Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tư Lương - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH TƯ LƯƠNG  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tư lương quán sát như thế để chân chánh diệt tận khổ, đạt đến nơi tột cùng của mé khổ?

Khi tư lương về tất cả những cái khổ khác nhau của chúng sanh.

Các khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Khi suy nghĩ thì biết rằng, do thủ làm nhân, thủ tập, thủ sanh, thủ xúc. Nếu thủ này diệt, không còn sót, thì chắc chắn các khổ này cũng sẽ diệt.

Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thủ đã diệt.

Lại nữa, Tỳ Kheo tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đạt đến nơi tột cùng của mé khổ.

Khi ấy, tư duy thủ kia do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Tư duy, thủ này do ái làm nhân, ái tập, ái sanh, ái xúc.

Khi ái này vĩnh viễn diệt, không còn, thì thủ cũng theo đó mà diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là ái đã diệt.

Lại nữa, Tỳ Kheo tư duy quán sát, để chân chánh diệt khổ và đạt đến nơi tột cùng của mé khổ.

Khi ấy, tư duy ái này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Tư lương ái là do thọ làm nhân, thọ tập, thọ sanh, thọ xúc.

Khi thọ này vĩnh viễn diệt, không còn, thì ái cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thọ diệt.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ.

Tư duy thọ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Nên biết thọ này do xúc làm nhân, xúc tập, xúc sanh, xúc duyên.

Khi xúc này vĩnh viễn diệt mất, không còn sót, thì thọ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ.

Tư duy xúc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Nên biết xúc này do sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ xúc. Khi sáu nhập xứ này diệt, không còn sót, thì xúc cũng bị diệt.

Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ.

Tư duy sáu nhập xứ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Nên biết sáu nhập xứ này là do danh sắc làm nhân, danh sắc tập, danh sắc sanh, danh sắc xúc. Nên khi danh sắc này diệt hết, không còn sót, thì sáu nhập xứ cũng bị diệt.

Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là danh sắc diệt.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ.

Tư duy danh sắc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Nên biết danh sắc là do thức làm nhân, thức tập, thức sanh, thức xúc. Khi thức này diệt không còn, thì danh sắc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thức diệt.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ.

Tư duy thức này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Nên biết thức này là do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc. Khi làm các phước hành, thì thiện thức sanh.

Làm những hành không phước, không thiện thì thức bất thiện sanh. Làm hành vô sở hữu, thì thức vô sở hữu sanh.

Vì cái thức này do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc. Nên khi hành kia diệt, không còn thì thức cũng bị diệt.

Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp.  Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là hành diệt.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ.

Tư duy hành này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc?

Nên biết hành này do vô minh làm nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc.

Phước hành này do vô minh làm duyên, phi phước hành cũng do vô minh làm duyên, phi phước phi phi phước hành cũng do vô minh làm duyên. Nên biết hành này do vô minh là nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc.

Khi vô minh này hoàn toàn bị diệt không còn, thì hành này cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp. Đó gọi là Tỳ Kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là vô minh diệt.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Ý các ông nghĩ sao?

Nếu không ái nhiễm vô minh mà sanh minh thì người ấy còn duyên vô minh này làm các phước hành, phi phước hạnh, hoặc làm vô sở hữu hành chăng?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không vậy.

Vì sao?

Vì đa văn Thánh Đệ Tử không ái nhiễm vô minh thì sanh minh. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, như vậy cho đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng diệt.

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ Kheo, Ta cũng nói như vậy, các Tỳ Kheo cũng biết như vậy.

Ở nơi pháp này pháp kia mà khởi lên Pháp này pháp kia. Sanh pháp này pháp kia, diệt pháp này pháp kia, diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh.

Đa văn Thánh đệ tử nếu ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy.

Khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy.

Khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, thì ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.

Ví như người lực sĩ lấy món đồ gốm vừa mới nung, còn nóng, đặt trên đất, chỉ trong chốc lát vật này bị tan hoại, sức nóng cũng tan mất.

Cũng vậy, Tỳ Kheo ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy.

Khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy.

Khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, thì ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường