Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Mười Bốn - Phật Thuyết Kinh Vua Tát Hòa đàn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN MƯỜI BỐN

PHẬT THUYẾT KINH

VUA TÁT HÒA ĐÀN  

Xưa có vị Quốc Vương hiệu là Tát Hòa Đàn, có nghĩa là bố thí khắp tất cả. Ai có điều cầu xin đều không trái ý. Do bố thí như thế nên tên tuổi Vua ấy vang khắp tám phương, không ai là không nghe biết.

Bấy giờn đức Văn Thù Sư Lợi muốn đến xem thử, nên hóa làm một người Bà La Môn trẻ tuổi, từ nước khác đến thẳng cửa vương cung, nói với quan giữ cửa: Tôi từ xa đến muốn được yết kiến Đại Vương.

Khi nghe quan giữ cửa tâu như vậy, Nhà Vua rất vui mừng, liền ra tiếp đón như con gặp cha, trước là chào hỏi, mời ngồi, rồi thưa: Đạo nhân từ đâu lại trên đường lặn lội đến đây có được khỏe không? 

Bà La Môn nói: Tôi ở nước khác, nghe công đức của Vua nên đến để được gặp, nay muốn xin của cải.

Nhà Vua nói: Tốt lắm! Muốn xin gì là được ngay, chớ có ngần ngại. Tên ta gọi là bố thí tất cả.

Vậy Ngài muốn xin những vật gì?

Vị Bà La Môn nói: Tôi không xin vật gì khác, chỉ muốn được thân Vua làm đầy tớ trai cho tôi và vợ Vua thì làm tớ gái cho tôi. Nếu được như thế thì Nhà Vua đi theo tôi.

Nhà Vua rất vui mừng, đáp: Tốt lắm! Nay thân ta thì ta tự định được, nguyện đem thân này giao cho đạo nhân sai khiến. Còn vợ ta vốn là con gái của một vị đại Quốc Vương, phải đến hỏi ý kiến xem sao.

Nhà Vua liền vào nói với phu nhân: Nay có vị Đạo Nhân, tuổi trẻ, đoan chánh, từ phương xa đến, muốn xin thân ta về làm tớ trai, nay lại muốn xin luôn Khanh về làm tớ gái, ý Khanh thế nào?

Phu nhân hỏi: Nhà Vua đã trả lời ra làm sao?

Vua nói: Ta đã hứa làm tớ trai cho ông ấy rồi, nhưng chưa hứa cho khanh.

Phu Nhân nói: Vua vì được việc cho riêng mình mà muốn bỏ nhau, không nghĩ đến việc độ cho thiếp.

Rồi phu nhân theo Vua ra thưa với đạo nhân: Nguyện được đem thân này dâng cho đạo nhân sai khiến.

Vị Bà La Môn lại nói với Vua: Vua đã xét kỹ chưa?

Bây giờ ta muốn đi đây.

Vua thưa với đạo nhân: Tôi bình sinh bố thí chưa từng hối hận, xin theo đạo nhân.

Bà La Môn nói: Các vị theo ta đều phải đi chân đất, không được mang giầy, đúng theo phép tôi tớ, không được che giấu.

Nhà Vua và phu nhân đều nói: Thưa vâng! Xin theo lời đại gia dạy bảo, không dám trái lệnh.

Bấy giờ, vị Bà La Môn liền dẫn hai nô tỳ băng đường mà đi. Đức Văn Thù Sư Lợi liền hóa ra người khác, thay cho Vua Tát Hòa Đàn và phu nhân ở lại lo việc nước, khiến ở đó mọi việc như cũ.

Phu nhân của Vua vốn là con gái của một đại Quốc Vương, đoan chánh vô song, tay yếu chân mềm, sinh trưởng ở chốn thân cung, không hề cực khổ, thân lại mang thai mấy tháng, bà gắng đi bộ theo đại gia, toàn thân đau đớn, chân cẳng bị thương, không thể tiến lên trước, đành mệt nhọc lê bước theo sau.

Vị Bà La Môn ngoảnh lại mắng: Ngươi là tớ gái phải theo phép tớ gái, không thể có thái độ như ngày trước.

Phu nhân quỳ dài, thưa: Không dám thế, chỉ hơi mệt mỏi một chút nên phải dừng lại nghỉ thôi.

Vị Bà La Môn la: Hãy mau đến đây, theo sau ta ngay!

Khi đến phía trước chợ của một nước, ông Bà La Môn bèn bán riêng mỗi nô tỳ cho một chủ, cách nhau vài dặm. Có ông Trưởng Giả mua được tớ trai ấy, sai giữ nhà đất cho ông ta, có ai đem chôn người chết thì thu thuế, không được làm chuyện sai quấy.

Lúc này người tớ gái đã thuộc về phu nhân của một đại gia hay ghen, ngày đêm bắt nàng làm việc không hở tay. Sau đó vài ngày thì người tớ gái chuyển bụng, sinh được một đứa con trai.

Phu nhân chủ giận dữ nói: Người là tớ sao có đứa con ấy, mau đem giết đi!

Theo lời bảo của vợ đại gia, người nữ tỳ liền đem giết đứa bé ấy rồi mang đi chôn, ghé sang chỗ người tớ trai.

Hai người được gặp nhau, nàng nói: Thiếp sinh được một đứa con trai, nhưng nay đã chết rồi, mà không mang theo tiền, đâu có thể dối chôn được ở đây, phải không?

Người tớ trai nói: Đại gia rất nóng nảy, ông ấy mà biết được thì tội tôi không nhỏ. Nàng hãy mang đi tìm chỗ khác, không nên đứng ở đây.

Vua và phu nhân tuy được gặp nhau, nhưng không hề kể lể về chuyện cực khổ, lòng đều không oán giận. Nói năng như vậy trong giây lát, chập chờn như trong giấc mơ, Vua và phu nhân tự nhiên trở lại ngồi trên chánh điện trong cung tại nước mình như trước, không gì khác. Các quần thần, hậu cung thể nữ thảy đều như cũ. Thái Tử vừa sinh cũng tự nhiên sống.

Trong lòng Vua và phu nhân tự hoài nghi: Duyên cớ gì đến như vầy?

Đức Văn Thù Sư Lợi, hiện thân sắc tướng ngồi trên tòa sen bảy báu ở trong không trung, khen: Lành thay! Nay ông bố thí chí thành như vậy!

Vua và phu nhân vô cùng vui mừng, liền đến trước mặt làm lễ đức Văn Thù Sư Lợi vì họ thuyết giảng Kinh Pháp. Ba ngàn Quốc Độ đều chấn động mạnh, dân chúng khắp cả nước đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Vua và phu nhân ngay lúc đó liền đạt được quả pháp nhẫn bất khởi vô sinh pháp nhẫn.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Đức Vua thời đó chính là thân ta, phu nhân ngày ấy nay là Câu Di, Thái Tử nay là La Vân.

Đức Phật dạy: Này A Nan, ta kiếp trước đã từng bố thí như thế, vì tất cả mọi người nên không tiếc thân mạng, trải qua vô số kiếp không hề hối hận, không hề mong cầu danh lợi, tự đạt đến Chánh Giác.

Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần