Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Một - Phẩm địa Cực Hỷ - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẨM MỘT
PHẨM ĐỊA CỰC HỶ
TẬP BA
Các Phật Tử! Bồ Tát ở địa thứ nhất phát những thệ nguyện lớn, những dũng mãnh lớn, những xa lìa lớn như vậy. Bồ Tát trụ ở địa cực hỷ này, coi mười nguyện lớn là điều cốt yếu, để phát khởi vô số hạnh nguyện. Những nguyện lớn này được phát sinh từ mười pháp cùng tận.
Mười pháp cùng tận đó là gì?
Cõi chúng sinh tận, Thế Giới tận, hư không tận, pháp giới tận, cảnh giới Niết Bàn tận, cảnh giới Phật tận, nhập cảnh giới trí tuệ của Phật tận, cảnh của đối tượng duyên tận, trí nhập hạnh Phật tận, trí thuyết pháp ở thế gian tận.
Nếu cõi chúng sinh cùng tận thì nguyện này mới cùng tận… nhưng cõi chúng sinh không cùng tận nên căn lành nơi thệ nguyện này cũng không cùng tận cho đến trí thuyết pháp không cùng tận nên căn lành cũng không cùng tận.
Lại nữa, Bồ Tát đã phát mười nguyện lớn. Đạt được tâm gắng sức thọ nhận, dịu dàng, hòa nhã. Thành tựu được lòng tin thanh tịnh, tin Chư Phật xưa luôn hội nhập các hành, tu chứng các địa thù thắng, thành tựu oai lực, vô sở úy, pháp bất cộng cao tột và pháp tánh không thể nghĩ bàn của Phật.
Cảnh giới của Như Lai sâu xa khó lường, tùy thuận thâm nhập hạnh quả của Phật. Nói tóm lại, phải tin chánh hạnh của tất cả các Bồ Tát, cho đến thông hiểu sự gìn giữ Phật địa.
Bồ Tát lại nghĩ rằng: Pháp của Chư Phật sâu xa, thanh tịnh, vắng lặng như vậy. Tánh rỗng lặng, không tướng, không nguyện, không giới hạn, bao la rộng lớn, khó chứng đạt.
Chúng sinh vì luôn sống trong tà kiến, bị vô minh ngu tối trói buộc ý thức, tâm kiêu mạn cao ngạo tính toán, khát ái trùm phủ tâm ý tìm cầu, chạy theo dua nịnh ý vui thích nơi phiền não, do tham lam keo kiệt, nên mãi mãi thọ sinh. Do tham, sân, si được tích tập, sân hận luôn thiêu đốt tâm, tạo nghiệp điên đảo.
Vì hạt giống dục, hữu, vô minh hữu lậu trói buộc tâm ý, ý thức tạo mầm cho ba cõi. Tức là có danh sắc tương tục, danh sắc tăng trưởng thành sáu nhập, sáu nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ phát triển nên có ái, từ ái có thủ, thủ tăng trưởng có hữu, có sinh già chết ưu sầu, khổ uẩn của chúng sinh cứ thế phát sinh.
Nó không có ngã, ngã sở, không thật, hư giả, trống không, không tác dụng, tăm tối không động, tựa như cỏ cây, như bóng hiện. Nhưng chúng sinh không hề hay biết. Bồ Tát thấy chúng sinh vì khổ uẩn nên không được giải thoát. Vì muốn dứt trừ khổ uẩn của chúng sinh nên Bồ Tát phát tâm bi lớn. Vì muốn chúng sinh trụ trong Niết Bàn an lạc rốt ráo nên phát tâm từ lớn.
Lại nữa, các Phật Tử! Bồ Tát trụ nơi địa thứ nhất, tùy thuận đại từ bi, tăng trưởng ý chí, làm việc tâm không tham tiếc, dùng tuệ lực mong cầu trí vi diệu của Phật quyết tu pháp xả lớn, phàm cái gì mình có đều đem cho hết.
Nghĩa là Bồ Tát các vật như tiền tài, lúa gạo, vàng bạc, ma ni, châu báu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não, các thứ vật báu trang sức, vườn quán, nhà cửa, sông suối, tôi tớ, đất nước, xóm làng, ngôi Vua, vợ con, đầu, mắt, tay, chân, thân thể đáng yêu, đều đem bố thí tất cả mà không tham tiếc. Vì cầu trí tuệ vi diệu của Phật nên tu bố thí. Đó là sự thành tựu đại xả của Bồ Tát ở địa thứ nhất.
Bồ Tát đã thành tựu pháp từ bi lớn, bố thí lớn lại vì muốn độ chúng sinh, nên luôn làm việc lợi ích cho thế gian và xuất thế gian. Khi tâm cầu không mỏi mệt thì đạt tánh không mỏi mệt. Không mỏi mệt nghĩa là không khiếp sợ trước những những việc luận nghị.
Bồ Tát này thành tựu, thông hiểu các luận nghị. Với những luận nghị đó, Bồ Tát biết cái nào nên, cái nào không nên. Suy xét kỹ, trí kém vừa hơn, có ở trong chúng sinh để tùy thuận tu hành chánh hạnh, thành tựu thế trí.
Đã đạt Thế trí rồi thì tùy thời gian, tùy phân lượng mà tu hành, trang sức bằng tâm hổ thẹn, liên tục siêng hành lợi mình, lợi người, nên Bồ Tát thành tựu hổ thẹn. Từ đó Bồ Tát vượt lên đạt sức bền vững, tánh không lay động, kiên trì nên phát sinh tánh lực kiên trì.
Đạt tánh lực kiên trì rồi, Bồ Tát phụng sự, cúng dường Chư Phật và tu hành chân chánh trong giáo Phật Pháp. Do đó Bồ Tát thành tựu mười pháp thanh tịnh trụ địa.
Tức là, lòng tin thanh tịnh, từ bi, trí tuệ, bố thí không chán mệt, thông hiểu luận nghị, biết rõ thế gian, trang sức bằng hổ thẹn, tánh lực kiên trì, cúng dường Chư Phật. Bồ Tát trụ nơi địa cực hỷ, nhờ sự hiểu biết và nguyện lực rộng lớn, nên thấy được trăm ngàn, vô số A tăng kỳ Phật.
Thấy hết rồi, Bồ Tát dùng tâm rộng lớn, cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường các thứ y phục, thức ăn, đồ ngồi, nằm, thuốc men, mọi vật cần dùng. Bồ Tát vui vẻ cung kính tăng chúng, hồi hướng căn lành lên đạo Vô Thượng Bồ Đề. Nhờ cúng dường Chư Phật, Bồ Tát thành tựu phương tiện độ sinh, hóa độ chúng sinh bằng ái ngữ, bố thí.
Sau lại thông đạt cả hai nhiếp pháp, luôn tu hành bằng trí hiểu biết. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát tu nhiều về Thí Ba la mật, những Ba la mật khác thì tùy sức, tùy phần mà tu tập. Bồ Tát cúng dường Chư Phật đúng pháp, tu tập hạnh độ sinh, thọ trì thực hành pháp thanh tịnh nơi các địa, hồi hướng căn lành về nhất thiết trí, dần dần được thanh tịnh an ổn, hữu dụng.
Này Phật Tử! Ví như thợ vàng nung quặng ở trong lửa, càng tôi luyện, vàng càng sáng đẹp.
Phật Tử nên biết! Bồ Tát cũng thế! Cúng dường Chư Phật, tu tập hạnh độ sinh, thọ trì thực hành pháp thanh tịnh nơi các địa, hồi hướng căn lành về nhất thiết trí, thanh tịnh an ổn, hữu dụng càng được nhiều hơn.
Lại nữa, các Phật Tử! Bồ Tát trụ ở địa Cực hỷ, phải theo Phật, Bồ Tát và bạn lành tri thức để học hỏi về hành tướng và sự chứng đắc đẳng lưu của địa thứ nhất mà không cho là đủ chán cho đến địa thứ mười cũng vậy.
Bồ Tát phải tu tập theo các phương tiện khéo léo về cách đối trị, về sự thành hoại, về chứng đắc, về thanh tịnh, về an ổn, về thù thắng, về không thoái chuyển của các địa. Đã làm thanh tịnh các địa của Bồ Tát rồi thì phải tu tập theo các phương tiện khéo về sự thâm nhập trí địa của Như Lai.
Các Phật Tử! Bồ Tát phát khởi những phương tiện khéo léo về hành tướng của các địa, bắt đầu từ địa thứ nhất tiến mãi đến địa thứ mười. Nhờ trí sáng suốt của các địa mà đạt trí sáng của Phật.
Phật Tử! Ví như nhà buôn tài giỏi, khôn khéo dắt những thương buôn khác đến thành phố lớn. Trước lúc ra đi, phải hỏi biết sự thuận lợi, trắc trở trên đường đi, những hành trang nên mang theo. Tuy chưa đi nhưng đã thông tỏ tất cả, như vậy mới có thể đến được thành phố lớn. Thương chủ này, dùng trí khôn suy xét, tính toán, cùng các thương buôn qua những nơi nguy hiểm vắng vẻ, sẽ không hề bị tai nạn, an ổn đến thành phố lớn.
Phật Tử! Trí tuệ phương tiện của Bồ Tát này cũng như thế. Thông đạt tất cả pháp đối trị, các hành tướng đẳng lưu, vận chuyển, an ổn, thù thắng, không thoái chuyển, chỗ thanh tịnh của các địa cho đến trí địa của Như Lai rồi, lúc này Bồ Tát nên thọ trì hành trang Thánh đạo, phước đức thù thắng rộng lớn, trí tuệ bền vững, dẫn dắt vô số kẻ buôn là chúng sinh, đến thành lớn nhất thiết trí.
Lúc chưa ra đi, thì đến chỗ Chư Phật, Bồ Tát và bạn để hỏi rõ công đức Thánh giả đạo của các địa và sự thuận lợi, trắc trở trên đường đi, chuẩn bị hành trang Thánh đạo, phước trí rộng lớn. Tuy chưa đi, nhưng đã thông đạt như thế, mới có thể đến được thành lớn nhất thiết trí.
Nhờ dùng trí tuệ, suy xét đầy đủ hành trang Thánh đạo, nên đưa được số chúng sinh, những nhà buôn lớn, đi qua đường hiểm sinh tử mà cả mình lẫn người đều an ổn, đều đến thành trí nhất thiết trí.
Phật Tử! Vì thế các Bồ Tát nên siêng năng tu tập làm trang nghiêm các địa. Phật Tử, đó là lược nói về pháp môn nhập địa cực hỷ thứ nhất của Bồ Tát. Bồ Tát trụ ở địa này, khi thọ sinh thường làm Vua nơi Thiệm Bộ Châu, đầy uy lực lớn, luôn hộ trì chánh pháp, an ủi thâu giữ chúng sinh bằng pháp bố thí. Dùng phương tiện khéo léo làm cho chúng sinh trừ bỏ tham lam bỏn sẻn, biết bố thí.
Làm mọi việc như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều không rời niệm Phật, Pháp, Tăng, Bồ Tát, hạnh Bồ Tát, giải thoát, các trụ địa, pháp không sợ, pháp Bất cộng của Phật, cho đến không rời hành tướng thắng diệu tương ưng với trí nhất thiết trí.
Lại nguyện: Ở chúng sinh, ta luôn là người đứng đầu, thù thắng, vi diệu, vô thượng. Là người dẫn đường. Là tướng soái. Cho đến nguyện chỗ làm nương tựa để đạt trí nhất thiết trí. Nếu siêng năng vui vẻ phát khởi như vậy, bỏ gia nghiệp thế tục, nương tựa Phật Pháp.
Phát khởi lòng tin thanh tịnh, xuất gia, thì chẳng bao lâu đạt trăm pháp tam muội của Bồ Tát, gặp trăm Đức Phật, được Chư Phật gia hộ, thông hiểu tất cả, làm chuyển động trăm Thế Giới, đi khắp trăm cõi nước, soi chiếu trăm cảnh giới, thành tựu trăm loại chúng sinh, sống trăm kiếp, trước sau đều vào trong trăm kiếp, suy xét rõ trăm pháp, thị hiện trăm thân, mỗi thân hiện trăm Bồ Tát bạn làm quyến thuộc vây quanh.
Nhờ nguyện lực thù thắng, nên mọi việc đi lại, thần thông, ánh sáng, thân tướng, mắt, cảnh giới, âm thanh, hành động, sự trang nghiêm, hiểu biết, gìn giữ, tạo tác dù trải qua trăm ngàn câu chi kiếp cũng không thể nói hết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bản Nguyện Công đức - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số mười Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bảy - Phẩm Bảo Tích - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Nan Sở Vấn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tín Nữ Hằng Kiệt