Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thân Gần Gũi - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM THÂN GẦN GŨI  

TẬP MỘT  

Không tin, tâm ganh ghét

Làm đôi bên tranh chấp

Điều người trí dứt bỏ

Ngu làm cho là vui.

Không tin, tâm ganh ghét, làm đôi bên tranh chấp: Người ta ở đời, lòng tin không vững chắc, lại cũng không tin Phật, Pháp, Tăng, Chân Như, Tứ Đế: Khổ, tập, diệt, đạo thì dù tài sản chất chứa cao tới Trời đi nữa vẫn không đáng nương cậy. Ngày lìa đời thì của cũng không mang theo được. Vì đời này không chịu bố thí, nên không làm được công đức gì. Rốt cuộc vẫn như cũ không có gì đổi mới.

Như có loài chim chỉ ưa ăn thịt, trên núi có loại cây mà lá nó giống như màu thịt, nên ngày đêm con chim cứ rình chụp, nó ngóng cổ dài ra. Trên cây thì lá ấy giống thịt, nhưng lá vẫn là lá thôi. Con chim kia cứ bị mê lầm trói buộc không tự giác ngộ, nó cứ chờ mãi không thôi nên phải chết đói.

Vì sao?

Đều bởi tâm tham không chịu sửa đổi.  Nghe lời người này đi nói lại cho người kia, nghe lời người kia đi nói lại cho người này, khiến cho hai bên tranh chấp, làm cho mọi việc không thành tựu. Trong tâm ganh ghét sinh ra bụi nhơ.

Cho nên nói: Không tin, tâm ganh ghét, làm đôi bên tranh chấp.

Điều người trí dứt bỏ: Người trí biết lễ tiết nên xa lánh mọi hiềm nghi, không sống trong mê loạn, không gần gũi người ngu dù chỉ trong khoảnh khắc, huống gì là mãi sống gần với hạng người ấy?

Người trí là người biết những việc xưa nay, hiểu rành mọi chuyện đề phòng khi chưa xảy ra. Mọi việc làm không sai trái, ý nghĩ và lời nói ăn khớp nhau, lời nói không mắc lỗi lầm. Biết rành nghĩa sâu kín, ý không lầm lẫn. Chỉ từ ý nghĩa một câu mà giảng nói truyền bá vô số những điều mà người không hiểu.

Cho nên nói: Điều người trí dứt bỏ.

Ngu làm cho là vui: Dù cho có người có tâm tốt khuyên răn dạy bảo cho người chưa hiểu biết tiến lên. Họ dùng chánh đạo dạy bảo cho thấy được cửa đạo, nhưng những người chưa hiểu biết này không nghe lời chỉ dạy mà còn nghi ngờ, chúng coi địa ngục là nhà ở tốt mà không hề suy nghĩ về gốc tai ương kiếp sau, nên làm điều ác, không làm việc lành. Bởi vậy mà lần hồi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Cho nên nói:

Ngu làm cho là vui.

Kính tin, không ganh ghét

Tinh tấn, tin, học rộng

Được người trí kính trọng

Hiền Thánh cho là vui.

Kính tin, không ganh ghét: Như có người tin sâu Phật Pháp, Thánh Chúng, dốc lòng tin hiểu khổ, tập, diệt, đạo. Không a dua, nịnh hót mà tâm ý mềm mỏng, thờ phụng cung kính các vị phạm hạnh, ngày lo siêng năng tụng tập, đêm thì kinh hành. Vị ấy chăm chú, tinh tấn nhưng không mất oai nghi, sắc mặt vui tươi hòa ái, trước cười sau nói, không làm thương tổn ý người khác.

Cho nên nói: Kính tin, không ganh ghét.

Tinh tấn, tin, học rộng: Người tu hành thì trên hết phải là tinh tấn, huống gì là người học rộng, thu thập sự thấy nghe sâu rộng về giới, tuệ, bố thí khắp cả. An ổn vô vi, chỗ nào cũng là Đạo Tràng. Giảng nói chỉ bày những điều mình biết cho người đến học.

Cho nên nói: Tinh tấn, tin, học rộng.

Được người trí kính trọng: Thường phải gần gũi học hỏi. Giới thân chưa vẹn toàn thì cố gắng cho vẹn toàn. Định thân, tuệ thân, kiến thân, kiến giải thoát thân chưa tròn đủ thì cố gắng làm cho tròn đủ.

Cho nên nói: Được người trí kính trọng.

Hiền Thánh cho là vui: Người tu hành gần gũi Bậc Hiền Thánh, không nề gian lao khổ nhọc. Dù có gặp bảy ngàn ức tai nạn vẫn không màng thân mạng.

Dù gặp khổ đến như vậy, vẫn không bị phân tâm cho nên nói: Hiền Thánh cho là vui.

Không gần các bạn xấu

Không gần người phi pháp

Gần gũi thiện tri thức

Thường được gặp chánh pháp.

Không gần các bạn xấu: Nếu người tu hành mà gặp các bạn xấu thì hành động xấu mỗi ngày gia tăng, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Dù cho việc làm trước kia chân chánh, tâm ý trong sạch như tấm lụa trắng cũng bị nhuộm dơ bẩn.

Nếu có người ưa thích chó, heo, dê, tâm không xa lìa thì chúng cũng mãi đeo đẳng bên mình, không rời. Điều mà heo, chó ưa thích thì trên hết là dọn hốt phân dơ, nhà xí chuồng heo là ao tắm của chúng, chúng dính đầy dơ bẩn. Gần gũi bạn xấu cũng giống như vậy. Đeo đẳng theo chúng thì không bao giờ được một điều lành.

Cho nên nói: Không gần các bạn xấu.

Không gần người phi pháp: Kẻ sống phi pháp thì có năm tội không cứu được là: Không giới luật, không niềm tin, không nghe chánh pháp, không có trí tuệ, không bố thí. Hạng người như vậy chớ nên gần gũi họ. Ai theo làm bạn với họ thì đọa vào đường ác, không đến cảnh giới tốt đẹp được.

Cho nên nói: Không gần người phi pháp.

Gần gũi thiện tri thức: Việc tu học mỗi ngày có kết quả mới, mở lời thì ôn hòa mềm mỏng, tương ứng với tâm ý. Có làm điều gì thì không tổn thương ý người khác. Cười trước khi nói, lời nói khớp nhau.

Cho nên nói: Gần gũi thiện tri thức.

Thường được gặp chánh pháp: Gặp chánh pháp chỉ cho gặp Phật, Bích Chi Phật, Thanh Văn. Không có chúng sinh nào hơn Phật, ngoài Phật thì không ai hơn Bích Chi Phật, ngoài Bích Chi Phật thì không có chúng sinh nào hơn Thanh Văn. Những ai có lòng tin đối với ba bậc ấy thì đạt đến chỗ rốt ráo, không rơi vào ba đường hiểm nạn.

Cho nên nói: Thường được gặp chánh pháp.

Đi đường phải đề phòng

Người giữ giới học rộng

Lo liệu vô số việc

Nghe lời dạy bảo hay

Đều phân biệt khác nhau.

Đi đường phải đề phòng: Như nhiều người cùng đi trên đường phải đề phòng khi mở lời hỏi. Trong khoảng đồng trống có nhiều quỷ thần. Nếu nói những lời ác thì quỷ thần sẽ được dịp làm hại ta. Còn nói những điều lành thì quỷ thần theo ủng hộ, nơi mình đến sẽ không gặp kẻ ác, cũng không gặp kẻ cướp.

Cho nên nói: Đi đường phải đề phòng.

Người giữ giới học rộng: Tin nhận lời Phật dạy, lấy tâm làm đầu. Như lời Phật dạy các thầy Tỳ Kheo là hãy tu tam muội, chánh thọ định ý. Dù đi hay ngồi cũng không để trái phạm lỗi lầm, sẽ được các vị Trời, quỷ thần đến ủng hộ.

Vì sao?

Bởi biết vâng lời Phật dạy.

Cho nên nói: Người giữ giới học rộng.

Lo liệu vô số việc: Ngày đêm suy nghĩ, ngồi thiền tụng Kinh, giữ giới, học rộng, bố thí.

Cho nên nói: Lo liệu vô số việc.

Nghe lời dạy bảo hay, đều phân biệt khác nhau: Như người tu hành nghe lời dạy bảo hay thì tâm ý không lầm loạn.

Các câu văn hợp nhau nên thành tựu các đạo quả: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Căn lành thêm nhiều, đến được đạo vô vi.

Cho nên nói:

Nghe lời dạy bảo hay,

Đều phân biệt khác nhau.

Gần xấu tự nhận chìm

Gần lành được tiếng khen

Người tốt thường tự tốt

Là nhờ thân chân chính.

Gần xấu tự nhận chìm: Như có người gần gũi bạn ác thì mỗi ngày một tổn giảm, không đến chỗ rốt ráo. Như giữa đêm chỉ có bóng tối, không có ánh sáng. Gần gũi bạn ác cũng giống như vậy, căn lành ngày một hao mòn, pháp ác ngày càng tăng.

Cho nên nói: Gần kẻ xấu là tự nhận chìm.

Gần lành được tiếng khen: Những gì mà người cao thượng làm thì được khen ngợi. Như ngày trăng rằm, ánh sáng chiếu xa không chỗ nào không có ánh sáng. Người tu pháp lành cũng giống như vậy, tiếng tốt đồn xa, đâu đâu cũng biết.

Cho nên nói: Gần người lành được tiếng khen.

Người tốt thường tự tốt: Việc làm chuyên chánh, tu đạo vô thượng. Như bậc Tu Đà Hoàn thì mong tu pháp Tư Đà Hàm, bậc Tư Đà Hàm thì mong tu pháp A Na Hàm. Bậc A La Hán thì tự chuyển biến thêm nhiều các công đức lành.

Cho nên nói: Người tốt thường tự tốt.

Là nhờ thân chân chánh: Phải tìm cách hay, làm các công đức trang nghiêm thân mình. Trong tâm muốn được tiếng khen đồn xa, muốn các vị Trời và người đời kính trọng thì phải tự cẩn thận, chớ khởi phiền não mà giữ.

Cho nên nói:

Là nhờ thân chân chánh.

Người lành thì trọn lành

Đó do gần người lành

Trí tuệ là trên hết

Giữ giới thường vắng lặng.

Người lành thì trọn lành, đó do gần người lành: Người trí nương vào trí tuệ để thành đạo Thánh. Như vàng ròng tử ma trong ngoài tinh sạch, đúc thành món đồ gì đều được cả. Người trí cũng vậy, gần gũi Thánh Hiền, để lại lời dạy cho đời được tồn tại mãi mãi.

Cho nên nói: Người lành thì trọn lành, đó do gần người lành.

Trí tuệ là trên hết, giữ giới thường vắng lặng: Người tu hành thì trước phải cầu pháp của bậc Thượng nhân.

Cho nên nói:

Trí tuệ là trên hết,

Giữ giới thường vắng lặng.

Như cá sống nước đọng

Người tham liền bắt lấy

Ưa thích nào biết tanh

Gần ác cũng như thế.

Như cá sống nước đọng, người tham liền bắt lấy: Như có đàn cá tụ tập chỗ nước hôi hám, khó đến gần, người có tâm tham đắm không màng hôi thối, có thấy gì là dơ dáy đâu. Kẻ ngu cố chấp cho là cá ngon lắm, không dè ăn lâu ngày có hại cho thân, mùi thối tỏa ra bên ngoài. Người quen sống với thói ác cũng giống như vậy.

Gần gũi người xấu ác thì ta thành kẻ xấu ác, căn lành hao mòn và hành động ác ngày càng thêm nhiều.

Cho nên nói:

Như cá sống nước đọng,

Người tham liền bắt lấy,

Ưa thích nào biết tanh,

Gần ác cũng như thế.

Cây Mật quỳ, lá Hoắc

Chúng sinh đi hái lấy

Xông lá, thơm bay xa

Gần lành cũng như thế.

Cây Mật quỳ, lá Hoắc, chúng sinh đi hái lấy: Như có người khéo xem xét, họ đi hái lá về, dù không đào được rễ nó, nhưng hái được lá thơm có mùi hương thơm ngát, dù cho để nơi nào, rồi đem chúng đi, chỗ ấy vẫn còn thơm mãi. Tu học với thiện tri thức, cũng giống như vậy. Công đức tốt để thành người ngày càng chứa nhóm lên nhiều.

Cho nên nói:

Cây Mật quỳ, lá Hoắc,

Chúng sinh đi hái lấy, xông lá,

Mùi thơm bay xa,

Gần lành cũng như vậy.

Chính mình không làm ác

Mà gần gũi kẻ ác

Bị mọi người cười chê

Tiếng xấu ngày thêm nhiều.

Chính mình không làm ác, mà gần gũi kẻ ác: Ở thế gian có nhiều người không làm những việc xấu như dâm dật, trộm cắp, tánh không uống rượu cờ bạc, ăn chơi, nhưng người ấy lại thường ngồi trong quán rượu.

Hoặc vào các động mãi dâm, hay ngồi trong nhà chứa bài bạc, người chủ trông thấy cho rằng: Anh này muốn làm những việc không đúng pháp này, nhưng còn nhút nhát đó thôi.

Anh này trước kia rất trong sạch, sao bây giờ lại muốn làm những việc không đúng pháp này?

Tiếng xấu về anh, đồn vang khắp nơi. Nhiều người truyền rao với nhau như vậy, họ chê bai, tiếng đồn xấu ngày càng thêm nhiều.

Cho nên nói:

Chính mình không làm ác,

Mà gần gũi kẻ ác,

Bị mọi người chê cười,

Tiếng xấu ngày them nhiều.

Thấy gì đáng học, học

Biết gì nên gần, gần

Tên độc nằm trong bao

Người tốt bị ô nhiễm

Người mạnh khỏe trừ dơ

Không làm bạn kẻ ác.

Thấy gì đáng học, học.

Biết gì nên gần, gần: Trên thế gian đời, có nhiều người chưa tự biết xét mình, ý không giữ chắc mà làm theo những việc ác. Không được dạy bảo, nên thấy việc thì làm theo, thấy việc ác thì làm theo việc ác, thấy điều thiện thì làm theo điều thiện.

Đem sự hiểu biết của mình mà chỉ dạy người khác. Tự thân không sửa đổi thì làm sao sửa đổi cho người. Giống như mũi tên độc làm ô nhiễm kẻ khác. Chính mình làm ác lại dạy người làm ác. Người trí quán sát những việc đó nên không bao giờ làm ác.

Cho nên nói:

Thấy gì đáng học thì học,

Biết những gì nên gần thì gần,

Tên độc nằm trong bao,

Người tốt bị ô nhiễm,

Người mạnh khỏe trừ dơ,

Không làm bạn kẻ ác.

Cho nên biết quả báo

Người trí phân biệt rõ

Không đáng thân không làm

Nên làm theo người hiền

Tỳ Kheo thực hành đạo

Chịu khổ, dứt các lậu.

Cho nên biết quả báo, người trí phân biệt rõ: Chúng sinh tạo nghiệp khác nhau nên quả báo khác nhau, hoặc như cây Hấn tuy tầm thường nhưng dùng làm thuốc quý, hoặc như tội nặng nhưng dễ cứu. Chỉ có người tỉnh biết mới diệt trừ được.

Những gì mà người trí làm thì tự xét rõ ràng, nếu có lỗi lầm thì tự sửa đổi. Như ngựa ương ngạnh thì phải đánh bằng roi, sau đó mới điều phục. Việc làm của người trí cũng giống như vậy. Điều hiềm khích phát sinh thì tự hối hận không.

Cho nên nói: Bậc Thánh biết quả báo, người trí phân biệt rõ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần