Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Một - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Một - Chuyện Thực Phẩm Thiên Giới Tiền Thân Sudhàbhojana - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT
PHẨM MỘT
PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ SỐ MỘT
CHUYỆN THỰC PHẨM THIÊN GIỚI
TIỀN THÂN SUDHÀBHOJANA
PHẦN HAI
Khi Ngài vừa ngồi, Canda theo cách này đến gần và bắt đầu nói chuyện như thế, dù Maccharikosiya cố ngăn chặn, vị này vẫn ngâm đôi vần kệ:
Nào có ích chi lễ tế Thần,
Hoài công ước vọng ở trong tâm,
Nếu ông ăn cháo và không muốn
Cho thực khách đây một ít phần.
Ko si, ta nói một đôi lời:
Bố thí của ông một chút thôi,
Ông chớ một mình ăn thực phẩm
Ăn riêng chẳng hưởng lạc cao vời,
Chính nhờ bố thí, ông thăng tiến
Đạo lộ thanh cao đến Cõi Trời.
Khi nghe lời vị ấy, kẻ hà tiện miễn cưỡng bảo: Thôi được, hãy ngồi xuống, ông cũng sẽ được một ít cháo. Vị ấy liền đến ngồi cạnh SaKka.
Sau đó Suriya cũng theo cách trên đến gần và bắt đầu nói chuyện theo cách trên, mặc dù kẻ hà tiện cố ngăn chặn, vị ấy vẫn ngâm đôi vần kệ:
Chân thật ông dâng lễ tế Thần,
Chẳng hoài công ước nguyện trong tâm,
Nếu ông không một mình ăn cháo,
Mà biếu khách đây một ít phần.
Ko si, ta nói một đôi lời:
Bố thí của ông một chút thôi,
Ông chớ một mình ăn thực phẩm,
Ăn riêng chẳng hưởng lạc cao vời,
Chính nhờ bố thí, ông thăng tiến
Đạo lộ thanh cao đến Cõi Trời.
Nghe lời này, kẻ hà tiện lại càng thêm miễn cưỡng bảo: Thôi được, cứ ngồi xuống và lão sẽ được một ít cháo. Suriya đến ngồi cạnh Canda.
Sau đó Màtali theo cách trên cũng đến gần và bắt đầu nói chuyện, mặc dù kẻ hà tiện cố ngăn chặn, vị này vẫn ngâm hai vần kệ:
Hồ, lạch Gayà chảy xiết dòng,
Ai đem dâng lễ cúng Chư Thần,
Đến Timba hoặc Dona ấy
Sóng nước trôi nhanh lớp chập chùng,
Hưởng kết quả do dâng lễ vật,
Đạt thành ước nguyện ở trong lòng,
Nếu không ngồi một mình ăn cháo,
Mà biếu khách đây một ít phần.
Ko si, ta nói một đôi lời:
Bố thí của ông một chút thôi,
Ông chớ một mình ăn thực phẩm,
Ăn riêng chẳng hưởng lạc cao vời,
Chính nhờ bố thí, ông thăng tiến
Đạo lộ thanh cao đến Cõi Trời.
Nghe lời này, ông bối rối như thể có đỉnh núi đè nặng lên, ông miễn cưỡng nói: Thôi được, cứ ngồi xuống, lão sẽ được một ít. Màtali đến ngồi cạnh Suriya.
Sau đó Pañcasikha cũng theo cách trên đến gần và bắt đầu nói chuyện, dù kẻ hà tiện cố ngăn chặn, vị này vẫn ngâm đôi vần kệ:
Như cá tham ăn vội nuốt mau
Miếng mồi buộc ở chiếc cần câu,
Người ngồi riêng biệt và ăn cháo
Khi có khách này kế cận sao?
Ko si, ta nói một đôi lời:
Bố thí của ông một chút thôi,
Ông chớ một mình ăn thực phẩm,
Ăn riêng chẳng hưởng lạc cao vời,
Chính nhờ bố thí, ông thăng tiến
Đạo lộ thanh cao đến Cõi Trời.
Maccharikosiya nghe vậy, gắng gượng một cách mệt nhọc, rên to lên: Thôi được, cứ ngồi xuống, lão sẽ được ăn một chút. Pañcasikha liền đến ngồi cạnh Màtali. Khi năm vị Bà La Môn đều an tọa, cháo cũng đã chín. Kosiya nhấc cháo ra khỏi lò, bảo các vị Bà La Môn đem lá tới. Vẫn ngồi tại chỗ, năm vị vươn tay ra đưa các ngọn lá cây leo hái từ Tuyết Sơn.
Kosiya thấy vậy bảo: Ta không thể cho cháo vào các ngọn lá to như thế của các vị đâu. Hãy lấy lá cây keo hay các cây tương tự. Các vị đi lượm lá ấy, mỗi lá lớn bằng cái mộc của chiến sĩ. Ông lấy muỗng múc một ít cháo cho tất cả các vị. Vào lúc ông đã múc xong cho vị cuối cùng, vẫn còn nhiều cháo trong nồi. Sau khi mời các vị Bà La Môn xong, chính ông ngồi xuống cầm cái nồi.
Ngay lúc ấy, Pañcasikha đứng lên, biến hình thành con chó đến đứng trước các vị và tiểu tiện. Mỗi vị Bà La Môn đều lấy một ngọn lá che cháo. Một giọt nước tiểu của chó rơi vào lưng bàn tay của Kosiya. Các vị Bà La Môn lấy nước trong bình ra trộn với cháo giả vờ ăn.
Kosiya nói: Cho ta một chút nước, rửa tay xong ta mới ăn cháo.
Các vị bảo: Hãy đi kiếm nước cho mình và rửa tay.
Ta đã cho các vị cháo thì nay hãy cho ta một chút nước.
Chúng ta không làm việc trao đổi thí vật.
Thế thì giữ dùm ta nồi cháo, khi rửa tay xong, ta sẽ trở về.
Và ông xuống bờ sông. Lúc ấy con chó tiểu tiện đầy nồi.
Kosiya thấy chó tiểu tiện liền lấy gậy lớn và đến gần hăm dọa nó. Bấy giờ con chó biến thành con ngựa thuần chủng và trong khi nó đuổi theo ông, nó biến hóa đủ màu. Khi thì chó màu đen, khi thì trắng, khi thì vàng, khi thì lốm đốm. Dáng nó khi thì cao, khi thì thấp.
Nó hiện ra đủ hình dáng khác nhau như vậy và rượt theo Kosiya khiến ông sợ chết khiếp, chạy đến gần các Bà La Môn trong khi các vị bay lên đứng trên không.
Khi thấy thần lực các vị, ông ngâm kệ:
Các Ngài Thánh Giả Bà La Môn
Đang đứng trên cao giữa cõi không,
Con chó các Ngài sao lạ vậy
Thay hình đổi dạng cả ngàn lần,
Dầu là chỉ một mình con chó,
Các vị là ai, nói thật chân.
Nghe vậy, SaKka Thiên Chủ đáp:
Kìa! Can Da với Su Ri ya,
Và nọ, Mà Ta Li quản xa,
Thiên Chủ là ta đây, Đế Thích
Ở trên Thiên Giới Ba mươi ba,
Pañ ca si chính là Thần nhạc
Ngũ Kế đuổi ngươi chạy đấy mà.
Và SaKka ngâm kệ ca ngợi danh vọng của Pañcasikha:
Trống to, trống nhỏ thảy vang lừng
Đánh thức thần dây khỏi giấc nồng,
Khi tỉnh, nhạc hân hoan trổi khúc
Làm tim chàng rộn rã vui mừng.
Nghe lời Ngài, Kosiya hỏi: Nhờ hành động gì, con người đạt vinh quang Thiên Giới đến như vậy?
Những người không thực hành bố thí, những kẻ tạo ác nghiệp và keo kiệt không thể lên Thiên Giới, mà tái sinh địa ngục.
SaKka ngâm kệ nêu rõ điều này:
Sinh ra keo kiệt, kẻ xan tham
Khinh bỉ Bà La Môn, Đạo Nhân,
Khi chết, bỏ thân phàm tục ấy,
Phải vào địa ngục trú thân tàn.
Và Ngài ngâm các kệ sau để chứng tỏ những người hiền trí theo chánh hạnh sẽ đạt Thiên Giới:
Kiên trì Chánh hạnh, đạt Thiên Đàng,
Bố thí, điền thân, tránh lỗi lầm,
Khi chết, bỏ thân phàm tục ấy,
Sẽ lên Thiên Giới sống bình an.
Sau đó, Sakka lại bảo: Này Kosiya, chúng ta không đến đây để xin ăn cháo đây nhưng vì lòng thương xót ngươi mà chúng ta đến.
Và Ngài ngâm kệ nêu rõ việc ấy cho y:
Dù trong đời trước có thân tình,
Ngươi hận sân, keo kiệt, ác hành,
Nên chính vì ngươi, ta giáng thế,
Ngăn ngươi khỏi địa ngục lai sinh.
Nghe vậy, Kosiya suy nghĩ: Các Ngài nói các Ngài có thiện chí đối với ta, muốn ta khỏi đọa đày địa ngục và an trú vào Thiên Giới, và ông vô cùng hoan hỷ ngâm kệ:
Như vậy Ngài thuyết giảng cho ta,
Chắc chắn Ngài mong lợi lạc mà,
Ta sẽ theo lời Ngài khuyến giáo,
Như ta hiểu được ý sâu xa.
Từ nay ta bỏ thói xan tham,
Kiêng kỵ việc hung ác bạo tàn,
Bố thí gia tài, cho tất cả,
Dù là chén nước cũng chia phần.
Sak ka, bố thí mãi như vậy,
Tài sản nhà ta giảm sút ngay,
Ta quyết sẽ tu hành xuất thế,
Tham dục loại nào cũng chạy bay.
Sau khi cảm hóa Kosiya, Sakka Thiên Chủ lại dạy ông các quả báo của hạnh bố thí, làm cho ông biết hy sinh quên mình, và nhờ thuyết pháp, Ngài đã an trú ông vào Ngũ Giới xong, liền cùng các vị Thiên hầu cận trở về Trời.
Phần Kosiya cũng vào thành Ba La Nại, sau khi xin phép Vua, ông bảo gia nhân đi lấy tất cả nồi chảo mà họ có được, đổ đầy vàng bạc từ kho báu đem cho hành khất.
Bấy giở, ông khởi hành từ vùng Tuyết Sơn bên phía hữu, và ở một nơi giữa sông Hằng và một hồ thiên nhiên, ông xây một am thất bằng lá, trở thành Ẩn Sĩ khổ hạnh sống toàn củ quả rừng. Vị Ẩn Sĩ sống ở đó một thời gian cho đến tuổi già.
Thời ấy SaKka Thiên Chủ có bốn ái nữ: Hy Vọng, Tín Thành, Vinh Quang và Danh Dự. Các nàng đem theo nhiều tràng hoa Trời thơm ngát đến hồ Anotatta, chơi đùa trong nước, và sau khi đã thỏa thích ở đó, lại an tọa trên đỉnh Manosilà.
Ngay lúc ấy, Ẩn Sĩ Bà La Môn Nàrada lên cung đình Cõi Trời Ba Mươi Ba nghỉ ngơi tránh cơn nắng gắt ban ngày, và dựng một chỗ an trú ngay dưới khóm cây Cittakùta trong Thiên Lạc Viên Nandana.
Cầm một đóa san hô trong tay để làm lọng che nắng, ông về kim động, nơi ông an trú trên đỉnh Manosilà. Các Thiên nữ thấy đóa hoa trong tay ông liền xin ông cho hoa.
Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề:
Trên đỉnh Hương Sơn, chúa núi rừng,
Sakka ái nữ, các Tiên nương
Hân hoan nhìn Thánh Nhân lừng lẫy,
Bước đến cầm hoa đẹp dị thường.
Cành hoa trong sáng ngát mùi hương
Xứng với Thiên Tiên, các Thánh Thần,
Chẳng quỷ ma hay người thế tục
Dám đòi hoa quý giá vô ngần.
Tín Thành, Hy Vọng, với Vinh Quang,
Danh dự, màu da sáng tựa vàng
Giữa các Tiên nương là tuyệt sắc,
Đứng lên nói với Bà La Môn:
Cho đóa san hô, hỡi Thánh Nhân,
Nếu cho hoa ấy thuộc oai thần,
Chúng con kính lễ như Thiên Chủ,
Ngài sẽ được ban mọi phước phần.
Na Ra Da thấy chúng mong cầu
Liền khởi ngay tranh chấp lớn lao:
Ta chẳng cần hoa, ai muốn được,
Phải là Vương Hậu các nàng bầu.
Bốn Thiên nữ nghe vậy liền ngâm kệ:
Nà ra da, tối thượng là Ngài,
Ngài muốn ban ai ước nguyện này,
Ai được Ngài ban quà tặng ấy
Sẽ là tiên đẹp nhất trong bầy!
Nàrada nghe vậy liền bảo:
Tiên nương, lời ấy chẳng như chân,
Tu hành nào dấy cuộc tranh phân?
Hãy tìm lập tức Ngài Tiên chúa,
Sẽ biết ai dung sắc tuyệt trần.
Lúc ấy bậc Đạo Sư ngâm kệ này:
Kiêu ngạo về sắc đẹp, phát cuồng,
Nóng lòng vì bậc trí tinh khôn,
Chúng đi đến Sakka Thiên Chủ
Để biết ai xinh đẹp nhất đàn.
Các nàng vừa đứng, vừa hỏi câu này:
Bầy Tiên hăm hở vội đi tìm,
Đế Thích đầy tôn trọng, phán liền:
Tất cả Tiên Nương đều tuyệt sắc
Vậy ai phá hoại sự bình yên?
Nghe Ngài hỏi vậy, các nàng đáp:
Nà ra da, bậc Đại Hiền Nhân
Nhẹ bước du hành giữa cõi không,
Chân lý uyên thâm, chuyên chánh hạnh,
Như vấy, đã nói ở Hương Sơn:
Hãy tìm Thiên Chủ Sakka ấy
Để biết ai ưu, liệt giữa đàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba