Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Lê Da Xá, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI TRANG NGHIÊM PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Lê Da Xá, Đời Tùy  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật cùng với năm trăm vị đại Tỳ Kheo và tám ngàn vị Đại Bồ Tát, tập hợp đông đủ tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá. Khi ấy, trong thành Vương Xá, có một dâm nữ, tên là Thắng Kim Sắc Quang Minh Đức.

Do nhân duyên căn lành đời trước. Cô gái này có dáng vẻ đoan chánh, đẹp đẽ, đầy đủ các tướng tốt, toàn thân ánh lên sắc vàng, chiếu sáng rực rỡ, thân hình xinh đẹp, hiếm có trên đời. Cô gái này thông minh, giảng nói không trở ngại, âm thanh trong trẻo, lời lẽ hòa nhã, miệng luôn nở nụ cười, không cọc cằn thô bạo, nhìn ngắm bao dung, đi đứng uyển chuyển dịu dàng.

Tùy theo chỗ ở, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, mặt đất đều có sắc vàng, chiếu sáng rực rỡ. Dù cô mặc y phục màu xanh, màu vàng hay màu đỏ, cũng đều ánh lên sắc vàng.

Khi ấy, tất cả những người trong thành Vương Xá, hoặc là con Vua, hoặc là con của đại thần, con của trưởng giả, hoặc là kẻ giàu sang…, người nào nhìn thấy cô rồi cũng sinh lòng mê đắm, mến yêu, không muốn xa lìa.

Cô gái sắc vàng này, khi ở trong xóm làng, hay dạo chơi trên đường phố, hoặc ở nơi phố chợ đông đúc, hay bên bờ sông, những nơi dạo chơi trong vườn, dù là con trai hay con gái, đồng nam, đồng nữ… cũng đều đi theo và nhìn cô không chán.

Vào một ngày nọ, có người con của trưởng giả, tên là Thượng Oai Đức, vì ham vui nên đem theo nhiều của cải quý, đặt lên xe tứ mã và hẹn hò với cô gái sắc vàng. Chiếc xe này, toàn dùng các thứ châu báu tốt quý nhất như là vàng, bạc, lưu ly, ngọc ma ni trang hoàng thật đẹp đẽ.

Dựng cờ báu, lọng đẹp, tòa báu, kết hoa, rải các loại hương, đốt hương bột. Các thứ hoa, hòa hợp với hương thơm, dùng để xông ướp. Con trưởng giả lại dùng hoa Chiêm bặc làm chuỗi ngọc trang sức quanh thân, trông thật oai nghiêm và cùng lên xe đi.

Trước xe báu, họ bày các trò ca xướng, nhảy múa, hát vè. Phía sau xe, mang theo thức ăn, thức uống ngon ngọt, các thứ y phục, đồ nằm, trước sau cùng đi đến vườn. Lúc ấy, con trai, con gái, đồng nam, đồng nữ trong đám đông đều chạy theo hai bên ngắm nhìn.

Bấy giờ, sau khi xuất thiền, Văn Thù Sư Lợi mở lòng lành thương xót tất cả chúng sinh, mà nghĩ rằng: Những chúng sinh nào, có thể được giáo hóa trong đại thừa?

Những chúng sinh nào, phải dùng thần thông để giáo hóa?

Những chúng sinh nào, phải đem lý nghiệp duyên quá khứ để giáo hóa?

Những chúng sinh nào ưa nghe chánh pháp, chịu sự giáo hóa?

Vừa nghĩ như vậy xong, chợt thấy cô gái sắc vàng và con của trưởng giả đang cùng ngồi trên xe báu để đi đến vườn.

Văn Thù Sư Lợi liền xem xét căn tánh sai khác của họ, xem xét sự sai khác căn tánh của họ rồi nghĩ: Cô gái này, đời trước đã có nghiệp duyên căn lành đã lãnh nhận sự giáo hóa, nếu được nghe giáo pháp của ta thì sẽ tin theo mà thọ trì!

Văn Thù Sư Lợi liền dùng sức thần thông, từ thân, phóng ra ánh sáng, che khuất tất cả, thậm chí ánh sáng mặt trời, cũng không còn nhìn thấy được, huống nữa là các thứ ánh sáng khác.

Khi ấy, y áo của Văn Thù Sư Lợi đang mặc tỏa ánh sáng chiếu khắp các hướng, rộng tới một do tuần, làm cho mọi người đều thấy rõ, lại dùng đủ các thứ châu báu, chuỗi ngọc, mũ trời, để trang nghiêm thân mình, tay nắm ấn chỉ muốn làm cho mọi người trông thấy, mà sinh lòng ưa thích.

Làm như vậy rồi, Văn Thù Sư Lợi đi đến đoạn đường chỗ cô gái, ánh sáng của Văn Thù Sư Lợi soi chiếu đến chỗ cô gái và con của trưởng giả, làm cho ánh sáng của xe báu tứ mã bị lu mờ, giống như bóng tối so với sắc vàng ròng thì ánh sáng không thể có được!

Cô gái sắc vàng trông thấy các thứ châu báu đẹp đẽ, y phục sáng trong, rạng rỡ ánh sáng của Văn Thù Sư Lợi, thì cho đó là đồng tử trời, rồi sinh chán ghét, không còn ưa thích thân mình và thân của con trưởng giả nữa. Cô gái lại phát sinh lòng tham đắm tấm thân Văn Thù, cả đến y phục.

Cô suy nghĩ: Ta nên gặp người kia để cùng vui thú, rồi tùy theo lòng dục của người này, mà xin y áo kia.

Trong khi cô suy nghĩa, thần lực của Văn Thù Sư Lợi, khiến Tỳ Sa Môn vương, hóa thành người, từ trên không bay xuống, đứng trước cô gái, nói: Ngươi không được sinh lòng tham dục với người ấy.

Vì sao?

Bởi vì người ấy trong sạch, không có sự tham lam ham muốn.

Cô gái sắc vàng hỏi: Người ấy là ai vậy?

Tỳ Sa Môn đáp: Người ấy là Đồng Tử Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Cô gái sắc vàng hỏi: Vì sao gọi là Bồ Tát?

Xin Ngài khéo nói rõ.

Bồ Tát là Trời chăng?

Là Dạ Xoa?

Là Càn Thát Bà?

Là A Tu La?

Là Ca Lầu La?

Là Khẩn Na La?

Là Ma Hầu La Già chăng?

Là Đế Thích chăng?

Là Phạm vương hay là Trời Tứ Thiên Vương?

Tỳ Sa Môn đáp: Chẳng phải trời, chẳng phải Dạ Xoa, chẳng phải Càn Thát Bà, chẳng phải A Tu La, chẳng phải Ca Lầu La, chẳng phải Khẩn Na La, chẳng phải Ma Hầu La Già, cũng chẳng phải Đế Thích, cũng chẳng phải là Phạm Thiên, cũng chẳng phải là Trời Tứ Thiên Vương.

Như vậy, những loại trên đều chẳng phải là Bồ Tát. Bồ Tát là tùy theo mong cầu của tất vả chúng sinh đều làm cho vừa lòng, thỏa ý. Không có sự tiếc rẻ hay keo kiệt. Như vậy mới gọi là Bồ Tát.

Lúc ấy, cô gái sắc vàng suy nghĩ: Như những lời đã nói, ta lúc này xin y, nhất định sẽ được. Cô liền xuống xe, đi về phía Văn Thù Sư Lợi.

Đến nơi, cô thưa: Văn Thù Sư Lợi! Xin Ngài có thể cho tôi áo y Ngài đang mặc không?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này cô em! Nếu cô có thể phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì ta sẽ cho cô y phục.

Cô gái sắc vàng hỏi Văn Thù Sư Lợi: Thế nào gọi là tâm bồ đề?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thân cô tức là bồ đề.

Cô gái sắc vàng hỏi: Tại sao thân tôi tức là bồ đề?

Xin Ngài nói rõ cho tôi được hiểu.

Rồi cô bèn nói kệ xin y:

Từ lâu Văn Thù cầu bồ đề

Nay cho tôi y đắp trên thân

Nếu không, Ngài chẳng phải Bồ Tát

Giống như sông cạn không có nước.

Văn Thù Sư Lợi nói kệ, đáp lại:

Nếu cô phát khởi tâm bồ đề

Ta sẽ cho y theo ý cô

Người có tâm bồ đề vững chắc

Tất cả trời, người đều cúng dường.

Bấy giờ, cô gái Thắng Kim Sắc lại dùng kệ, hỏi:

Bồ đề nghĩa là gì?

Bồ đề do ai được?

Bồ đề ai ban cho?

Bồ đề làm sao thành?

Văn Thù Sư Lợi bảo cô gái: Hiện nay có Đức Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật ấy dạy: Thân và bồ đề đều bình đẳng.

Vậy nghĩa là thế nào?

Thân cô có năm ấm, mười hai nhập và mười tám giới không?

Cô gái này, do nhân duyên căn lành đời trước, liền đạt được pháp quang.

Được Pháp quang rồi, cô liền thưa với Văn Thù Sư Lợi: Đúng vậy, đúng vậy! Thân này của tôi có năm ấm, mười hai nhập và mười tám giới.

Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Ý cô muốn nói gì?

Sắc có thể hiểu, có thể biết không?

Cô gái đáp: Không, không thể hiểu, không thể biết được.

Văn Thù Sư Lợi nói: bồ đề cũng vậy, không thể hiểu, không thể biết được. Như vậy, sắc bình đẳng, bồ đề cũng bình đẳng, cho nên ta nói thân cô tức là bồ đề.

Rồi hỏi: Ý cô thế nào?

Thọ, tưởng, hành, thức có thể hiểu, có thể biết không?

Cô gái đáp: Không thể hiểu, không thể biết.

Văn Thù Sư Lợi nói: Bồ đề cũng như vậy, không thể hiểu, không thể biết được. Như vậy, thọ, tưởng, hành, thức đều bình đẳng. Bồ đề cũng bình đẳng.

Cho nên ta nói: Thân cô tức là bồ đề.

Lại hỏi: Ý cô thế nào?

Sắc đấy, có thể nói là ở nơi đây, ở nơi kia, ở trong hay ở ngoài, hoặc ở giữa không?

Có thể nói là màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, trong suốt hay lẫn lộn sắc không?

Cô gái đáp: Không.

Văn Thù Sư Lợi nói: bồ đề cũng như vậy. Không thể nói được. Như vậy, sắc bình đẳng, bồ đề cũng bình đẳng, cho nên, ta nói thân cô tức là bồ đề.

Lại hỏi: Thọ, tưởng, hành, thức có thể nói là ở nơi đây, ở nơi kia, ở trong, ở ngoài hay ở giữa không?

Có thể nói là màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, trong suốt hay đủ thứ màu sắc không?

Cô gái đáp: Không! Cũng như sắc, không thể nói được, cho đến thọ, tưởng, hành, thức, cũng không thể nói được.

Văn Thù Sư Lợi nói: bồ đề cũng như vậy, không thể nói được. Như vậy, thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng, cho nên bồ đề bình đẳng. Vì thế ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, năm ấm như huyễn, thể tánh thì không thật, do điên đảo sinh ra. Bồ đề cũng như huyễn, thể tánh thì không thật, cũng do điên đảo, nên thế tục nói là sinh. Như vậy, hư huyễn bình đẳng, cho nên năm ấm bình đẳng. Hư huyễn bình đẳng cho nên bồ đề bình đẳng. Vì thế ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, năm ấm như mộng, thể tánh không sinh, bồ đề cũng như vậy, thể tánh cũng không sinh. Như vậy, mộng bình đẳng, cho nên năm ấm bình đẳng. Mộng bình đẳng, cho nên bồ đề bình đẳng.

Vì vậy ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, năm ấm như bóng nắng, do nghiệp duyên sinh ra. Bồ đề cũng như sóng nắng, không có nghiệp duyên, không có quả báo. Như vậy, sóng nắng bình đẳng, cho nên năm ấm bình đẳng. Sóng nắng bình đẳng, cho nên bồ đề bình đẳng. Vì vậy ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, năm ấm như hình trong gương, thể tánh hoàn toàn không, không đi, không đến. Bồ đề cũng như vậy, không đi, không đến. Như vậy, ảnh trong gương bình đẳng, cho nên năm ấm bình đẳng. ảnh trong gương bình đẳng, cho nên bồ đề bình đẳng. Vì thế ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, năm ấm chỉ là giả danh. Bồ đề cũng như vậy, chỉ là giả danh. Như vậy, năm ấm bình đẳng, cho nên bồ đề bình đẳng. Thế nên ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, năm ấm không có ai tạo ra, nghĩa là xa lìa người tạo ra. Bồ đề năm ấm không có thể tánh, xa lìa nghĩa thể tánh. Bồ đề năm ấm không sinh, xa lìa nghĩa sinh. Bồ đề năm ấm không thường, xa lìa nghĩa thường. Bồ đề năm ấm không vui, xa lìa nghĩa vui.

Bồ đề năm ấm không trong sạch, xa lìa nghĩa trong sạch. Bồ đề năm ấm không có ngã, xa lìa nghĩa ngã. Bồ đề năm ấm vốn trong sạch, xa lìa nghĩa thanh tịnh.

Bồ đề năm ấm không nắm giữ, xa lìa nghĩa nắm giữ. Bồ đề năm ấm không có nhà, xa lìa nghĩa nhà. Bồ đề năm ấm không đi, không đến, không có nghĩa đi đến. Đó là pháp luận của Thánh Nhân về bồ đề năm ấm. Bồ đề cũng là pháp luận của Thánh Nhân.

Luận pháp hay chẳng luận pháp, thì thể tánh năm ấm vẫn như vậy?

Như Lai hiểu biết tất cả, nên được gọi là bồ đề. Như vậy, thể tánh năm ấm tức là thể tánh bồ đề. Thể tánh bồ đề tức là thế tánh của tất cả Chư Phật. Như trong thân của cô, thể tánh năm ấm, tức là thể tánh của tất cả Chư Phật. Thể tánh Chư Phật tức là thể tánh năm ấm của tất cả chúng sinh. Vì vậy nên ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, hiểu biết năm ấm, gọi là hiểu biết bồ đề.

Vì sao?

Chẳng phải xa lìa năm ấm mà Đức Phật đắc được bồ đề, cũng chẳng phải lìa bồ đề mà Đức Phật giác ngộ được năm ấm. Phương tiện này cho biết, tất cả chúng sinh đều đồng với bồ đề. Bồ đề cũng đồng với tất cả chúng sinh. Cho nên ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, tứ đại pháp phát sinh, đó là giới đất, giới nước, giới lửa và giới gió. Giới đất này, chẳng phải ta, chẳng phải là chúng sinh, chẳng phải là thọ mạng, chẳng phải trượng phu, chẳng phải người. Giới đất bình đẳng là bồ đề, không nắm giữ quá khứ.

Giới nước bình đẳng là bồ đề, nên thể tánh không sinh. Giới lửa bình đẳng là bồ đề, nên thể tánh không thể biết. Giới gió bình đẳng là bồ đề, nên thể tánh không thể thấy.

Như Lai biết được thể tánh của giới đất, cho nên đắc được bồ đề. Như vậy, Như Lai hiểu biết được thể tánh của giới đất, giới nước, giới lửa và giới gió, cho nên đắc được quả bồ đề. Hiểu được tánh đất thì được gọi là bồ đề. Như vậy, nếu có thể hiểu được tánh của nước, lửa và gió… thì được gọi là bồ đề. Vì thế ta nói, thân cô tức là bồ đề.

Lại nữa, giới đất không biết đến nước, giới nước không biết đến lửa, giới lửa không biết đến gió. Như vậy, các giới không có tên gọi, không thể nói, thì gọi là bồ đề. Thế nên ta nói, thân cô tức bồ đề.

Lại nữa, thân cô, pháp của mắt có sinh không?

Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý có sinh không?

Này cô em! Trong cô đây nhãn không, thể tánh của nhãn cũng không, tức là bồ đề. Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không. Thể tánh của ý không, tức là bồ đề.

Lại nữa, nếu thể tánh của nhãn không, thì sắc không thể nói, thể tánh của sắc không tức là bồ đề.

Như vậy, thể tánh của nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý: Không, thì tất cả pháp không thể nói. Thể tánh pháp không, tức là bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần