Phật Thuyết Kinh Thắng Man - Phần Một - được Thọ Ký
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH THẮNG MAN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN MỘT
ĐƯỢC THỌ KÝ
1. Đức tính chân thật của Như Lai.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ, trong khu lâm viên Chiến Thắng Thiện Thí.
Bấy giờ, Hoàng Đế Ba Tư Nặc và Hoàng Hậu Mạt Lỵ mới chứng đắc về pháp và bàn với nhau: Con gái ta là Thắng Man, hiền lành, thông minh, học rộng, nhiều trí. Nếu con gái ta được thấy Đức Thế Tôn thì sẽ hiểu biết mau chóng mà không hoài nghi gì cả về pháp cực kỳ sâu xa.
Ta nên phái một người khéo khuyến dụ đến phát khởi sự tin tưởng chân thành cho con ta. Bàn như vậy nên Hoàng Đế với Hoàng Hậu viết thư ca tụng đức tính chân thật của Đức Thế Tôn, rồi phái một sứ giả tên Chiên Đề La kính cẩn mang thư ấy đến quốc đô Vô Đấu, dâng cho Hoàng Hậu Thắng Man.
Hoàng Hậu mở đọc thì kính theo, vui mừng, tâm thấy là hiếm có, và nói với Chiên Đề La những lời chỉnh cú kệ sau đây:
Ta nghe cái tiếng
Như Lai, Thế Tôn,
Lại nghe nói rằng
Ngài rất khó gặp.
Những lời trên đây
Nếu thật như vậy,
Thì ta sẽ thuởng
Y áo cho người.
Và nếu chính xác
Đức Phật Thế Tôn
Vì lợi Thế Giới
Mà Ngài xuất hiện,
Thì tất thương ta
Cho ta thấy Ngài.
Mới nghĩ và nói như vậy thì tức khắc Đức Thế Tôn đã ở trong không gian. Ngài biểu hiện thân tướng không thể nghĩ bàn một cách bình thường, và phóng ra tất cả ánh sáng rất lớn.
Hoàng Hậu Thắng Man cùng thân quyến đều quy tụ lại, chắp tay chiêm ngưỡng và lễ bái, tán dương đức Đại Đạo Sư như sau:
Sắc thân tinh tế
Của Đức Thế Tôn,
Cả Thế Giới này
Không ai bằng được.
Ngài đã siêu việt
So sánh nghĩ bàn,
Thế nên chúng con
Tôn quý kính lạy.
Sắc thân Thế Tôn
Thật vô cùng tận,
Tuệ giác của Ngài
Cũng là như thế,
Pháp Đức Thế Tôn
Thường trú bất diệt,
Thế nên chúng con
Tôn quý quy y.
Ngài khéo thuần hóa
Tội lỗi của tâm,
Lại còn chế ngự
Nhược điểm của thân,
Ngài đến vị trí
Không thể nghĩ bàn,
Thế nên chúng con
Tôn quý kính lạy.
Thế Tôn lý giải
Các pháp nhận biết
Cái thân trí tuệ
Không gì chướng ngại,
Đối với các pháp
Ngài không quên mất,
Thế nên chúng con
Tôn quý kính lạy.
Chúng con lạy bậc
Vượt mọi lường xét,
Chúng con lạy bậc
Không gì sánh bằng,
Chúng con lạy bậc
Tự tại với pháp,
Chúng con lạy bậc
Siêu việt tư duy.
Xin Ngài thương xót
Che chở chúng con,
Làm cho chúng con
Tăng trưởng giống pháp.
Con nguyện từ nay
Đến thân cuối cùng,
Thường xuyên đối diện
Trước Đức Thế Tôn.
Con tu phước đức
Đời này đời khác,
Nguyện nhờ sức mạnh
Phước đức như vậy,
Con được Thế Tôn
Thường xuyên thu nhận.
Hoàng Hậu Thắng Man nói những lời chỉnh cú ấy rồi, cùng thân quyến và mọi người đem đỉnh đầu của mình lạy dưới chân Đức Thế Tôn.
Bấy giờ, Ngài đã nói những lời sau đây cho hoàng hậu:
Như Lai quá khứ
Đã vì tuệ giác
Ma từng khai thị
Chỉ dạy hoàng hậu.
Ngày nay hoàng hậu
Lại gặp Như Lai,
Rồi suốt vị lai
Cũng gặp như vậy.
Nói những lời ấy rồi, tức thì ở giữa đại hội, Đức Thế Tôn đã thọ ký đạo quả bồ đề vô thượng cho Hoàng Hậu Thắng Man: Hôm nay Hoàng Hậu đã ca tụng đức tính siêu việt của Như Lai.
Do thiện căn này, trải qua vô số kiếp, ở trong Chư Thiên và nhân loại, Hoàng Hậu sẽ làm đế vương tự tại. Mọi sự hưởng dụng đều đủ tất cả. Và sinh ra ở đâu cũng được gặp Như Lai, đối diện ca tụng không khác gì hôm nay.
Hoàng Hậu lại hiến cúng vô lượng Thế Tôn, qua hai mươi ngàn vô số kiếp, sẽ được trở thành Đức Phật, với danh hiệu là Phổ Quang gồm đủ mười tôn hiệu: Bậc đến như Chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc biết đúng và khắp v.v… Thế Giới của Đức Phổ Quang không có các nẻo đường dữ, không có suy già bệnh khổ, không có những cái tên của nghiệp ác.
Người của Thế Giới ấy thân hình đẹp đẽ, hưởng đủ năm thứ vui đẹp tinh tế, thuần túy thích thú, hơn cả Chư Thiên Cõi Tha Hóa Tự Tại. Người của Thế Giới ấy lại toàn là đi mau đến đại thừa. Những ai tu học đại thừa như vậy thì sinh đến Thế Giới ấy.
Khi Hoàng Hậu Thắng Man được Đức Thế Tôn thọ ký như vậy thì vô số Chư Thiên và nhân loại trong tâm phấn chấn, cùng nguyện vãng sinh đến Thế Giới của Đức Phổ Quang. Đức Thế Tôn thọ ký cho họ đều được vãng sinh cả.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba