Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ Kheo Ni - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TỲ KHEO NI
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ Tôn Giả A Nan cũng ở đó.
Lúc ấy có một Tỳ Kheo Ni khởi tâm nhiễm trước đối với Tôn Giả A Nan, sai người đến thưa Tôn Giả A Nan: Thân con bị bệnh khổ, xin Tôn Giả thương xót đến thăm. Tôn Giả A Nan sáng sớm đắp y mang bát đến chỗ Tỳ Kheo Ni kia. Tỳ Kheo Ni kia từ xa trông thấy Tôn Giả A Nan đi đến, để thân thể lõa lồ nằm trên giường. Tôn Giả A Nan từ xa trông thấy thân thể của Tỳ Kheo Ni liền thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại.
Tỳ Kheo Ni kia trông thấy Tôn Giả A Nan thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại, liền tự cảm thấy hổ thẹn. Cô đứng lên khoác lại y phục, trải tọa cụ, đón tiếp Tôn Giả A Nan, mời ngồi, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn Giả, rồi lui đứng sang một bên.
Lúc ấy, Tôn Giả A Nan liền vì Tỳ Kheo Ni này nói pháp: Này cô, như cái thân này là do thức ăn uế tạp nuôi lớn, do kiêu mạn nuôi lớn, do ái nuôi lớn, do dâm dục nuôi lớn. Này cô, nương nơi thức ăn uế tạp thì nên dứt các thức ăn uế tạp. Nếu nương nơi kiêu mạn, thì nên dứt kiêu mạn. Nương nơi ái dục, hãy dứt ái dục.
Này cô, thế nào gọi là nương nơi thức ăn uế tạp thì dứt thức ăn uế tạp?
Thánh đệ tử đối với sự ăn uống, phải xét lường, suy nghĩ mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú, không ăn với ý tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng làm đẹp.
Mà chỉ vì duy trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh, vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát sanh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng.
Hoặc lực, hoặc lạc, hoặc xúc nên trụ như thế. Thí như khách buôn dùng dầu tô hay dầu nấu đặc để bôi xe, không có ý tưởng nhiễm trước, không có ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không ý tưởng làm đẹp mà chỉ vì chuyên chở.
Lại như người bị bệnh ghẻ bôi dầu không ý tưởng nhiễm trước hay ưa thích, không ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không có ý tưởng làm đẹp mà vì lành bệnh ghẻ.
Như thế Thánh đệ tử xét lường mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú, không ăn với ý tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng làm đẹp.
Mà chỉ vì duy trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh, vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát sanh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng. Hoặc lực, hoặc lạc, hoặc xúc, không lỗi lầm, trụ an ổn. Này cô, đó gọi là nương thức ăn thì dứt ăn. Nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn.
Thế nào là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn?
Thánh đệ tử nghe Tôn Giả kia, hay đệ tử của Tôn Giả kia, sạch hết các hữu lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, tự biết không còn tái sanh nữa.
Nghe rồi liền nghĩ rằng: Thánh đệ tử kia hết sạch hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa.
Còn ta ngày nay, vì sao không hết hữu lậu, vì sao không tự biết không còn tái sanh nữa?
Ngay lúc đó chắc chắn sẽ có thể dứt các hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Này cô, đó gọi là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn.
Này cô, thế nào là nương ái thì dứt ái?
Thánh đệ tử nghe Tôn Giả kia, hay đệ tử của Tôn Giả kia, hết sạch các pháp hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Còn chúng ta sao chẳng hết hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Ngay lúc ấy có thể dứt các hữu lậu tự biết không còn tái sanh nữa.
Này cô, đó gọi là nương ái thì ái dứt. Này cô, người không còn việc để làm, tức là người đã cắt đứt cầu đò, đoạn tuyệt dâm dục.
Khi Tôn Giả A Nan nói pháp, Tỳ Kheo Ni xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ Kheo Ni ấy thấy pháp đắc pháp, giác pháp, nhập pháp, không còn hồ nghi, chẳng do người khác, đối với Chánh Pháp luật tâm không sợ hãi.
Tỳ Kheo Ni đến đảnh lễ dưới chân Tôn Giả A Nan và thưa: Ngày nay con xin phát lồ sám hối. Con ngu si, không tốt, làm ra chuyện xấu xa như thế. Nay ở nơi Tôn Giả A Nan, con tự thấy lỗi lầm, tự biết lỗi, con xin phát lồ sám hối, mong Tôn Giả thương xót.
Tôn Giả A Nan bảo Tỳ Kheo Ni: Bây giờ cô đã chân thật tự thấy tội, biết lỗi, ngu si, bất thiện. Cô tự biết đã tạo tội xấu xa. Cô tự biết, tự thấy và ăn năn lỗi lầm, ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới. Nay tôi nhận sự sám hối của cô, vì thương xót muốn khiến cô được tăng trưởng pháp lành trọn không thoái giảm.
Vì sao?
Vì nếu người tự thấy tội, tự biết tội, luôn sám hối thì ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới, pháp lành tăng trưởng, trọn không thoái giảm.
Sau khi Tỳ Kheo Ni này nghe Tôn Giả A Nan nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhuận Trạch - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Hai - Tiểu Phẩm - Kinh Ràhula
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Năm Mươi Tám - Phẩm Thậm Thâm