Phật Thuyết Kinh Thập Vãng Sanh A Di đà Phật Quốc

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT 

KINH THẬP VÃNG SANH

A DI ĐÀ PHẬT QUỐC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

Tôi nghe như thế này!

Một thời Đức Phật ngự tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một vạn hai ngàn người, đều là đại A La Hán, là những vị được mọi người hay biết, tên các Ngài là: Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha A Na Luật Đà, những vị như vậy đều làm Thượng Thủ.

Lại cùng vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng hội, hết thảy đều trụ địa vị bất thoái chuyển, trang nghiêm bằng vô lượng công đức, tên các Ngài là: Diệu Cát Tường Bồ Tát, Vô Năng Thắng Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, các vị Đại Bồ Tát như vậy làm Thượng Thủ.

Lại có Thích Đề Hoàn Nhân, chủ Thế Giới Kham Nhẫn: Đại Phạm Thiên Vương, Tứ Đại Thiên Vương, trăm ngàn câu chi na dữu đa các vị Thiên Tử Thượng Thủ như vậy và A Tố Lạc v.v… vì nghe pháp nên thảy đều đến dự. Ai nấy lễ dưới chân Phật, lui ra ngồi qua một bên.

Lúc bấy giờ, A Nan bạch Phật rằng: Thế Tôn từ khi Thành Đạo đến nay, trong các pháp để giải thoát hết thảy chúng sanh được phu diễn rộng rãi trong Kinh Điển đại thừa. Ngài tuyên nói Pháp Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vi diệu tối thắng, thanh tịnh trang nghiêm, bổn thệ nguyện sâu nặng, công đức chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà, hết thảy chúng sanh vãng sanh Cực Lạc Thế Giới.

Chúng con lắng nghe, tin nhận, tu hành, chưa nghe pháp quán thân, sự ấy như thế nào?

Kính xin Phật giảng cho.

Phật bảo A Nan: Phàm pháp quán thân chẳng quán Đông Tây, chẳng quán Nam Bắc, chẳng quán bốn phương bàng, trên dưới, chẳng quán hư không, chẳng quán ngoại duyên, chẳng quán nội duyên, chẳng quán thân sắc, chẳng quán sắc thanh, chẳng quán sắc tượng, chỉ quán vô duyên.

Đấy là pháp quán thân chân chánh, trừ cách quán thân này ra, tìm cầu kỹ khắp mười phương, nơi nơi chốn chốn, chẳng còn pháp nào khác để được giải thoát.

Phật lại bảo A Nan: Chỉ tự quán thân, thiện lực tự nhiên, chánh niệm tự nhiên, giải thoát tự nhiên, vì sao thế?

Ví như có người tinh tấn trực tâm, được giải thoát chân chánh, người như thế chẳng cầu giải thoát mà giải thoát tự đến.

A Nan lại bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng sanh trong thế gian nếu có chánh niệm giải thoát như thế, sẽ chẳng có hết thảy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ba đường ác.

Phật bảo A Nan: Chúng sanh trong thế gian chẳng được giải thoát là vì sao?

Hết thảy chúng sanh đều do giả nhiều, thật ít, không có lấy một chánh niệm. Do nhân duyên ấy địa ngục thì nhiều, giải thoát thì ít. Ví như có kẻ đối với cha mẹ mình và với sư, tăng, bề ngoài ra vẻ hiếu thuận, trong lòng bất hiếu, ngoài hiện vẻ tinh tấn, trong lòng chẳng thật. Kẻ ác như thế, báo tuy chưa đến, tam đồ chẳng xa, không có chánh niệm, chẳng được giải thoát.

A Nan lại bạch Phật rằng: Nếu là như vậy, nên tu thiện căn nào để được chánh giải thoát?

Phật bảo A Nan: Nay ông nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông, có mười pháp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới hòng được giải thoát.

Thế nào là mười?

Một là quán thân chánh niệm, thường đem lòng hoan hỷ, dùng thức ăn, y phục thí Phật và Tăng, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Hai là chánh niệm, dùng thuốc Cam Lộ tốt lành, thí cho một vị Tỳ Kheo mắc bệnh và hết thảy, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Ba là chánh niệm, chẳng hại một sanh mạng, từ bi đối với hết thảy, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Bốn là chánh niệm, từ nơi thầy thọ giới, tịnh huệ tu phạm hạnh, thường ôm lòng hoan hỷ, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Năm là chánh niệm, hiếu thuận cha mẹ, kính thờ Sư Trưởng, chẳng khởi tâm kiêu mạn, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Sáu là chánh niệm, đi đến Tăng phường, cung kính Chùa Tháp, nghe pháp hiểu một nghĩa, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Bảy là chánh niệm, trong một ngày một đêm, thọ trì Bát Trai giới, chẳng phá điều nào, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Tám là chánh niệm, nếu có thể trong tháng chay hoặc trong ngày chay, xa lìa nhà cửa, thường đến chỗ thầy lành, vãng sanh Cõi Phật A Di Đà. Chín là chánh niệm, thường có thể giữ giới trong sạch, siêng tu Thiền Định, Hộ Pháp, chẳng ác khẩu. Nếu có thể làm được như thế sẽ vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Mười là chánh niệm, nếu đối với đạo vô thượng, chẳng khởi tâm phỉ báng, tinh tấn trì tịnh giới, lại dạy kẻ vô trí, lưu truyền Kinh Pháp này, giáo hóa vô lượng chúng sanh, những người như thế thảy đều được vãng sanh Cõi Phật A Di Đà. Lúc bấy giờ, mười phương Thế Giới chấn động sáu cách, trời mưa hoa quý đẹp, hết thảy các Bồ Tát trong mười phương Cõi Phật đều nhóm đến trong hội này, một lòng nghe pháp.

Trong đại hội có một vị Bồ Tát, tên là Sơn Hải Huệ, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Cõi Phật A Di Đà kia có những sự vui mầu nhiệm thù thắng gì mà hết thảy chúng sanh đều nguyện vãng sanh cõi ấy?

Phật bảo Sơn Hải Huệ Bồ Tát: Nay ông nên đứng dậy chắp tay, đứng ngay ngắn hướng về Tây, chánh niệm quán Cõi Phật A Di Đà, nguyện được thấy Phật A Di Đà.

Lúc bấy giờ, hết thảy đại chúng, cũng đều đứng dậy chắp tay, cùng quán A Di Đà Phật. Lúc đó, A Di Đà Phật hiện đại thần thông, phóng quang minh lớn, chiếu thân Sơn Hải Huệ Bồ Tát.

Lúc ấy, các vị như Sơn Hải Huệ Bồ Tát v.v… liền thấy tất cả những sự trang nghiêm diệu hảo trong cõi nước Phật A Di Đà thảy đều bằng bảy báu: Núi bảy báu, Tháp bảy báu, nhà cửa bảy báu, lầu gác bảy báu. Nước, chim, rừng cây thường thốt ra Pháp Âm. Cây Đạo Tràng trong cõi nước ấy cao bốn mươi vạn do tuần, dưới cây có Tòa Sư Tử cao năm trăm do tuần, A Di Đà Phật ngày ngày thường chuyển pháp luân.

Nhân dân cõi ấy chẳng tu tập việc bên ngoài, chỉ chân chánh tu tập việc bên trong: Miệng nói lời Phương Đẳng, tai nghe tiếng Phương Đẳng, tâm hiểu nghĩa Phương Đẳng.

Lúc bấy giờ, Sơn Hải Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con nay trông thấy lợi ích thắng diệu chẳng thể nghĩ bàn nơi cõi ấy, con nay nguyện hết thảy chúng sanh đều được vãng sanh, rồi sau đấy chúng con cũng nguyện sanh về cõi ấy.

Phật thọ ký rằng: Chánh quán, chánh niệm, đắc chánh giải thoát, thảy đều sanh về đó.

Phật bảo Sơn Hải Huệ Bồ Tát: Ông nay muốn độ hết thảy chúng sanh thì phải nên thọ trì Kinh này.

Phật bảo đại chúng: Sau khi ta diệt độ, thọ trì Kinh này trong tám vạn kiếp rộng tuyên nói, lưu truyền, đến thời ngàn Đức Phật trong hiền kiếp, khiến khắp các chúng sanh nghe biết, tin ưa tu hành. Kẻ nói, kẻ nghe đều được vãng sanh Cõi Phật A Di Đà.

Nếu có những kẻ như thế, ta từ hôm nay trở đi, thường sai hai mươi lăm vị Bồ Tát hộ trì người ấy, thường khiến cho người ấy không bệnh, không khổ, dù là người hay phi nhân đều chẳng thừa dịp làm hại được, đi, đứng, nằm, ngồi, bất luận là ngày hay đêm, thường được an ổn.

Nếu có chúng sanh tin tưởng sâu xa Kinh này, niệm A Di Đà Phật, nguyện vãng sanh thì Đức Phật A Di Đà trong Thế Giới Cực Lạc kia bèn sai:

Quán Thế Âm Bồ Tát.

Đại Thế Chí Bồ Tát.

Dược Vương Bồ Tát.

Dược Thượng Bồ Tát.

Phổ Hiền Bồ Tát.

Pháp Tự Tại Bồ Tát.

Sư Tử Hống Bồ Tát.

Đà La Ni Bồ Tát.

Hư Không Tạng Bồ Tát.

Đức Tạng Bồ Tát.

Bảo Tạng Bồ Tát.

Kim Tạng Bồ Tát.

Kim Cang Bồ Tát.

Sơn Hải Huệ Bồ Tát.

Quang Minh Vương Bồ Tát.

Hoa Nghiêm Vương Bồ Tát.

Chúng Bảo Vương Bồ Tát.

Nguyệt Quang Vương Bồ Tát.

Nhật Chiếu Vương Bồ Tát.

Tam Muội Vương Bồ Tát.

Tự Tại Vương Bồ Tát.

Đại Tự Tại Vương Bồ Tát.

Bạch Tượng Vương Bồ Tát.

Đại Oai Đức Vương Bồ Tát.

Vô Biên Thân Bồ Tát.

Hai mươi lăm Bồ Tát ấy ủng hộ hành giả, dù đi hay đứng, dù nằm hay ngồi, dù ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy nơi, chẳng cho ác quỷ, ác thần được thừa dịp làm hại.

Phật lại bảo Sơn Hải Huệ: Kinh này tên là Độ A Di Đà Phật Sắc Thân Chánh Niệm Giải Thoát Tam Muội Kinh, Kinh thấy sắc thân A Di Đà Phật, chánh niệm giải thoát Tam Muội.

Còn tên là Độ Chư Hữu Lưu Sanh Tử Bát Nạn Hữu Duyên Chúng Sanh Kinh, Kinh cứu độ các chúng sanh hữu duyên trong các cõi sanh tử và tám chỗ nạn, thọ trì như thế.

Chúng sanh chưa có duyên Niệm Phật Tam Muội thì Kinh này có thể mở cửa đại tam muội, có thể đóng cửa địa ngục cho chúng sanh, Kinh này có thể trừ sạch những kẻ hại, ác quỷ cho chúng sanh, bốn hướng thảy đều an ổn.

Phật bảo Sơn Hải Huệ: Như ta vừa nói, nghĩa ấy như thế.

Sơn Hải Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con nay đảnh thọ Kinh cao quý, chẳng dám nghi ngờ.

Nhưng trong đời này và đời mai sau, có các chúng sanh hay sanh phỉ báng, chẳng tin Kinh này, những kẻ như thế sau này sẽ ra sao?

Phật bảo Sơn Hải Huệ Bồ Tát: Sau này trong Diêm Phù Đề, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hoặc nam, hoặc nữ, thấy có kẻ đọc tụng Kinh này mà nếu như nóng giận, ôm lòng phỉ báng.

Do vì báng chánh pháp, nơi thân hiện tại của người ấy bị các bệnh nặng dữ, thân căn chẳng đủ, hoặc là bệnh điếc, bệnh lòa, bện h câm, bệnh ngọng, bệnh thất âm, quỷ mị, tà cuồng, bệnh phong, bệnh rét, sốt, trĩ, thủy thũng, mất trí, các bệnh nặng dữ như thế, đời đời mắc phải.

Chịu khổ như thế, ngồi nằm chẳng yên, đại tiện tiểu tiện cũng đều chẳng thông, cầu sống chẳng được, cầu chết không xong. Hoặc đến khi chết đi, đọa vào địa ngục, trong tám vạn kiếp, chịu khổ não lớn, trăm ngàn vạn đời, chưa từng nghe đến tên thức ăn, nước uống, mãi lâu sau mới được ra, sanh vào nhân gian, làm trâu, ngựa, heo, dê, bị người giết hại, chịu đại khổ não.

Sau mới được làm người, thường sanh nhà hạ tiện, trăm ngàn vạn đời chẳng được tự tại, mãi chẳng được nghe danh hiệu Tam Bảo. Vì báng Kinh này nên chịu khổ như thế. Bởi thế, với kẻ vô trí, đừng nói Kinh này. Với người chánh quán, chánh niệm, với người như thế mới nên nói cho. Những ai chẳng kính Kinh này đọa trong địa ngục.

Những ai kính trọng được chánh giải thoát, vãng sanh nước Phật A Di Đà. Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, thiện nam tử, thiện nữ nhân, chánh tín Kinh này, ưa thích Kinh này, khuyên lơn, chỉ dạy chúng sanh, người nói kẻ nghe thảy đều vãng sanh Cõi nước Phật A Di Đà.

Vì thế, kẻ có lòng tin, sau khi ta diệt độ, trì Kinh Pháp này, Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp trong đời trược ác, rộng tuyên truyền lưu thông, người ấy chính thật là đệ tử ta, ngay trong thân này đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan, các đại Thanh Văn, và các Tỳ Kheo, Bồ Tát Ma Ha Tát, hết thảy thế gian: Trời, Người, A Tu La v.v… nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ lớn, tin nhận, phụng hành. 

Phật Thuyết Thập Vãng Sanh A Di Đà Phật Quốc Kinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần