Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Phú Chúc

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG

BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM PHÚ CHÚC  

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A Nan: Ông hãy thọ trì Kinh bát nhã Ba la mật này.

A Nan từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa áo, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con phải thọ trì như thế nào?

Phật dạy: Thọ trì Kinh này có mười pháp, mười pháp đó là:

1. Ghi chép.

2. Cúng dường.

3. Lưu truyền.

4. Lắng nghe.

5. Tự đọc.

6. Ghi nhớ, giữ gìn.

7. Rộng truyền bá.

8. Đọc tụng.

9. Suy nghĩ.

10. Tu hành.

A Nan! Thọ trì mười pháp này là thọ trì được Kinh này vậy. Cũng như tất cả cây rừng, hoa, thuốc đều nương vào mặt đất rộng lớn mà sinh. Cũng như tất cả thiện pháp đều nương bát nhã Ba la mật mà sinh.

A Nan! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương, nếu ở thế gian thì bảy báu thường hiện. Bát nhã Ba la mật cũng như vậy. Nếu Kinh này còn ở thế gian thì Tam Bảo không đoạn tuyệt.

Khi ấy, cùng lúc đại chúng đều chiêm ngưỡng Như Lai và đồng thanh nói rằng: Các Thiện Nam Tử nào mà sau khi Như Lai diệt độ có thể gánh vác việc này?

Bạch Thế Tôn! Như vậy gánh vác trách nhiệm lớn này phải là người đã trải qua vô lượng, vô biên, vô số kiếp tu tập, và sự tu tập ấy đã đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Lúc ấy, trong chúng có một vạn hai ngàn Đại Bồ Tát vì hộ trì pháp, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, nói kệ khen ngợi:

Chúng con bỏ thân mạng

Không cầu báo đời sau

Hộ trì pháp sâu xa

Mà Thế Tôn đã nói.

Bấy giờ, trong chúng có năm trăm Thiên Tử, mà đứng đầu là Hiền Vương, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, nói kệ khen ngợi:

Vì độ các chúng sinh

Thành tựu nguyện đại bi

Hộ trì pháp sâu xa

Mà Thế Tôn đã nói.

Bấy giờ, Thích Đề hoàn Nhân, Thi khí Đại phạm, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, nói kệ khen ngợi:

Trí tuệ thuốc vi diệu

Trị được tất cả bệnh

Chúng con nguyện xin giữ

Pháp Thế Tôn đã nói.

Lúc đó, Chấp Kim Cang thần, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, nói kệ khen ngợi:

Pháp vốn không tên gọi

Phật dùng danh tự nói

Lời đại bi của Phật

Chúng con nguyện giữ gìn.

Thế Tôn bảo Thi khí Phạm Thiên: Này Phạm Thiên!

Phật có ba việc tối thượng, ba việc đó là:

1. Hay phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

2. Hộ trì chánh pháp.

3. Tu hành đúng pháp đã nghe.

Phạm Thiên! Nếu có người tu hành ba pháp vô thượng này, thì người đó mới được gọi là cúng dường Như Lai. Nếu Phật ở đời một kiếp hoặc ít hơn một kiếp để nói công đức kia thì cũng không thể nói hết được.

Phạm Thiên! Nếu có người hộ trì một bài kệ bốn câu của Như Lai thì công đức của người ấy cũng không thể lường được. Huống chi đối với bát nhã Ba la mật lại là mẹ ba đời Chư Phật.

Phạm Thiên! Vì sao vậy?

Vì Chư Phật Như Lai đều từ bát nhã Ba la mật mà sinh ra. Cúng dường pháp này tức là cúng dường Chư Phật Như Lai, chứ chẳng phải đem tiền của mới là cúng dường. Trong các sự cúng dường, cúng dường pháp là thứ nhất.

Phạm Thiên! Nếu có người hộ trì chánh pháp của Như Lai, thì phải biết là người này hai đời sẽ được an lạc. Cho nên Phạm Thiên, cần phải ủng hộ và thọ Kinh sâu xa này.

Này Phạm Thiên! Do ông ủng hộ chánh pháp, nên ông là người được thỉnh pháp với một ngàn Đức Phật, trong đời hiền kiếp.

Phạm Thiên! Ở cõi ô uế này mà ông hộ trì chánh pháp dù trong khoảng giây lát, cũng còn hơn ở cõi tịnh độ một kiếp. Do đó cần phải siêng năng tinh tấn hơn để ủng hộ chánh pháp.

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Thích Đề hoàn Nhân: Kiều Thi Ca! Ở nơi nào có Kinh bát nhã Ba la mật này, thì phải biết là nơi đó Như Lai giác ngộ, là nơi Như Lai chuyển pháp luân, là nơi thị hiện Niết Bàn.

Kiều Thi Ca! Vì sao?

Vì tất cả Bồ Tát, tất cả thiện pháp, tất cả Chư Phật đều từ Kinh này sinh ra.

Kiều Thi Ca! Nếu có Pháp Sư diễn giảng Kinh này, thì nơi ấy là chỗ giáo hóa của Như Lai. Vì thế cần phải sinh tâm thân cận hiểu biết và tôn trọng Pháp Sư ấy giống như kính trọng Phật. Khi thấy Pháp Sư này phải cung kính, vui mừng, tôn trọng, khen ngợi.

Kiều Thi Ca! Nếu ta ở đời một kiếp hoặc ít hơn một kiếp, để nói về công đức diễn giảng Kinh này của Pháp Sư, thì không sao nói hết.

Kiều Thi Ca! Hoặc tại nơi hoằng hóa của vị Pháp Sư này, có thiện nam hay thiện nữ nào, chích lấy máu rưới lên đất để bụi khỏi bay lên.

Cúng dường như vậy chưa phải là nhiều.

Vì sao?

Vì pháp luân của Như Lai khó thọ trì.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu trong đời vị lai, nơi nào có nói Kinh này, thì con cùng quyến thuộc sẽ ủng hộ nơi ấy và người nói pháp ấy, hoặc gặp nơi nào có để Kinh này, thì trước hết phải sinh tâm nhớ nghĩ về bốn nơi.

Thế Tôn khen Đế Thích: Hay thay, hay thay! Kiều Thi Ca! Ta đem Kinh này phú chúc cho ông, ủng hộ và diễn giảng trong đời mạt thế ở tương lai.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do Kinh này mà Chư Thiên chúng con được sinh trong đường thiện và cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng do Kinh này. Con nguyện sẽ ủng hộ chánh pháp quên cả thân mạng.

Phật nói: Kiều Thi Ca! Phải đúng như pháp đã nghe mà tu hành.

Lành thay, lành thay. Khi Phật nói Kinh này rồi, Thắng Thiên Vương và mười phương chúng Đại Bồ Tát, tất cả chúng Thanh Văn, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… đều tin nhận và phụng hành những gì Phật đã nói.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần