Phật Thuyết Kinh Tế Chư Phật Phương đẳng Học - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

TẾ CHƯ PHƯƠNG ĐẲNG HỌC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Này Tộc Tánh Tử! Nay Phật thấy trước trong tương lai ở đời mạt pháp, khi con người sống hơn năm mươi tuổi, có người đạt được tổng trì, hay chứng tam muội đều là do oai thần của Như Lai mà ra.

Này Tộc Tánh Tử! Nếu họ phỉ báng Pháp Sư, soi bói chỗ dở của vị ấy, thì đó là phỉ báng Như Lai. Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người hiểu rõ cần phải tùy thời, tùy theo sự kính tin hành trì của tâm chúng sinh mà nói pháp yếu cho họ nghe.

Nếu trong chúng hội có Bồ Tát, học trong phút giây khắp mình nổi ốc nghe Kinh qua một lần liền đọc tụng được thì nên biết đến sự tiếp độ của Thánh chỉ Như Lai. Lúc ấy ở đời có kẻ ngu đần, không có hạnh Bồ Tát mà tự cho mình là Bồ Tát, đối với các Bồ Tát thì hung hãn tự dụng phân biệt Kinh Điển, lừa dối giấu công, riêng cho mình đạt đến hai hạnh.

Họ thường tự nói: Người này làm sao biết được?

Kinh này làm sao hiểu được?

Phật bảo Di Lặc: Giáo pháp ta hiện giảng nói là do thuở còn tu hành Phật Đạo ta bố thí đầu, mắt, thân thể, da thịt, vợ con, đất nước. Vì Phật muốn hiểu một bài kệ nên đem bố thí cho thiên hạ. Vậy mà bọn người ngu si, mê hoặc này mong cầu lợi dưỡng, chẳng đến kính Phật, giảng nói Đạo Giáo, chẳng vâng theo lời dạy của Phật, trái phạm tiết tháo của đạo.

Phật dạy: Này A Dật! Ông phải lấy tâm thanh tịnh hòa khí để kính thờ pháp này, chẳng nên tranh chấp.

Này A Dật! Hãy quán sát các chúng sinh này vì họ tu tập theo sự lầm lỗi nên sinh ra tức giận, chẳng tư duy chín chắn để thấu đạt được nghĩa lý.

Như ta đã tu thành Tối Chánh Giác, truyền bá Phật tuệ, nói pháp cho chúng sinh nghe, rồi sẽ nói: Chớ truyền bá pháp giáo này vì cõi đời khi ấy chỉ vì lợi lộc cúng dường. Tỳ Kheo Vị Pháp giảng nói hơn một ngàn quyển Kinh Phương Đẳng, hưng phát Tứ Thiền, do đó mới bị gian nan như vậy, huống gì là nói dối sai trái nghĩa lý, chẳng thuận Đạo Giáo.

Nếu có Tỳ Kheo hành trì giáo pháp Phương Đẳng, giảng nói Phương Đẳng tạng, cho nên phát tâm đạo, trái lại khởi tâm phỉ báng pháp Sư thì đó là phỉ báng Kinh Điển của các Đức Phật.

Họ có tâm ngã mạn, buông lung, tìm tòi lầm lỗi của Pháp Sư thì Đức Phật cho đó là không đạt đến rốt ráo, chưa tận diệt được cội nguồn sinh tử. Những loại này nhất định bị đọa vào địa ngục.

Vì sao?

Vì nếu có người soi bói lỗi lầm của Pháp Sư thì đó là oán giận Phật, chán chê Kinh Pháp. Họ khinh Pháp Sư thì chẳng kính Phật. Nếu người chẳng muốn nhìn thấy Pháp Sư thì họ chẳng muốn thấy Phật. Nếu hủy hoại Pháp Sư là hủy hoại các Đức Phật.

Nếu có kẻ dấy lên tâm niệm tổn hại nói xấu Bồ Tát mới phát tâm, kể từ khi lòng họ khởi phát ý hại, trải bao nhiêu kiếp thì ngần ấy kiếp họ đánh mất tâm đạo. Họ nhìn Bồ Tát với đôi mắt ác cảm thì đời đời mù lòa. Cứ theo bao nhiêu số chữ mà miệng họ phỉ báng, nói xấu Pháp Sư thì phải chịu ngần ấy kiếp sống câm ngọng, không có lưỡi.

Phật bảo A Dật: Phật quán sát khắp, thấy các Bồ Tát chẳng vì lý do nào khác để phải chịu đọa đường ác mà chỉ do có tâm ác đối với các Bồ Tát khác. Người mang tư tưởng tôi, ta tham lam mong cầu nên đọa đường ác.

Phật bảo A Dật: Này A Dật! Như Lai chẳng cho là truyền bá Kinh Điển phải theo thói điên đảo mà giáo dục, cứ nghĩ là ở trong sinh tử nên tự do buông lung, sống trong tư tưởng nhân ngã, làm không biết bao nhiêu việc. Vì nhân duyên này nên các Bồ Tát ấy phải đọa địa ngục.

Này A Dật! Vậy nên Bồ Tát phải tu tập sáu pháp Ba la mật mới có thể thành được Phật tuệ Vô Thượng Chánh Chân.

Như có người ngu, miệng tự nói: Bồ Tát chỉ nên học bát nhã Ba la mật, còn các Kinh khác chẳng phải Ba la mật. Lời nói ấy quả là thiếu sót.

Này A Dật, ý ông thế nào?

Lúc ta làm Vua, bố thí đầu cho người là vô trí ư?

Di Lặc đáp: Bạch Thế Tôn, chẳng phải vậy!

Đức Phật nói: Phật vốn tu sáu pháp Ba la mật, đã làm những hạnh chí thành chân thật, nếu không thực hành những hạnh ấy thì có được Phật Đạo chăng?

Di Lặc đáp: Bạch Thế Tôn, chẳng phải vậy!

Phật bảo A Dật: Đời trước ông vốn thực hành bố thí Ba la mật, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định trong sáu mươi kiếp, tu trí tuệ Ba la mật cũng lại như vậy.

Mỗi Ba la mật đều tu đủ sáu mươi kiếp, mà những người không trí tuệ đều tự nói: Chỉ cần tu một hạnh trí tuệ Ba la mật là đến với Phật Đạo.

Họ nghe theo sự điên đảo, không hề mộ đạo. Những hạng người này tuy miệng có nói, nhưng hành động không trong sáng, lời nói luống dối, trái với giáo pháp, thường làm những việc nương tựa, hy vọng vào cái rỗng không, chẳng chịu thực hành, chỉ nói bằng miệng là hay nhất.

Tuy hành động rất cao xa nhưng tham lam, ganh ghét. Kính trọng dòng họ, bà con, người quen biết, ta thà bố thí đầu cho người chứ không thèm địa vị Chuyển Luân Thánh Vương. Bọn ấy tham đắm ăn mặc, lợi dưỡng.

Họ vào nhà người mà nói: Hành đạo như vậy, người tu hành như thế về lý thì như vậy, không còn nghĩa nào khác nữa. Có nhiều vị Pháp Sư chẳng rõ lời dạy ấy, chỉ chạy theo lợi dưỡng cúng dường, thường sinh ra tâm hại người, chỉ nghĩ những điều lỗi Pháp Sư.

Phật lại dạy: Này A Dật! Phật cho rằng kẻ ngu si, phàm phu vô đạo tham đắm mạng sống, kẻ đó không phải là người học đạo, dù cho trong trăm kiếp cũng không được pháp nhẫn nhu thuận, huống gì sẽ đạt đến Phật Đạo.

Đức Phật dạy: Này A Dật! Kẻ dua nịnh, bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét không thực hành cung kính, không có trí sáng, có tâm ganh tỵ về dòng họ, tạo ra hai thứ hành vi cầu đạo. Bọn người ngu ấy tự cho mình là trí sáng, tưởng rằng hơn cả trí tuệ Phật.

Vì vậy nên ngang ngược tự nói: Như Lai nói pháp ngôn từ chẳng phải vậy, phải có việc Thanh Văn, Đức Phật cũng chẳng nói pháp Thanh Văn.

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Hiền Giả Tu Bồ Đề: Hạnh bát nhã Ba la mật kia vốn là một, không phải là hai hạnh chứ?

Tu Bồ Đề bạch: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên, đúng vậy!

Đức Phật lại hỏi: Này Tu Bồ Đề! Hạnh tu của Bồ Tát là xả bỏ các vọng tưởng, không hề tham đắm phải chăng?

Tu Bồ Đề thưa: Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Đức Phật lại hỏi: Này Tu Bồ Đề! Hạnh tu của Bồ Tát là từ bỏ sự rong ruổi theo thế tục, không buông lung chăng?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Đâu thể thấy người học, không tự mình tu hành, chẳng biết hổ thẹn mà mong được quả báo công huân, họ sẽ gặp phải ách nạn bần cùng. Họ muốn cầu cạnh dòng họ có thế lực, thích được giúp đỡ. Sao mà ngu lắm thay.

Phật lại bảo A Dật: Giả sử Bồ Tát nghe nói tất cả các pháp đều là pháp Thanh Văn thì chẳng nên sợ hãi, tất cả các pháp đều là pháp Duyên Giác, tất cả pháp đều là pháp Phật thì chẳng nên sợ hãi, chớ mong mỏi có nơi nương tựa.

Tất cả các pháp đều là pháp phàm phu, tất cả các pháp đều là pháp trần lao, giả sử nghe được lời này chẳng nên sợ hãi. Tất cả các pháp đều là pháp tức giận, tất cả các pháp đều là pháp không oán giận, giả sử nghe được lời này chẳng nên sợ hãi.

Nếu có sở thọ hoặc không sở thọ, tác và bất tác, che và chẳng ngăn che, thanh và bất thanh, hữu tâm và vô tâm, hữu niệm và vô niệm, có tội và không tội, có phước và không phước, có quả báo và không quả báo, có an và không an, có giải thoát và không giải thoát, tinh tấn và lười biếng, hữu hạnh và vô hạnh, tu pháp Hiền Thánh và không tu pháp Hiền Thánh, vắng lặng và không vắng lặng, thọ và chẳng thọ, chí thành và dối luống, thuận niệm và không thuận niệm, trụ và chẳng trụ.

Đối với các pháp này không bao giờ sợ hãi. Khi Phật còn tu học dưới cội cây Phật, ta đã đạt được các pháp, thành Tối Chánh Giác, lý giải thông suốt tất cả cảnh giới chúng sinh đều không điên đảo, hiểu rõ các pháp đều là tự nhiên chẳng chấp đắm, không nơi chốn. Vậy nên vì người đời giải thích rõ pháp này.

Như Lai Chí Chân chẳng đặt tên các pháp, cũng không hề tranh chấp. Vì vậy Bồ Tát đạt đến Thánh quang vô cực pháp diệu, phát sinh tổng trì, khen ngợi nêu bày pháp ấn, vì các pháp không có trên dưới.

Phật bảo A Dật: Phật vì giáo pháp nên giảng nói Kinh Pháp ở các cõi trong bốn phương.

Chúng sinh đều nghĩ: Như Lai vì ta nên so sánh như vậy để giảng ra nghĩa Kinh … cứ như vậy cho đến hai mươi bốn tầng Trời A Ca Nị Tra.

Ta lại khai hóa ở vùng đất thứ hai… đến hai mươi bốn Cõi Trời, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới cũng giống như vậy, chúng sinh đều nghĩ: Đức Như Lai quay bánh xe pháp ở đây, giảng nói Kinh Pháp. So sánh như thế bằng vô số phương tiện. Ta đến vô lượng, vô biên Thế Giới để khai hóa chúng sinh.

Vào lúc sáng sớm ta đã đến các xứ sở làm các Phật sự không thể hạn lượng. Lúc trưa, lúc chiều cũng như vậy. Như Lai Chí Chân thường như vậy, không hề bỏ phế. Mắt Như Lai không bị ngăn che, thấy khắp tất cả cảnh giới chúng sinh, tất cả Cõi Phật nhiều vô hạn, như thế, các bộ giới của Chư Phật kia cũng như vậy.

Các Bồ Tát đều sẽ học nghĩa này, trụ trong chỗ vọng tưởng các pháp mà khai hóa chúng sinh. Họ trụ trong tất cả mong mỏi của các Đức Phật cho nên đã trụ vào sự phỉ báng các Đức Phật. Vì đã trụ vào sự phỉ báng các Đức Phật cho nên họ đã rơi vào hiểm lộ. Họ đã rơi vào hiểm lộ thì tức là rơi trong đường ác rồi. Họ trụ vào đường ác thì trụ trong chỗ tranh chấp các pháp.

Này A Dật! Như vậy các ông phải giữ gìn phương tiện khéo léo của Như Lai. Phật tự biết tùy lúc mà giảng nói pháp này vậy.

Đến đây, Văn Thù Sư Lợi bảo Bồ Tát Siêu Tụ Phước, Bồ Tát Bất Hư Kiến, Bồ Tát Nhất Biện Tâm, Bồ Tát Thiện Liễu Thuyết Tâm, Bồ Tát Ha Biện, Bồ Tát Hỷ Vương, Bồ Tát Ly Khủng Mao Thụ Vô Úy Hạnh, Bồ Tát Tâm Nguyện Vô Lượng Phật Độ.

Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Chúng Hương Thủ, Bồ Tát Trừ Chư Ấm Cái, Bồ Tát Tâm Bất Xả Chư Tuệ, Bồ Tát Tuyên Danh Xưng Anh Tràng, Bồ Tát Niệm Cầu Chư Nghĩa, Bồ Tát Hành Bất Ly Phật Giới, Bồ Tát Siêu Nguyệt Điện Oai Chước Chước, Bồ Tát Nghiêm Chư Đại Giới.

Văn Thù sưlợi bảo hai mươi vị Bồ Tát này rồi lại bạch Đức Phật: Đúng vậy, đúng vậy, bạch Thế Tôn! Thật đúng như Thánh giáo, con đến phương Đông, qua các Cõi Phật nhiều bằng sáu mươi lần số cát Sông Hằng này, đảnh lễ các Đức Thế Tôn, nghe các Thế Tôn nói pháp thì cũng như hôm nay nghe Thế Tôn thuyết pháp.

Con đến các Cõi Phật ở các phương Tây, Nam, Bắc, trên, dưới cũng như vậy. Dạo đi quán sát bảy ngày, lại đi về phía trước thì không thấy Phật khác. Con liền trở về lại cõi này, cúi đầu nghe Kinh.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi: Ông vừa quan sát Thánh tuệ vô lượng của Như Lai, cảnh giới của các Đức Phật ấy không thể nghĩ bàn, rộng lớn như vậy, chỗ Như Lai nhập là bình đẳng không bạn bè, chỗ nào cũng cùng khắp.

Thế mà có kẻ ngu si chẳng biết nghĩa lý, tự ý nói: Hạnh bát nhã ba lamật mà Như Lai thực hành chính là Vô cực tu giáo của các Đức Như Lai. Còn các Kinh khác đều chẳng phải lời Phật.

Này Văn Thù! Hạnh Bồ Tát không hợp với hội hạnh, đó là hạnh chân chánh của bậc Khai sĩ, hạnh không gì sánh bằng tức là hạnh Bồ Tát. Hạnh vô sở thọ là hạnh Bồ Tát. Hạnh không chấp đắm cũng không phải không chấp đắm là hạnh Bồ Tát.

Này Văn Thù! Như vậy điều mà Bồ Tát thực hành là không khinh mạn. Ta tùy thời phân biệt, giảng nói. Các pháp khó thấy, cũng khó hiểu rõ. Cho nên Văn Thù, tất cả các Hiền Giả phải tu hạnh vắng lặng, không buông lung, hạnh vững chắc thuận theo Bồ Tát thường có tâm Từ bi, không tức giận làm hại, trụ trong các pháp tu hạnh bình đẳng, ấy là theo đúng sự giáo hóa của Đức Phật. Phật đã vô số kiếp, tu tập đạo này, dùng phương tiện khéo léo để giảng nói.

Có người vô trí có tâm ý khác lạ, rơi vào chỗ rất đỗi gian nan nên sinh tâm phỉ báng, chê bai Kinh đạo, chẳng phải điều Như Lai giảng nói.

Kẻ hủy hoại pháp chẳng biết lỗi nhỏ, ngồi chẳng giữ miệng, hoặc tự nghĩ việc này vui sướng, hoặc cho rằng chẳng vui sướng nên phỉ báng pháp, vì phỉ báng pháp tức là phỉ báng Phật, đã phỉ báng Phật là hủy hoại Thánh Chúng.

Họ nói ngang: Việc này nên, việc kia chẳng nên. Kẻ nói như thế là phỉ báng pháp.

Vì các Bồ Tát giảng nói việc này, vì các Thanh Văn giảng nói giáo pháp như thế. Miệng nói những lời này là phỉ báng pháp.

Các Bồ Tát phải học pháp này, phải bỏ pháp này, chẳng nên học tập vậy. Vọng nói như thế là phỉ báng pháp.

Vị này có biện tài, vị này chẳng có biện tài, tánh vị này lanh lợi, tánh ông này chậm chạp… chê bai không đúng. Nói Kinh như thế là phỉ báng pháp.

Nếu tuyên bố: Ở đời gặp Phật thì sẽ được tổng trì, còn ở đời không gặp Phật thì chẳng đắc được tổng trì là phỉ báng pháp.

Tuy nhờ tu hành đạt được tổng trì nhưng tổng trì đã được ấy chưa chắc thanh tịnh nếu nói như thế là phỉ báng pháp.

Tìm tòi lỗi của Pháp Sư, quán sát pháp tắc thì việc làm ấy có khuyết lậu, đó là phỉ báng pháp.

Không tin những điều Pháp Sư làm là đầy đủ. Giả sử Pháp Sư chẳng đúng oai nghi là phỉ báng pháp.

Rêu rao hành động buông lung của Pháp Sư, rong ruổi tự do, chẳng thể chuyên nhất là phỉ báng pháp.

Lễ tiết chẳng đầy đủ, lỗi với Kinh Pháp, trái với tiết tháo, chẳng phụng trì giới luật, nhiễu loạn hung ác là phỉ báng pháp.

Có nghĩa lý giảng nói mà sự sáng suốt kia chẳng rộng, nên có sự giảng nói hư vọng là phỉ báng pháp.

Lời nói chẳng rõ, biện tài chẳng thông mà muốn truyền bá Đạo Giáo là phỉ báng pháp.

Vốn học chẳng siêng năng, sự hiểu biết ít ỏi, sáng suốt chẳng xa rộng, mà muốn giảng nói Đạo Giáo là phỉ báng pháp.

Tâm tự nghĩ: Người ấy chẳng biết hạn lượng, chẳng biết tùy thời mà đảm đương việc dạy bảo, khai hóa, khiến đạt đến nghĩa lý là phỉ báng pháp.

Dấy khởi tưởng niệm chẳng gìn giữ Phật Giáo, ôm lòng nguy hại là phỉ báng pháp.

Được một quyển Kinh giáo văn tự, đem sở học tranh cãi Kinh văn, làm mất nghĩa Kinh, là phỉ báng pháp.

Khen một bài kệ, tranh cãi nghĩa lý, tự nói phải trái là phỉ báng pháp.

Vị ấy có tín ưa, vị ấy không dốc lòng đối với đạo, vị ấy sẽ được giải thoát, vị ấy chẳng được giải thoát là phỉ báng pháp.

Nếu khi giảng pháp, lời nói đều khác, trái với nghĩa lý, chẳng phải lời của người ấy giảng, nên kéo nhau đến ngồi lộn xộn, nói chuyện ồn ào là phỉ báng pháp.

Người này nên làm, người này chẳng nên làm, vị này tùy thuận, vị này chẳng tùy thuận là phỉ báng pháp.

Vị ấy biết tùy thời, vị ấy chẳng biết thời, trái mất nghĩa lý, chẳng thuận theo tiết tháo của đạo là phỉ báng pháp.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Các chúng Thanh Văn mang lòng lo sợ nên giảng nói rõ ràng. Các Bồ Tát thông minh, biện tài nên có giảng nói điều gì, họ đều thừa theo oai thần Thánh chỉ của Như Lai.

Phật bảo: Này Văn Thù! Đạo Giáo của Như Lai được tùy thời giảng nói, ta đã thệ nguyện như vậy. Bọn ngu phu ấy chỉ nghĩ đến việc chê bai, bới tìm chỗ hay chỗ dở của Pháp Sư, chẳng theo lời dạy của Phật, làm trái lại với những điều Như Lai dạy.

Hễ nghĩ đến Pháp Sư là chê bai. Bọn này đều bị ma làm loạn, nương cầu lợi dưỡng nên dấy lên ý tưởng này, chúng sẽ theo đường ác. Che chở gia đình phải dựa bạn lành mà trái lại chẳng cẩn thận giữ gìn, trụ trong giáo pháp Như Lai, dựa vào kẻ có thế lực, địa vị như Vua chúa, Trưởng Giả, Phạm Chí… giả sử nếu có người hỏi nghĩa thì giảng nói nghĩa lý.

Họ đều đồng thanh nói: Khéo nói việc này, vui mừng biết được điều đúng như Đức Phật đã nói. Đều được giảng nói rất có nghĩa lý, họ điềm nhiên khuyến khích trợ giúp. Do sự khuyến khích trợ giúp này mà rơi vào chỗ phỉ báng pháp. Đồng bè cùng bọn ra vào tới lui, sau đó mất rồi đều rơi vào đường ác.

Phật lại bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi: Nếu có Bồ Tát nương đắm các hạnh thì ta chẳng cho đó là Bồ Tát vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần