, con vui mừng muốn được nghe, để cho Tỳ Kheo đang ở đây cũng nắm được vấn đề.
Phật nói: Lành thay! Lành thay! Đúng như lời Tôn Giả Nại Tra Hòa La nhận xét.
Phật nói:
Ngoài ông ra, kẻ có tâm tầm thường không thể biết được tuệ Như Lai, cũng khong làm đất đạo cho tuệ Như Lai, cũng không thể biết về tuệ Như Lai. Trí tuệ cao nhất, không thể cùng tận, cho nên gọi đó là tuệ Như Lai. Không thể xem xét nhìn thấy, vì không thể xét xem nhìn thấy, cho nên gọi tuệ Như Lai.
Người nào muốn biết tuệ Như Lai, thì không yêu tiếc mạng sống của các thân, tâm bình đẳng đối với tất cả mọi người. Tất cả các việc giả dối, bề ngoài không dấn thân vào trong đó. Kẻ nào có hai tâm thì không cùng họ chung sống. Kẻ nào muốn học trí tuệ Như Lai thì phải học như vậy.
Tôn Giả Nại Tra Hòa La bạch Phật: Ở trong chúng hội này, có ai học được trí tuệ Như Lai không?
Có, người đó là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Phật lại bảo Tôn Giả Nại Tra Hòa La: Ví như có người đi đến biển lớn, gọi là xứ của ngọc ngà châu báu, giá trị của nó không thể kể xiết. Người ấy sống ở trong châu báu mà không biết giá trị của châu báu là gì.
Có một người nào đó, bảo với người sống trong đống châu báu kia: Ông hiện ở trong đống của báu này, há ông có biết chỗ của ma ni không?
Người kia đáp lời: Không rõ biết.
Vì sao?
Vì người kia đâu biết gì về ngọc ngà châu báu! Nay, Nại Tra Hòa La, ở trong nơi được gọi là của báu, mà không biết chỗ của báu.
Vì sao?
Vì ông đang ở trong giáo pháp đại thừa mà không biết đó thôi!
Lại có Tỳ Kheo tên là Xà Diễm bạch Phật: Nếu không học hoằng thệ nguyện mà con muốn đạt tâm bình đẳng, lấy đó làm nguồn sáng chiếu vào tất cả?
Lại có Tỳ Kheo tên là Tam Pha Thị Sư Lợi bạch Phật: Con muốn học tuệ Như Lai.
Vì sao?
Vì đối với tất cả các pháp con không chỗ cầu.
Lại có Tỳ Kheo tên là Tam Ma Sư Lợi thưa: Con muốn học tuệ Như Lai. Con không muốn đối với các pháp có hai tâm.
Vì sao?
Vì tỏ ngộ được cái không chỗ thấy, nên con học, cái học này mới có thể học được trí tuệ siêu việt của Như Lai.
Phật nói: Học về tuệ Như Lai đúng chỗ thì cần phải thực hiện sự học như vậy.
Lại có Tỳ Kheo tên là Nhiễm Sư Lợi bạch Phật: Con không cho tất cả mọi người là kẻ xa lạ, đối với mọi người cũng không có chỗ để nhớ tưởng nghĩ suy. Muốn độ người cũng không thấy chỗ đang được độ, cũng không thấy pháp.
Vậy phải lấy pháp nào để chỉ dạy, nhằm thực hiện sự học tuệ Như Lai này?
Phật nói: Cứ như chỗ học về tuệ Như Lai mà học.
Lại có Tỳ Kheo tên là Viết Bột, bạch Phật: Con nhịn nhục đối với tất cả, cũng không tự cao tự đại.
Vì sao?
Vì người khác tự cao ngạo. Con không vì thân mà tự kiêu mạn, con không lấy cái hiện có để có khái niem về hiện hữu. Nếu có để cho nội tại tự cao ngạo, thì con không để cho bên trong con tự cao tự đại.
Vì sao?
Vì dùng nó để nhớ nghĩ đến mọi người, nghĩ đến tất cả, muốn khiến cho tất cả an ổn. Con cũng không để cho cái ac trú ngụ, lấy pháp làm cho sáng. Sống trong sự nhớ nghĩ tất cả, nhằm làm cho sáng suốt, không muốn khiến có sự tối tăm. Con thực hiện sự học này, để học về tuệ Như Lai.
Phật nói: Cần phải học như chỗ ông học.
Lại có Xa di chủng tên là Đa Hòa Quang, bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Con muốn hướng dẫn mọi người vượt qua khỏi sinh tử, cũng không nhận sinh tử để có thể độ họ. Con muốn thực hiện sự học tuệ Như Lai này.
Phật nói: Phải học trí tuệ như chỗ đã học.
Lại có Tỳ Kheo tên là Duy Xà Kỳ Kiều Sa, bạch Phật: Con muốn như Phật, ngồi nơi cội cây Phật ngồi, cũng không thấy Phật, cây, cũng không chứng đắc, con muốn thực hiện việc học trí tuệ Như Lai này như điều con học.
Lại có Tỳ Kheo tên là Chỉ La Mạt, bạch Phật: Con không học các pháp, con cũng không ham muốn học chỗ pháp đã có, các pháp hiện có này con đều không học, vì mọi pháp là phép tắc nên không học.
Phật nói: Như đã nói về tuệ Như Lai. Vận dụng để cho tất cả đều ham muốn học.
Bấy giờ, ngồi ở trong chúng hội, có số đông hơn một vạn Tỳ Kheo Ni và ba ngàn người, đều đứng dậy bạch Phật: Chúng con muốn học tuệ Như Lai, để dùng cho tất cả, cho nên chúng con muốn việc học được đầy đủ.
Lại có bảy ngàn Ưu Bà Tắc, năm ngàn Ưu Bà Di, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa: Chúng con phải học đầy đủ.
Bấy giờ, lại có tám vạn Thiên Tử đồng thanh thưa: Chúng con cũng phải học đầy đủ và khuyến cáo tất cả đều học.
Lại có Tỳ Kheo tên là Tư Ha Nan, bạch Phật: Các pháp không chỗ nắm bắt, các pháp không thể nắm bắt thì phải học như thế nào về tuệ Như Lai?
Phật nói: Cứ như chỗ ông học trí tuệ, thì nên học như vậy.
Lại có Tỳ Kheo tên là Lợi Tam Phục, bạch Phật: Đối với tất cả pháp con không chuyển được thì phải học như thế nào về tuệ Như Lai?
Phật nói: Cứ như chỗ học trí tuệ mà học.
Lại nữa, có Tỳ Kheo tên là Ma Ha Ba Na Đà Duy Hy là dòng Vua, bạch Phật: Cũng không vô ngã cũng không có ngã, cũng không trí cũng không vô trí, cũng không chỗ hủy hoại, cũng không có chứng, tâm này không khác, các mối nhân duyên không chỗ làm nhân, thì làm sao phát khởi việc học tuệ Như Lai này?
Phật nói: Cứ như chỗ học trí tuệ mà học.
Lại có Tỳ Kheo thuộc Xa Di Chủng, tên là Phi Đà Biến, bạch Phật: Tất cả các pháp không thấy biên vực, không có biên vực, nghĩa là hoặc có hoặc không có, cũng không biên vực, cũng không phải không có, cũng không chấp giữ pháp kia như vậy chừng nào mới có thể bừng ngộ?
Phật nói: Không thể!
Bằng như không biên vực, không biên vực rồi, nên vô nguyện, vì đạt vô nguyện cho nên gọi là Bồ Tát?
Phật nói: Lành thay! Lành thay! Như lời ông nói, thì vô nguyện không thể luận bàn, không thể biết, không thể nghĩ suy, không thể trụ, không chỗ sợ, không có tên, bình đẳng, không chỗ học, không chỗ nắm giữ, không chỗ hoại, không chỗ tạo ra, không chỗ làm nên, đầy đủ, biết tất cả, không chỗ được, không có sắc.
Bồ Tát cũng không danh sắc, cũng tự đúng, sai, việc học này, chẳng phải có, cũng không thể được, không chỗ trở ngại?
Phật nói: Cứ như chỗ học trí tuệ mà học.
Lúc ấy, có năm trăm Bà La Môn, ra đi từ nước Xá Vệ, nhân trên đường qua, họ đến chỗ Phật trú ngụ.
Trước Phật họ đảnh lễ, rồi lui ra đứng một bên, bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Như chỗ Thế Tôn dạy, chúng con vui mừng xin được muốn nghe, khiến luôn được an ổn.
Phật hỏi các Bà La Môn: Ai là người áp dụng nên muốn lắng nghe?
Các Bà La Môn thưa: Chẳng có ai cho nên người nào áp dụng thì nên lắng nghe.
Phật nói: Có tuệ Như Lai cao tột, từ xưa Chư Phật đã nói đến vấn đề này, nay ta nói lại lời Chư Phật ấy.
Có Bà La Môn tên là Tu Hoàn Sư Lợi, bạch Phật: Ở trong bụng mẹ đã hiểu được tuệ Như Lai?
Lại có Bà La Môn tên là Tam Ma Chấn Thị, bạch Phật: Vừa vào thai mẹ đã hiểu tuệ Như Lai?
Lại có Bà La Môn tên là Tuyết Chân Đề, bạch Phật: Vừa sinh liền hiểu tuệ Như Lai, bốn phía như sáng lên, thấy tuệ Như Lai bay lên đứng trên cao, lấy tay xoa đầu con.
Phật liền bảo: Con phải ra dấu hiệu là không thể thấy đảnh Phật.
Lại có Bà La Môn tên là Át Chân Đề, bạch Phật: Sau khi sinh ra không lâu, liền nghe thấy tuệ Như Lai.
Thấy Phật đến từ không trung, Phật bảo: Ngươi phải nghe học tuệ Như Lai.
Lại có Bà La Môn tên là Na La Sa Mục Kiệt, bạch Phật: Bấy giờ là nửa đêm, thay bốn phía, bốn vị Phật cùng đến chỗ con ở, con liền cúi đầu làm lễ.
Chư Phật dạy: Có tuệ Như Lai không thể luận bàn, vào Kỳ Hoàn nơi ở của Phật Thích Ca Văn, lắng nghe, lãnh thọ.
Vốn điềm lành này là của con?
Lại có Bà La Môn tên là A Chân Đề La Vu Da, bạch Phật: Bây giờ là nửa đêm, con thấy vị Phật lớn, cao hai mươi dặm, ba mươi hai tướng đủ các thứ vẻ đẹp.
Phật bảo con: Phải học tuệ Như Lai, nghe lời ấy, bỗng nhiên không còn thấy điềm lành đó nữa, vốn nó là của con?
Lại có Bà La Môn tên là Tam Bà Xa, bạch Phật: Lúc sinh con bị rơi xuống đất, có người đến, dựng lên cái nhà che chở, rồi làm sạch sẽ con.
Người đó bảo với mẹ con: Đừng cho con bú, phải bảo đứa trẻ này lấy tuệ Như Lai mà làm việc ăn uống. Mẹ con nghe lời chỉ bảo ấy và rất vui vẻ.
Vốn điềm lành này là của con?
Lại có Bà La Môn tên là Nghê Tam Bạt, bạch Phật: Con vốn là người học việc Bà La Môn, khi ấy, ở trong hư không, con thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt các loại.
Phật liền mở lời, bảo: Ngươi phải chọn cái học, phải chọn việc làm.
Nghe lời bảo ấy, con liền đem thân mình cúi lạy sát đất và hỏi: Cái học này, học ở chỗ nào?
Làm việc là làm việc gì?
Vị Phật ấy bảo: Có tuệ Như Lai, đấy là cái học của người, đấy là việc làm của người. Nếu học điều này, thì các pháp đều có thể biết, chính đấy là việc làm cứu độ, chính đây là việc của tuệ Như Lai. Cho nên, tắm gội trong pháp ấy, cũng có nghĩa là trừ được nhơ bẩn.
Không thể lý giải hết nghĩa tắm, mà Bồ Tát này đã tắm mình. Đã được gọi là các pháp thì đều hiện ra trước mặt. Việc thoát ra hay không thoát ra, nếu muốn thì cứ ở trong chúng Bà La Môn mà tôn thờ, nhưng phải học tuệ ấy.
Con nghe lời dạy của vị Phật kia, lòng con vô cùng vui sướng, đem đầu não mà lãnh thọ lời dạy của Phật.
Con xin hỏi Phật: Vì sao trước mặt có điềm ấy?
Phật bảo: Tuệ Như Lai này là điềm lành.
Lại có Bà La Môn tên là Ma Ha Ca Lâu Na, bạch Phật: Con đi tắm gội rồi quay trở về, đốt lên ngọn lửa lớn, con muốn thờ cúng ngọn lửa đó. Ở trên ngọn lửa, con thấy thân Phật, có ba hai tướng và các vẻ đẹp.
Vị Phật kia bảo: Như người thờ pháp của lửa thì việc thờ không phải như thế.
Vì sao?
Vì cháy lên rồi lại tắt.
Con liền hỏi lại: Không gây ra sự dập tắt này thì phải lấy cái gì làm lửa tắt.
Vị Phật kia bảo: Không nghĩ đến người, không nghĩ đến ta, không nghĩ mạng sống lâu. Không nghĩ có, không có. Cũng không nghĩ hòa hợp, cũng không nghĩ phần giữa, cũng không nghĩ về nhớ tưởng. Lửa này, không dập tắt, thì nó cũng tự tắt. Lửa kia có thể là ý niệm tự nhiên mà không dùng củi.
Con lắng nghe rõ lời dạy, liền vòng tay hỏi Phật: Phải khơi lửa như thế nào mà không dùng củi?
Vị Phật kia dạy: Có tuệ Như Lai, không thể lý giải. Người phải học, học rồi liền có thể tạo ra lửa mà không dùng đến củi. Thực hiện được điều học này, thì cũng không nhớ nghĩ đến dâm, nộ, si. Vì thế lửa liền bị dập tắt. Con nghe lời dạy đó của Phật liền đem cả đầu não mà lãnh nhận.
Chỗ con thấy được ấy là điềm lành vốn nó là của con?
Phật bảo: Như chỗ ông đề cập đó là điềm lành của tuệ Như Lai ấy.
Lại có Bà La Môn tên là Mâu Lê Sư Lợi, bạch Phật: Con vừa đưa sữa đặt vào trong lửa, muốn khiến cho nó cháy bùng lên, con liền thấy tuệ Như Lai. Thân Phật có ba hai tướng và các vẻ đẹp.
Liền đó vị Phật kia bảo: Dùng ngọn lửa này làm việc gì?
Có tuệ Như Lai, vì sao không học?
Lúc ấy, con hỏi vị Phật kia: Phải học ở chỗ nào?
Đến Kỳ Hoàn, nơi Phật Thích Ca Văn trú ngụ.
Điềm lành này vốn nó là của con?
Lại có Bà La Môn tên là Phân Chẩn Giả Kiều Tuyền, bạch Phật: Con đến Lư thượng hái hoa, sắp sửa đem về thì thấy tuệ Như Lai, thân Phật có ba hai tướng tốt và các vẻ đẹp.
Vị Phật kia bảo: Lấy hoa không phải như ông, bẻ hoa như vậy se có chỗ hư hoại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Hai - Phẩm Bốn Pháp điên đảo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ Kheo - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thân Thứ
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Chư Thiên Khen Ngợi
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ðoạn Giảm - Phần Bảy - Pháp Môn Giải Thoát