Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN BA  

Này Na La Diên! Nếu đem chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới có phước tuệ của vị Duyên Giác, so với một Bồ Tát có phước đức trí tuệ đã trải qua năm trăm kiếp tu hành, trăm phần không bằng một. Muốn vào pháp tam muội tập nhất thiết phước đức nên như vậy mà học tập.

Khi Đức Phật giảng nói pháp này, ba vạn hai ngàn chúng sinh đều phát tâm cầu đạt đạo chánh chân vô thượng. Ba ngàn đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách. Hàng Trời, người cùng nhau trỗi nhạc và rải hoa đến đầu gối.

Hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Đế Thích, Phạm Vương, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, đều thưa: Bạch Thế Tôn! Người mới phát tâm thù thắng hơn chúng con.

Thưa Thế Tôn! Chúng con cũng vì lợi ích cho các thiện nam, tín nữ đã phát tâm, nay phát tâm và sẽ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Như chúng con hiểu ý nghĩa Đức Phật dạy: Nếu có chúng sinh không phát tâm cầu đạo chánh chân vô thượng, thì không thể hướng đến pháp tam muội tập nhất thiết phước đức cũng không chính thức dự vào tam muội này.

Nếu có chúng sinh phát tâm cầu đạo chánh chân vô thượng thì có thể hướng đến pháp tam muội tập nhất thiết phước đức, cũng có thể chính thức dự vào tam muội này.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai thưa: Bạch Thế Tôn! Dùng những pháp gì để thành tựu được pháp tam muội tập nhất thiết phước đức?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Muốn thành tựu pháp tam muội tập nhất thiết phước đức cần phải thực hành một pháp: Tâm không bao giờ rời bỏ nhất thiết trí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu một pháp để hướng về pháp tam muội.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu hai pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức:

1. Vui nghe pháp Phật không chán nản.

2. Đã nghe rồi thì như lời dạy mà tu hành.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu hai pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Muốn thành tựu ba pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Thế nào là ba pháp?

1. Xa lìa các điều ác.

2. Hành trì các pháp lành.

3. Đem tất cả hồi hướng.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu ba pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu bốn pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Nghĩa là:

1. Thanh tịnh giới.

2. Thanh tịnh kiến.

3. Thanh tịnh tâm.

4. Thanh tịnh tuệ.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu bốn pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu năm pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Thế nào là năm pháp?

1. Hết lòng phát tâm bồ đề.

2. Thường nói lời chân thật.

3. Không siểm nịnh hư ngụy.

4. Không có tâm ganh ghét.

5. Thường sinh tâm bình đẳng.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu năm pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu sáu pháp thuộc về pháp tam muội tập tập nhất thiết phước đức.

Những gì là sáu?

1. Thân cận thiện tri thức.

2. Xa lìa tri thức ác.

3. Xa lánh chỗ ồn ào.

4. Ưa thích nơi vắng lặng.

5. Không bỏ tâm đại từ.

6. Với chúng sinh luôn khởi tâm đại bi.

Này thiện nam! Đó là sáu pháp thuộc pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu bảy pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Những gì là bảy?

1. Thường tu thiền định.

2. Khéo thành tựu trí tuệ.

3. Khéo biết về nhân.

4. Khéo biết về duyên.

5. Chánh trực an trú.

6. Tu tập chánh đạo.

7. Khi tu hành chánh đạo không có biếng nhác.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu bảy pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu tám pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Những gì là tám?

1. Điều hòa thân.

2. Điều hòa tâm.

3. Quán cảm thọ.

4. Quán các pháp.

5. Điều ác chưa sinh khiến nó không sinh.

6. Điều ác đã sinh khiến nó đoạn diệt.

7. Điều lành chưa sinh khiến nó được sinh.

8. Điều lành đã sinh giúp nó tăng trưởng.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu tám pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu chín pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Những gì là chín?

1. Quán các pháp quá khứ không cùng tận.

2. Quán pháp hiện tại cũng không cùng tận.

3. Quán pháp vị lai cũng không cùng tận.

4. Quán các pháp đều như huyễn.

5. Tánh giác bình đẳng thông cả ba đời.

6. Biết hết thảy pháp mà được an nhẫn.

7. Không phỉ báng pháp tánh không.

8. Không phân biệt pháp vô tướng.

9. Không nguyện sinh các cõi.

Đó gọi là thành tựu chín pháp thuộc pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu mười pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Những gì là mười?

1. Biết rõ được pháp vô ngã.

2. An nhẫn với ý nghĩa không thọ mạng.

3. Không nghi pháp nói về vô nhân.

4. Nương tu pháp vô thường.

5. Đối với chỗ sinh của các chúng sinh, tưởng như là địa ngục.

6. Quán bốn đại như rắn độc.

7. Quán nhập như không tụ.

8. Quán ấm như một hợp thể dễ phân rã.

9. Biết tưởng sinh ra các cõi.

10. Ham tu giải thoát.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu mười pháp thuộc về pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai thưa Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát muốn thành tựu tất cả phước đức trang nghiêm, nên thuận theo tu tập tam muội này.

Nếu Đại Bồ Tát muốn gom tất cả phước đức, nên thuận theo tu tập tam muội này.

Nếu Đại Bồ Tát muốn được phước đức không thể nghĩ bàn, nên tin vào pháp tam muội này, nên thuận theo tu tập pháp tam muội này.

Nếu Đại Bồ Tát muốn được phước đức không cùng tận, cũng nên tu hành theo tam muội này.

Nếu Đại Bồ Tát muốn đạt đến tất cả phước đức như biển cả, nên thọ trì, đọc tụng, tu hành theo tam muội này.

Nếu Đại Bồ Tát muốn được trăm phước tướng, cần nên tu hành theo tam muội này.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai thưa Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát tu pháp nào để tương ưng và thành tựu đầy đủ tất cả phước đức trang nghiêm này, gom lại tất cả phước đức không thể nghĩ bàn, phước đức không cùng tận, phước đức như biển cả, phước đức đầy đủ trăm phước tướng.

Khi ấy, Đức Phật bảo Lực sĩ Tinh Oai: Này thiện nam! Có ba pháp làm trụ cột cho phước đức. Phước đức trang nghiêm, phước đức nhóm họp, phước đức rộng lớn như biển cả, phước đức không thể suy nghĩ hết. Phước đức không cùng tận, phước đức như biển cả, phước đức không thể suy nghĩ hết.

Những gì là ba?

1. Bố thí trang nghiêm.

2. Trì giới trang nghiêm.

3. Đa văn trang nghiêm.

Này thiện nam! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành bố thí trang nghiêm?

Này thiện nam! Đại Bồ Tát nên sinh tâm như thế này: Nếu khi bố thí không nên thấy mình có tâm thí, không thấy vật bố thí và người thọ thí, thấy người là quyến thuộc. Nếu người đến xin có chỗ mong cầu, nên chấp nhận giúp đỡ họ. Không vì tài vật của Vua ban, các của báu v.v… mà có tâm lẫn tiếc.

Này thiện nam! Là Đại Bồ Tát nên suy nghĩ như vậy: Nay thân của ta đây đã nguyện xả thí cho tất cả chúng sinh huống gì các thứ tiền tài vật chất khác. Nếu đã bố thí sẽ không hối hận. Họ cần tiền của giúp tiền của, cần ăn giúp đồ ăn, cần uống giúp nước uống.

Cho đến cần mắt cho mắt, cần thịt cho thịt, cần máu cho máu, cần tủy cho tủy, cần chi tiết cho chi tiết. Như nhu cầu cần xin đầu ta cũng nên bố thí, huống gì các thứ tiền tài vật chất khác. Nào lúa gạo, vàng bạc, y phục, chuỗi anh lạc, voi ngựa, xe cộ, quốc thành, Vương cung, nam nữ, vợ con, nô tỳ, bà con quyến thuôc, tất cả đều buông xả.

Nếu có chúng sinh tùy chỗ họ cần dùng cầu xin, ta sẽ tùy theo khả năng đang có mà giúp đỡ cho họ. Không buồn không hối hận, không mong cầu họ báo đáp lại, phát khởi tâm từ bi vì giáo hóa chúng sinh, giáo hóa chúng sinh cho đến khi họ thành Phật cũng không thôi nghĩ.

Này thiện nam! Nếu có Bồ Tát phát tâm như vậy, gọi là Bồ Tát dùng bố thí để trang nghiêm.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát không tự chấp trước thân mạng thà bỏ thân mạng, không thể vì nó mà làm ác, không vì nuôi dưỡng thân mà làm các nghề tà mạng, thà bỏ thân mạng không xúc não người khác. Không vì thôn ấp được phong mà tạo các điều ác, không vì bà con quyến thuộc mà hung hăng trang đấu, không vì thê thiếp và do nam nữ mà sinh tâm ganh ghét về tài, về lợi của người khác.

Không sinh tâm tham lam keo kiệt mà thường thiểu dục, cho đến sinh một niệm tâm ác, huống nữa là nhiều. Vì dứt trừ tham lam keo kiệt, không sinh tâm sân giận cho nên tương ưng với việc tu hành chân chánh, do tương ưng với tu hành chân chánh nên gặp chỗ ở thanh tịnh, do chỗ ở thanh tịnh nên tương ưng với chánh giới, do tương ưng chánh giới, nên được gần thiện tri thức.

Thường cung kính cúng dường, do cung kính cúng dường thiện tri thức nên được nghe chánh pháp, nghe chánh pháp rồi sẽ như lời chỉ dạy mà tu hành, như lời chỉ dạy tu hành rồi, thì hay tạo lợi ích cho chúng sinh tà đạo, không nên làm ác mà tùy thuận pháp lành, được biết các pháp phương tiện và biết căn tánh chúng sinh.

Này thiện nam! Như vậy là Bồ Tát tu hành bố thí để trang nghiêm mà được công đức.

Lại nữa, này thiện nam! Vị Đại Bồ Tát không sinh tư tưởng có nội ngoại, hoặc địa đại bên trong, hoặc địa đại bên ngoài, đều không có tưởng sai khác.

Vì sao?

Thân ta như tường vách, cỏ cây, như hình ảnh, như ngọn lửa, nó không biết, không nghĩ, không tạo tác, không vững chắc, đều thuộc về bốn đại. Nếu có chém chặt, dùng dao, gậy, ngói, đá đánh đập nó đều không phản ứng. Vì vây nên không chấp chặt thân, không yêu mến thọ mạng, đối với các chúng sinh không sinh tâm sân hận, mà đối với họ tu hạnh từ bi.

Này thiện nam! Cũng giống như cây thuốc, thầy thuốc có lấy rễ, thân, cành, nhánh, lá, hoa và quả, cây thuốc ấy không có ý niệm là nên lấy rễ chớ lấy thân, hay lấy thân chớ lấy rễ, như thế cho đến cành, lá, quả cũng vậy, cây thuốc ấy đều không tưởng, niệm gì cả, im lặng nhưng nó lại có khả năng làm cho các loại bệnh của tất cả chúng sinh an lành khỏe mạnh.

Như vậy, này thiện nam! Đại Bồ Tát đối với thân bốn đại xem như cây thuốc. Tùy các chúng sinh, cần tay sẵn sàng cho tay, cần chân cho chân, cần mắt cho mắt, cần thịt cho thịt, cần máu cho máu, cần xương cho xương, cần tủy cho tủy, cần đầu cho đầu, cần các chi tiết khác đều cho tất cả.

Này thiện nam! Như thế Bồ Tát dùng tâm tu hành như vậy mà bố thí để trang nghiêm hướng đến vô tận. Khi Đại Bồ Tát tu hạnh bố thí vì chúng sinh tham lam keo kiệt khiến cho họ thành người ưa bố thí. Chúng sinh thiếu phước đức sẽ đầy đủ phước đức. Chúng sinh bần cùng sẽ được ruộng vườn giàu có. Nếu xả thí tay chân sẽ khiến cho chúng sinh đầy đủ tay chân.

Như vậy bố thí sẽ không hướng đến ba mục đích.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần