Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN TÁM  

Khi ấy, Đức Thế Tôn tán thán Lực sĩ Tịnh Oai: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Những điều ông nói như vây rất là tương ưng. Nếu hay biết như thế thì người ấy đối với các pháp không có ngu si, đúng như vậy mà tu hành thì không có chướng ngại. Người chân chánh tu hành không tự trói buộc nên cũng không giải mở.

Vì sao?

Vì người ấy có chánh tư duy, nên đối với tất cả pháp không dừng dứt, cũng không chạy theo. Nếu người được như vậy gọi là dùng chánh kiến để thấy rõ tất cả pháp, như vậy là chánh kiến.

Thế nào gọi là chánh kiến?

Nghĩa là chưa thấy rõ thật tướng các pháp mà nói đã thấy. Vì vậy nói vô sinh cũng là lời nói không thật.

Nói vô sinh cũng chỉ là tên gọi, như ta đã nói: Thấy rõ các pháp là vô sinh phải dùng trí tuệ mới thấy. Nếu đạt đến địa vị giải thoát chân chánh mới gọi là chánh kiến. Nếu như vậy mà thấy gọi là đạt đến chánh vị.

Do duyên gì gọi là chánh vị?

Khi thấy rõ ngã cùng với vô ngã cả hai đều bình đẳng, nên thành tựu vô ngã v.v… cùng các pháp giải thoát khác đều sinh khởi, cho nên gọi là đạt đến địa vị giải thoát chân chánh.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên bạch Phật: Thưa Thế Tôn, rất ít có! Thưa Thiện Thệ, rất ít có.

Như vậy, các pháp tánh thường vắng lặng. Đại Bồ Tát có thể nghe pháp này, có thể biết pháp này, có thể tin pháp này, không ở nửa đường mà vào Niết Bàn.

Phật bảo Bồ Tát Na La Diên: Bồ Tát nhờ sức phương tiện mới có thể như vậy. Nếu Bồ Tát thành tựu phương tiện khéo léo ở trong mỗi mỗi niệm có thể được bốn pháp.

Những gì là bốn?

1. Pháp đại thừa.

2. Pháp đại bi.

3. Biết nhất thiết trí.

4. Khi Phật xuất hiện ở đời, không làm đoạn mất hạt giống pháp Phật.

Nếu theo bốn pháp đó mà tu hành sẽ biết rõ cảnh giới của chúng sinh là hiện tướng sẽ được địa vị tướng chân chánh, cũng biết hết thảy pháp tánh thường vắng lặng, nên khi nghe có thể tin hiểu, không bỏ nửa chừng mà vào Niết Bàn. Như vậy gọi là pháp điều phục biết là lợi ích chúng sinh, biết rồi mà còn thấy họ, cho đến dù không thấy họ cũng làm lợi ích cho họ.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không bỏ hết thảy chúng sinh.

Khi ấy Lực sĩ Tịnh Oai thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào như lời Phật dạy không rơi vào chánh vị?

Đức Phật dạy: Này Thiện nam! Là Đại Bồ Tát không sinh khởi các kiến chấp, nhưng Phật sự nào cũng hoàn thành. Hàng Thanh Văn không có duyên với các chúng sinh, không có duyên với Phật chủng, không có duyên với pháp chủng, không có duyên với đại thừa, xả bỏ nhất thiết trí, không quán nhất thiết trí, không nguyện được nhất thiết trí, diệt pháp hữu vi vào địa vị Thanh Văn.

Đại Bồ Tát có duyên với hết thảy chúng sinh, có duyên không đoạn hạt giống Tam Bảo, có nhân duyên với đại thừa, hay quán sát nhất thiết trí, không quán thân mạng, biết các pháp chỉ có một tướng nên không chấp vào chánh vị, có duyên với các chúng sinh, thường dạo chơi trong các cảnh thiền định, không rơi vào địa vị Thanh Văn.

Này Thiện nam! Vì vậy nên biết, Đại Bồ Tát thường quán vô ngã không rơi vào chánh vị.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai bạch Phật: Thưa Thế Tôn, rất là ít có! Thưa Thiện Thệ, rất là ít có.

Việc làm của Bồ Tát hết thảy hàng Thanh Văn, Duyên Giác đều không theo kịp.

Lúc này, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi ngồi trong đại hội.

Bồ Tát Na La Diên bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là con của đấng Pháp Vương đang ngồi trong đại hội mà lại không có ý kiến gì khi nói về: Tam muội tập nhất thiết phước đức.

Lúc ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Bồ Tát Na La Diên: Này thiện nam! Vị Đại Bồ Tát không vì phước đức mà tu hành đạo bồ đề. Bồ Tát cũng không vì lợi dưỡng, danh xưng, không vì sinh lên Cõi Trời, không vì phong ấp, không vì quyến thuộc, không vì khen ngợi, cũng không vì ham vui mà tu hành đạo bồ đề.

Na La Diên hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát vì việc gì mà tu hạnh đạo bồ đề?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này thiện nam! Bồ Tát vì lòng thương các chúng sinh mà tu hành đạo bồ đề. Vì pháp Phật, vì thoát khổ cho tất cả chúng sinh, vì đoạn trừ các phiền não không thật, vì nhẫn các khổ, vì không chấp việc làm mà tu hành đạo bồ đề, không tiếc thân mạng, quán biết tất cả đều không chủ.

Không tể, không chỗ ở, không tưởng, không tư, không chuyển, không hoại, không dời đổi lưu chuyển, không xâm phạm hủy hoại, dũng mãnh, không hàng phục, không chỉ hiểu biết, không biếng nhác, không lo, không sợ, không kinh, không khiếp, không cao không thấp, không cong queo.

Vững chãi an trú, không dao động, một mình ưa ở chỗ vắng lặng, ở nơi một đạo một lòng hướng tới, trú ở một đạo tu hành, vì độ tất cả các chúng sinh, vì lợi ích như vậy mà Đại Bồ Tát tu hành đạo bồ đề.

Lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát làm thế nào mà tu hành đạo bồ đề?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này thiện nam! Đại Bồ Tát không có tâm sinh diệt, chẳng phải không sinh diệt mà tu hành hạnh rốt ráo tịch diệt, không có sinh, không có nói năng, Bồ Tát như vậy là tu hành đạo bồ đề.

Lại nữa, này Na La Diên! Bồ Tát biết rằng tâm quá khứ đã diệt, không có chỗ có thể tu hành, tâm vị lai chưa sinh không có chỗ tu hành, tâm hiện tại cũng không dừng trú, nên không có chỗ tu hành, không có tâm chấp trước về khứ, lai, hiện tại. Đại Bồ Tát có thể như vây mà tu hành gọi là tu hành đạo bồ đề.

Lại nữa, này Na La Diên! Bồ Tát nếu biết dùng bố thí tu hành bồ đề thì chúng sinh và Như Lai bình đẳng không hai, biết dùng trì giới tu hành bồ đề thì chúng sinh cùng Như Lai bình đẳng không hai, biết dùng nhẫn nhục tu hành bồ đề thì chúng sinh cùng Như Lai bình đẳng không hai, biết dùng tinh tấn tu hành bồ đề thì chúng sinh cùng Như Lai bình đẳng không hai.

Biết dùng thiền định tu hành bồ đề thì chúng sinh cùng Như Lai bình đẳng không hai, biết dùng trí tuệ tu hành bồ đề thì chúng sinh cùng Như Lai bình đẳng không hai. Bồ Tát như vậy mà thực hành sáu Ba La Mật, thì không làm bại hoại tánh tướng tu hành Bồ Tát, như vậy là tu hạnh đạo bồ đề.

Lại nữa, này Na La Diên! Bồ Tát quán sắc là không, cũng không có hành. Như quán sắc là không, quán thọ, tưởng, hành, thức cũng không có hành. Sắc không cũng không cùng tận, sắc rốt ráo cùng tận do nó là không, nên thọ, tưởng, hành, thức cũng thế.

Như thức là không cũng không cùng tận, thức rốt ráo cùng tận, do kia vốn không. Như vậy, tánh cùng tận thì hết thảy pháp cùng tận. Sắc vô tận thì thọ, tưởng, hành, thức cũng vô tận. Nếu có Bồ Tát như vậy tu hành gọi là tu hạnh bồ đề.

Lại nữa, này Na La Diên! Bồ Tát siêng năng đoạn trừ việc làm của phàm phu, không sinh khởi việc tu hành trong Phật Pháp, sẽ không ra khỏi việc làm sinh tử, không thành tựu Niết Bàn, không thấy tất cả pháp bất thiện hình thành, không thực tập pháp lành, không quán pháp nào khác, rõ biết như vậy sẽ không làm tổn thương tánh chất tu hành, là tu hạnh bồ đề.

Này Na La Diên, Bồ Tát như vậy tu hành gọi là tu hạnh bồ đề.

Lại nữa, này Na La Diên! Vị Đại Bồ Tát biết rõ chúng sinh giới, vô lượng pháp giới là không thể lường. Chúng sinh giới, pháp giới không cùng tận diệt hành.

Vì sao?

Vì chúng sinh giới, pháp giới không còn có hai, không có làm hai, không có hai tướng, là pháp giới không tăng không giảm, không tăng chúng sinh giới, không giảm chúng sinh giới. Tướng pháp giới, tướng chúng sinh giới cũng như vậy.

Lại nữa, Bồ Tát biết rõ các pháp vô tướng, không cùng tận pháp giới hành, không cùng tận chúng sinh giới hành, không cùng tận pháp giới hành, không tăng pháp giới hành, không cùng tận chúng sinh giới hành, không tăng chúng sinh giới hành, cũng không nương các vọng tưởng điên đảo khác để bị trói buộc, bị sai khiến. Như vậy gọi là chánh quán khéo biết các hành, không làm hư hoại các hành hữu, không làm tổn hoại ngã, chúng sinh thọ mạng hành.

Này Na La Diên! Bồ Tát như vậy mà tu hành, gọi là tu hành đạo bồ đề.

Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi khi diễn nói các pháp hành như vậy, mười sáu Thiên Tử trước đây đã hướng về đại thừa, nay họ sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai muốn cúng dường và giữ gìn Kinh này, liền thưa: Thưa Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào tin hiểu Kinh này thì sẽ đạt được tất cả các điều thiện lợi tốt lành.

Bấy giờ, Bồ Tát Ly ma nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Tôi cũng muốn nói việc làm của Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi nói: Này thiện nam! Nay chính là lúc nhân giả có thể diễn nói.

Bồ Tát Ly ma nói: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Làm hết thảy các pháp hành, đây là việc làm của Bồ Tát. Làm tất cả việc của ma làm thì mới gọi là việc làm của Bồ Tát.

Làm tất cả việc mà chúng sinh làm thì mới gọi là việc làm của Bồ Tát. Nếu đã làm thì với kẻ hữu học hay việc làm của người vô học cũng làm, mới là việc làm của Bồ Tát. Làm theo hạnh của Duyên Giác làm thì mới gọi là việc làm của Bồ Tát.

Vì sao?

Vì vị Đại Bồ Tát cần tùy theo mọi hoàn cảnh để học tập.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên hỏi Thiên Tử Ly ma: Vì sao Bồ Tát phải học làm tất cả việc làm của chúng sinh?

Thiên Tử đáp: Này Na La Diên! Bồ Tát cần học tám vạn bốn ngàn hạnh.

Những gì là tám vạn bốn ngàn hạnh?

Hai vạn một ngàn hạnh tham dục.

Hai vạn một ngàn hạnh sân hận.

Hai vạn một ngàn hạnh ngu si.

Hai vạn một ngàn hạnh những phần còn lại.

Bồ Tát nên vào trong các hạnh đó mà làm các hành, như đến với tham dục vì muốn dứt trừ việc tham dục, đến với sân giận để đoạn trừ việc sân giận, đến với ngu si vì đoạn trừ việc ngu si, đến với những phần còn lại vì đoạn trừ những phần lỗi lầm còn lại.

Bồ Tát làm tất cả việc làm của chúng sinh, mà không nhiễm việc làm của chúng sinh, thị hiện làm tất cả việc làm của chúng sinh. Vì muốn giáo hóa chúng sinh nên gọi là Bồ Tát thực hành hạnh bồ đề.

Na La Diên nói: Này Thiên Tử! Thế nào là làm tất cả việc làm của ma mà gọi là hạnh của Bồ Tát?

Thiên Tử nói: Tất cả việc làm của ma vào tâm Bồ Tát, vị Bồ Tát nên tĩnh giác tùy chỗ sinh khởi nghiệp của ma mà không tùy theo, không bị trói buộc bởi hành động của ma, vào trong tất cả mọi hoàn cảnh mà tu hành, cũng khiến cho thiên ma không tìm được chỗ tiện lợi, sẽ giáo hóa cho ma xa lìa nghiệp của ma.

Na La Diên nói: Này Thiên Tử! Thế nào là học hạnh Thanh Văn, Duyên Giác là tu hành Bồ Tát?

Thiên Tử nói: Thiện nam! Tất cả hạnh ấy là hạnh thật tánh, là hạnh vô báo, là hạnh không trú trước, là hạnh không hướng tới, là hạnh vô sinh, là hạnh biết rõ về mình, Bồ Tát nên như vậy mà tu hành.

Thiên Tử Ly Ma nói như vậy rồi, thưa với Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Thiện nam! Bây giờ Pháp Vương Tử nên nói thêm những hạnh như vậy.

Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Việc làm của Bồ Tát là không trải qua các cảnh giới.

Vì sao?

Vì hạnh tu này không phải thuộc trong những cảnh giới thuộc về mắt, cũng không phải trong số những cảnh giới thuộc về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Này Thiên Tử! Vì vậy nên biết, đây là hạnh tu của các vị thiện trượng phu nên làm, nó không qua các cảnh giới.

Lại nữa, này Thiên Tử! Nếu Đại Bồ Tát như vậy mà tu hành, các Đức Phật cũng sẽ hứa khả, không có các lỗi lầm. Nếu như vậy mà tu hành, đó gọi là Bồ Tát tu hành chánh hạnh.

Thiên Tử nói: Thưa Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát tu hành thế nào để như Phật chấp nhận là đúng?

Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Tất cả các pháp tự nó thực tế vốn không, Như Lai như vậy giác ngộ biết rõ, nếu Bồ Tát nương vào pháp như vậy mà tu hành, Phật sẽ hứa khả cho đến thành tựu Niết Bàn, nếu sinh tư tưởng chấp trước mà tu hành là lừa dối Chư Phật.

Này Thiên Tử! Tất cả các pháp sự thật là không có hình tướng, Như Lai Thế Tôn như sự giác ngộ mà biết rõ, nếu Bồ Tát thấy các pháp có tướng, trú trước vào hình tướng là lừa dối Chư Phật.

Tất cả các pháp sự thật là không có nguyện, Như Lai Thế Tôn như sự giác ngộ mà biết rõ, lại còn không hành không thật, không sinh không khởi, không có chỗ, không hình không tướng, cũng chẳng phải không tướng, không qua không lại, cũng không trụ, tánh vốn thanh tịnh, tánh vốn sáng rõ, tánh thường vắng lặng tất cả các pháp cũng như hư không. Như Lai Thế Tôn như sự giác ngộ mà rõ biết. Nếu Bồ Tát đối với pháp tánh còn có đôi chút sở đắc, là dối Như Lai Ứng Chánh Biến Giác.

Này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát cùng trú vào không, lại sinh chấp trước Bồ Tát cùng trú vô tướng, lại sinh chấp trước, Bồ Tát cũng trú vô nguyện, lại sinh chấp trước, tức là lừa dối Chư Phật.

Nếu Bồ Tát ra ngoài ba cõi biết hết thảy pháp không thật, không sinh, không khởi, không có, không hình, không tướng, không lại, không qua, cũng không trú, tánh vốn thanh tịnh, tánh vốn soi sáng, tánh thường vắng lặng, giống như hư`không tánh vốn không cấu bẩn. Nếu biết được như vậy, gọi là Bồ Tát không dối Chư Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tán thán Văn Thù Sư Lợi: Hay thay! Hay thay! Này Văn Thù Sư Lợi! Ông vui thích nói được những lời như vậy, nếu Bồ Tát như vậy mà tu hành, gọi là tu hành đạo bồ đề quyết chắc sẽ được thọ ký.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ta ngày xưa đối trước Đức Phật Nhiên Đăng, nếu chấp trước vào việc tu hành thì không được thọ ký.

Vì sao?

Vì trước đó ta cũng chấp có hình tướng, tu hành có chỗ nương mà tu hành, có chấp trước mà tu hành, ta như vậy, nhưng sau do gặp Đức Phật Nhiên Đăng, nên vượt qua được các cách hành trì. Khi mới thấy Phật, ta lìa các kiến chấp về tu hành, mà biết rằng tất cả các pháp tự tánh nó vốn không sinh.

Khi ấy, Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta: Ông tu hành như vậy sau sẽ được thành Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Ứng Chánh Biến Giác. Ta khi ấy đạt được pháp nhẫn vô sinh.

Vì vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát muốn đạt được pháp nhẫn vô sinh, nên lấy ý nghĩa trong phẩm Kinh này đúng như vậy mà tu hành, là không chấp trước các pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần